Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Quốc tế hoá giáo dục - Chìa khoá vàng đưa sinh viên ngành Kinh tế quốc tế hội nhập thế giới.

Là một ngành học luôn thuộc các ngành “hot” ở Việt Nam và trên thế giới, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xác định quốc tế hoá giáo dục chính là chìa khoá để nâng cao chất lượng đào tạo của chương trình cử nhân ngành Kinh tế quốc tế, giúp sinh viên bồi đắp kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để trở thành công dân toàn cầu; từ đó có thể đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Quốc tế hóa giáo dục: Định hướng trọng tâm của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh, quốc tế hoá giáo dục luôn được xác định là định hướng trọng tâm được Nhà trường đẩy mạnh. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng Ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ: “Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đang là một điểm đến thú vị của các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tới Việt Nam. Rất nhiều trường đại học hàng đầu trong khu vực và trên thế giới đã lựa chọn Trường Đại học Kinh tế là đối tác tin cậy để cùng nhau xây dựng, phát triển môi trường học tập, giao lưu trao đổi học thuật và mang đến những cơ hội học tập dành cho sinh viên. Đây chính là lợi thế cho các sinh viên Trường Đại học Kinh tế khi được tiếp cận với một môi trường quốc tế đa văn hóa ngay tại Việt Nam”.

Đây là cơ hội giúp sinh viên của Trường nói chung và sinh viên ngành Kinh tế quốc tế nói riêng làm quen với ngôn ngữ, cách tư duy và làm việc của các quốc gia trên thế giới từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó sinh viên sẽ dễ dàng hòa nhập khi có cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài.

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế được xây dựng theo chuẩn quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hoá đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, Kinh tế quốc tế luôn là ngành học dẫn đầu trong top các ngành “hot” ở Việt Nam và trên thế giới. Ngành học sẽ góp phần cung cấp nguồn nhân lực trẻ có kiến thức vững vàng về lĩnh vực kinh tế quốc tế, đồng thời, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt, góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như mở rộng giao thương, buôn bán với nhiều quốc gia của Việt Nam.

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế được xây dựng dựa trên chương trình đào tạo ngành Kinh tế toàn cầu của Đại học California Santa Cruz, Hoa Kỳ (trường đứng thứ 95 trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới và thứ 57 tại Bắc Mỹ) và được bổ sung các học phần phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Các môn học trong chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh bởi các giảng viên tốt nghiệp từ các nước tiên tiến như Anh, Đức, Nhật, Úc, Bỉ… và cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng về kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế, kinh doanh quốc tế, các chính sách kinh tế đối ngoại chủ yếu hiện nay liên quan đến vấn đề chống bán phá giá, tranh chấp trong thương mại quốc tế, đặc điểm phát triển kinh tế thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa, những vấn đề về hội nhập kinh tế của tại Việt Nam…Thông qua đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Quốc tế sẽ có đủ nền tảng kiến thức để phân tích và xây dựng chính sách thương mại quốc tế và hội nhập nền kinh tế quốc tế, kinh doanh xuất nhập khẩu…

Đồng thời, chương trình chú trọng phát triển những kĩ năng nghề nghiệp cần thiết giúp sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc chuyên nghiệp trong nước và nước ngoài. Các kĩ năng này được tích hợp trong chương trình học của sinh viên trong suốt các năm học tại trường.

Môi trường học tập đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam

Chương trình học Kinh tế Quốc tế là chương trình Kinh tế đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn kiểm định của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) vào năm 2011.

Trong suốt quá trình học tập tại trường, sinh viên sẽ được tham gia những lớp học với sự có mặt của các giảng viên khách mời quốc tế có uy tín và có kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, sinh viên được học trong môi trường quốc tế với những lớp học có sự tham gia của các bạn đến từ các nước trên thế giới như Đan Mạch, Pháp, Trung Quốc, Hà Quốc, các nước ASEAN …. Chia sẻ về lý do lựa chọn Trường ĐH Kinh tế thay vì các trường đại học tại xứ sở Kim chi hoặc bất cứ nơi nào khác, cựu sinh viên khoá QH 2013E KTQT Choi Seong Kok cho biết: “Trường Đại học Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN là một trong những ngôi trường có bề dày lịch sử, chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất đạt top 1 Việt Nam và được các quốc gia trong khu vực và trên thế giới công nhận là ngôi trường được nhiều học sinh trong và nước ngoài mong muốn theo học”.

 

Sinh viên Choi Seong Kok (giữa) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp

Trong xu thế quốc tế hóa, ngoại ngữ luôn là yêu cầu thiết yếu đối với mỗi sinh viên. Bên cạnh lợi thế được học bằng kép ngoại ngữ của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, sinh viên ĐHKT còn được rèn luyện và trải nghiệm môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Giáo trình nước ngoài, các môn học giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên quốc tế sử dụng tiếng Anh và tất nhiên, tiếng Anh như một tiếng nói chung thứ hai tại ĐHKT.

Quốc tế hoá còn được thể hiện trong các hoạt động thực tập thực tế. Các sinh viên được đi thực tế ngay từ năm 2. Từ năm thứ 3, được thực tập với các đối tác trong và ngoài nước của Trường. Bên cạnh đó, hàng năm sinh viên ngành Kinh tế Quốc tế còn có 2-3 đợt thực tế tại các công ty đa quốc gia tại Việt Nam như: Honda Corp., Toyota Việt Nam, Công ty Samsung Việt Nam, Sankyu Logistics, Lazada cũng như các công ty lớn trong nước tham gia mạnh mẽ vào thị trường quốc tế như Công ty dược phẩm Traphaco, Viettel…

Khám phá thế giới: Ước mơ được hiện thực hoá ngay từ giảng đường đại học

Ước mơ được cầm hộ chiếu xanh khám phá thế giới sẽ không còn quá xa vời với sinh viên Khoa KT&KDQT. Trong 4 năm học tập, sinh viên còn nhiều cơ hội tham gia chương trình trao đổi quốc tế phong phú từ các trường đại học danh tiếng như Đại học Waseda, Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản); Đại học Quốc gia Đài Loan; Đại học Uppsala (Thụy Điển); Đại học Regensburg (Đức); Đại học Troy, Đại học Portland State (Hoa Kỳ); Đại học Thammasat, Chulalongkorn (Thái Lan), …

Năm 2019, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế đã có chuyến thực tế đầy thú vị tại Thái Lan, lắng nghe những trao đổi, chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan về mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam - Thái Lan. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư; sinh viên được đến thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc (UN), trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế, và khám phá văn hóa của xứ sở Chùa Vàng…

Hội thảo khoa học quốc tế: Diễn đàn chia sẻ tri thức mới với các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế quốc tế

Là một trường Đại học hàng đầu Việt Nam với định hướng nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế nói chung và Khoa KT&KDQT nói riêng luôn chú trọng tới việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế.

Kể từ năm 2013, sinh viên có cơ hội tham gia chuỗi Hội thảo thường kỳ về Hội nhập Kinh tế quốc tế CIECI (Conference on International Economic Cooperation and Integration) với sự chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN về Hội nhập Kinh tế quốc tế. Trong suốt hơn 8 năm qua, chuỗi hội thảo luôn được coi là diễn đàn uy tín, quy tụ các nhà hoạch định chính sách từ các Bộ, Ban, ngành như Ban Kinh tế Trung ương, Bộ công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, …; các nhà nghiên cứu từ các trường Đại học và viện nghiên cứu trong nước như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương Mại, Trường ĐH Hải Phòng, Viện Hàn lâm Khoa học xã Hội Việt Nam; … các học giả từ các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNN), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Brit Cham…; và các trường ĐH trên thế giới như Đại học Minnesota (Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan); …

Ngoài ra, hàng năm sinh viên Khoa KT&KDQT còn có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế như Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á quy tụ gần 500 học giả nước ngoài, Diễn đàn sinh viên châu Á (GPAC), Hội thảo thường niên với sinh viên Đại học Waseda, Yokohama (Nhật Bản), …

Sinh viên còn có thể tham gia nghiên cứu khoa học cùng giảng viên, được tư vấn hỗ trợ để công bố các công trình khoa học trong và ngoài nước. Bởi vậy, sinh viên được rèn luyện để có năng lực tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học quốc tế; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và các lĩnh vực liên quan ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Môi trường học tập năng động và được quốc tế hoá trên tất cả các lĩnh vực từ nội dung chương trình đào tạo, hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, thực tập thực tế, hội thảo, … sẽ tạo cơ hội tốt nhất của cử nhân ngành Kinh tế Quốc tế CLC thử sức, rèn luyện, phát huy thế mạnh của mình và tự tin trở thành công dân toàn cầu sau khi tốt nghiệp.

 
Tin bài liên quan:
Kinh tế quốc tế: Ngành học luôn dẫn đầu trong top các ngành “hot”
 

Khoa KTQT

FullName Email
Address Security code OAXGDY
Content