New Don Vi & Giang Vien
 Search

SERIES THEO DẤU CHÂN UEBers (Phần 6): Những bước chân không mỏi của sinh viên ngành Kinh tế quốc tế trên hành trình theo đuổi ước mơ

“Điều chúng ta biết là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả một đại dương” - khối kiến thức ngành Kinh tế quốc tế rộng lớn cùng sự phát triển nhanh chóng của ngành nghề mới trên thị trường lao động đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức với nguồn nhân lực trẻ. Làm sao để tốt nghiệp ra trường có một công việc đúng ngành học, đúng đam mê, mơ ước là câu hỏi của rất nhiều sinh viên và các bạn học sinh chuẩn bị chọn trường, chọn ngành học đại học. Cùng gặp gỡ 3 cựu sinh viên xuất sắc ngành Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN để tìm được lời giải đáp nhé!


Trong những năm qua, ngành Kinh tế quốc tế luôn là một trong những ngành học được các sĩ tử theo đuổi đam mê lĩnh vực kinh tế “săn lùng” và đặt ngôi sao hy vọng bởi độ “hot” cũng như cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Với 3 cựu sinh viên: Nguyễn Thị Oanh (QH2013E KTQT), Nguyễn Thị Thoan (QH2019E KTQT) và Hoàng Xuân Trường (QH2019E KTQT) cũng vì thế mà chọn theo đuổi ngành học này. Có những khó khăn nhưng những bước chân không biết mỏi mệt đã luôn nỗ lực, cố gắng, từng bước vượt qua thử thách để chinh phục mục tiêu công việc mơ ước.

Chặng 1 - Trên đường băng

Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với chính sách mở cửa, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại mà biểu hiện cụ thể là việc Việt Nam tham gia WTO, AEC ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây như UV FTA, RCEP, UK VFTA… đã góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư quốc tế của Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Trước tình hình đó, Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (đơn vị quản lý và đào tạo ngành Kinh tế quốc tế) bên cạnh việc trang bị kiến thức chung về ngành cho sinh viên còn tập trung định hướng và đào tạo 3 chuyên ngành chuyên sâu: Thương mại quốc tế; Kinh doanh quốc tế; Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu để sinh viên có cơ hội được học và tiếp cận sâu hơn với kiến thức chuyên sâu, giúp các em có những định hướng chi tiết về ngành nghề đi làm trong tương lai.

Dù UEB và ngành Kinh tế quốc tế đều chưa phải lựa chọn đầu tiên của bản thân khi xét tuyển đại học, nhưng cựu sinh viên Nguyễn Thị Oanh luôn “cảm thấy may mắn vì đã có mối duyên lành với ngành học thú vị này”. Oanh chia sẻ: “Được học ở UEB là một trong những bước ngoặt may mắn nhất của cuộc đời mình. Mình trượt nguyện vọng 1 khi thi vào Học viện Cảnh sát và may mắn đỗ nguyện vọng 2 ngành Kinh tế Phát triển của UEB. Tuy nhiên, lúc đó mình nhận ra bản thân mong muốn được trải nghiệm, học tập và sau này làm việc trong môi trường kinh tế quốc tế năng động, nên khi có cơ hội thi chuyển ngành, mình đã cố gắng hoàn thành mục tiêu đầu tiên - trở thành sinh viên ngành Kinh tế quốc tế.”

Khác với bạn Oanh, 2 cựu sinh viên viên K64 - Thoan và Trường đều định hướng chọn trường, chọn ngành học từ trước nên đã xác định mục tiêu khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. “Mình được một người chị khóa trên tư vấn đăng ký học tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN bởi cơ hội trở thành công dân toàn cầu và học tập trong môi trường quốc tế hóa, có nhiều hoạt động trao đổi sinh viên trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, mình chọn ngành Kinh tế quốc tế bởi đây là một ngành “hot” cùng chương trình đào tạo với nhiều môn học phong phú, mình tin điều này sẽ giúp mình có thêm lựa chọn cho công việc tương lai.” - Thoan tâm sự.

Chặng 2 - Vượt qua những “con sóng” trong hành trình chinh phục

Ngành học gắn với từ “quốc tế” chắc chắn đòi hỏi yêu cầu cao về ngoại ngữ. Đây cũng là một trong những rào cản của rất nhiều thí sinh và với cựu sinh viên Nguyễn Thị Oanh cũng không ngoại lệ. “Con sóng” đầu tiên trong hành trình chinh phục của chị Oanh bắt đầu khi quyết định chọn ngành Kinh tế quốc tế và phải trải qua kỳ thi đầu vào ngoại ngữ. “Xuất phát điểm là dân khối A00, ở huyện vùng xa của tỉnh lên Hà Nội học, Tiếng Anh của mình khi đó không tốt, thậm chí mình còn không biết IELTS là gì nữa. Nhưng nhờ quyết tâm thi đỗ ngành học mơ ước, mình đã cố gắng rất nhiều để tự học tại nhà kết hợp với học ngoại ngữ trên trường. Khi đã đạt mục tiêu, mình tiếp tục đối mặt với chương trình học, thi và thuyết trình phần lớn bằng tiếng Anh nên càng phải cố gắng trau dồi để có thể tiếp thu kiến thức và đạt kết quả học tập tốt.” - CSV Oanh nhớ lại.

Gắn với quốc tế hóa, các lớp học UEB - FIBE (ngành Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) thường xuyên xuất hiện những “vị khách” là giảng viên các trường đại học lớn trên khắp thế giới. Tại các lớp học này, sinh viên không chỉ được học kiến thức thực tế qua những case study thú vị của giảng viên quốc tế, hiểu sâu hơn về thị trường kinh tế tại nhiều khu vực mà còn được giao lưu trực tiếp với giảng viên, giúp các em phát triển tư duy, đặt vấn đề và cũng là cơ hội để trau dồi vốn ngoại ngữ cho bản thân.

Không khó để bắt gặp các “guest speaker” trong các lớp học tại UEB - FIBE

Bên cạnh đó, mỗi năm, UEB - FIBE cũng đón nhiều đoàn sinh viên quốc tế đến trao đổi học tập, mở rộng cơ hội cho sinh viên kết nối bạn bè, gia tăng trải nghiệm, học hỏi kiến thức, văn hoá của các quốc gia khác nhau.

Tháng 11 năm 2023, UEB - FIBE đón đoàn sinh viên Trường Đại học Waseda (Nhật Bản) đến giao lưu học tập

Quá trình học tập ở giảng đường đại học của cựu sinh viên Hoàng Xuân Trường “êm đềm” hơn bởi luôn có sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía gia đình, thầy cô và bạn bè. Những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế cùng phương pháp giảng dạy sáng tạo gắn liền với thực tiễn của các thầy cô ngành Kinh tế quốc tế đã giúp sinh viên UEB - FIBE nói chung và cá nhân Trường nói riêng tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng, cách xử lý tình huống linh hoạt, giúp Trường luôn tự tin thích ứng tốt với công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

“Gợn sóng” duy nhất trên hành trình của Xuân Trường lại gắn với Nghiên cứu khoa học. Nhưng cũng rất nhanh chóng được giải quyết bởi sự quan tâm và hướng dẫn tận tình của các thầy cô. Trường chia sẻ: “Mình đã học và tìm được nguồn cảm hứng trong quá trình tham gia và làm nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô. Mình đã từng nghĩ làm nghiên cứu rất “sách vở” và khô khan, cho đến khi thật sự bắt tay vào làm và hiểu về các con số thống kê mới thấy giá trị to lớn mà hoạt động này mang lại. Quá trình làm nghiên cứu khoa học cũng giúp mình rất nhiều trong học tập và cho đến tận bây giờ, công việc mình đang làm cũng xoay quanh Data Analysis (Phân tích dữ liệu).”

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Kinh tế quốc tế luôn được đánh giá cao, hàng năm đều có nhiều nhóm sinh viên đạt giải Nhất, Nhì tại cuộc thi cấp Trường và cấp ĐHQGHN

Cô sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Nguyễn Thị Thoan cũng là “cạ cứng” của hoạt động nghiên cứu khoa học. Thoan cho biết mình theo đuổi nghiên cứu khi bắt đầu năm thứ 2. Trong năm học đầu tiên trên giảng đường, do chưa có kinh nghiệm và học tập một cách thụ động nên Thoan chỉ đạt GPA 3.0/4.0, xếp vào tốp khá của lớp. Năm học tiếp theo, Thoan quyết dành cho việc học tập, nghiên cứu. Trên lớp, Thoan ghi chép mọi kiến thức thầy cô chia sẻ, về nhà Thoan tiếp tục mổ xẻ kiến thức trên lớp ra bằng sơ đồ tư duy. Việc phân tích dữ liệu và số hóa nội dung những bài giảng của thầy cô trên lớp đã giúp Thoan “bén rễ” với nghiên cứu vì sự rõ ràng, mạch lạc và giúp Thoan hiểu tận gốc vấn đề, cũng ghi nhớ chúng lâu hơn. “Nhờ nền tảng từ nghiên cứu khoa học sinh viên, sau khi tốt nghiệp, mình theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều cơ hội giao lưu với các học giả, nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới.”

Nguyễn Thị Thoan tham gia trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 3/2024 vừa qua

Chặng 3 - Trải nghiệm thực tế - “trợ thủ đắc lực” trên mọi nẻo đường

Với chương trình học quốc tế hóa và ứng dụng thực tiễn cao, bên cạnh việc học trên giảng đường, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế còn được học tập tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài nhằm định hướng nghề nghiệp theo vị trí công việc cho sinh viên cũng như trang bị cho các em kiến thức từ thực tế, thực hành kiến thức chuyên môn đã học. Đây được coi là “trợ thủ đắc lực” để sinh viên không bỡ ngỡ khi gia nhập thị trường lao động.

Các chuyến đi thực tập thực tế tại doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia thường xuyên được tổ chức nhằm trang bị đầy đủ cho sinh viên UEB - FIBE kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tế

Bên cạnh đó, thông qua những cuộc thi sinh viên, tham gia những câu lạc bộ, workshop chuyên đề để củng cố nền tảng kiến thức và trau dồi kỹ năng của bản thân cũng là điều mà 3 cựu sinh viên đã nỗ lực thực hiện trong suốt quãng đường 4 năm học đại học.

“4 năm học tập và rèn luyện tại UEB, em đã học hỏi và trau dồi được nhiều kiến thức bổ ích. Không chỉ là những kiến thức trong sách vở mà còn là những trải nghiệm khó quên. Hồi năm thứ nhất, em khá rụt rè và nhút nhát, tuy nhiên nhờ tham gia các hoạt động của trường, của Đoàn - Hội mà giờ đây em đã tự tin và trưởng thành hơn. Em từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; Liên chi Hội phó - Hội sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế. Em cũng từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí trong các hoạt động của Khoa/Trường như Trưởng ban Hậu cần chương trình Chào tân sinh viên 2022, BTC Chương trình chào tân sinh viên Khoa - Shining with FIBE… Em còn đạt giải nhất Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2023 (Vietnam Young Logistics Talent) cấp trường, lọt vào Top 16 toàn quốc. Thật trọn vẹn và hạnh phúc khi kết thúc 4 năm học, em được GPA 3.8/4.0 và vinh dự trở thành thủ khoa của trường”, Thoan hào hứng kể lại.

“Gia tài” đồ sộ mà Thoan có được trong các hoạt động ngoại khóa và các cuộc thi sinh viên
Cựu sinh viên Nguyễn Thị Thoan được nhận học bổng thạc sĩ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Quỹ VinIF) và được thành phố Hà Nội tuyên dương 1 trong 96 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp đại học năm 2023

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với gần 30 câu lạc bộ sinh viên về học thuật và nghệ thuật, mang đến cho các em môi trường để phát triển toàn diện. Cựu sinh viên Hoàng Xuân Trường cũng là một trong những gương mặt nổi bật của các hoạt động ngoại khóa: “Mình rất tự hào khi quá trình sinh viên được tham gia nhiều tổ chức, câu lạc bộ như: CLB Âm nhạc Sounds Of Soul (SOS), CLB Nhà Kinh tế trẻ - Young Economists Club (YEC), FIBE TEAM, Cộng đồng FIBE Logistics & Chuỗi cung ứng (FLSC).” 

Kể về quá trình thành lập FLSC, Trường - một trong những người sáng lập cộng đồng cho biết: “Mình tham gia cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam - Vietnam Young Logistics Talent cấp trường 2021. Thực sự lúc đó mình là một sinh viên năm thứ hai, chưa biết gì về Logistics & Chuỗi cung ứng cả, cũng là thành viên bé tuổi nhất. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của các anh chị trong nhóm và thầy cô trong khoa hướng dẫn, mình học được nhiều điều và cảm thấy Logistics & Chuỗi cung ứng là 2 môn rất hay và thực tiễn áp dụng cho quá trình làm việc sau này. Cũng nhờ cuộc thi ấy mà mình khám phá được nhiều định hướng mới, quen biết được thêm nhiều bạn giỏi mà chính các bạn là những đồng đội của mình, cùng nhau thành lập FLSC – Cộng đồng FIBE Logistics & Chuỗi cung ứng đầu tiên của Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Cộng đồng được thành lập vào năm 2022 và nhận được sự hướng dẫn của các giảng viên trong khoa, sự hỗ trợ tới từ các doanh nghiệp Logistics - thuộc mạng lưới cựu sinh viên UEB, góp phần tạo ra một Cộng đồng kết nối các sinh viên có chung niềm đam mê về Logistics & Chuỗi cung ứng cũng như các cơ hội thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.”

Cựu sinh viên Hoàng Xuân Trường (ngoài cùng bên trái) - một trong những người sáng lập Cộng đồng FIBE Logistics & Chuỗi cung ứng FLSC

Chặng 4 - Cập bến ước mơ

“Có thể nói mình thật sự đã cố gắng hết sức, tận dụng hết quỹ thời gian mình có để có thể tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc và được nhận vào làm tại tập đoàn Fast Retailing (Uniqlo) ngay sau khi tốt nghiệp, cũng như đóng vai trò nòng cốt trong một số dự án xã hội mà mình tham gia. Để làm được điều đó, mình thật sự biết ơn sự động viên, yêu thương của gia đình, bạn bè và thầy cô. Những người bạn cùng mình thức đêm để ôn thi, viết nghiên cứu khoa học, làm luận, những buổi ngồi cả ngày trên thư viện để trao đổi ôn bài cùng nhau. Những khoản học bổng hỗ trợ học phí của nhà trường và các tổ chức, cũng như sự ghi nhận và động viên của thầy cô và gia đình là nguồn động lực lớn nhất giúp mình có được 4 năm sinh viên thật sự ý nghĩa và đáng nhớ.” - Cựu sinh viên Nguyễn Thị Oanh tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp, CSV Oanh đã dành 6 năm làm việc tại tập đoàn Fast Retailing ở vị trí chuyên viên Quản lý sản xuất và 1 năm ở tập đoàn H&M cho vị trí Chuyên viên tìm nguồn cung ứng và phát triển năng lực sản xuất tại tập đoàn H&M - phụ trách thị trường Việt Nam (Sourcing Specialist and Capacity Development H&M Group) hiện tại. “Công việc cho mình có cơ hội làm việc tiếp xúc với những nhân sự đầu ngành trong nước và thế giới trong lĩnh vực quản lý bán lẻ và quản lý chuỗi cung ứng. Nhờ kiến thức đã học trên giảng đường cũng như tích lũy trong quá trình làm việc, mình thấy bản thân đã tiến bộ hơn rất nhiều, có được những kinh nghiệm quý giá trong công việc mình đang làm.”

Sau những cố gắng trau dồi và hoàn thiện bản thân, cựu sinh viên Hoàng Xuân Trường giờ đây là chuyên viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Vàng Goldtrans. Chia sẻ về công việc hiện tại, Trường cho biết: “Môn Logistics, Quản trị chuỗi cung ứng, Thanh toán Quốc tế, Tài chính Quốc tế là những kiến thức mà mình áp dụng nhiều nhất trong quá trình làm việc hiện tại. Đây không phải những môn dễ, đến lúc đi làm mình thực sự đã phải mở sách vở ra để xem lại những kiến thức này!”

Cựu sinh viên Hoàng Xuân Trường hiện là chuyên viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Vàng Goldtrans

Còn cựu sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Nguyễn Thị Thoan lại chọn một lối đi riêng. Thoan theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học trước, rồi từ đấy xây đắp cho bản thân một nền móng để phát triển lâu dài và theo lộ trình phù hợp: “Mong muốn được học tập và làm việc trong môi trường nghiên cứu khoa học, ngay sau khi tốt nghiệp UEB, mình đã ứng tuyển thành công vị trí Trợ lý nghiên cứu Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Trường đại học Kinh tế, ĐHQGHN.”

Cựu sinh viên Nguyễn Thị Thoan (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp tại Viện VEPR

Với 3 chân dung cựu sinh viên UEB - FIBE đã và đang theo đuổi các công việc ở lĩnh vực khác nhau đã đủ thấy được sự đa dạng trong lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhưng đều có một điểm chung là sự định hướng, lựa chọn và quyết tâm theo đuổi ngay từ khi học các chuyên ngành chuyên sâu tại UEB. Chính sự nghiêm túc ngay từ lúc này đã mang lại cho các bạn cơ hội tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn với ngành nghề mà mình yêu thích.

Phương pháp đào tạo gắn với môi trường quốc tế hóa và thực tiễn của ngành Kinh tế quốc tế nói riêng và của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung đã giúp cho sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc, trang bị những “kinh nghiệm thực chiến” và tự tin trong môi trường quốc tế ngay từ sớm. Cộng thêm “vũ khí sắc bén” là kỹ năng ngoại ngữ tốt giúp sinh viên UEB - FIBE luôn tự tin, chủ động và có nhiều cơ hội, vị trí việc làm tốt trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.

Đăng ký để trở thành sinh viên Ngành Kinh tế Quốc tế (Mã ngành: QHE43) với các chuyên ngành: 

🔸 Thương mại quốc tế

🔸 Kinh doanh quốc tế

🔸 Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu

Thông báo tuyển sinh đại học 2024 TẠI ĐÂY

Đăng ký xét tuyển online TẠI ĐÂY


Thu Uyên - UEB Media

FullName Email
Address Security code BYMMXV
Content

Other News