New Don Vi & Giang Vien
 Search

Câu chuyện về “người bạn mới” của UEBer - Học phần Tư duy sáng tạo

Một môn học mới ư? Đúng rồi, đó chính là học phần Tư duy sáng tạo. Để tôi kể bạn nghe câu chuyện của tôi tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhé!


Tư duy sáng tạo là một học phần tập trung phát triển năng lực tư duy và kỹ năng sáng tạo, theo hướng lấy người học làm trung tâm và học qua thực hành (learning by doing).

“My Profile” - Hồ sơ về môn học

Bước đến giảng đường của UEB, tôi mang trong mình một tâm thế quyết tâm lớn, đó là thay đổi tư duy, thúc đẩy khả năng sáng tạo, khám phá cho các bạn sinh viên.

Tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ thầy cô của UEB trước khi chính thức đến trường. Họ tìm hiểu tôi trong những bài giảng quốc tế từ ĐH Dublin (Ai-len), ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Harvard (Mỹ)... nơi đang áp dụng mạnh mẽ phương pháp tư duy thiết kế trong giảng dạy. Họ còn gặp gỡ tôi trong khóa học “Nhà giáo dục khởi nghiệp” (Entrepreneurial educators) của Học viện Sáng tạo, Đại học Dublin, Ai-len. Các tài liệu về tôi cũng do nhóm giảng viên đã từng tham dự khóa học này biên soạn và thiết kế các hoạt động tương ứng, đặc biệt còn có sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia đến từ Học viện Sáng tạo.

Và khi tôi chính thức có mặt tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, các giảng viên thuộc Tổ Giáo dục Khai phóng - những người sẽ trực tiếp đưa tôi đến giới thiệu với các bạn sinh viên đã tổ chức chương trình tập huấn “Train the Trainer” nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tiếp cận giảng dạy đổi mới, sáng tạo.

Thầy cô UEB tham gia tập huấn trước khi giảng dạy học phần mới

Bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, các bạn sinh viên năm nhất sẽ cùng tôi sáng tạo! Chương trình học gồm 5 phần: Chương 1 - Nhập môn; Chương 2 - Chuẩn bị tâm thế; Chương 3 - Tư duy sáng tạo; Chương 4 - Trở thành người có tinh thần doanh chủ (làm chủ trong mọi tình huống) và Chương 5 - Thực hành kỹ năng sáng tạo với công cụ tư duy thiết kế.

Nhận diện bản thân, chấp nhận sự khác biệt, nhìn nhận vấn đề bằng con mắt khách quan từ những góc nhìn của những người khác? Có tư duy, kỹ năng thiết kế sáng tạo, đàm phán? Bạn nghĩ những điều này có khó không? Đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất, đây là những năng lực vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong hành trình vượt qua những thách thức, kiến tạo cơ hội để thành công trong học tập cũng như cuộc sống. Nếu bạn là UEBer – QH2022-E, bạn có thể tìm đến tôi để hoàn thiện bản thân. Tôi sẽ là người giúp bạn từng bước có được những kỹ năng này!

“It is the supreme art of the teacher to awaken joy in creative expression and knowledge” - Albert Einstein (tạm dịch: “Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong sự diễn đạt và tri thức sáng tạo của học trò”). 

Giữa một “rừng” các môn học với số liệu khó nhằn, tôi là “cơn gió lạ” ở UEB. Tại sao ư? Bởi tôi là một môn học hoàn toàn mới, độc, lạ và cách thầy cô giảng dạy, cách học tập của sinh viên cũng thay đổi từ tôi!

TS. Bùi Phương Chi - Giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán đã giới thiệu về tôi cho sinh viên của mình: “Môn học này rất bổ ích cho các bạn, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất vừa bỡ ngỡ bước vào cánh cửa trường đại học. Môn tư duy sáng tạo với phương pháp học mới sẽ hỗ trợ cho các bạn như thiết kế cuộc đời, thiết kế quá trình, ứng dụng trong các môn học khác, sáng tạo cách thuyết trình, làm bài tập nhóm, bài tập cá nhân…”

“Ấn tượng” là từ mà sinh viên Trần Ngọc Ánh - Lớp QH2022-E KTPT 1 chọn để miêu tả về tôi. Ánh chia sẻ rằng: “Mình cảm thấy Tư duy sáng tạo không phải là môn học thông thường, đây là nơi để sinh viên được tự do khám phá, tìm hiểu mọi thứ và đặc biệt phát triển toàn diện các kỹ năng mềm cho bản thân. Giờ học nào cũng rất hay và ý nghĩa, không bị căng thẳng. Các bài tập của môn học này cũng rất thú vị.”

Sinh viên Trần Ngọc Ánh và nhóm sinh viên lớp QH2022-E KTPT 1 thuyết trình về sản phẩm “Ô mai góttt” do nhóm sáng tạo

“Khởi động mỗi giờ học, chúng em đều được tham gia hoạt động warm-up để làm “mới” tinh thần sinh viên cũng như làm “ấm” không khí lớp học. Bài tập thực hành của môn học này là những thử thách không hề dễ nhưng rất thú vị như vẽ bằng tay trái, vẽ tranh theo nhóm trong yên lặng, thiết kế ô, xe đẩy siêu thị…” - Sinh viên Nguyễn Tiến Đỉnh - lớp QH2022-E KTPT 1 chia sẻ.

Sinh viên Nguyễn Tiến Đỉnh, lớp QH2022-E KTPT 1 (ngoài cùng bên trái) và sản phẩm đặc biệt của nhóm - kính mắt công nghệ Tech Warriors tự sáng chế

Cách tiếp cận mới, cách học mới, bài tập… cũng kiểu mới nên khi tôi đến với chương trình đào tạo của UEB, không chỉ sinh viên đổi mới mà thầy cô cũng có nhiều thay đổi trong phương pháp giảng dạy.

ThS. Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị trong một lần trao đổi về sự khác biệt khi “lên lớp” môn Tư duy sáng tạo so với các môn học khác cho rằng phương pháp thấu hiểu của Tư duy sáng tạo - tạo cơ hội cho sinh viên cởi mở và chia sẻ cùng nhau, cùng giảng viên. Bên cạnh đó, quá trình làm việc nhóm nhiều, nhanh trong môn học giúp sinh viên phát triển kỹ năng toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, bài cuối kỳ của môn học cũng rất đặc biệt, đó là giải quyết vấn đề thực tế thay vì các bài thi truyền thống, vừa giảm áp lực thi cử, vừa gắn việc học với thực tế cho sinh viên.

Thầy Xuân Thành đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới cả trang phục lên lớp trong tiết học đặc biệt - chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sử dụng phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm (thông qua trải nghiệm và chiêm nghiệm), trong đó người học được phát huy tối đa tính chủ động và sáng tạo trong suốt quá trình học là cách TS. Nguyễn Thị Hương Liên - Phó trưởng Khoa Kế toán Kiểm toán đã ứng dụng.

Cô Hương Liên trong buổi tập huấn “Train the Trainer” trước khi giảng dạy học phần Tư duy sáng tạo

Phương pháp học thông qua trải nghiệm được áp dụng triển khai đối với tất cả các hoạt động học tập. Cô Hương Liên chia sẻ: “Trên cơ sở được trang bị các công cụ và phương pháp tư duy sáng tạo, sinh viên lần lượt được trải nghiệm các thử thách sáng tạo ở các cấp độ khác nhau, từ thử thách mê cung não, vẽ tranh không dùng lời, lắp vịt lego đến thử thách kẹo dẻo hay thiết kế pizza kiểu mới. Đồng thời, thông qua việc áp dụng công cụ tư duy thiết kế, sinh viên được khám phá các hoạt động sáng tạo phóng khoáng hơn bên ngoài lớp học, trong đó, sinh viên trực tiếp đi phỏng vấn, khảo sát khách hàng và các bên liên quan để sáng chế, cải tiến các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống, ví dụ như cải tiến ô, mũ, túi xách, ba lô, bình nước hay sáng chế ra boardgame, phương tiện cứu hộ, xe cứu hỏa biết bay…”

Sinh viên được trải nghiệm các thử thách sáng tạo trong suốt chương trình học

Phương pháp học tập thông qua chiêm nghiệm được cô áp dụng thông qua mô hình What (mô tả cụ thể từng hoạt động đã trải nghiệm) - So what (Trình bày các bài học cho bản thân đã đúc rút được từ các hoạt động trải nghiệm) - Now what (Cách áp dụng những điều đã học như thế nào?). Các kiến thức và kỹ năng đã được học và thực hành trên lớp cần thời gian để có thể “thẩm thấu” và biến thành hành động, do đó, phương pháp học tập thông qua chiêm nghiệm được áp dụng nhằm tăng cường năng lực tự học của sinh viên từ chính thành công và thất bại của mình. “Qua hoạt động chiêm nghiệm, sinh viên tự khám phá năng lực sáng tạo tiềm ẩn bên trong, nhận diện giá trị bản thân thông qua hoạt động thiết kế ngôi sao giá trị, đủ tự tin để bước ra khỏi vùng an toàn, từ đó, xây dựng kế hoạch hành động cho bản thân để cân bằng 04 yếu tố “Work - Play - Love - Health” và thiết kế 03 phiên bản cuộc đời đáng sống của chính mình!”

“Sản phẩm ngày hôm nay chúng em làm có thể chỉ là mô hình thủ công nhưng biết đâu đấy, sau này sẽ trở thành một sản phẩm công nghệ đột phá.”

Đó là những gì mà các bạn sinh viên chia sẻ với tôi sau khi hoàn thành một bài tập tâm đắc. “Tư duy sáng tạo giúp chúng em triển khai các việc một cách linh động, có kế hoạch. Những kiến thức không chỉ dừng lại ở lý thuyết khô khan trên sách vở mà được thực hành và trải nghiệm thực tế. Môn học cũng giúp chúng em dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, nói lên suy nghĩ, cảm nhận riêng mà trước giờ chưa từng nghĩ sẽ dám thử sức. Nhiều người bạn của em luôn háo hức, mong chờ ngày thứ sáu mỗi tuần - ngày được học môn Tư duy sáng tạo.” - Sinh viên Tạ Nguyễn Vân Anh, lớp QH2022-E TCNH 3 tâm sự.

Những rụt rè, bỡ ngỡ ban đầu của cô, cậu sinh viên năm thứ nhất đã dần biến mất, thay vào đó, là “sự trưởng thành” trong giao tiếp, thái độ và cách học tập. ThS. Nguyễn Thị Phan Thu - Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển nhớ lại những ngày đầu tiên khi nhận lớp: “Khi mới nhận lớp, các bạn sinh viên còn rụt rè, không dám bày tỏ ý kiến của mình. Trong quá trình giảng dạy, sinh viên đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Các bạn luôn tràn đầy năng lượng, hứng thú… Với những hoạt động mới, trải nghiệm mới thì các bạn rất nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Qua mỗi bài học, mình nhận thấy từng câu trả lời của sinh viên trở nên sáng tạo hơn, thể hiện được suy nghĩ và cá tính của bản thân. Thậm chí, có những sản phẩm của sinh viên vô cùng sáng tạo, khiến mình cũng phải bất ngờ…”

Sự sáng tạo của học trò đôi khi cũng làm thầy cô phải bất ngờ…  

Là “người mới” ở ngôi trường mới, tôi rất hãnh diện vì đã tới và trở thành một phần của UEB, giúp các bạn sinh viên khai phá những điều mới mẻ, tư duy đột phá. Sự thay đổi tích cực của hơn 1.000 sinh viên năm thứ nhất đăng ký trong đợt học đầu tiên chính là thành công của tôi.

Các lớp học Tư duy sáng tạo tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế luôn luôn sôi nổi với nhiều hoạt động thú vị

“Qua những giờ học, em thấy rất yêu thích môn học này. Thầy cô hướng dẫn chúng em cách tư duy, vấn đề bình thường cần giải quyết trong 5 phút nhưng với tư duy mới, sáng tạo hơn, chúng em có thể giải quyết trong 2 - 3 phút.” - Sinh viên Nguyễn Hiền, lớp QH2022-E KTPT 1.

Môn học đã giúp Nguyễn Hiền thay đổi tư duy tốt hơn, nhanh hơn trong mọi vấn đề

Hành trình ở UEB của tôi mới chỉ bắt đầu, sẽ có nhiều thử thách phía trước. Nhưng tôi - học phần Tư duy sáng tạo, tự hào với tên gọi “miền đất hứa” cho những sáng kiến đột phá, mở tư duy độc, lạ của sinh viên trong hành trình quốc tế hóa và đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN!


Thu Uyên, Quang Trung - UEB Media

FullName Email
Address Security code SWCHTU
Content