New Don Vi & Giang Vien
 Search

Hội thảo quốc tế Các vấn đề đương đại trong quản lý và quản trị kinh doanh Contemporary Issues in Business and Management

Chiều ngày 23/9/2022 tại Hội trường 801 - Tòa E4, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Các vấn đề đương đại trong quản lý và quản trị kinh doanh” đã diễn ra thành công tốt đẹp.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh rằng trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa, tăng cường kết nối với mạng lưới tri thức quốc tế và bởi vậy, sự thành công của Hội thảo này sẽ có ý nghĩa to lớn, góp phần củng cố các mối quan hệ đối tác hợp tác, thiết lập và phát triển các mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tăng cường giao lưu tri thức, trao đổi học thuật,… Đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về quản trị kinh doanh ở các trường đại học, bổ sung thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn trong quản trị kinh doanh tại Việt Nam,… 

PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo 

Tiếp đến, GS John Shields, Đại học University of Sydney Business School, trình bày tham luận  “Tám xu hướng định nghĩa lại Quản trị Nguồn nhân lực” với nhận định đáng chú ý rằng thế giới đang tiến tới Thời đại “HR 3.0” với những đặc điểm khác biệt với nguồn nhân lực truyền thống, hứa hẹn nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức đối với các nước đang phát triển... Thực vậy, khi đối chiếu với các tiêu chí và đặc trưng của Thời đại “HR 1.0” thì nhiều điều Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Vậy thì Việt Nam vẫn phát triển tuần tự theo các bước hay phải đột phá tiến thẳng vào Thời đại “HRM 3.0” nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển? Nếu cứ phát triển tuần tự thì biết bao giờ mới bắt kịp thế giới? Còn nếu chọn đột phá thì đột phá vào đâu? Hay vẫn tuần tự đi theo các bước nhưng đi thật nhanh để bắt kịp và nếu vậy thì làm thế nào để đi nhanh? 

Có lẽ chúng ta cần lựa chọn thận trọng cái gì phát triển theo tuần tự, cái gì cần đột phá, cái gì phát triển theo tuần tự nhưng đi thật nhanh để bắt kịp,... Bởi lẽ, không phải cái gì cũng có thể đột phá thành công, thực tiễn thì rất nghiệt ngã luôn tuân theo quy luật thép, không dễ gì phá vỡ,...

Tiến sĩ Phạm Vũ Thắng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh chủ trì phiên thảo luận chung 

PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh với quan điểm khá táo bạo khi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần sáng tạo chủ thuyết phát triển riêng có của mình (Chủ thuyết Made in Vietnam) chứ không chỉ là “gia công tri thức” của các nước phát triển. Viện dẫn Thái Lan và Philipine là hai trường hợp điển hình về “gia công tri thức” của Mỹ và do vậy, khó mà thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, PGS.TS. Minh đề xuất  Mô hình 3 yếu tố rất lý thú (Mở/Openness, Lỏng/Elasticity, và Dẻo/Resilience) và nhấn mạnh rằng đây là lối thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình cho Việt Nam, cần làm nhanh vì quỹ thời gian còn lại trong thời kỳ dân số vàng không nhiều, trên dưới 15 năm,… Đây là quan điểm rất đáng quan tâm cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn,...

Từ góc nhìn nguồn nhân lực, TS. Phạm Mạnh Hùng và TS. Nguyễn Ngọc Quý lưu ý rằng mục tiêu trở thành nước thu nhập cao của Việt Nam chỉ là mong muốn nếu Việt Nam không sớm có những quyết sách đột phá mang lại những chuyển biến lớn để có được nguồn nhân lực kỹ năng, trình độ cao tương xứng với các nước thu nhập cao, ngôi sao Việt Nam sẽ dần hết động lực để tiến nhanh, tiến xa như Hàn Quốc, Singapore mà rơi vào "bi kịch" của "các nền kinh tế ngôi sao Nam Mỹ" vang bóng một thời do duy trì quá lâu Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, không chú trọng đúng mức tới phát triển nguồn nhân lực kỹ năng và trình độ cao,...

Hơn nữa, TS Hùng và TS. Quý còn nhấn mạnh rằng việc Việt Nam xác định thực hiện chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng mới trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 là rất đúng và trúng trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng đó, Việt Nam cần có chính sách đột phá trong phát triển nguồn nhân lực số. Cụ thể, một mặt, cần nhanh chóng trang bị kỹ năng số cho số đông nhân lực để đáp ứng công việc hiện tại cũng như sẵn sàng cho công việc trong tương lai, mặt khác, cần phát triển một đội ngũ nhân tài số cốt cán, nhất là ở các công nghệ mới nổi như AI, big data, fintech..., để dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số, kết nối trí tuệ Việt Nam với trí tuệ toàn cầu để giải các bài toán lớn của đất nước và toàn cầu,…

Cùng với đó là những quan điểm đáng chú ý khác như  Việt Nam cần chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia để chinh phục thế giới, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững,... 

Tóm lại, Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của gần 200 người bao gồm giảng viên, cán bộ, nghiên cứu sinh, sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; các diễn giả đến từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỹ, Rumani, Peru... Hội thảo đã phân tích, thảo luận những vấn đề đương đại trong quản trị và kinh doanh, chủ điểm là làm rõ con đường để Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 với các quan điểm, góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau của các chuyên gia, nhà khoa học, học giả quốc tế và trong nước,... từ xây dựng thương hiệu quốc gia để Việt Nam chinh phục thế giới, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực kỹ năng và nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số để Việt Nam tiến nhanh, tiến xa trong thời đại 4.0, đến kiến tạo chủ thuyết phát triển riêng có của Việt Nam để thoát bẫy thu nhập trung bình,...  

Hội thảo kết thúc vào hồi 17h30 cùng ngày, mọi người cùng chụp ảnh lưu niệm.  


TS. Phạm Mạnh Hùng

FullName Email
Address Security code RMCBSG
Content