Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Báo động lỗi sai trong luận văn, luận án

Ảnh minh họa.
Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu ở bậc sau đại học, có lẽ khoảng thời gian quan trọng, ý nghĩa nhất đối với bất kỳ học viên, nghiên cứu sinh nào, đó là hoàn thành bảo vệ tốt nghiệp cho luận văn, luận án của mình. Khi những tiếng vỗ tay vang lên chúc mừng tác giả đã thành công rực rỡ, là khi những công trình nghiên cứu đã được nằm yên trong thư viện khoa, trường, nơi cơ sở đào tạo. Liệu hành trình của công trình nghiên cứu đó đã thực sự hoàn thành?

Hiện nay, tình trạng khá nhức nhối trong đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh ở nước ta đó là tình trạng chất lượng của luận văn, luận án - những công trình nghiên cứu khoa học, nhưng chẳng khoa học chút nào, thậm chí, với nhiều nhiều người tâm huyết, có tầm, còn thở dài, thất vọng cho sự bôi bác của tác giả cùng những người liên quan.

Khỏi nói thì nhiều người cũng nhận thấy và giật mình cho chất lượng bởi những lỗi ngây thơ, tỉ dụ như sai tên tác giả, tác phẩm trích dẫn, sai quá nhiều lỗi chính tả, thậm trí có luận văn, luận án còn sai font chữ cả một đoạn dài. Những lỗi về cách trình bày, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu... thì dường như còn gặp nhiều hơn.

Những lỗi này, nếu khách quan nhìn nhận thì chưa hẳn tất cả đều thuộc về tác giả, cũng không hẳn thuộc về những người có liên quan trong Hội đồng bảo vệ (HĐBV) hay giáo viên hướng dẫn, mà nó thuộc về cái sai của “những người đi trước”.

Thông thường, để hoàn thành một nghiên cứu luận văn, luận án, các tác giả phải tham khảo nhiều tài liệu, trong đó, một loại tài liệu không thể thiếu, không bao giờ thiếu, đó là những luận văn, luận án của người đi trước. Nhưng thực tế nực cười là những tài liệu này sau khi “qua cửa” kho lưu trữ (các thư viện thuộc cơ sở đào tạo) thì sẽ không còn ai kiểm duyệt nội dung, chất lượng của nó nữa. Và vì thế, nghiễn nhiên sản phẩm ấy sẽ trở thành tài liệu chính thống để cho lớp lớp các thế hệ đi sau mặc sức mà sử dụng tham khảo, học hỏi trong khi họ không nhận ra (hoặc không dám đánh giá) được tài liều mình đang dùng là đúng hay sai.

Trong một buổi bảo vệ luận văn, TS. Nguyễn Đức Sơn (Phó trưởng Khoa Tâm lý giáo dục - Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Có rất nhiều luân văn, luận án mắc những lỗi cứ lặp đi lặp lại ở nhiều luận văn, luận án khác. Thậm chí còn lặp lại từ năm này sang năm khác. Đây là lỗi do tham khảo, tác giả đã tham khảo những cuốn sai sót mà chưa được chỉnh sửa vì thế những lỗi này luôn lặp lại thành một hệ thống đã đến lúc khó dừng lại”.

Qua nhiều buổi dự lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau, người viết nhận ra rằng thông thường HĐBV làm việc rất nghiêm túc, có nhiều đánh giá, nhận xét xác đáng, yêu cầu chỉnh sửa nghiêm chỉnh (chỉ có khâu đánh giá cho điểm sẽ có sự chênh lệch nhau).

Ngay chính người bảo vệ (bao gồm cả giáo viên hướng dẫn) cũng thừa nhận và hứa chỉnh sửa lại theo góp ý khoa học đúng đắn của hội đồng. Nhưng nghịch lý ở chỗ sau khi kết thúc buổi bảo vệ, dường như không ai còn quan tâm đến những cuốn đã được nộp và sẽ nằm trên thư viện của cơ sở đào tạo kia nữa.

Nguyên nhân của vấn đề này do việc bảo vệ luận văn, luận án của chúng ta đang diễn ra theo một quy trình cứng: nộp quyển (luận văn, luận án) cho các đơn vị (thư viện, khoa, phòng hoặc khoa sau đại học) tại cơ sở đào tạo trước, sau đó HĐBV mới thẩm định và đánh giá luận văn, luận án. Khi bảo vệ thành công, là tác giả chỉ còn việc ngồi chờ được giấy chứng nhận, nhận bằng tốt nghiệp, dù có gật đầu đồng ý chỉnh sửa và nộp lại cơ sở đào tạo cuốn khác cũng vậy, vì không có ai kiểm soát.

Thực tế, tác giả dù muốn nộp lại nhưng chắc chắn không muốn chuốc thêm rắc rối cho mình, thời gian cộng chi phí in ấn (dù không nhiều lắm). Trong khi đó không có ai kiểm duyệt tác giả chỉnh sửa (hội đồng xong là hoàn thành nhiệm vụ) vậy thì việc gì sẽ xảy ra? Đương nhiên những sai sót ở công trình nghiên cứu sẽ lại được “tái xuất giang hồ” nơi những nghiên cứu khác ở thì tương lai, và như vậy, lỗi thuộc về “người đi trước”.

Để thay đổi tình trạng này, có lẽ nên chăng chúng ta cần thay đổi quy trình bảo vệ luận văn theo hướng:

Một: Để HĐBV thẩm định, đánh giá trước. Với những sai sót trong nghiên cứu nếu có, cần được hội đồng thống nhất yêu cầu tác giả sửa chữa. Tác giả vẫn có thể được bảo vệ thành công, nhưng phải có sự sửa chữa mới được nộp quyển tại thư viện cơ sở đào tạo (các đơn vị này có trách nhiệm cấp giấy xác nhận như bình thường). Đối với người trong hội đồng có thể tuỳ thuộc nhu cầu mà đòi hỏi bản sửa lại của tác giả.

Hai: Yêu cầu in đầy đủ thông tin danh sách HĐBV, điểm số... trên luận văn, luận án nộp lưu thư viện cơ sở đào tạo. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm cá nhân của mỗi người tham gia và có liên quan đến công trình nghiên cứu đó.

Ba: Có sự kiểm tra giám sát của đại diện hội đồng trước khi nộp (có thể chỉ 1 trong số 5 người thuộc HĐBV). Mức thanh toán kinh phí như HĐBV luận văn, luận án hiện nay hoàn toàn đáp ứng được điều này, tốn kém không nhiều, hiệu quả thu được cao hơn.

Bốn: Chỉ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, chứng nhận hoàn thành khoá đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp khi có các loại giấy xác nhận đã nộp luận văn, luận án hoàn thành sau bảo vệ hội đồng (nghĩa là đã có sự chỉnh sửa, biên tập lại theo kiểm tra của đại diện HĐBV). Đây là điều kiện để ràng buộc tác giả nghiên cứu với sản phẩm của mình sau khi tiếp thu nhận xét, đánh giá từ HĐBV.

Quả thực khắc phục tình trạng này không quá khó, nhưng điều quan trọng tối cao vẫn là ở con người, do con người và con người có làm, dám làm hay không!


Đức Chữ (GD&TĐ)

FullName Email
Address Security code YGUBLN
Content