Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

“Thuận lợi hóa” hoạt động hộ kinh doanh hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới

Tại Việt Nam, hộ kinh doanh (HKD) là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng, đóng góp đáng kể cho GDP cả nước. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này còn tồn tại nhiều điểm hạn chế và việc quản lý hoạt động còn nhiều bất cập. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết cần nhận định rõ những thách thức, khó khăn, rào cản thể chế, chính sách và tiếp cận vốn tín dụng mà HKD đang gặp phải, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhằm đề xuất hàm ý chính sách tháo gỡ.

Do đó, Tọa đàm với chủ đề “Thuận lợi hóa hoạt động hộ kinh doanh hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đồng tổ chức diễn ra ngày 15/10/2021 đã tạo ra một diễn đàn nhằm đánh giá, phân tích những vấn đề nêu trên.

Theo báo cáo thống kê sơ bộ được Tổng cục Thống kê, trước khi bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, cả nước ghi nhận có khoảng 5,37 triệu HKD, cao hơn khoảng 9 lần so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây được coi là một khu vực kinh tế quan trọng, đặc biệt có đóng góp đáng kể trong việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm, với tổng số lao động tham gia trong khu vực này ghi nhận khoảng 9 triệu người năm 2019.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế HKD còn tồn tại nhiều điểm hạn chế; việc quản lý hoạt động của các HKD cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý thuế và các nghĩa vụ khác với xã hội và người lao động. Ở thời điểm hiện tại, việc quản lý đối tượng hộ kinh doanh vẫn chưa có một khung pháp lý cụ thể, cho dù điều này đã được đề cập trong các văn bản pháp lý. Đồng thời, Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhóm HKD chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, nhưng kết quả không mấy khả quan và không được các HKD đón nhận.

Tọa đàm chủ đề: “Thuận lợi hóa” hoạt động hộ kinh doanh hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới”

Từ năm 2020 đến nay, HKD cũng như các doanh nghiệp khác phải chịu hàng loạt khó khăn bởi các làn sóng dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế, cũng như chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu được trình bày tại tọa đàm hướng đến mục tiêu xác định những hạn chế, khó khăn trong hoạt động của HKD từ góc độ pháp lý cũng như thực tế hoạt động; lượng hóa mức độ ảnh hưởng của những hạn chế, khó khăn này tới kết quả kinh doanh và khả năng phát triển của các nhóm HKD khác nhau (phân theo quy mô và lĩnh vực hoạt động). Đồng thời, nghiên cứu cũng xem xét những hạn chế về khung pháp lý hiện tại trong việc quản lý hoạt động của hộ gia đình, đặc biệt là trong việc thực hiện nghĩa vụ với xã hội (với ngân sách, với quyền lợi người lao động...) của khu vực này.

 
 Chi tiết về các hộ kinh doanh được BIDV đưa vào khảo sát lần này

 

Cụ thể, dựa trên kết quả khảo sát 1.016 HKD được thu thập bởi 161 chi nhánh BIDV trên 63 tỉnh thành, nghiên cứu đã tập trung tổng hợp, phân tích và đánh giá tác động của 6 nhân tố đến hoạt động của nhóm HKD, bao gồm: (1) Lợi thế so sánh; (2) Tính tương đương giữa các hình thức kinh doanh; (3) Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; (4) Các rào cản chính sách khi tiếp cận vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng; (5) Mong muốn được hỗ trợ trong tiếp cận vốn từ ngân hàng và tổ chức tín dụng khác; và (6) Giải pháp khuyến khích thành lập doanh nghiệp kinh doanh.

 
 
Từ đó, nghiên cứu đưa ra những gợi ý về chính sách để các cơ quan quản lý xem xét, có những điều chỉnh cần thiết nhằm hỗ trợ tốt hơn cũng như quản lý hiệu quả hơn với khu vực kinh tế này:

- Việt Nam cần tăng cường bảo đảm các chế định về thực thi hợp đồng mà không có sự phân biệt về chủ thể; cần xem xét đến nhu cầu duy trì hình thức HKD trong thời kỳ công nghiệp 4.0 khi mà các hình thức của nền kinh tế chia sẻ như Grab, Uber, AirBnB... đang giúp cho các HKD hoạt động trở nên hiệu quả hơn và giúp cho Nhà nước quan sát, quản lý và thu được những khoản thuế từ các chủ thể kinh doanh này.

- Tăng cường hỗ trợ các HKD tiếp cận nguồn tài chính (ngân hàng hoặc các chủ thể khác); các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng của Nhà nước vẫn còn có sự không rõ ràng, chưa tiếp cận được với nhiều HKD. Đa phần HKD cho rằng hỗ trợ tín dụng nhà nước mới tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, còn các lĩnh vực khác chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng cụ thể. Nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho các HKD tiếp cận được với các nguồn tài chính tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng thì các HKD có thêm nguồn vốn để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và mở rộng sản - xuất kinh doanh sau khi đại dịch qua đi.

- Giảm chi phí tuân thủ pháp luật (thông qua cải cách thủ tục hành chính, thuế); cụ thể, cần thay đổi phương pháp quản lý thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào xử phạt. Liên quan đến hướng đi cho các HKD online, một xu hướng phổ biến hiện nay là các HKD phải bảo đảm được tính trách nhiệm và uy tín cá nhân, đồng thời cần tăng cường thanh toán online, cải cách thủ tục thuế, tăng cường áp dụng thủ tục hành chính trực tuyến.

- Trong ngắn hạn, HKD cần Nhà nước hỗ trợ giải quyết vấn đề vốn. Việc tận dụng các gói an sinh xã hội như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020 và 26.000 tỷ đồng năm 2021 có lẽ là hợp lý nên nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Đó chính là nguồn lực để lao động duy trì sự sống còn, cũng như trở lại kinh doanh khi dịch bệnh qua đi.

- Các HKD cần chuyển đổi số để thích ứng với xu hướng thị trường. Với các HKD chưa đủ khả năng đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ để chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ. Hiện nay, Nhà nước đang nghiên cứu để hỗ trợ chuyển đổi số cho các HKD. Theo đó, HKD vừa được hỗ trợ 100 triệu/năm, nhỏ được 50 triệu/năm, siêu nhỏ được 20 triệu/năm để ứng dụng chuyển đổi số. Tuy nhiên, HKD ở Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý, thế nên việc HKD cần tiến tới trở thành doanh nghiệp là cần thiết./.


VEPR

FullName Email
Address Security code GIECQZ
Content