Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

THÔNG BÁO: Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 7/2021)

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thông báo những văn bản liên quan đến hoạt động của nhà trường (cập nhập tháng 7/2021)

   1. Công văn số 3026/BGDĐT-QLCL ngày 20 tháng 7 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Các sở giáo dục và đào tạo

c) Nội dung cơ bản:

   Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 3026/BGDĐT-QLCL ngày 20/7/2021 hướng dẫn tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

   Theo đó, đối tượng dự thi đợt 2 theo quy định tại Công văn 2998/BGDĐT-QLCL ngày 16/7/2021, gồm:

- Thí sinh sinh chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 trong các ngày 07, 08/7/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

- Thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

   Các thí sinh nêu trên được dự thi đợt 2 của Kỳ thi nếu đáp ứng các điều kiện:

- Đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021;

- Không bị kỷ luật đình chỉ thi tại đợt 1;

- Không sử dụng quyền được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo Điều 37 của Quy chế thi;

- Chỉ dự thi những bài thi/môn thi đã đăng ký nhưng chưa thi hoặc chưa hoàn thành ở đợt 1 và bảo lưu kết quả các bài thi/môn thi đã hoàn thành ở đợt 1 để sử dụng tại đợt 2.

   Trường hợp thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải có Đơn xin dự thi đợt 2 ghi rõ lý do liên quan...

>>> Xem chi tiết công văn tại đây

 

   2. Quyết định số 2386/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thể lệ Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2021

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/7/2021.

b) Đối tượng áp dụng:

      1. Sinh viên đang học tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm (gọi chung là cơ sở đào tạo).

      2. Học sinh các trường trung học phổ thông (THPT).

      3. Khuyến khích học sinh các trường trung học cơ sở (THCS) tham dự.

c) Nội dung cơ bản:

   Ngày 16/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2386/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Thể lệ Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2021 (SV_STARTUP-2021).

   Cụ thể, đối tượng tham gia cuộc thi là sinh viên đang học tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; học sinh các trường trung học phổ thông; khuyến khích học sinh các trường trung học cơ sở. Các lĩnh vực của cuộc thi bao gồm: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội;…

   Bên cạnh đó, vòng Chung kết dự kiến được tổ chức từ ngày 10-11/12/2021 tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Các đội tham dự Vòng chung kết sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đội tại các gian hàng theo các chủ đề được ban tổ chức bố trí tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia năm 2021.

   Đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở đào tạo, cơ cấu giải gồm: 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba; 04 giải Khuyến khích. Giải thưởng được công bố trực tiếp tại Lễ Bế mạc và Trao giải trong Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2021...

>>> Xem chi tiết công văn tại đây.

 

   3. Công văn số 2909/BGDĐT-TTr ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thanh tra/kiểm tra công tác tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2021

a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/7/2021.

b) Đối tượng áp dụng:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có cơ sở đào tạo;

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Các đại học, học viện, trường đại học;

- Các cơ sở đào tạo sĩ quan có đào tạo trình độ đại học;

- Các cơ sở đào tạo cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non;

- Các sở giáo dục và đào tạo.

c) Nội dung cơ bản:

   Ngày 12 tháng 7 năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 2909/BGDĐT-TTr hướng dẫn thanh tra/kiểm tra công tác tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2021. Công văn được ban hành với mục đích:

      1. Giúp cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh và các văn bản liên quan, bảo đảm công tác tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc.

      2. Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về việc tổ chức tuyển sinh và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyển sinh; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có).

      3. Phát hiện những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tuyển sinh; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật và phương án tuyển sinh.

Những nội dung thanh tra/kiểm tra được quy định trong công văn gồm:

      1. Thanh tra/kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh: Việc xác định và công khai chỉ tiêu tuyển sinh; Việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh; Việc tuân thủ quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2021; các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2021.

      2. Thanh tra/kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh: Các điều kiện bảo đảm cho công tác xét tuyển; Tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT; Tuyển sinh không sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT; Việc xác định điểm trúng tuyển; Việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển...

>>> Xem chi tiết công văn tại đây. 
 

   4. Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 7 năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

a) Hiệu lực thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2021.

b) Đối tượng áp dụng:

      1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

   Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

      2. Người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.

      3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc.

c) Nội dung cơ bản:

   Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó có quy định các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc. Theo khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021 quy định từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động; Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương...

>>> Xem chi tiết công văn tại đây.

 

   5. Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn đối ứng các dự án thành phần thuộc dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam”, vay vốn Ngân hàng thế giới.

a) Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/7/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng.

c) Nội dung cơ bản:

   Theo nội dung của Nghị quyết, Chính phủ đồng ý cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn đối ứng của các dự án thành phần thuộc Dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam”, gồm: Dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc Gia Hà Nội”, Dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh”, Dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) theo tỷ lệ: Ngân sách trung ương cấp phát 90%, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng tự bố trí 10% từ nguồn thu hợp pháp của các Đại học.

   Theo đó, các Đại học chịu trách nhiệm toàn diện trước các cơ quan thanh tra, kiểm toán về sự chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và giải trình; sự phù hợp với khả năng cân đối tài chính và quy định pháp luật trong việc bố trí vốn đối ứng từ nguồn thu hợp pháp cho Dự án thành phần theo quy định. Đồng thời căn cứ quy định pháp luật hiện hành và quyết định của các cấp có thẩm quyền về đầu tư công, các cơ quan chủ quản đăng ký nhu cầu và bố trí kế hoạch đầu tư công các nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 cho dự án thành phần của mình...

>>> Xem chi tiết công văn tại đây. 
(Cập nhật đến ngày 28 tháng 7 năm 2021)

Phòng Thanh tra & Pháp chế - Trường Đại học Kinh tế

FullName Email
Address Security code DQOAAK
Content

Other News