Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

ĐHKT tư vấn trực tuyến tuyển sinh đại học năm 2014

Tại buổi tư vấn trực tuyến tuyển sinh vào ĐHKT, ngày 22/3/2014
Sáng ngày 22/3/2014, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến tại website của trường nhằm giúp các vị phụ huynh, các em học sinh có được những thông tin cập nhật, cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo của trường trong mùa tuyển sinh năm nay.

Trả lời thắc mắc của các phụ huynh và học sinh là các chuyên gia, các nhà quản lý giàu kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN.

Thành phần Ban tư vấn gồm:
  • TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN;
  • PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân - Trưởng Phòng Đào tạo;
  • ThS. Nguyễn Thị Thư - Phó trưởng Phòng Đào tạo;
  • Cô Nguyễn Mai Phương - Trưởng Phòng Tuyển sinh các chương trình liên kết, Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế, Trường ĐHKT

Sau đây là nội dung cuộc tư vấn:

** Thưa thầy cô, năm nay Trường ĐHKT tuyển sinh đại học những ngành nào, chỉ tiêu từng ngành bao nhiêu ạ? (nvanh21@yahoo.com)


TS. Vũ Anh Dũng đang tư vấn cho bạn đọc website ĐHKT

TS. Vũ Anh Dũng: Năm nay, Trường ĐHKT tuyển sinh 6 ngành: Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế phát triển, Kế toán. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học của trường năm 2014 là 500. Chỉ tiêu từng ngành bạn vui lòng xem chi tiết trên website Trường ĐHKT tại đây.

** Kính chào Ban tư vấn, em xin hỏi những điểm mới trong việc tuyển sinh đại học tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm nay? (Nguyễn Lan Phương)

TS. Vũ Anh Dũng: Năm nay, điểm mới trong tuyển sinh của trường chính là việc tuyển mới chương trình đào tạo chuẩn ngành Quản trị kinh doanh bên cạnh chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế đã và đang thực hiện. Đồng thời, trường cũng thay đổi phương thức tuyển sinh các chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế và ngành Tài chính - Ngân hàng, chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị kinh doanh theo phương thức đánh giá năng lực. Những sinh viên đã trúng tuyển vào trường sau kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), nếu có nguyện vọng vào các chương trình này sẽ phải tham dự bài thi đánh giá năng lực chung và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện bậc THPT, kết quả kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD&ĐT).

** Chào thầy cô, em được biết năm nay các trường đại học có một số thay đổi trong phương thức tuyển sinh đại học. Thầy cô vui lòng cho em biết, phương thức tuyển sinh của trường năm nay thế nào? Có khác gì so với năm 2014 không? (hoa_dong_tien1302@...)

TS. Vũ Anh Dũng: Năm 2014, Trường ĐHKT vẫn tham gia kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT cho tuyển sinh đại học. Trường tuyển sinh 6 ngành đào tạo với 500 chỉ tiêu cho các ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng và Kế toán. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh ngoài chương trình đào tạo chuẩn còn có chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế; ngành Kinh tế quốc tế, Tài chính - Ngân hàng ngoài chương trình đào tạo chuẩn còn có chương trình đào tạo chất lượng cao. Thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi sẽ được chuyển vào ngành khác có điểm trúng tuyển thấp hơn.

** Kính chào Ban tư vấn, tôi có con năm nay thi đại học. Tôi được biết là sinh viên của Trường ĐHKT sẽ được học thêm một bằng đại học nữa bên cạnh ngành đào tạo của trường là Tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ. Xin các thầy cô cho tôi biết, ngoài ra sinh viên ĐHKT còn được học bằng 2 những ngành nào nữa không? (Nguyễn Hà Linh)

** Thưa thầy cô, em có nguyện vọng sau này ra trường được làm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu và em cũng thích được học ở Trường ĐHKT. Vậy, thầy cô tư vấn giúp em: em nên học ngành nào của trường? Em xin cảm ơn. (vietchau123@yahoo.com)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐHKT (bên trái)

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân: Trường ĐHKT phát triển với sứ mệnh: Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam; Nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.

Chính vì vậy, học tập tại các chương trình đào tạo hiện nay của trường, các em đều có cơ hội tham gia nghiên cứu và làm việc tại các viện nghiên cứu. Trong các đợt tốt nghiệp vừa qua, đã có nhiều sinh viên của các ngành Kinh tế, Kinh tế Phát triển, Kinh tế Quốc tế đã được công tác tại một số viện nghiên cứu như: Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á… Chúc em lựa chọn được ngành phù hợp và thực hiện được ước mơ của mình!

** Em sắp thi vào Đại học Công nghệ, ngành Công nghệ Thông tin. Thầy cô cho em hỏi nếu em thi không đạt đủ điểm vào ngành thì em có được chuyển sang Trường Đại học Kinh tế, ngành Quản trị Kinh doanh không ạ? (bi.milano96@yahoo.com)


ThS. Nguyễn Thị Thư (bên phải) tư vấn cho bạn đọc

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào chị, sinh viên Trường ĐHKT được học cùng lúc 2 chương trình đào tạo (CTĐT) để có thể được cấp 2 bằng đại học. Ngoài việc có thêm cơ hội học thêm một bằng đại học Tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN như chị biết, sinh viên cũng có thể lựa chọn học ngành Luật Kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN, Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN. Đối với sinh viên ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển, các em cũng có thể lựa chọn học ngành Kinh tế quốc tế hoặc Tài chính - Ngân hàng của trường.

** Năm 2014 Trường ĐHKT có tuyển thẳng học sinh vào hệ đại học không? Theo em biết, Trường ĐHKT sẽ tổ chức xét tuyển vào một số ngành đào tạo chất lượng cao, nhiệm vụ chiến lược. Vậy xin thầy cô giải đáp giúp em, việc xét tuyển này được tổ chức như thế nào? Để tham dự xét tuyển, chúng em phải đáp ứng những điều kiện gì và đăng ký như thế nào? (Trần Thị Hồng Ngọc, Vinh - Nghệ An)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, Trường ĐHKT thực hiện theo quy định tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT, hiện nay Bộ GD&ĐT chưa có quy định cụ thể. Khi nào có quyết định triển khai các quy định tuyển thẳng, nhà trường sẽ thông báo trên website của trường, em thường xuyên theo dõi để biết thông tin nhé.

Về việc tuyển vào chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế và Tài chính - Ngân hàng, chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị kinh doanh thì sau khi trúng tuyển, nhập học, các em sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực chung do ĐHQGHN tổ chức, đối với sinh viên chương trình đạt chuẩn quốc tế sẽ tham gia thi thêm tiếng Anh do Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN tổ chức, còn sinh viên chất lượng cao sẽ tham gia buổi phỏng vấn của trường.

** Kính gửi Ban tư vấn, tôi có con đang chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học. Xin thầy cô tư vấn giúp tôi: nếu tham gia học tại ĐHKT, con tôi có thể học thêm bằng đại học thứ hai không? Tôi thấy nói, Trường ĐHKT có đào tạo bằng kép, như vậy có nghĩa là sinh viên của trường sẽ được học đồng thời 2 ngành đào tạo ngay từ năm thứ nhất có đúng không? Cách thức thi tuyển để học ngành thứ 2 này là gì? (Nguyễn Cẩm Tú)

TS. Vũ Anh Dũng: Đây là một lợi thế của sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Bên cạnh những chương trình đào tạo đơn ngành, Trường ĐHKT còn có các chương trình đào tạo bằng kép tạo điều kiện cho sinh viên của trường có thể đồng thời học tập tại 2 ngành khác nhau.

Các chương trình bằng kép mà sinh viên Trường Đại học Kinh tế có thể học là: (1) Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, (2) Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN, (3) Luật Kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN. Ngoài ra, sinh viên ngành Kinh tế và Kinh tế phát triển còn có cơ hội học thêm ngành Tài chính - Ngân hàng hoặc Kinh tế quốc tế của trường.

Sinh viên các chương trình bằng kép ngoài được nhận bằng tốt nghiệp của ngành chính mình được đào tạo còn được nhận bằng chính quy của ngành học thứ hai trong khi thời gian đào tạo chỉ tương đương học tối đa một ngành. Điều đó cũng đồng nghĩa cơ hội việc làm của các sinh được mở rộng tới 2 lĩnh vực. Bên cạnh đó, kiến thức của 2 ngành sẽ giúp nâng cao năng lực sinh viên khi ra trường.

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, nếu không trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghệ, em chỉ có thể tham gia xét tuyển đợt 2 (nếu có) vào Trường ĐH Kinh tế theo quy định của Bộ GD&ĐT và của Trường ĐH Kinh tế giống như các thí sinh khác em ạ.

** Năm nay em thi vào Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Em có nghe từ một người bạn nói vào năm 2, có học phần sẽ học bằng tiếng Anh. Do vậy, thí sinh trúng truyển và nhập học vào trường sẽ phải học tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐHQGHN và đến năm 2 phải có bằng IELTS. Em không biết có đúng như vậy không. Mong thầy cô giúp em làm rõ điều này. Em xin cảm ơn! (Nguyễn Diệu Linh)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, như em hỏi thì chắc bạn đó học chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị kinh doanh - QTKD (sau khi trúng tuyển, nhập học, nếu em có nguyện vọng mới thi tuyển vào chương trình đào tạo này). Nếu học chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành QTKD thì năm đầu tiên em học tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ và kết thúc năm học yêu cầu em phải đạt điểm tiếng Anh tương đương IELTS 5.5. Từ năm thứ 2, em học các môn chuyên môn bằng tiếng Anh tại Trường ĐH Kinh tế. Còn nếu em không đạt điểm tiếng Anh theo yêu cầu, em vẫn học ngành QTKD nhưng là chương trình đào tạo chuẩn.Vì vậy, em đừng lo lắng nhé. Chúc em may mắn.

** Thưa Ban tư vấn, tôi được biết Trường ĐHKT sẽ tuyển sinh đại học theo 2 khối thi, khối A và khối D1. Con trai tôi dự kiến thi khối A vào trường. Cháu có thể mang hồ sơ đến trường nộp không? Nếu được, cháu sẽ nộp hồ sơ ở địa điểm nào? (Phạm Văn Bình).

ThS. Nguyễn Thị Thư: Học sinh đang học lớp 12 trung học phổ thông (THPT) tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó.

Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại các địa điểm do Sở giáo dục và đào tạo (Sở GD&ĐT) quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12.

Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau:

 - Theo hệ thống của Sở GD&ĐT: Từ ngày 17/3 đến 17.00 giờ ngày 17/4/2014;

 - Khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT theo hệ thống của Sở GD&ĐT, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường từ ngày 18/4 đến 17.00 giờ ngày 29/4/2014. Địa điểm nộp cụ thể như sau:

 + Hồ sơ thi khối A, A1: Nộp tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN. Địa chỉ: 334 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

 + Hồ sơ thi khối D1: Nộp tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Địa chỉ: Đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội

** Thưa thầy cô, sau khi đỗ vào một ngành của Trường ĐHKT, em muốn chuyển sang ngành đào tạo khác của trường có được không? (Vũ Hà Chi)

TS. Vũ Anh Dũng: Chào em, sau khi đỗ vào một ngành của Trường ĐHKT, em không được chuyển sang ngành đào tạo khác của trường. Tuy nhiên, nếu em muốn học các chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế, ngành Tài chính - Ngân hàng, chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh thì sau khi nhập học em có thể tham gia kỳ thi vào các chương trình trên hoặc sau năm thứ nhất nếu em có kết quả học tập tốt thì em cũng có cơ hội được học các chương trình chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế trên.

** Thưa thầy cô, em xin hỏi, nếu em đỗ vào Trường ĐHKT, em có được ở trong ký túc xá không ạ? Để được vào ở trong ký túc xá, em cần đáp ứng được những điều kiện gì? Kinh phí ở ký túc xá là bao nhiêu? (phuongphuonggreen@yahoo.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, Trường ĐHKT có ký túc xá dành cho những sinh viên thuộc diện chế độ chính sách, sinh viên thuộc chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị kinh doanh, các sinh viên có điểm thi đầu vào cao được ưu tiên ở ký túc xá. Chúc em thi tốt.

** Tôi có con dự kiến nộp hồ sơ thi tuyển vào Trường ĐHKT. Thầy cô cho tôi hỏi, nếu cháu đỗ vào trường, cháu học 3,5 năm thì xong chương trình đào tạo. Vậy cháu có được công nhận tốt nghiệp ngay sau khi học xong số tín chỉ do trường quy định không? (hongviet@...)

TS. Vũ Anh Dũng: Để tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp sớm, Trường ĐHKT tổ chức xét tốt nghiệp 4 lần trong 1 năm. Vì vậy, nếu 3,5 năm cháu đã hoàn thành số tín chỉ của chương trình học thì sẽ được công nhận tốt nghiệp ngay khi học xong.

** Xin thầy cô cho em được biết, nếu em đăng ký học ngành Tài chính - Ngân hàng của trường, ra trường em có thể làm việc ở những cơ quan như thế nào? (thanhthuy9910@yahoo.com)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân: Chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐHKT được thiết kế có tham khảo chương trình của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), có điều chỉnh, bổ sung một số môn học phù hợp với đặc trưng của Việt Nam. Nhằm giúp sinh viên dễ dàng lựa chọn định hướng nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, các môn học tự chọn chuyên sâu về tài chính và ngân hàng được đưa vào giảng dạy với những kiến thức cập nhật chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, với các chương trình thực tập, thực tế và các khóa học ngoại khóa phong phú cùng sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước, sinh viên được rèn luyện kỹ năng, cập nhật kiến thức nghề nghiệp, thích ứng và làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

Chính vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, có khả năng phân tích, trợ giúp hoạch định chiến lược và quản trị hoạt động tại: (1) Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các định chế tài chính khác trong và ngoài nước; (2) Các cơ quan quản lý nhà nước như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan khác của Chính phủ; (3) Với những kiến thức, kỹ năng tích lũy được, những sinh viên có đam mê nghiên cứu và giảng dạy có thể phát triển nghề nghiệp tại các viện nghiên cứu hay trường đại học trong nước.

** Em dự định thi vào ngành Tài chính - Ngân hàng hoặc ngành Kế toán của Trường ĐHKT. Em xin hỏi hai ngành này sau khi tốt nghiệp có thể làm việc gì, ở đâu ạ? (anhnghi223@yahoo.com)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân: Về cơ hội việc làm của sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng em có thể tham khảo ở các câu trả lời trước.

Còn về ngành Kế toán, Chương trình đào tạo ngành Kế toán được thiết kế có tham khảo chương trình đào tạo cử nhân Kế toán của Trường Đại học Queensland (Australia), có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, sinh viên được tham gia vào các chương trình thực tập thực tế và các khóa học ngoại khóa giúp sinh viên có cơ hội thâm nhập thực tiễn công tác kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp, từ đó sinh viên có thể củng cố kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mềm để thích ứng và làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo ngành Kế toán còn tăng cường hợp tác với Công ty Cổ phần MISA trong việc hỗ trợ đào tạo sinh viên thực hành trên phần mềm kế toán chuyên dụng; hợp tác với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) trong việc cung cấp học bổng cho sinh viên và các tài liệu hướng dẫn phát triển nghề nghiệp do ACCA phát hành trên toàn cầu.

Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán có nhiều cơ hội lựa chọn định hướng nghề nghiệp như: (1) Nhân viên kế toán, tương lai phát triển thành chuyên gia kế toán, chuyên gia quản lý quỹ hoặc kiểm toán viên nội bộ; (2) Nhân viên phân tích và tư vấn về kế toán, thuế, tài chính; (3) Trợ lý kiểm toán, tương lai có thể phát triển thành kiểm toán viên chính, kiểm toán viên cao cấp; (4) Nghiên cứu viên và giảng viên về Kế toán - Kiểm toán.

** Kính gửi cô Thư, cô cho em hỏi: (1) sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của trường, em có thể làm được việc gì? (2) Em có mong muốn được làm về quản trị nhân lực, vậy học ngành này có phù hợp không cô?

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, (1) sau khi tốt nghiệp ngành QTKD của Trường ĐHKT, em có thể làm việc tại các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức khác với các công việc như bán hàng, marketing, nhân sự, tài chính; hoặc em có thể làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn quản trị doanh nghiệp, các Bộ, Ban, Ngành liên quan, có thể đảm nhận các công việc như trợ lý phân tích và lập báo cáo về thị trường kinh doanh, trợ lý xây dựng và thực hiện các chiến lược kinh doanh, kế hoạch nhân sự, sản xuất… của doanh nghiệp hoặc có thể tham gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quản trị kinh doanh, giảng dạy các môn học quản trị nguồn nhân lực, marketing, chiến lược, tài chính… tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học. (2) Vì vậy, nếu em muốn làm việc về quản trị nhân lực thì học ngành Quản trị kinh doanh tại Trường ĐHKT là hoàn toàn phù hợp.

** Trường ĐHKT - ĐHQGHN có thi theo 3 chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo không? (ngocdang0803@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, năm nay Trường ĐHKT vẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD&ĐT chứ không tuyển sinh riêng em nhé.

 ** Năm nay, theo thông tin em biết, ĐHQGHN tổ chức tuyển sinh riêng. vậy hình thức tuyển sinh, tiêu chí xét tuyển và thời gian tuyển sinh như thế nào ạ? (Đoàn Thanh Hoa)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, năm nay ĐHQGHN vẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD&ĐT.

 ** Cho em hỏi, nếu không đỗ chương trình đào tạo chất lượng cao của trường thì xếp lớp thế nào ạ? Nghĩa là em sẽ theo học chương trình bình thường phải không ạ?(chjro96@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, nếu em không đỗ vào chương trình đào tạo chất lượng cao của trường thì em vẫn được học chương trình mà em trúng tuyển. Chúc em may mắn.

 ** Gửi Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐHKT, em được biết là năm nay trường có bài thi đánh giá năng lực. Vậy bài thi này là như thế nào ạ? Nó có ảnh hưởng gì tới việc thi đại học không ạ? (duonghongnhung96@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, năm nay Trường ĐHKT vẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi đánh giá năng lực chỉ áp dụng sau khi em trúng tuyển nhập học và có nguyện vọng thi vào các chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế và Tài chính - Ngân hàng hoặc chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị kinh doanh. Vì vậy, không ảnh hưởng gì tới việc em thi đại học theo kỳ thi 3 chung của Bộ GD&ĐT.

** Kính chào Ban giám hiệu Trường ĐHKT. Em muốn hỏi năm nay trường mình có tổ chức thi tuyển sinh không hay thi cùng trường khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội ạ?(linhsera@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, cũng như mọi năm, năm 2014 theo quy định của ĐHQGHN, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN tổ chức thi khối A, A1, B, trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN tổ chức thi khối D cho tất cả các đơn vị thành viên ĐHQGHN trong đó có Trường Đại học Kinh tế.

** Em chào thầy cô ạ, em là học sinh trường THPT Amsterdam, sắp tới em có dự định thi vào Khoa Quản trị Kinh doanh của Trương Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ở trường cấp III của em có rất nhiều hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh. Không rõ trường mình có những hoạt động nào dành cho sinh viên và nếu muốn tham gia hoạt động đó em phải làm như thế nào? (tieuquy1811@yahoo.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có rất nhiều hoạt động dành cho sinh viên. Bên Đoàn và Hội có 11 Câu lạc bộ sinh hoạt liên tục với 11 lĩnh vực khác nhau Enatus cho các bạn thích kinh doanh, CLB YEC nghiên cứu khoa học, CLB vũ điệu Sdancing… và nhiều chương trình học tập, vui chơi, hội thảo… Tùy theo khả năng và sở thích em có thể tham gia các CLB, các chương trình trên. Một số hoạt động sinh viên ĐHKT tổ chức được rất nhiều bạn học sinh quan tâm như: Dạ tiệc Blue Moon Party, Ngày hội đổi đồ Mottainai, Cuộc thi ảnh sinh viên U-pose, Cuộc thi sắc đẹp UEB Spotlight, Cuộc thi kỹ năng Quản lý tài chính Money Boss…


Tại đêm chung kết cuộc thi ảnh U-Pose Contest do Đoàn Thanh niên ĐHKT tổ chức

** Cho em hỏi thêm chi tiết về ngành Kinh tế quốc tế. Khoa này lấy có cao điểm không ạ? (thucuoiyanbi@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Điểm chuẩn năm 2013 vào ngành Kinh tế quốc tế: 21 điểm đối với khối A, 20,5 đối với khối D1, A1. Điểm chuẩn các năm trước em có thể tham khảo tại đây.

** Kính thưa Ban tư vấn tuyển sinh, em có một số vấn đề muốn được tư vấn như sau ạ: (1) Trường ĐHKT - ĐHQGHN có công bố tỷ lệ chọi theo các ngành không ạ?(2)Thầy cô có thể nói rõ về bài thi đánh giá năng lực được không ạ, ví dụ như sẽ thi về những lĩnh vực nào, câu hỏi ra sao? v.v (3) Nếu trúng tuyển vào trường, thí sinh thi muốn vào lớp CLC phải thi tiếng Anh đúng không ạ? Em thấy như vậy sẽ hơi thiệt thòi cho các bạn khối A vì dĩ nhiên trình độ tiếng Anh của thí sinh khối A khó có thể bằng thí sinh khối D, trong khi thí sinh khối A thường có tư duy tốt, khá nhanh nhạy… (ti3u_y3u_nh1m_su_95@...)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân: (1) Sau khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố số lượng thí sinh đăng ký. Tuy nhiên, số lượng ĐKDT chỉ con số tương đối để em tham khảo. Vì cho đến ngày thi, thí sinh còn nhiều cơ hội cân nhắc trường, ngành dự thi. (2) Năm nay, Trường ĐHKT vẫn tham gia kỳ thi 3 chung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, sau khi đỗ vào trường, nếu em có nguyện vọng học 2 chương trình Chất lượng cao (CLC) ngành Tài chính - Ngân hàng, ngành Kinh tế Quốc tế, hay chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh thì em mới phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực chung do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Dự kiến bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung như sau:

- Cấu trúc bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung gồm 6 phần.

- Thời gian làm bài 195 phút (không tính thời gian nghỉ 20 phút giữa phần thi viết luận 1 và 2).

- Bài thi gồm 1 bài luận và 112 tiểu mục trắc nghiệm.

- Nội dung kiến thức cơ bản thuộc chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp THPT.

- Bài thi có 3 đầu điểm: phần viết luận, phần ngôn ngữ và phần lập luận định lượng (Toán học)

(3) Năm nay trường không tổ chức thi tiếng Anh vào các chương trình CLC. Tuy nhiên, khi em trúng tuyển vào trường và muốn học các chương trình CLC thì em cần tham gia bài thi đánh giá năng lực chung của ĐHQGHN và phần thi phỏng vấn của trường.

** Em chào thầy (cô) ạ! Em là Việt Dũng, học sinh lớp 12. Em có ý định năm nay sẽ đăng ký thi vào Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Em có một số thắc mắc rất mong được thầy (cô) giải đáp: (1) Sau khi em thi đỗ vào trường ngành Kinh tế Phát triển, em có được dự kỳ thi riêng để vào lớp Chất lượng cao của ngành Kinh tế Quốc tế không ạ? (2) Nếu không được thì sau năm nhất em cần đáp ứng những điều kiện gì để được vào lớp CLC của KTQT ạ? (Nguyễn Việt Dũng)

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân: Chào em. Tôi xin trả lời như sau:

(1) Sau khi trúng tuyển vào bất kỳ ngành nào của Trường ĐHKT - ĐHQGHN (theo kỳ thi 3 chung), thí sinh đều có thể đăng ký thi vào các lớp Chất lượng cao của 2 ngành: Kinh tế Quốc tế và Tài chính - Ngân hàng.

(2) Sau năm thứ nhất, em cần có một số điều kiện để được theo học chương trình chất lượng cao gồm:

- Tư cách đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt.

- Có điểm thi đại học năm 2014 bằng hoặc cao hơn mức điểm trúng tuyển vào ngành Kinh tế quốc tế và Tài chính - Ngân hàng năm 2014.

- Sinh viên đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau về điểm trung bình chung học tập:

+ Điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm xét đạt từ 3,20 trở lên

+ Điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm xét đạt từ 3,00 trở lên, trong đó điểm tiếng Anh đạt chuẩn B2 (điểm tiếng Anh tương đương 5.0 IELTS - chứng chỉ tiếng Anh quốc tế).

** Xin Ban tư vấn cho em hỏi: trường tổ chức thi thì thí sinh thi theo cụm như 3 chung hay thi tại trường chính (ví dụ như thi khối D thì đến ĐHNN thi) ạ? Lịch thi giống của Bộ hay lịch riêng của trường ạ? Em xin cảm ơn! (hathao96@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, năm nay Trường ĐHKT vẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, cụm thi, lịch thi theo quy định của Bộ GD&ĐT.  

 ** Thưa thầy cô cho em hỏi, ngành Hóa học và Công nghệ kỹ thuật hóa học khác nhau ở chỗ nào ạ? Em muốn sau này có thể làm về hóa chất - dầu khí - phân bón thì phải học chuyên ngành gì của 2 ngành trên ạ? Rất mong được sự tư vấn của thầy cô. Em xin cảm ơn. (vangcdk58@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu em quan tâm đến các ngành học trên thì có thể tìm hiểu thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hoặc Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN.

** Em nghe nói trường có hình thức trao bằng kép, cho em hỏi như vậy là thế nào? Thế nào thì đủ tiêu chuẩn để nhận được loại bằng như vậy ạ? Em cảm ơn. (livewhilewereyoung1012@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu trúng tuyển vào Trường ĐHKT, từ năm thứ hai trở đi, em có cơ hội học cùng lúc 2 chương trình đào tạo để có thể được cấp 2 bằng đại học như học thêm một bằng đại học tiếng Anh của Trường ĐHNN, ngành Luật kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN, Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN. Đối với sinh viên ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển, các em cũng có thể lựa chọn học ngành Kinh tế quốc tế hoặc Tài chính - Ngân hàng của trường. Tuy nhiên, chỉ khi em tốt nghiệp ngành thứ nhất thì em mới được tốt nghiệp ngành thứ hai.

** Thưa các thầy cô, em đăng ký học ngành Kế toán của trường, trong quá trình học thì em có được học thêm bằng tiếng Anh chuyên ngành không ạ? (banhngot_08@zing.vn)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu em học ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế, em sẽ có cơ hội được học thêm ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN.

** Cho em hỏi về điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng các năm gần đây được không ạ. (chuotmickeybay.21896@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng năm 2012 và 2013 dao động từ 20,5 đến 21 điểm. Các năm khác em có thể tham khảo tại đây.

** Em chào các thầy cô trong ban tư vấn. Em muốn hỏi về ngành Kinh tế quốc tế. Ngành này đào tạo những gì và cơ hội việc làm cũng như đầu ra sẽ như thế nào ạ? (trangmufc@gmail.com)

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân: Chương trình đào tạo chuẩn ngành Kinh tế Quốc tế được thiết kế trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo cử nhân của Đại học Santa Cruz (Hoa Kỳ), có điều chỉnh bổ sung một số nội dung kiến thức cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nội dung chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế của Trường ĐHKT gồm các khối kiến thức theo khối ngành, nhóm ngành, ngành và các khối kiến thức lựa chọn chuyên sau gồm 2 lĩnh vực: Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế, Kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, chương trình cũng chú trọng các hoạt động ngoại khóa, thực tập, thực tế, đào tạo các kỹ năng mềm và các kỹ năng nghề nghiệp khác, giúp sinh viên có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp có khả năng tác nghiệp, phân tích và trợ giúp hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách, cũng như lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư nước ngoài tại các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; có khả năng tham gia nghiên cứu, giảng dạy hoặc học tập ở bậc cao hơn tại các cơ sở giáo dục đại học; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và các lĩnh vực liên quan.

** Thầy cô cho em hỏi về chương trình đào tạo đại học liên kết với trường Đại học Troy có ngành nào, thời gian học bao lâu và bằng cấp thế nào ạ? (thuyduongnd1@gmail.com)

Cô Nguyễn Mai Phương: Chào bạn, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN có hợp tác với Đại học Troy (Mỹ) đào tạo cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh. Chương trình đào tạo chính thức trong 3,5 năm, học bằng tiếng Anh, theo giáo trình và chương trình được giảng dạy tại Mỹ. Em sẽ được học với các thầy cô của Mỹ và Việt Nam. Khi tốt nghiệp, em sẽ được nhận bằng do Đại học Troy cấp, không có sự khác biệt với bằng được nhận tại Mỹ.

** Em chào các thầy cô, em muốn hỏi yêu cầu đầu vào của chương trình cử nhân Quản trị Kinh doanh của Đại học Troy ạ? (anhnn@gmail.com)

Cô Nguyễn Mai Phương (bên phải)

Cô Nguyễn Mai Phương: Chương trình cử nhân Quản trị Kinh doanh của Đại học Troy hàng năm thường xét tuyển các thí sinh đạt điểm sàn thi đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự kiến điểm xét tuyển năm nay cũng sẽ không thấp hơn mức điểm này (13 - 14 điểm). Mức điểm chính thức sẽ được thông báo sớm.

** Em chào thầy cô! (1) Em muốn biết về chương trình đào tạo giữa 2 ngành là Kinh tế và Kinh tế quốc tế có gì khác nhau ạ. Khi tốt nghiệp 2 ngành này thì công việc cụ thể em có thể làm là gì ạ? (2) Khi em dự thi và điểm của em không trúng tuyển được vào ngành em đăng ký thì em có được chuyển xuống ngành khác không ạ? (dinhthihoa1992@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: (1) Ngành Kinh tế và ngành Kinh tế quốc tế đều nằm trong nhóm ngành Kinh tế học, nên các môn học giống nhau khoảng hơn 50%, các môn học còn lại thì đối với ngành Kinh tế học chuyên sâu về Kinh tế học thể chế và Kinh tế chính trị, còn ngành Kinh tế quốc tế học chuyên sâu về lĩnh vực Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế, chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế, các em có thể đảm nhận các công việc trợ lý hay chuyên viên hỗ trợ hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách về các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan quản lý của Chính phủ. Có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học về các vấn đề liên quan đến Kinh tế quốc tế, Kinh tế đối ngoại Việt Nam, thương mại quốc tế, tài chính quốc tế, đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các em cũng có thể đảm nhận các công việc liên quan đến lập kế hoạch, giám sát hay thực thi về chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, logistics, phát triển thị trường quốc tế, tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế, các em có thể làm việc tại các tổ chức kinh tế chính trị - xã hội mang tính liên ngành; các tổ chức tư vấn kinh tế; các tổ chức hành chính sự nghiệp, các thể chế kinh tế quốc tế tại Việt Nam; có thể đảm nhiệm các công việc như trợ lý phân tích, phản biện và hoạch định chính sách kinh tế; trợ lý tư vấn giám sát việc triển khai các quyết định quản lý,… Ngoài ra, các em cũng có thể nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học; tham gia nghiên cứu các vấn đề về kinh tế, đặc biệt là kinh tế chính trị hiện đại, kinh tế học thể chế; trợ giảng và giảng dạy các môn kinh tế học, kinh tế chính trị quốc tế, các lý thuyết về thể chế kinh tế. (2) Nếu em không trúng tuyển vào ngành đăng ký nhưng đủ điểm trúng tuyển vào trường thì em được chuyển sang ngành khác có điểm trúng tuyển thấp hơn và còn chỉ tiêu.

** Tôi có con trai đang học năm thứ nhất ĐH Hà Nội nhưng rất thích chương trình của ĐH Troy tại trường ĐHKT. Cho tôi hỏi cháu có cần thi ĐH lại không?Và tôi cần làm những thủ tục gì để đăng ký dự thi cho cháu?(Đỗ Phương Mai, Hà Nội)

Cô Nguyễn Mai Phương: Chào chị Mai, với điều kiện của cháu, gia đình có thể nộp hồ sơ cho cháu vào chương trình Troy mà không cần thi lại Đại học. Cháu cần nộp lại đơn xin chuyển trường và bảng điểm có xác nhận của trường Đại học Hà Nội. Để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký nhập học, gia đình liên hệ trực tiếp với bộ phận tư vấn tuyển sinh của chương trình theo số hotline: 0947.004.809

** Em chào cô, cô cho em hỏi chương trình Troy học hoàn toàn ở Việt Nam hay có được chuyển tiếp không ạ? (maimaixanh1234@yahoo.com.vn)

Cô Nguyễn Mai Phương: Chào em, chương trình cử nhân Troy (Mỹ) có hình thức đào tạo rất linh hoạt. Em có thể lựa chọn học hoàn toàn tại trường ĐHKT - ĐHQGHN hoặc học 1 phần tại Việt Nam và 1 phần tại Mỹ (theo hình thức 1 + 3 hoặc 2 + 2 hoặc 3 + 1). Dù học ở Việt Nam hay ở Mỹ, em vẫn được học cùng một chương trình đào tạo và khi tốt nghiệp em sẽ được nhận cùng một loại bằng do Đại học Troy cấp. Ngoài ra, khi chuyển sang học tại Mỹ, em sẽ được hưởng mức học phí ưu đãi dành cho sinh viên chuyến tiếp, chỉ bằng 50% so với học phí đối với sinh viên quốc tế.

**Thưa các thầy cô, (1) em xin hỏi nếu thi vào trường không đủ điểm ngành có được chuyển sang ngành khác không ạ? (2) Em muốn biết thêm thông tin về ngành Kinh tế quốc tế và Kinh tế Phát triển ạ (dinhhanhthien@yahoo.com.vn)

ThS. Nguyễn Thị Thư: (1) Nếu em không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi nhưng đủ điểm trúng tuyển vào trường thì em được chuyển sang ngành khác có điểm trúng tuyển thấp hơn và còn chỉ tiêu. (2) Ngành Kinh tế Phát triển và ngành Kinh tế Quốc tế đều nằm trong nhóm ngành Kinh tế học, nên các môn học giống nhau khoảng hơn 50%, các môn học còn lại thì đối với ngành Kinh tế phát triển học chuyên sâu về Chính sách công, Kinh tế học, Môi trường và phát triển bền vững còn ngành Kinh tế quốc tế học chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế, các em có thể đảm nhận các công việc trợ lý hay chuyên viên hỗ trợ hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách về các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, cơ quan quản lý của Chính phủ. Có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học về các vấn đề liên quan đến kinh tế quốc tế, kinh tế đối ngoại Việt Nam, thương mại quốc tế, tài chính quốc tế, đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các em cũng có thể đảm nhận các công việc liên quan đến lập kế hoạch, giám sát hay thực thi về chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, logistics, phát triển thị trường quốc tế, tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Học ngành Kinh tế phát triển, sau khi ra trường các em có thể làm việc tại các dự án phát triển, các tổ chức phát triển và các doanh nghiệp với các công việc như phân tích thực trạng kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia; tham gia lập kế hoạch và thực thi dự án phát triển; tổng hợp, nghiên cứu, phân tích và tham gia hoạch định chính sách phát triển. Các em cũng có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, đảm nhận các công việc như tham gia lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tư vấn giải pháp, chính sách phục vụ cho phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách công, phát triển bền vững. Nếu em nào thích làm công việc nghiên cứu và giảng dạy thì cũng có thể trở thành các nghiên cứu viên, giảng viên tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề liên quan đến kinh tế học, kinh tế phát triển, chính sách công, kinh tế môi trường, phát triển bền vững. Chi tiết về chương trình đào tạo của các ngành, em có thể tham khảo trên website www.ueb.vnu.edu.vn

** Chào Ban tư vấn tuyển sinh, con tôi đã có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5, nếu cháu học chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành QTKD thì có ưu tiên gì không? (Lê Anh Tâm)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân: Nếu cháu đã có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 thì cháu sẽ không phải tham gia kỳ thi tiếng Anh tuyển chọn đầu vào chương trình Đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh. Đồng thời, khi đã trúng tuyển vào chương trình thì cháu sẽ được miễn học các môn tiếng Anh (và miễn học phí của các môn này).

** Chào quý trường, con tôi tốt nghiệp cấp 3 ở Mỹ, hiện gia đình tôi đã về nước và muốn cho cháu vào học chương trình liên kết với ĐH Troy của trường. Cho tôi hỏi cháu có đủ điều kiện nhập học không? (Nguyễn Thanh Bình - Nghệ An)

Cô Nguyễn Mai Phương: Chào anh Bình, cháu nhà anh đủ điều kiện vào học chương trình liên kết với Đại học Troy. Nếu cháu đạt yêu cầu tiếng Anh của chương trình, cháu sẽ được tham dự khoá học tiếng Anh dự bị do trường tổ chức. Về hồ sơ, anh cần chuẩn bị bằng và bảng điểm 3 năm cấp 3 của cháu. Trường sẽ liên hệ với anh theo số điện thoại để hướng dẫn về khâu hồ sơ.

** Thưa cô, em muốn đăng ký vào ngành kế toán của ĐHKT sau đó học tiếp văn bằng 2 thì nên học ngành tiếng Anh hay Luật. Nếu học thêm văn bằng 2 vậy học phí của mỗi ngành là bao nhiêu trong 1 kỳ. (conyeumenhiunhiu@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Nếu em học ngành Kế toán của Trường ĐHKT, từ năm thứ 2 trở đi, em có thể theo học chương trình bằng kép (học đồng thời 2 chương trình đào tạo) ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN hoặc ngành Luật kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN tùy theo nguyện vọng và lựa chọn của em. Đối với chương trình đào tạo bằng kép, học phí năm học 2013-2014 là 225.000đ/tín chỉ.Muốn biết chi tiết cụ thể về học phí, em có thể liên hệ để tìm hiểu thông tin tại Trường ĐH Ngoại ngữ hoặc Khoa Luật - ĐHQGHN.

** Thưa thầy cô, khi nào thì trường mình công bố điểm thi và điểm chuẩn vào trường ạ? (saocon@...)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian công bố điểm thi trước ngày 1/8/2014 và điểm trúng tuyển trước ngày 10/8/2014. Em theo dõi trên website của trường nhé, địa chỉ http://ueb.vnu.edu.vn

** Kính gửi Ban tư ban tư vấn tuyến sinh. Năm nay em muốn dự thi vào ngành Quản trị Kinh doanh của nhà trường, vậy khi ra trường em sẽ có cơ hội việc làm như thế nào? (Hương Giang)

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân: Chào em, khi tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh, sinh viên sẽ có khả năng thích ứng trong môi trường công việc có tính cạnh tranh cao; có khả năng tác nghiệp, kinh doanh, phân tích, nghiên cứu về quản trị kinh doanh tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước như: công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty đa quốc gia, tập đoàn nhà nước…; hay tại các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghiên cứu và các tổ chức khác; có khả năng tham gia học tập ở các bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành doanh nhân, lãnh đạo, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quản trị kinh doanh; có thể khởi sự và tạo lập doanh nghiệp.

** Thưa thầy cô, em rất muốn được học tại Trường ĐHKT thuộc ĐHQGHN. (1) Em được biết học sinh trường mình có thể được nhận nhiều học bổng. Mong thầy cô tư vấn cho em, các học bổng này được phân bổ cho sinh viên như thế nào? (2) Đọc trên web của trường, em thấy sinh viên của trường được tham gia các hoạt động với cả sinh viên nước ngoài. Vậy sinh viên cần có những điều kiện gì để được tham gia các hoạt động này ạ (dodo21@yahoo...)

ThS. Nguyễn Thị Thư: (1) Chào em, hàng năm Trường ĐHKT có rất nhiều hình thức học bổng cho sinh viên. Bên cạnh “học bổng khuyến khích học tập”, sinh viên còn có thể nhận được các học bổng ngoài ngân sách do các đối tác trong và ngoài nước của trường trao tặng. Việc phân bố các học bổng này còn tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi nhà tài trợ.(2) Sinh viên Trường ĐHKT được tham gia nhiều chương trình giao lưu với sinh viên các nước như Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan… như em đã được biết trên website của trường. Tuy nhiên, các em cần phải có kết quả học tập tốt cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Sinh viên ĐH Kinh tế - ĐHQGHN giao lưu với sinh viên ĐH Waseda, Nhật Bản

** Chào các thầy, cô! Em là Lê Thị Vân, đang học Trường THPT Quế Võ 1. Năm nay em có dự định thi vào Khoa Kinh tế Phát triển của trường mình, nhưng em chưa biết những công việc sau khi tốt nghiệp mà mình có thể làm là gì. Vậy em mong các thầy cô có thể trả lời thắc mắc này, để em có thế đưa ra quyết định cho mình (chienbn94@gmail.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Học ngành Kinh tế phát triển, sau khi ra trường các em có thể làm việc tại các dự án phát triển, các tổ chức phát triển và các doanh nghiệp với các công việc như phân tích thực trạng kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia; tham gia lập kế hoạch và thực thi dự án phát triển; tổng hợp, nghiên cứu, phân tích và tham gia hoạch định chính sách phát triển. Các em cũng có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, đảm nhận các công việc như tham gia lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tư vấn giải pháp, chính sách phục vụ cho phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách công, phát triển bền vững. Nếu em nào thích làm công việc nghiên cứu và giảng dạy thì cũng có thể trở thành các nghiên cứu viên, giảng viên tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề liên quan đến kinh tế học, kinh tế phát triển, chính sách công, kinh tế môi trường, phát triển bền vững.

** Chào Ban tư vấn! Em dự định thi đại học 2 khối C và D, nhưng em không hiểu thi khối C,D cùng ngày.Vậy em có thi được không và thời gian ra sao? Mong giải đáp hộ em (hoaisang2607@yahoo.com)

ThS. Nguyễn Thị Thư: Chào em, khối C và D thi đợt II (9-10/7/2014), vì vậy em chỉ có thể lựa chọn thi 1 trong 2 khối trên thôi nhé. Chúc em có được sự lựa chọn đúng đắn.

Ban tư vấn tuyển sinh đại học trực tuyến năm 2014 của Trường ĐHKT
*

TS. Vũ Anh Dũng: Xin cảm ơn quý vị phụ huynh và các em đã quan tâm theo dõi cuộc tư vấn này và quan tâm đến các chương trình đào tạo của Trường ĐHKT. Với sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường ĐHKT cam kết sẽ nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất có thể để các em sinh viên phát huy tốt khả năng của mình.Trường sẽ là nơi chắp cánh ước mơ cho các em.Chúc các em thành công trong kỳ thi đại học sắp tới. Hẹn gặp các em trong ngày nhập trường!


Cuộc tư vấn trực tuyến xin tạm dừng tại đây. Các câu hỏi chưa được giải đáp, Ban tư vấn sẽ gửi câu trả lời cho quý vị qua email.

Mọi thắc mắc xin liên hệ: Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Phòng 504, nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 04.3754.7506 + máy lẻ 305, 315, 235; Hotline: 01236.454.909 hoặc gửi emai tới địa chỉ: news_ueb@vnu.edu.vn để được giải đáp.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code FPTWXP
Content