Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

ĐHKT tham gia tư vấn tuyển sinh đại học trực tuyến trên VOV.vn

Tại buổi tư vấn trực tuyến của VOV
Sáng nay, 8/4/2014, lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT - ĐHQGHN) đã tham gia tư vấn cho thí sinh trong buổi giao lưu trực tuyến “Tư vấn tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội” do Báo điện tử VOV.vn tổ chức.

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến có đại diện lãnh đạo các Ban Đào tạo, Ban Công tác HSSV của ĐHQGHN cùng đại diện các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN. Đại diện Trường ĐHKT - ĐHQGHN, TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của bạn đọc VOV.vn
Sau đây là các nội dung tư vấn về kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay của Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

** Năm nay em và nhiều bạn trong lớp có nguyện vọng thi vào Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Em xin được hỏi sinh viên trường mình có thể được nhận nhiều học bổng không? Học bổng được phân bổ cho sinh viên như thế nào? (Anh Tú, Hà Tĩnh)

TS. Vũ Anh Dũng: Hàng năm Trường ĐHKT có rất nhiều hình thức học bổng cho sinh viên. Bên cạnh “học bổng khuyến khích học tập”, sinh viên còn có thể nhận được các học bổng ngoài ngân sách do các đối tác trong và ngoài nước của trường trao tặng. Việc phân bố các học bổng này còn tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi nhà tài trợ. 
- Học bổng tài năng Thakral cho tân sinh viên với trị giá 100.000.000 đồng/suất (trong 4 năm học). Học bổng này dành cho 3 sinh viên có triển vọng của trường.
- Học bổng máy tính cho thủ khoa tuyển sinh đại học.
- Học bổng GE của Quỹ GE Foundation.
- Học bổng Diploma in Accounting and Business.
- Học bổng POSCO (Hàn Quốc).
- Học bổng Pony Chung (Hàn Quốc).
- Học bổng Lotte (Hàn Quốc).
- Học bổng quỹ tài chính thống nhất Nhật Bản - Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi.
- Học bổng Văn hoá Việt Nam Kumho Asiana.
- Học bổng toàn cầu SMBC.
- Học bổng quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting.
- Học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó.
- Học bổng dành cho nghiên cứu khoa học sinh viên.
- Học bổng Nguyễn Thái Bình.
- Học bổng K-T.
- Học bổng Acer.
- Học bổng "Sacombank - Ươm mầm cho những ước mơ".
- Học bổng Quỹ khuyến học Việt Nam - Tập đoàn Thakral.
- Học bổng của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro).
- Học bổng Misa.
- Học bổng Toshiba toàn phần/bán phần.
Và còn nhiều học bổng khác...

** Em được biết ĐHKT có chương trình học bằng tiếng Anh. Các thầy cho em hỏi nếu thi đỗ vào trường sẽ học bằng Tiếng Anh luôn, hay em phải có trình độ tiếng Anh nhất định mới theo học được chương trình này? (Nguyễn Hữu Hà, Phổ Yên, Thái Nguyên)

TS. Vũ Anh Dũng: 
Trường ĐHKT có chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế học hoàn toàn các môn chuyên môn bằng tiếng Anh (Đây chỉ là một trong những ưu việt của chương trình). Sau khi trúng tuyển, nhập học vào trường, sinh viên chương trình đào tạo này sẽ được học tiếng Anh trong năm đầu tiên tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN để đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.5. Với trình độ tiếng Anh này, sinh viên mới có thể học chuyên môn bằng tiếng Anh từ năm thứ hai.
Ngoài ra, trường có 2 chương trình cử nhân chât lượng cao ngành Kinh tế quốc tế và ngành Tài chính - Ngân hàng, khoảng 30% số môn học học bằng tiếng Anh. 

** Em xin hỏi thầy cô, Trường ĐHKT có nhiều hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên không ạ? Em có thể tham gia các hoạt động ngoại khoá gì ạ? (Nguyễn Thị Hương, ở Bắc Ninh)

TS. Vũ Anh Dũng:  
Chào em, Trường ĐHKT có rất nhiều hoạt động dành cho sinh viên. Trực thuộc Hội Sinh viên của trường có 11 câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt liên tục với 11 lĩnh vực khác nhau như: Đội Enatus cho các bạn thích kinh doanh, CLB YEC nghiên cứu khoa học, CLB vũ điệu Sdancing… và rất nhiều chương trình học tập, vui chơi, hội thảo…
Tùy theo khả năng và sở thích em có thể tham gia các CLB và các chương trình trên. Một số hoạt động sinh viên ĐHKT tổ chức được rất nhiều bạn học sinh quan tâm như: Dạ tiệc Blue Moon Party, Ngày hội đổi đồ Mottainai, Cuộc thi ảnh sinh viên U-pose, Cuộc thi sắc đẹp UEB Spotlight, Cuộc thi kỹ năng Quản lý tài chính Money Boss…

Em có thể xem thêm thông tin về hoạt động của Đoàn - Hội của trường tại địa chỉ: http://ueb.edu.vn/home.htm (trong chuyên mục Tổ chức đoàn thể), hoặc trang giới thiệu của Hội Sinh viên tại đây.

** Em muốn biết về chương trình đào tạo ngành Kinh tế sau khi tốt nghiệp thì làm ở đâu? Khi em dự thi và điểm của em không trúng tuyển được vào ngành em đăng ký thì em có được chuyển sang ngành khác không ạ? Xin thầy cô giải đáp. (Mai Anh, Thanh Hóa)

TS. Vũ Anh Dũng Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế, em có thể làm việc tại các tổ chức kinh tế chính trị - xã hội mang tính liên ngành; các tổ chức tư vấn kinh tế; các tổ chức hành chính sự nghiệp, các thể chế kinh tế quốc tế tại Việt Nam; có thể đảm nhiệm cáccông việc như trợ lý phân tích, phản biện và hoạch định chính sách kinh tế; trợ lý tư vấn giám sát việc triển khai các quyết định quản lý,…
Ngoài ra, em cũng có thể nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học; tham gia nghiên cứu các vấn đề về kinh tế, đặc biệt là kinh tế chính trị hiện đại, kinh tế học thể chế; trợ giảng và giảng dạy các môn kinh tế học, kinh tế chính trị quốc tế, các lý thuyết về thể chế kinh tế. 
Nếu em không trúng tuyển vào ngành đăng ký nhưng đủ điểm trúng tuyển vào trường thì em được chuyển sang ngành khác có điểm trúng tuyển thấp hơn và còn chỉ tiêu.

TS. Vũ Anh Dũng (bên phải) - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT trả lời câu hỏi của thí sinh trong chương trình

** Nếu em đăng ký học ngành Tài chính - Ngân hàng của trường, ra trường em có thể làm việc ở những cơ quan như thế nào? Xin thầy cho em biết ạ. (Xuân Trường, Ninh Bình).

TS. Vũ Anh Dũng: Chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐHKT được thiết kế có tham khảo chương trình của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), có điều chỉnh, bổ sung một số môn học phù hợp với đặc trưng của Việt Nam. 
Nhằm giúp sinh viên dễ dàng lựa chọn định hướng nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, các môn học tự chọn chuyên sâu về tài chính và ngân hàng được đưa vào giảng dạy với những kiến thức cập nhật chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, với các chương trình thực tập, thực tế và các khóa học ngoại khóa phong phú cùng sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước, sinh viên được rèn luyện kỹ năng, cập nhật kiến thức nghề nghiệp, thích ứng và làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, có khả năng phân tích, trợ giúp hoạch định chiến lược và quản trị hoạt động tại: (1) Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các định chế tài chính khác trong và ngoài nước; (2) Các cơ quan quản lý nhà nước như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan khác của Chính phủ; (3) Với những kiến thức, kỹ năng tích lũy được, những sinh viên có đam mê nghiên cứu và giảng dạy có thể phát triển nghề nghiệp tại các viện nghiên cứu hay trường đại học trong nước.

** Em xin hỏi là ngành Kinh tế quốc tế là học về lĩnh vực gì ạ? Và nếu em muốn học ngành có liên quan đến giao dịch quốc tế trong ngân hàng thì em phải thi vào ngành nào ạ? Em xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Huế, TT Huế)

TS. Vũ Anh Dũng: Học ngành Kinh tế quốc tế, các em được học các môn liên quan đến lĩnh vực kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế. Sau này ra trường các em có thể làm việc ở các vị trí sau:  
- Lập kế hoạch, kinh doanh, chuỗi cung ứng, đối ngoại tại các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các khu kinh tế, khu công nghiệp...
- Hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài, thương mại và tài chính quốc tế tại các Bộ, ban ngành, địa phương, cơ quan quản lý của chính phủ, các tổ chức quốc tế.
- Giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu.
Nếu em muốn học ngành có liên quan đến giao dịch quốc tế trong ngân hàng thì em nên theo học ngành Tài chính - Ngân hàng.

** Cho em hỏi học ngành Kế toán ở Trường ĐHKT - ĐHQGHN sau khi ra trường làm việc gì và ở đâu ạ? (Minh Hà, Đống Đa, HN)

TS. Vũ Anh Dũng: Chương trình đào tạo ngành Kế toán được thiết kế có tham khảo chương trình đào tạo cử nhân Kế toán của Trường ĐH Queensland (Australia), có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Nội dung chương trình có khối kiến thức chung, khối kiến thức theo lĩnh vực, theo khối ngành, nhóm ngành, khối kiến thức chuyên sâu và bổ trợ, và khối thực tập, khóa luận tốt nghiệp. 
Ngoài ra, các chương trình thực tập, thực tế và các khóa học ngoại khóa giúp sinh viên có cơ hội thâm nhập thực tiễn công tác kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp, từ đó sinh viên có thể củng cố kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mềm để thích ứng và làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên ra trường có thể đảm nhận các công việc như nhân viên kế toán, chuyên viên phân tích và tư vấn về kế toán, trợ lý kiểm toán tại các doanh nghiệp và các tổ chức khác; giảng viên và nghiên cứu viên tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở nghiên cứu.

** Thưa thầy, em ở Ninh Bình, em dự kiến sẽ học chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị kinh doanh của trường, em muốn được ở KTX có được không thầy, trường có những chính sách gì đặc biệt cho chương trình này không ạ? (Kim Anh, Hà Đông, HN).

TS. Vũ Anh Dũng: Chào em, nếu em học chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành QTKD, em được ở trong KTX của ĐHQGHN em nhé.
Sau khi trúng tuyển vào chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành QTKD, các em được học một năm tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN để đạt điểm tiếng Anh tương đương IELTS 5.5, từ năm thứ 2 các em sẽ học chuyên môn tại Trường ĐH Kinh tế, các môn học được học bằng tiếng Anh do các giảng viên trong nước và quốc tế, nhà quản lý, doanh nhân có trình độ chuyên môn cao với học vị từ tiến sĩ trở lên và giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy. 
Đặc biệt các em được tham gia rất nhiều chương trình học tập, nghiên cứu khoa học, hội thảo, trao đổi, giao lưu trong nước và quốc tế; tham gia nhiều đợt thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp và các hoạt động ngoại khóa khác. Ngoài ra, em cũng có rất nhiều cơ hội để được tiếp cận với các học bổng có giá trị lớn được tài trợ bởi các đối tác của ĐHQGHN và Trường ĐHKT.

** Thưa thầy, em đọc trên cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh, thấy ĐHQGHN có những CTĐT bằng kép. Cho em hỏi Trường ĐHKT có những CTĐT bằng kép nào ạ? Nếu em học tại trường ĐHKT thì em được học thêm những CTĐT nào ạ? (Mai Nga, Thọ Xuân, Thanh Hóa)

TS. Vũ Anh Dũng: Sinh viên Trường ĐHKT có cơ hội được học thêm một chương trình đào tạo nữa (học đồng thời hai chương trình đào tạo, hay còn gọi là bằng kép), đó là ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, ngành Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN, ngành Luật Kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN. Đối với sinh viên ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển của trường còn có thêm cơ hội học ngành Kinh tế quốc tế, Tài chính - Ngân hàng.
Chúc em may mắn và thành công!

** Thưa thầy, điều kiện để được dự thi vào các chương trình chất lượng cao của trường là ĐHKT gì ạ? Em đọc trên các báo nói là thi đánh giá năng lực, em xin thầy cho biết rõ hơn được không ạ?

TS. Vũ Anh Dũng: Sau khi trúng tuyển, nhập học vào trường, nếu em muốn học các chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế và Tài chính - Ngân hàng của trường, em sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung, phỏng vấn đánh giá năng lực cá nhân và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện bậc THPT, kết quả thi tuyển sinh đại học) để được tuyển chọn vào các chương trình đào tạo trên.
Dự kiến bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung của ĐHQGHN gồm 6 phần, thời gian làm bài là 195 phút. Bao gồm nội dung kiến thức cơ bản thuộc chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp THPT. Bài thi gồm có 3 đầu điểm: phần viết luận, phần ngôn ngữ và phần lập luận định lượng.
Chi tiết cụ thể, nhà trường sẽ thông báo sớm trên website của trường http://ueb.vnu.edu.vn. Em theo dõi để có thêm thông tin nhé. Chúc em có kỳ thi may mắn và thành công!

_________________

THÔNG TIN LIÊN QUAN:



T.A (trích theo VOV Online)

FullName Email
Address Security code BAWSBG
Content