Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn:
ĐHKT nỗ lực xây dựng trường và góp phần vào sự phát triển chung của ĐHQGHN

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 - 10/12/2013), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), một đơn vị được coi là trẻ, năng động thuộc ĐHQGHN.

- Xin ông cho biết cảm tưởng và suy nghĩ của mình nhân sự kiện ĐHQGHN tròn 20 năm kể từ khi Chính phủ ban hành nghị định về ĐHQGHN?

Theo tôi đây là một sự kiện lớn của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên - những người đã và đang công tác tại ĐHQGHN. Kỷ niệm 20 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN là dịp để ĐHQGHN nhìn nhận, đánh giá, tổng kết chủ trương, mô hình, thành tựu và hạn chế trong 20 năm ĐHQGHN hoạt động theo mô hình và cơ chế mới. Đây cũng là dịp khẳng định truyền thống, các giá trị cốt lõi của ĐHQGHN, đồng thời là dịp để tăng cường, quảng bá, thiết lập quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế, qua đó tiếp tục chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho những bước phát triển mới trong tương lai của ĐHQGHN. Chúng ta có thể cảm nhận thấy không khí náo nức chờ đón lễ kỷ niệm này ở nhiều đơn vị thuộc ĐHQGHN.

Tại Trường Đại học Kinh tế, nhiều hoạt động đã và sẽ được tổ chức để hướng tới lễ kỷ niệm này. Từ tháng 6/2013 chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hướng tới lễ sự kiện này như: Tuyên truyền kỷ niệm theo hình thức treo băng zôn, khẩu hiệu, panô,... lồng ghép nội dung với các hoạt động thường xuyên; Mở chuyên mục đăng tải bài viết về truyền thống, chiến lược phát triển, thành tựu chung của ĐHQGHN và đơn vị trên website của Trường; Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học; Tổ chức các hoạt động về nguồn bao gồm các hoạt động tình nguyện, thăm hỏi, quà tặng tại các địa phương nơi thầy và trò của Trường về sơ tán trong những năm chiến tranh; Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao như: Giải bóng bàn, hội diễn “Tiếng hát thầy và trò Trường ĐHKT”… Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã và đang tích cực chuẩn bị để tham gia các hoạt động kỷ niệm chung của ĐHQGHN. Tôi cho rằng, sự kiện này như một dịp “nhìn lại để hướng tới”. Nó thực sự cần thiết và rất ý nghĩa đối với sự phát triển của Trường chúng tôi nói riêng và ĐHQGHN nói chung.

- Thưa ông, là một thành viên của ĐHQGHN, Trường ĐHKT đã tận dụng và phát huy truyền thống và sức mạnh hữu cơ của ĐHQGHN như thế nào để trở thành đơn vị năng động, nhanh chóng tạo được vị thế và thương hiệu trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và khu vực?

ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu lớn của cả nước. Do đó, với tư cách là một đơn vị trực thuộc, Trường ĐHKT đã được thừa hưởng uy tín, truyền thống của ĐHQGHN. Lịch sử phát triển của Trường ĐHKT gắn liền với lịch sử phát triển của ĐHQGHN từ tháng 11/1974 với sự ra đời của Kinh tế Chính trị trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cho đến nay, có thể thấy không chỉ Trường ĐHKT mà nhiều đơn vị khác thuộc ĐHQGHN đã phát huy được truyền thống của ĐHQGHN, truyền thống của đơn vị mình nói riêng và kết hợp hài hòa nó để tạo thành một bản sắc riêng của đơn vị mình. Đối với Trường ĐHKT, điều đó được thể hiện ở việc: sử dụng chung cơ sở vật chất, phát huy được sự liên thông - liên kết giữa các đơn vị trực thuộc; phát huy được sức mạnh của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy đông đảo, chất lượng cao, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn có uy tín trong và ngoài nước… vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu và các hoạt động khác của trường. Đặc biệt, trong 9 chương trình đào tạo bằng kép của Trường ĐHKT có 7 chương trình được liên kết tổ chức với các đơn vị thành viên của ĐHQGHN, gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học Tự nhiên, Khoa Luật. Nhờ sự đặc thù đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, Trường ĐHKT đã được phép mở mới các ngành đào tạo sau đại học như: Quản lý Kinh tế, Quản trị Công nghệ và Phát triển doanh nghiệp. Đây là cơ hội tốt giúp học viên có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh tế giữa các nhà lãnh đạo thuộc nhiều khu vực kinh tế khác nhau ngay tại môi trường học tập…

Trong hoạt động nghiên cứu, ĐHQGHN đã hỗ trợ Trường ĐHKT về cơ chế, kinh phí để duy trì và phát triển tốt Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam. Sau bốn năm liên tục được xây dựng và ấn hành, chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của Trường Đại học Kinh tế, có lẽ đã trở nên quen thuộc với nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu kinh tế và những người quan tâm đến vấn đề kinh tế của Việt Nam. Trường ĐHKT cũng đã phối hợp với một số đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN tổ chức được nhiều hội thảo, hội nghị quốc gia lớn; triển khai được một số đề tài nghiên cứu mang tính liên ngành, có tính thực tiễn cao, điển hình làđề tài “Lượng giá kinh tế do biến đổi khí hậu đối với thủy sản miền Bắc và đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu”…

Với uy tín, thương hiệu của ĐHQGHN và với tiềm năng, thực lực của Trường, chúng tôi đã có nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác với các tổ chức, đơn vị có tiềm năng lớn trong và ngoài nước.

Như vậy, cùng với ĐHQGHN, tầm vóc - vị thế - uy tín - thương hiệu của Trường ĐHKT ngày càng được nâng cao, tỏa rộng.

Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn trao thưởng cho 2 thủ khoa của trường trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2013

- Trường ĐHKT được đánh giá là đơn vị tiên phong trong một số hoạt động/ lĩnh vực của ĐHQGHN. Ông có thể nói rõ về điều này không?

Chúng tôi hoạt động với tư cách là một trường đại học thuộc ĐHQGHN hơn 6 năm nhưng đã và đang được xã hội biết đến như một trường năng động, có tầm nhìn, quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế. Uy tín Nhà trường được khẳng định qua nhiều hoạt động, trong đó có một số thành tựu tiêu biểu như: (1) Đổi mới quản trị đại học: công tác quản lý Nhà trường đã được thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 - là trường học đầu tiên thuộc ĐHQGHN triển khai áp dụng; (2) ĐHKT đã xây dựng được môi trường văn hóa năng động, khuyến khích được sự nhiệt tình, sáng tạo của cán bộ, giảng viên, sinh viên đối với sự phát triển của trường; (3) ĐHKT đã thu hút và quy tụ nhiều cán bộ, giảng viên có tài, tâm huyết với sự phát triển của trường về công tác. Từ năm 2007 đến nay, Nhà trường đã thu hút được hơn 2 chục tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ về công tác tại Trường; (4) Số lượng lớn sinh viên thi vào với điểm cao. Trên 90% sinh viên tốt nghiệp loại khá/ giỏi. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cao; (5) Một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do cán bộ của trường chủ trì đã có địa chỉ ứng dụng; ĐHKT là đơn vị trong ĐHQGHN có tỷ lệ bài báo công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI , SCOPUS /giảng viên cao. Trường đã hình thành được một số nhóm nghiên cứu, nổi bật là nhóm nghiên cứu Kinh tế chính sách, đã có sản phẩm đặc sắc là Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam; (6) ĐHKT tiên phong triển khai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế xã hội mũi nhọn, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế v.v.

Trường ĐHKT đã được lãnh đạo ĐHQGHN tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ thí điểm như: thực hiện nghiên cứu theo chuẩn đầu ra CDIO. Năm 2009, Trường đã được Ban Tổ chức Trung ương và ĐHQGHN tin cậy, giao nhiệm vụ phối hợp với Đại học Uppsala - Thụy Điển đào tạo Thạc sĩ Quản lý công của Chương trình tạo nguồn lãnh đạo cho Đảng và Nhà nước (Đề án 165)…

Tuy vậy, chúng tôi luôn xác định, những thành tựu trên mới chỉ là những thành tựu ban đầu. Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực để đạt nhiều thành tựu hơn nữa, nhằm xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của ĐHQGHN, đáp lại niềm tin của Đảng và xã hội.


Chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của Trường ĐHKT ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các nhà phân tích và hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu kinh tế và những người quan tâm đến vấn đề kinh tế của Việt Nam.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 22/4/2013


- Trường ĐHKT sẽ có định hướng phát triển trong thời gian tới như thế nào để xứng đáng là thành viên nòng cốt của ĐHQGHN - một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, từng bước đạt trình độ quốc tế?

Chúng tôi đã và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng Trường ĐHKT trở thành trường đại học nghiên cứu có chất lượng cao ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực. Trong thời gian tới, các hoạt động của trường sẽ tập trung theo hướng:

  1. Phát triển mang tính đột phá nhưng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế trong các ngành, chuyên ngành đào tạo, các lĩnh vực nghiên cứu có thế mạnh, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của Trường.
  2. Chất lượng và hiệu quả; Chuyên nghiệp và văn hóa cộng đồng; Sản phẩm đầu ra... là những thước đo của mọi hoạt động trong Nhà trường, đăc biệt là hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
  3. Tiếp tục đổi mới quản trị đại học, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, động viên toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường đoàn kết, hăng hái, say mê và sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Trường.
  4. Luôn luôn coi việc thu hút, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để trường có thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra.
  5. Phát huy mọi nguồn lực, kể cả nguồn lực bên trong và bên ngoài để tăng nguồn thu, nâng cấp cơ sở vật chất của Nhà trường; Xây dựng dự án đầu tư chiều sâu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu hướng đến người học; Hướng tới khai thác hiệu quả cơ sở hiện có và xây dựng cơ sở mới của Trường tại Hòa Lạc.

Hoạt động theo mô hình trực thuộc ĐHQGHN, Trường ĐHKT có rất nhiều cơ hội phát triển với mục tiêu chất lượng lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng, nhất trí của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức, Trường ĐHKT - ĐHQGHN hoàn toàn có thể phát huy được thế mạnh của một đơn vị đào tạo đại học hàng đầu, có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và lãnh đạo ĐHQGHN.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Anh (thực hiện)

FullName Email
Address Security code UTFXEO
Content