Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Bàn về vai trò của truyền thông và truyền thông đại chúng với việc quảng bá thương hiệu các trường đại học

Trong tiếng Anh, "Communication" có nghĩa là truyền thông - sự truyền đạt, thông tin, thông báo, giao tiếp, trao đổi, liên lạc. Còn theo tiếng La tinh, nó có nghĩa là cộng đồng. Nội hàm của nó là nội dung, cách thức, con đường, phương tiện để đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa cá nhân và xã hội. Hay truyền thông là một quá trình liên tục trao đổi hoặc chia sẻ thông tin, tình cảm, kỹ năng nhằm tạo sự liên kết lẫn nhau để dẫn tới sự thay đổi trong hành vi và nhận thức.

Còn truyền thông đại chúng được hiểu là những phương pháp truyền thông chuyển tải thông điệp đến những nhóm đông người. Có nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau, phổ biến nhất là Phát thanh, Truyền hình, Báo chí và Internet. Thế nên, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông đại chúng có có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội.

Nếu biết tận dụng tối đa vai trò của nó, doanh nghiệp có thể vừa “đóng đinh” sản phẩm của mình trong đầu người tiêu dùng vừa nâng cao uy tín và vị thế của mình trên thương trường. Còn đối với các trường Đại học, vai trò của truyền thông ngày đại chúng càng trở nên thiết yếu, bởi nhờ nó mà thương hiệu của trường mới được nhiều người biết đến, qua đó góp phần vào việc thu hút nhiều thí sinh mỗi khi kỳ thi tuyển đại học diễn ra; rộng hơn là lôi cuốn cán bộ giỏi đến làm việc và mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế với các trường đại học trên thế giới.

Nắm bắt được tầm quan trọng của truyền thông và truyền thông đại chúng, các đại học trên toàn cầu, từ những đại học danh tiếng như Havard đến những trường đại học ít tên tuổi như Loughborough, hay thậm chí cả những trường đại học nhỏ ở các nước đang phát triển như đại học Birzeit (Palestine), đại học nào cũng có một bộ phận truyền thông chuyên trách quảng bá thương hiệu và hình ảnh của trường.

Còn tại Ấn Ðộ, Hiệp hội các đại học của nước này đã thành lập hẳn một Hội đồng truyền thông và quan hệ công chúng chuyên giúp đỡ và tập huấn các cán bộ phụ trách công việc quảng bá hình ảnh trường tại các đại học của nước này. “Mỗi Đại học đều có cách làm truyền thông theo cách của riêng họ, nhưng để khai thác hết tiềm năng của giáo dục đại học tại Ấn Ðộ, cần phải có một chiến lược lâu dài nhằm phát huy hết ảnh hưởng của truyền thông đại chúng trong lĩnh vực giáo dục”, TS. Vishwanath Pandey, Trưởng phòng truyền thông, đại học Banaras Hindu, một trong những thành viên sáng lập ra Hội đồng truyền thông, đưa ra nhận định.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, các đại học đã bắt đầu quan tâm đến thương hiệu của mình. Các trường đại học đã tổ chức các cuộc thi làm logo hay in những cuốn lịch được phát cho sinh viên vào các dịp Tết có hình logo đó. Vào những dịp kỷ niệm, lễ tuyên dương, giải thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ, nhà trường không chỉ tổ chức nội bộ nữa mà bắt đầu được thông cáo rộng rãi trên báo chí và truyền hình. Thậm chí, một số trường còn tạo slogan ấn tượng giống như các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của Internet thì từng đấy vẫn là chưa đủ để quảng bá thương hiệu và hình ảnh của trường đến với đông đảo công chúng. Logo của các trường còn quá đơn giản, chưa tạo được ấn tượng, còn các sự kiện của trường thì chỉ đơn giản là đưa tin, chưa tạo ra được một điểm nhấn thực sự rõ nét đối với công chúng. Nói một cách khác, các trường đại học vẫn chưa xây dựng được một chiến lược truyền thông quảng bá thương hiệu và hình ảnh của mình một cách rõ ràng.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 450 trường đại học, cao đẳng. Vì vậy, để các bậc phụ huynh, thí sinh, công chúng biết đến thương hiệu của nhà trường thì ngoài chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, công tác nghiên cứu khoa học, công tác truyền thông cần phải được chú trọng đúng mức, nhất là đối với những trường mới được thành lập.

Do đó, để làm tốt công tác truyền thông, thứ nhất, các trường phải có một đội ngũ am hiểu về vai trò của truyền thông và truyền thông đại chúng.

Thứ hai, xây dựng website nhà trường thực sự chất lượng về cả hình thức lẫn nội dung. Bởi website chính là “bộ mặt” của nhà trường ở trên mạng Internet. Webiste còn là nơi giới thiệu các hoạt động nổi bật, những thành tựu trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Đây cũng chính là nơi để sinh viên thể hiện chính kiến thông qua các diễn đàn. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay các trường đại học ở nước ta đang cố gắng cải thiện chất lượng website của mình để được lọt vào bảng xếp hạng các website hàng đầu của các trường đại học trên thế giới, qua đó đưa thương hiệu và hình ảnh của nhà trường ra toàn thế giới.

Thứ ba, khi có các sự kiện lớn diễn ra, như ngày thành lập trường, hội thảo khoa học, quảng bá tuyển sinh, các hoạt động tình nguyện có ý nghĩa xã hội, bộ phận truyền thông cần có một kế hoạch truyền thông cụ thể và thông qua các phương tiện truyền thông để tạo ra điểm nhấn trong mắt công chúng.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông trên Internet, như You Tube, Facebook, Twitter, Blog… để quảng bá những sự kiện lớn của trường và sự hiểu biết của đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên về các vấn đề “nóng” của xã hội. Ví dụ, sau khi giá xăng tăng thêm 2.100 đ/lít, một nhóm sinh viên trường Đại học FPT đã “chế” ra một bài hát, với tiêu đề “Vì xăng tăng cao”. Bằng các hoạt cảnh đơn giản và thông qua You Tube, đã có hàng ngàn lượt người xem clip vui nhộn này, qua đó trường hình ảnh của trường Đại học FPT được quảng bá rộng rãi hơn.

Thứ  tư, mỗi cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng có thể trở thành một kênh truyền thông: Hãy nói tốt về trường, nhất là ở những nơi đông người; trong lớp học, ngoài việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, hãy cho các sinh viên, kể cả sinh viên ngoại quốc biết thêm về truyền thống, chất lượng đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và chiến lược phát triển lâu dài của nhà trường trong tương lai. Nếu làm tốt công tác này, khi ra trường, các cựu sinh viên sẽ tự đưa nhà trường đến với các bậc phụ huynh và thí sinh.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Dững (2011), BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG HIỆN ĐẠI, từ hàn lâm đến đời thường, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Trần Hữu Quang (2009), Xã hội học về truyền thông đại chúng, NXB Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.


ThS. Phạm Huy Thông Nguồn:

FullName Email
Address Security code BPGSZO
Content