New Don Vi & Giang Vien
 Search

Tư vấn chính sách: Những biến động gần đây trong nền kinh tế toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam

Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động lớn như khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2007-2009, đại dịch Covid-19, căng thẳng Nga-Ukraine, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa bảo hộ. Những biến động đó đã có tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam – quốc gia có mức độ mở cửa cao. 


Đại dịch Covid-19

Những tác động mà đại dịch Covid-19 mang lại cho nền kinh tế toàn cầu với những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, gây tác hại toàn diện cho trên 205 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới cả về kinh tế và xã hội, từ cấp vĩ mô đến vi mô, trước mắt cho đến lâu dài… Có thể nói, thế giới đang đối diện cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái giữa những năm 1930. Dịch bệnh khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, làm giảm cả tổng cầu và tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng, làm gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu lâu hơn dự kiến. Đồng thời, đại dịch Covid-19 cũng làm tăng khó khăn cho các chính phủ trước các áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho đến cả các nước kém phát triển nhất thế giới. Trước sự thay đổi đó, nền kinh tế thế giới đã có những bước chuyển mình theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng ở mỗi nước; tái định hình và dịch chuyển một số chuỗi sản xuất quốc tế trở lại chính quốc hoặc rời khỏi những vùng bị dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến. Điển hình như sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, tỷ trọng thương mại điện tử trong bán lẻ toàn cầu tăng từ 14% năm 2019 lên khoảng 17% năm 2020 và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Chiến lược Zero Covid của Trung Quốc 

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các chính phủ trên thế giới đã có nhiều cách tiếp cận và đối phó với đại dịch Covid-19. Trong bài trình bày của mình, Giáo sư John Walsh đã phân tích chiến lược zero-covid của Trung Quốc. Quốc gia này đã cho thực hiện các biện pháp bao gồm việc phong toả toàn phần hoặc một phần, tiến hành xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng chiến dịch này đang gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và đặt ra nhiều rủi ro đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 của Trung Quốc có thể “rơi tự do” về 1,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1976. Với vai trò vô cùng quan trọng chuỗi cung ứng hàng hoá, việc sản xuất bị đình trệ tại Trung Quốc do chiến dịch zero-covid đã khiến thế giới phải đối mặt với sự kham hiếm chưa từng thấy về nguồn nguyên liệu linh kiện và hàng hoá. Sự khan hiếm nhiều hàng hoá có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa và làm trệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Gần đây, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 còn 4,4% từ mức 4,9% đưa ra trước đó. Với Việt Nam, Trung Quốc là nước cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lớn nhất cho Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm hơn 33% tổng nhập khẩu theo tổng cục thống kê năm 2021. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phong tỏa từng phần tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nhập nguyên liệu, làm chậm trễ thời gian giao hàng từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trong nước. 

Căng thẳng thương mại Nga- Ukraine

WTO dự báo căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 3,1%-3,75% và tăng trưởng thương mại có thể giảm xuống còn khoảng 2,4-3% trong năm 2022. Xung đột đã đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao, đồng thời làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu của Nga và Ukraine. Cả Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp quan trọng các sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm và năng lượng. Hai nước cung cấp khoảng 25% lúa mì, 15% lúa mạch và 45% sản phẩm hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu vào năm 2019. Riêng Nga đã chiếm 9,4% thương mại nhiên liệu thế giới, bao gồm 20% thị phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên.  Nga là một trong những nhà cung cấp palladium và rhodium toàn cầu, là những nguyên tố quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô. Trong khi đó, sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc đáng kể vào khí neon do Ukraine cung cấp. Sự gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô vào thời điểm ngành công nghiệp này đang phục hồi sau tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn. Nhiều quốc gia trên thế giới phải chịu tác động nặng nề từ căng thẳng Nga-Ukirane, điển hình như châu Âu- điểm đến chính của cả hàng xuất khẩu từ Nga và Ukraine. Châu Phi và Trung Đông cũng là những khu vực dễ bị tổn thương nhất, vì hai khu vực này nhập khẩu hơn 50% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine và/hoặc Nga. Việt Nam cũng là nước chịu khá nhiều ảnh hưởng từ cuộc căng thẳng này.

Tác động đến Việt Nam và Hàm ý chính sách cho Việt Nam 

Xét đến những tác động chung mà đại dịch Covid-19 mang lại cho Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông và hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn, lực lượng lao động thiếu hụt do nghỉ việc, cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không thể hoàn thành đơn hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy bỏ hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể do kiệt quệ, không đủ lực để chống chịu dịch bệnh kéo dài. Hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do không thể lưu thông được hàng hóa nông sản. Du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành thực phẩm và bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu giảm và nguồn cung bị gián đoạn. Ngành dệt may và điện thoại di động và các ngành xuất khẩu linh kiện bị ảnh hưởng nặng nề do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong những năm tới. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn như diễn biến dịch bệnh hay căng thẳng thương mại đến từ các quốc gia đối tác khác.

Đại dịch cho thấy, không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Giáo sư John Walsh cho rằng nền kinh tế toàn cầu siêu kết nối ngày nay, được đặc trưng bởi các liên kết thương mại sâu rộng, đã khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc và cuộc tấn công từ thiên nhiên. Thương mại có thể làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia và khả năng tiếp xúc với các mối nguy, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền các mối nguy đó thông qua các liên kết kinh tế, tài chính, vận tải và kỹ thuật số. Đồng thời, thương mại, với tư cách là động lực chính của năng suất và tăng trưởng kinh tế, giúp các quốc gia tạo ra các nguồn lực cần thiết để ngăn ngừa rủi ro, chuẩn bị đối phó và phục hồi sau các cú sốc. Đại dịch cũng khiến thế giới trở lên chật hẹp hơn, gia tăng sự tùy thuộc, kết nối chặt chẽ và tác động lan tỏa hơn giữa các quốc gia có. Mỗi nước, cộng đồng và cá nhân đều có trải nghiệm sâu sắc và tăng cảm thông nhau hơn khi hiểu rằng, không một ai, không một quốc gia nào được an toàn, khi cộng đồng và các nước khác chưa an toàn. Thực tế cho thấy, trong trường hợp không có sự phối hợp hợp lý toàn cầu, việc áp dụng các chính sách riêng cho từng quốc gia có thể sẽ kém tối ưu. Hợp tác cũng có thể giúp hạn chế việc sử dụng các chính sách có thể có tác động lan tỏa tiêu cực đối với các đối tác thương mại, chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu hoặc trợ cấp. Chính vì vậy, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế giữa các quốc gia có thể là đòn bẩy tích cực cho tăng trưởng thương mại và đầu tư; từ đó, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.

Việt Nam cũng là nước chịu khá nhiều ảnh hưởng từ cuộc căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Thứ nhất, hoạt động thương mại và đầu tư bị đình trệ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nga đạt 7,14 tỷ USD năm 2021 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Xung đột Nga - Ukraine gây ra sự sụt giảm đột ngột và kéo dài trong hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine và Nga, tiếp tục gây áp lực lên giá hàng hóa quốc tế, gây bất lợi cho các nước dễ bị tổn thương về kinh tế. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã bị ngừng trệ đơn hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, chậm trễ trong các biện pháp thanh toán. Thứ hai, sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu nông sản sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam. Quan trọng hơn là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá nguyên liệu đầu vào như lúa mỳ, ngô… đã tăng lên 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20% (tháng 02/2022), ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt của Việt Nam. Thứ ba, chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu phục vụ cho sản xuất bị đình trệ. Nga và Ukraine có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu. Nga là nhà cung cấp lớn trên thị trường toàn cầu với nhiều mặt hàng. Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất hoặc phân phối các sản phẩm dẫn đến phá vỡ chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng quan trọng. Khi xung đột xảy ra, giá các mặt hàng thế mạnh của Nga như lúa mỳ, phân bón, than, thép, các kim loại cơ bản đều đã tăng vọt. Thứ tư, giá dầu cao khiến chi phí hậu cần và vận chuyển tăng. Xung đột là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt, dầu mỏ do thị phần sản xuất và xuất khẩu của Nga và Ukraine rất lớn. Việt Nam nhập khẩu ròng giá trị dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu với gần 6 tỷ USD trung bình mỗi năm  trong giai đoạn 2017 - 2021. Khi giá dầu tăng cao buộc các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm các nhà cung ứng từ Úc, Nam Mỹ và châu Phi. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp. Nhiều hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa, gia tăng chi phí hậu cần logistics lên hệ thống vận chuyển toàn cầu. Thứ năm, giá cả tăng cao gây áp lực lạm phát. Nga và Ukraine cũng chiếm tới 14% thị phần nguồn cung thép cho thế giới. Nguồn cung thép khan hiếm hơn khiến giá thép Việt Nam cũng điều chỉnh tăng ba lần chỉ trong tháng 02/2022. Những rủi ro về giá dầu, giá thép và nhiều nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn, gây áp lực đến lạm phát của Việt Nam. Rủi ro lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu. Lạm phát tăng 1,4% (02/2022) do chi phí vận chuyển tăng hơn 15%. 

Trong bối cảnh khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, Việt Nam cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 FTAs đã ký với các nước để đa dạng hóa thị trường, hạn chế những rủi ro cũng như tận dụng tốt những cơ hội của xung đột. Thứ nhất, cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu. Do lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây cũng như do người dân tự động tẩy chay hàng hóa Nga, các nước châu Âu (EU) đang cần có nguồn cung cấp ngũ cốc và nông phẩm thay thế. Vì vậy, Việt Nam có thể tăng cường tham gia thị trường EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine. Đây là thời điểm tốt để Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo, các loại nông phẩm lương thực sang thị trường EU vốn có nhu cầu cao, mỗi năm nhập khoảng 160 tỷ USD, xuất khẩu nhiều nông sản và thực phẩm quan trọng cho thế giới như lúa gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ca cao, khoai mì, tôm, cá tra, trái cây… Giá gạo và nông phẩm tăng có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và nông phẩm của Việt Nam, càng có cơ hội củng cố vị thế của Việt Nam là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho khách hàng. Thứ hai, cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội chuyển đổi, tìm kiếm các thị trường mới. Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Nga các mặt hàng như lúa mì, ngô, đây cũng là những mặt hàng mà Mỹ sản xuất nhiều. Do đó, Việt Nam có thể chuyển hướng nhập khẩu các mặt hàng này từ thị trường Mỹ, cũng là giải pháp góp phần làm cân bằng hơn cán cân thanh toán, đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam cần tìm hiểu về luật cấm vận của Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga. Bất ổn chính trị khiến các nước nhập khẩu ở châu Á, châu Phi và Trung Đông gặp khó khăn khi nguồn cung gián đoạn khiến giá thực phẩm tăng cao. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, chuyển sang nhập khẩu thịt từ Ấn Độ, giảm nhập khẩu từ Nga. Thứ ba, tạo điều kiện gia tăng quan hệ kinh tế với Nga. Xung đột Nga - Ukraine khiến cho EU dời hoạt động kinh doanh với Nga để chuyển đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định. Do rủi ro tiềm ẩn tại thị trường Nga, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển dịch dòng vốn đầu tư và tìm kiếm địa chỉ an toàn hơn. Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt với tình hình chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng được cải thiện và quy mô thị trường rộng lớn (với gần 100 triệu dân) rất hấp dẫn các nhà đầu tư.Nhiều tập đoàn lớn đã rời bỏ nước Nga. Đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư này, tiến sâu vào thị trường Nga, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nga. Thứ tư, giá dầu tăng giúp thu ngân sách của Việt Nam từ dầu thô tăng. Mặc dù xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng đã tạo sức ép lớn đến lạm phát và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Tuy nhiên, giá dầu thế giới tăng cũng có lợi cho ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần làm tăng nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô. Theo Bộ Tài chính, giá dầu tăng đã giúp thu ngân sách của Việt Nam từ dầu thô tăng hơn 57% (tháng 02/2022) và đóng góp gần 29% vào dự toán thu ngân sách của Nhà nước. Doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vượt 34% kế hoạch, nộp ngân sách vượt 52% kế hoạch (tháng 02/2022). Kèm theo đó là các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước. 

Chính phủ Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ để hiện đại hoá và đồng bộ hoá công nghệ kỹ thuật sốNguồn nhân lực để phục vụ trong lĩnh vực này cần được đầu tư và đào tạo bài bản, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, đồng thời có thể ứng biến với mọi tình huống xảy ra trong không gian mạng. Bên cạnh đó, đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách và tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; tập trung phát triển kỹ năng công nghệ về quản lý từ xa, giáo dục và vận hành doanh nghiệp thông qua nền tảng số cũng là điều Việt Nam cần tập trung hơn trong thời gian tới. Về phái các doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng ứng dụng các mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh liên kết,… cùng sự trợ giúp của công nghệ giúp doanh nghiệp tinh chỉnh kế hoạch kinh doanh và nắm bắt được khi nhu cầu thị trường biến động.  

Nói tóm lại, những biến động trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cả trong ngắn và dài hạn, đe dọa thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của Việt Nam. Tuy nhiên, luôn có những cơ hội đằng sau thách thức. Việt Nam cần nỗ lực để giảm thiểu những rủi ro và thách thức mà những biến động này mang lại, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội từ các rủi ro. Trong các nỗ lực đó, điểm mấu chốt hiện nay là Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu như EVFTA và FTA với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương như CPTPP và RCEP.

Ghi chú: Bài tư vấn chính sách dựa trên “Webinar quốc tế: Những biến động gần đây trong nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam vào chiều ngày 25/05/2022, do Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế phối hợp với Phòng Tạp chí Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức. Giáo sư John Walsh là Phó Trưởng khoa và Giám đốc Chương trình Anh ngữ, Trường Quốc tế, Đại học Krirk, Thái Lan, Nguyên Giảng viên Trường RMIT, thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, UEB. Ông tốt nghiệp tiến sĩ tại trường đại học Oxford danh tiếng vào năm 1997. Giáo sư John Walsh đã xuất bản hơn 100 cuốn sách, chương sách và bài báo học thuật. Hiện nay, nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Giáo sư John Walsh cũng có kinh nghiệm thực tế rất phong phú, ông đã sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới như Sudan, Hy Lạp, Hàn Quốc, Úc, Abu Dhabi, Thái Lan và Vương quốc Anh.

Thông tin về webinar, xem tại đây.

Giáo sư John Walsh là Phó Trưởng khoa và Giám đốc Chương trình Anh ngữ, Trường Quốc tế, Đại học Krirk, Thái Lan 

Ảnh về buổi tọa đàm



FullName Email
Address Security code PBGZEW
Content