New Don Vi & Giang Vien
 Search

Công cụ trí tuệ nhân tạo và tác động kinh tế - xã hội từ góc nhìn đa chiều

Nằm trong khuôn khổ chuỗi Lunch Talk, trưa ngày 10/03/2023, Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động kinh tế - xã hội từ góc nhìn đa chiều”. 


Tham gia Tọa đàm có các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học và giảng viên đến từ Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Công ty Phần mềm Okta, Canada. Các đại biểu đã được lắng nghe 4 bài trao đổi của các diễn giả: 

(i) Giới thiệu khái quát về Trí tuệ nhân tạo và học máy - ThS. Nguyễn Hoàng Linh (Công ty Phần mềm Okta, Canada); 

(ii) AI - Sự phát triển của công cụ lao động ở trình độ tri thức hóa - TS. Lê Thị Hồng Điệp (Khoa Kinh tế Chính trị); 

(iii) Lịch sử phát triển AI - AI thời kỳ hiện đại - ThS. Hồ Bảo Lâm (Khoa Kinh tế Chính trị); 

(iv) Nhận diện “AI là ai? Dưới góc độ kinh tế - xã hội và thảo luận về các ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, nghiên cứu - TS. Vũ Duy (Khoa Kinh tế Chính trị). 

TS. Vũ Duy (Khoa Kinh tế Chính trị) trình bày bài tham luận

Các diễn giả đã phân tích và chỉ rõ AI là công nghệ cốt lõi trong cách mạng công nghiệp 4.0, hiện đang tham gia vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khẳng định đây là xu thế phát triển tất yếu của thế giới và Việt Nam hiện nay. Tác giả Nguyễn Hoàng Linh đã giới thiệu về cấu trúc, cơ chế hoạt động của AI và đưa ra dự báo về xu hướng phát triển của công nghệ này trong tương lai. Các tác giả khác đã phân tích lịch sử hình thành và phát triển của AI qua các giai đoạn trong lịch sử. Lịch sử phát triển AI rất dài và nhiều “thăng trầm”, các tác giả đặc biệt nhấn mạnh vào sự phát triển của AI trong thời kỳ hiện đại (từ thế kỷ XX) với các phát minh mang tính chất bước ngoặt và các động lực thúc đẩy sự phát triển của AI trong giai đoạn này. 

“Lunch Talk” là chuỗi các hoạt động trao đổi chuyên môn của Khoa Kinh tế Chính trị

Các diễn giả cũng thảo luận về vị trí của AI trong các phân tích kinh tế và các tác động kinh tế - xã hội. Trong đó, AI tự cấu thành như một lĩnh vực công nghệ, nhưng được áp dụng xuyên suốt các lĩnh vực khác. AI có tác động ở cả cấp độ vi mô (tác động về phía cung và cầu), và cấp độ vĩ mô. Các tác giả bàn luận về một số case study vận dụng AI trong thực tiễn đã đem lại hiệu quả và tác động lớn trong quá trình vận hành doanh nghiệp cũng như quản lý kinh tế vĩ mô. Một số chính sách để cùng chung sống với AI được các tác giả đưa ra như: Thu nhập tối thiểu cho tất cả mọi người bất kể tình trạng việc làm (mô hình Universal Basic Income); Trợ cấp việc làm có điều kiện; Tăng cường năng lực làm việc, quản trị của con người; Đánh thuế AI…

Bên cạnh đó, các đại biểu rất quan tâm đến tác động của AI đến lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu. Công cụ AI có thể đem lại nhiều cơ hội hỗ trợ cho người giảng viên nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn trong quản lý việc học của sinh viên và vấn đề đạo đức trong nghiên cứu. Tất cả các tác giả đều nhất trí đây là xu thế tất yếu và thảo luận về một số chính sách cùng chung sống với AI, không bị thay thế bởi AI. Các đại biểu đều đồng tình và khẳng định cho dù AI có phát triển đến trình độ siêu thông minh thì vai trò của người giảng viên vẫn vô cùng quan trọng, bởi vì “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.


TS. Phạm Ngọc Hương Quỳnh

FullName Email
Address Security code WDJKIN
Content