Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo – Định hướng cho sự phát triển của ĐHQGHN

Ngày 9/12/2021, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã kí Quyết định số 4033/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025 của ĐHQGHN (sau đây gọi là Quyết định 4033).

 Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN.
- Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Quyết định 4033 có ý nghĩa thế nào đối với ĐHQGHN nói chung và các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN nói riêng?
Nhận thức được vai trò của việc định hướng ngành nghề đào tạo, từ năm 2014, ĐHQGHN đã xây dựng và ban hành Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2014 - 2020. Để tiếp tục định hướng cho 5 năm tiếp theo, Giám đốc ĐHQGHN đã kí Quyết định số 4033 ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 – 2025.
Quyết định 4033 ra đời không chỉ nhằm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên về việc «Giám đốc ĐHQG có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo trong phạm vi toàn ĐHQG» mà còn bởi chính động lực phát triển của ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo.
Việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giúp giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo trong ĐHQGHN, tránh nguy cơ đầu tư dàn trải, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực đào tạo trong ĐHQGHN; Tạo sự liên thông trong cùng đơn vị và giữa các đơn vị trong ĐHQGHN nhằm phát huy sức mạnh của từng đơn vị và sức mạnh tổng hợp của ĐHQGHN;
Việc quy hoạch này cũng giúp ĐHQGHN tìm tòi, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm, độc đáo, tiên phong mang thương hiệu của ĐHQGHN.
Đối với ĐHQGHN nói chung và các đơn vị đào tạo nói riêng, quá trình xây dựng, phê duyệt quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo là cơ hội để các đơn vị rà soát, xác định rõ chiến lược, kế hoạch, lộ trình phát triển các ngành nghề đào tạo cho từng giai đoạn, từ đó chủ động, có định hướng đầu tư, phát triển nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và các điều kiện đảm bảo chất lượng tương ứng.
Như vậy, quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo thực chất là định hướng cho sự phát triển của các đơn vị và ĐHQGHN trong giai đoạn tới.
Theo quy hoạch này, với số chương trình hiện có và số chương trình được quy hoạch, đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sỹ và 155 chương trình đào tạo tiến sỹ.
- Thưa GS., danh mục quy hoạch này có bao nhiêu ngành mới, bao nhiêu ngành thí điểm? Xin ông cho biết các con số cụ thể của từng bậc đào tạo ra sao?
So với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.
Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sỹ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sỹ. Những ngành thí điểm là những ngành chưa có tên trong danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và đã được đánh mã số. Những ngành thí điểm này là «đặc sản» trong đào tạo của ĐHQGHN.
Trong những giai đoạn trước, nhiều ngành thí điểm sau đó đã được đưa vào danh mục của Nhà nước và triển khai đào tạo trong toàn quốc, được khẳng định và đánh giá cao như thạc sỹ và tiến sỹ đo lường đánh giá trong giáo dục, kỹ sư công nghệ - kỹ thuật xây dựng - giao thông, kỹ sư tự động hóa và tin học, công nghệ hàng không - vũ trụ; cử nhân khoa học dữ liệu, kỹ sư năng lượng, vật liệu và linh kiện nano, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, ... Những ngành và chuyên ngành thí điểm là kết quả của hoạt động nghiên cứu và hội nhập quốc tế, thể hiện sự tiên phong dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học của ĐHQGHN.
- Có ngành nào sẽ "biến mất" trong khoảng từ nay đến 2025, thưa GS.?
Mỗi ngành, chuyên ngành ra đời đều có vai trò, chức năng nhất định đối với sự phát triển biện chứng của kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn tới, cho đến năm 2025, có lẽ chưa có ngành nào thực sự “biến mất”. Song, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành, kèm theo là nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt: có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể có thể là sự tích hợp.
Sự «ứng biến» này, cũng như sự trưởng thành của các nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN là cơ hội và là nền tảng cho sự ra đời các chương trình đào tạo mới mang tính liên ngành, liên lĩnh vực. Từ đó kéo theo sự tái cấu trúc của các đơn vị và sự phát triển về đội ngũ và tiềm lực KHCN của ĐHQGHN trong thời gian tới.
Một số ngành/chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở ĐHQGHN như: trí tuệ nhân tạo, quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị năng lượng và phát triển bền vững, logistic, thiết kế công nghiệp và đa phương tiện, quản lí đô thị và công trình (thông minh), công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số, … Các ngành kỹ thuật – công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch của ĐHQGHN trong thời gian tới.
- Ngành đào tạo được liên tưởng đến nghề nghiệp của sinh viên khi tốt nghiệp, vì thế có dự báo gì về ngành, nghề trong thời gian sắp tới không thưa GS.?
Trước đây, ngành đào tạo gắn chặt với nghề nghiệp của sinh viên khi tốt nghiệp, mỗi ngành ứng với một/một vài nghề. Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều thay đổi lớn đã được dự đoán trong cách sống và cách làm việc của con người. Giáo dục STEM, khả năng thích ứng và hội nhập, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, gắn với phát triển bền vững, cùng với ngoại ngữ và kỹ năng mềm là những chìa khóa quan trọng cho sự thành công của mỗi cá nhân cũng như đánh giá thành công của giáo dục đại học.
Mô hình phát triển của trường đại học cũng có sự thay đổi, trước đây hay nói đến đại học nghiên cứu tiên tiến, ngày nay không chỉ có thể, mà nghiên cứu - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột trong cấu thành của một trường đại học trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Vì vậy, thời gian tới, sẽ có sự thay đổi không chỉ về danh mục các ngành nghề, mà kéo theo là thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, cũng như nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra, đương nhiên kéo theo cả sự đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương thức tuyển sinh đầu vào, và từ đó cũng mang đến rất nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho người học, và cả cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học.
Vậy nên, theo tôi triết lí giáo dục STEM và khai phóng có lẽ sẽ là triết lí phù hợp cho nền giáo dục trong thời gian tới. Theo đó, người học không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu của một ngành mà còn được tiếp nhận thêm kiến thức liên ngành, những kỹ năng để thích ứng với nhiều môi trường công việc khác nhau, có cơ hội làm việc trong môi trường hội nhập toàn cầu.
Với xu hướng này, các chương trình đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực có lẽ sẽ là lựa chọn của nhiều người học. Bên cạnh đó, các ngành về kĩ thuật, công nghệ cũng sẽ phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của cuộc CMCN 4.0.
Danh mục quy hoạch ngành, chuyên ngành của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2025 đã đón đầu và thể hiện rõ nét xu hướng nói trên. Nếu cộng cả các ngành, chuyên ngành mang tính liên ngành và các ngành, chuyên ngành thuộc khối ngành kĩ thuật - công nghệ thì nhóm này chiếm đến khoảng 60% danh mục.
ĐHQGHN từ một đại học được biết đến như chỉ mạnh về khoa học cơ bản, đã chuyển mình mạnh mẽ và trên cơ sở thế mạnh về khoa học cơ bản mà các ngành kỹ thuật – công nghệ của ĐHQGHN đi sau mà về trước, như ngành khoa học máy tính và cơ kỹ thuật của ĐHQGHN đã sánh vai với toán học và vật lý, có tên trong bảng xếp hạng 500-600 trong bảng xếp hạng QS.
Mới đây, tháng 10.2021, hai lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science) và kỹ thuật công nghệ (Engineering) của ĐHQGHN đã được xếp hạng 601-800 trong bảng xếp hạng danh giá THE WUR của thế giới. Năm 2021, số bài báo công bố quốc tế trong lĩnh vực Engineering cũng nhiều nhất trong các lĩnh vực và chiếm hơn 10% công bố quốc tế ISI/scopus của ĐHQGHN.
- Quy hoạch 4033 này có ý nghĩa thế nào đối với xã hội nói chung và với người học tương lai của ĐHQGHN nói riêng, thưa GS.?
Việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo không chỉ có ý nghĩa đối với ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc mà còn có ý nghĩa đối với xã hội nói chung và với người học tương lai của ĐHQGHN nói riêng.
Với bản đồ quy hoạch này, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có thêm thông tin cho công tác quản lí, điều hành và định hướng phát triển cho hoạt động đào tạo cũng như nghiên cứu của cả nước, góp phần vào việc xây dựng và định hướng cho cả chiến lược giáo dục đại học và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà.
Đối với người học tiềm năng, đây là bức tranh tổng thể để người học nắm được cơ cấu ngành nghề của ĐHQGHN trong cả giai đoạn 5 năm tới, từ đó lựa chọn ngành học phù hợp nhất cho bản thân trong tương lai./.
Trân trọng cảm ơn GS. về cuộc trao đổi vừa qua.

Theo VNU

FullName Email
Address Security code PGBTBF
Content