New Don Vi & Giang Vien
 Search

Chia sẻ tri thức Việt – Nhật: Lớp học giao lưu giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Kinh doanh & Quản lý Hiroshima

Ngày 5/11/2024 vừa qua, buổi học đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Kinh doanh & Quản lý Hiroshima đã diễn ra, tạo cơ hội giao lưu và trao đổi kiến thức giữa sinh viên, học viên và giảng viên của cả hai trường. Đây là buổi học thuộc học phần Nguyên lý Marketing do Viện Quản trị Kinh doanh phụ trách, đánh dấu bước tiến nữa trong việc tăng cường hợp tác quốc tế của Viện Quản trị Kinh doanh UEB - SBA. 


Giảng viên, học viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Kinh doanh & Quản lý Hiroshima tham gia lớp học

Mở đầu buổi học, ThS. Hoàng Trọng Trường – Giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, UEB-SBA đã trình bày các xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và những cơ hội marketing dành cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Về khía cạnh kinh tế, Việt Nam có quy mô GDP đạt 433 tỷ USD vào năm 2023, xếp thứ 35 toàn cầu và đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, GDP bình quân vẫn còn thấp, chỉ khoảng 4.300 USD. Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 19% từ năm 2022-2023, đóng góp 16,5% vào GDP, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán số. Xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuỗi cung ứng diễn ra mạnh mẽ vừa là cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sản xuất, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng vừa là thách thức đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, con người và quy trình kinh doanh.

Về khía cạnh xã hội, Việt Nam đang trải qua quá trình già hóa dân số đáng lo ngại. Điều này tạo áp lực lên hệ thống y tế và an sinh xã hội nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội kinh doanh đối với các loại hàng hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi. Bên cạnh đó, nhận thức về tiêu dùng bền vững của người Việt Nam cũng ngày càng gia tăng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển sản phẩm bền vững, xây dựng thương hiệu xanh và áp dụng quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm mục đích cân bằng giữa giá trị kinh tế và lợi ích đối với cộng đồng.

ThS. Hoàng Trọng Trường chia sẻ với giảng viên,  học viên Trường Kinh doanh & Quản lý Hiroshima và của Viện Quản trị Kinh doanh

Tiếp tục buổi học, Giáo sư Katsue Edo - Đại diện cho phía đối tác Nhật Bản đã chia sẻ với sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN những thông tin thú vị về quá trình phát triển của các thương hiệu toàn cầu đến từ Nhật Bản. Các thương hiệu của Nhật Bản thâm nhập vào thị trường phương Tây từ những năm 1960, với sản phẩm xuất khẩu ban đầu như sợi và kim loại. Đến những năm 1970-1980, các thương hiệu của Nhật Bản ngày càng trở nên phổ biến với các sản phẩm lâu bền như ô tô và đồ điện tử gia dụng. Kể từ năm 2010, Nhật Bản tập trung dịch chuyển sản xuất sang và mở rộng thị trường tiêu thụ sang các quốc gia Châu Á. Hiện tại, quốc gia này có nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Toyota, Honda, Sony, Nissan, Nintendo, và Panasonic. Với sự suy giảm kinh tế, dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp, Nhật Bản đang đối diện nhiều thách thức nhưng cũng mở ra các cơ hội marketing đặc biệt cho những thương hiệu tập trung vào thị trường ngách, đáp ứng nhu cầu riêng của thị trường cao tuổi và cung cấp những giá trị trải nghiệm lâu dài.

GS. Katsue Edo trình bày về quá trình phát triển các thương hiệu vươn tầm toàn cầu của Nhật Bản

Chủ đề trình bày của giáo sư Katsue Edo đã nhận được nhiều sự quan tâm của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Những câu hỏi thú vị như “các phương thức marketing phù hợp với bối cảnh văn hóa độc đáo của thị trường Nhật Bản, nơi người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm và thương hiệu nội địa nhờ tính phù hợp văn hóa và độ tin cậy cao”, “cách các thương hiệu nước ngoài có thể xây dựng chiến lược để vượt qua rào cản văn hóa, tạo sự kết nối và đạt được sự tín nhiệm của người tiêu dùng Nhật Bản” đã được đặt ra cho diễn giả.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đặt câu hỏi với diễn giả trong buổi học

Buổi học cũng khơi dậy kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong mối quan hệ hợp tác và trao đổi học thuật giữa hai trường. Giảng viên, học viên và sinh viên hai trường đều nhìn thấy tiềm năng từ việc mở rộng hợp tác, không chỉ ở các buổi giao lưu kiến thức mà còn trong các chương trình nghiên cứu và dự án chung, giúp hai bên hiểu sâu hơn về bối cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi quốc gia. Điều này không chỉ giúp người học sẵn sàng hơn cho thị trường lao động quốc tế mà còn tăng cường kết nối học thuật và văn hóa giữa hai quốc gia, góp phần vào sự phát triển của cả hai bên.

Giảng viên, học viên và sinh viên hai trường chụp ảnh lưu niệm kết thúc buổi học

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn chú trọng mở rộng cơ hội học hỏi và trải nghiệm quốc tế cho sinh viên trên con đường tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu về kinh tế tại Việt Nam. Việc liên tục tổ chức các lớp học giao lưu chia sẻ học thuật với nhiều trường đại học trên thế giới là minh chứng cho khả năng hội nhập và phát triển quốc tế của nhà trường đồng thời góp phần nâng cao uy tín của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu.


ThS. Hoàng Trọng Trường - Viện Quản trị Kinh doanh; Biên tập: Anh Thư - UEB Media

FullName Email
Address Security code MRSJNN
Content

Other News