New Don Vi & Giang Vien
 Search

Hội thảo giao lưu văn hóa - học thuật “Vietnam and Japan: the role of cultural and economic exchange”

Ngày 09/11/2023 vừa qua, Hội thảo giao lưu văn hóa - học thuật giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Waseda đã được tổ chức thành công với sự có mặt của Ban Lãnh đạo nhà trường, đoàn Đại biểu đến từ Nhật Bản cùng các thầy cô khoa Kinh tế và Kinh Doanh quốc tế.


Hội thảo đã diễn ra rất thành công tại phòng 901, Nhà điều hành, ĐHQGHN, thu hút sự quan tâm chú ý của hơn 80 sinh viên đăng ký tham dự. Chương trình có sự tham gia về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có TS. Hoàng Khắc Lịch - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Nguyễn Đức Lâm - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác phát triển; TS. Nguyễn Tiến Minh - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa KT&KDQT; TS. Vũ Thanh Hương - Phó Trưởng khoa KT&KDQT.về phía Trường Đại học Waseda (Nhật Bản), hội thảo vinh dự giới thiệu GS. Kazuhiko Yokota cùng 14 sinh viên đại biểu tham dự.

Khai mạc hội thảo, TS. Hoàng Khắc Lịch - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và TS. Nguyễn Đức Lâm - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ mục đích của Hội thảo là giao lưu về học thuật và văn hoá giữa giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Waseda, Nhật Bản, mở rộng cơ hội hợp tác, chia sẻ kiến thức giữa hai trường.

TS. Hoàng Khắc Lịch - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
TS. Nguyễn Đức Lâm - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác phát triển chia sẻ mục đích buổi Hội thảo

Cụ thể, buổi hội thảo gồm những bài trình bày đến từ nhóm sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường đại học Waseda Nhật Bản như sau:

Nhóm sinh viên Nhật Bản chia sẻ về những thông tin cơ bản của đất nước Nhật bao gồm vị trí địa lý, dân số, thủ đô,... Những điểm đáng chú ý về nền kinh tế Nhật Bản là sự phát triển mạnh mẽ trong các ngành sản xuất ví dụ như ngành sản xuất ô tô, máy tính, thiết bị điện tử, máy ảnh,.... Các thương hiệu nổi tiếng như Toyota, Sony, Panasonic, Canon,... xuất phát từ Nhật Bản và đã có sức ảnh hưởng toàn cầu. Cùng với đó là giới thiệu về nền văn hóa đa dạng và ngôn ngữ Nhật Bản phong phú, từng vùng địa lý và khí hậu theo mùa tại đất nước Nhật Bản. 

Nhóm sinh viên từ trường Đại học Waseda, Nhật Bản trình bày bài “Giới thiệu đất nước Nhật Bản”

Tiếp đó, nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày những thông tin cơ bản về đất nước, bao gồm vị trí địa lý, dân số, thủ đô và thiên nhiên thắng cảnh của Việt Nam cùng một đoạn video ngắn. Nền kinh tế của Việt Nam được giới thiệu bằng những con số ấn tượng thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực kinh tế với GDP ngày càng tăng và sự thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng mạnh mẽ. Về văn hóa và lễ hội, nhóm trình bày về ngôn ngữ tiếng Việt, trang phục truyền thống áo dài, và Tết Nguyên đán. Cuối cùng, nhóm giới thiệu về một số ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam như phở, bánh mì và cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn, cuộc sống và văn hóa của người Việt Nam.

Nhóm sinh viên từ trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày Bài “Giới thiệu đất nước Việt Nam”

Tiếp diễn buổi Hội thảo là 3 nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện trên 3 chủ đề nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Waseda, Nhật Bản.

Nghiên cứu 1: Mối liên hệ giữa cơ cấu công nghiệp và bất bình đẳng thu nhập.

Thông qua mô hình kinh tế ba ngành và dữ liệu cụ thể của ngành, nhóm diễn giả mong muốn làm sáng tỏ mối quan hệ năng động trên và hướng dẫn xây dựng chính sách để đạt được một chính sách vì một Thái Lan công bằng hơn.

Từ số liệu và mô hình, nhóm kết luận rằng: Số lượng người làm nông nghiệp tăng có tác dụng làm tăng bất bình đẳng thu nhập, và số người làm trong ngành sản xuất tăng có tác dụng giảm bất bình đẳng thu nhập. Hệ thống lương tối thiểu có tác dụng giảm bất bình đẳng về thu nhập ở tất cả các nhóm. Và các ước tính dựa trên phân khúc của ngành dịch vụ cho thấy các loại ngành dịch vụ khác nhau có tác động khác nhau đến bất bình đẳng thu nhập.

Nghiên cứu 2: Tác động của việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đến mức lương trung bình ở Indonesia.

Diễn giả cho rằng, nguyên nhân tăng lương cho lao động có tay nghề cao là từ việc tham gia Chuỗi Giá trị Toàn cầu (GVC) dẫn đến nhu cầu lớn hơn cho những công việc có trình độ cao hơn. Đồng thời, nguyên nhân giảm lương đối với lao động tay nghề thấp là do tham gia vào GVC nên làm tăng nhu cầu cắt giảm chi phí. 

Vì vậy, nhóm diễn giả kết luận: Sự chênh lệch về lương theo trình độ kỹ năng có xảy ra ở Indonesia. Kết quả này tương tự với các nghiên cứu trước đây ở các nước khác.

Nghiên cứu 3: Tác động của dòng vốn FDI đến nền kinh tế châu Phi.

Về đánh giá của nhóm nghiên cứu đối với vấn đề này, họ cho rằng dòng vốn FDI chỉ phát huy tác dụng ở những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thêm vào đó, giảm tham nhũng có tác động gián tiếp đến việc tăng cường tác động kinh tế của FDI ở các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cuối cùng, tài nguyên thiên nhiên có tác động gián tiếp đến tác động của FDI chỉ ở những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Tiếp đó, nhóm sinh viên đến từ Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng đã có phần trình bày về bài nghiên cứu của nhóm mình với chủ đề “Tác động của chuyển đổi số đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu phân tích nhiều mặt bao gồm lợi ích của chuyển đổi số, sự phát triển nhanh chóng của các xu hướng chuyển đổi số trên toàn thế giới, xem xét tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch bệnh COVID-19. Cuối cùng, nhóm đưa ra kết luận quan trọng về chương trình chuyển đổi số toàn quốc dự kiến vào năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, nhóm cũng đề xuất các hướng nghiên cứu tiềm năng trong tương lai, nhằm đưa ra các chính sách và giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế-xã hội.

Sau khi các nhóm trình bày phần nghiên cứu của mình, các sinh viên tham dự có cơ hội đặt câu hỏi và giao lưu với đoàn đại biểu nước bạn.

Sinh viên Nguyễn Phương Thảo có câu hỏi về hàm ý cho Thái Lan là hãy tập trung và cải thiện khâu sản xuất. Nhưng sản xuất là ngành có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Mặc dù việc cải thiện giai đoạn này có thể giúp Thái Lan giảm bớt bất bình đẳng thu nhập, có thể cho rằng việc tiếp tục có thể tạo ra lợi ích cho Thái Lan về lâu dài không?

Đại diện nhóm diễn giả nhận định rằng việc cải thiện giai đoạn sản xuất trong chuỗi giá trị có thể giúp Thái Lan giảm bớt bất bình đẳng thu nhập, bởi vì nó sẽ tạo ra nhiều công việc tốt hơn với mức lương và điều kiện làm việc được cải thiện. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức và rủi ro, như sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác, sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp và khách hàng nước ngoài, sự biến động của thị trường, và sự thiếu hụt của nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Sinh viên Nguyễn Tuyết Anh đặt câu hỏi cho nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Waseda

Sau khi phần Q&A kết thúc, hội thảo đã diễn ra tiếp tục với phần giao lưu văn hóa nghệ và minigame giữa sinh viên hai trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Đại học Waseda, Nhật Bản.

Cuối cùng, TS. Vũ Thanh Hương và GS. Kazuhiko Yokota phát biểu kết luận hội thảo. Buổi trao đổi đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đóng góp, thảo luận của các thầy cô, các bạn sinh viên đối với các diễn giả. 

TS. Vũ Thanh Hương - Phó trưởng Khoa KT&KDQT

Buổi Hội thảo diễn ra vô cùng thành công với sự đóng góp, thảo luận của các thầy cô và các bạn sinh viên. 

Hội thảo đã tạo cơ hội quý báu để các giảng viên và sinh viên hai trường giao lưu trao đổi kiến thức với nhau.. Các bài tình bày, ý kiến và kiến thức đã được chia sẻ tại hội thảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu văn hoá và kiến thức học thuật mới, tạo cơ hội cho những hợp tác tiếp Theo trong tương lại.

Xem thêm hình ảnh về chương trình.



FullName Email
Address Security code VQCXLD
Content

Other News
<123456>