Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Tết cuối của “đời” sinh viên

Với một sinh viên xa quê đi học, có lẽ Tết là quãng thời gian háo hức nhất. Như mọi năm, cái háo hức ấy vẫn là động lực để tôi cố gắng hoàn thành tốt kỳ học và chuẩn bị cho chuyến về quê sum vầy cùng gia đình. Nhưng có lẽ, Tết năm nay khác, bởi tôi đã là sinh viên năm cuối.

Trước Tết, tôi cũng như bao sinh viên khác, học, ôn, thi cử đến chóng mặt. Kỳ thi cuối cùng, cảm giác vừa lo lắng, vừa quyết tâm lại có chút luyến tiếc, ấy thế nên tôi đã dồn hết sức và hoàn thành nó một cách trọn vẹn. Cái cảm xúc mạnh mẽ trong tôi đó là sự hoang mang với hàng vạn câu hỏi khi đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.
Kết quả thi không được như mong đợi nhưng cũng đủ để tôi thở phào, nhẹ nhõm. Thế là đã xong một chặng đường để chuẩn bị đến ngày nhận tấm bằng trên tay. Chặng đường tới gian nan hơn có lẽ là khóa luận tốt nghiệp. Mơ hồ và băn khoăn. Làm đề tài gì, giảng viên hướng dẫn là ai, phải bắt đầu làm từ đâu vẫn là những câu hỏi mà tự thân phải đi tìm câu trả lời. Tôi còn nhớ một câu nói của thầy tôi “Chân chạy, đầu nghĩ”, phải rồi, khởi động ngay, bắt tay vào ngay sẽ thấy con đường trước mặt rõ nét hơn. Và thế là tôi lên cho mình kế hoạch cụ thể cho kỳ nghỉ Tết và 3 tháng sau Tết.
Mong đến Tết lắm, nhưng bao bộn bề, lo toan của đứa sinh viên năm cuối cứ xoắn xít lấy tâm trí tôi. Năm nay, Tết đến trong nắng vàng uôm và trong cả sự tĩnh lặng của một năm “kinh tế buồn”. Đường phố, nhà nhà không được tấp nập như mọi năm, chỉ có một điều Tết nào cũng như Tết nào - đó là chuyện tàu xe về quê.
Với quyết tâm của một sinh viên tiền “thất nghiệp”, tôi cũng mày mò tập buôn bán vừa lấy kinh nghiệm, vừa là để có thêm chi phí để về quê. Dù sao, cũng là một sinh viên của Khoa Quản trị Kinh doanh nên tôi rất háo hức với kế hoạch kinh doanh nhỏ của mình. Tự tay làm mứt dừa đủ các vị, mứt cà rốt, mứt gừng; tự đóng gói và tìm mối rao bán, tất bật đến cuống chân cuống tay 2 tuần trước Tết.
Lần đầu tiên kinh doanh, sản phẩm lại tự tay mình làm nên tôi cũng thu được một khoản kha khá. Nhưng cái quan trọng hơn là tôi học được nhiều điều trong việc kinh doanh nhỏ này. Học 4 năm tại Đại học Kinh tế tôi không thể tự tin vào bản thân mình sao?
Tết với tôi vui nhất chính là khoảng thời gian chuẩn bị: mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, thăm mộ ông bà…và 3 ngày đầu Tết. Nhưng nói vui chứ tôi cũng sợ Tết năm nay lắm. Đi chúc Tết gia đình nội ngoại, bạn bè ai ai cũng hỏi “Sắp ra trường định đi làm ở đâu rồi?”, “Đã có người yêu chưa?”. Có lẽ, với tôi đó vẫn là những thứ còn khá mơ hồ, tôi chưa có câu trả lời chính xác nhưng đang từng bước xây dựng con đường để tìm ra đích đến.
Dù sao, sự quan tâm và những câu hỏi, lời động viên từ gia đình, bè bạn cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Bởi lẽ trong tình hình kinh tế hiện nay, chỗ đứng cho một sinh viên kinh tế mới tốt nghiệp còn khá khó khăn, không chỉ với riêng tôi. Nếu không phải xuất sắc, nếu không phải dám mạo hiểm thì có lẽ viễn cảnh đi rải hồ sơ xin việc khắp nơi đang hiện ra trước mắt.
Những ngày Tết cứ thế qua đi, vui, hạnh phúc và ấm áp bên gia đình bạn bè, nhưng cũng đầy âu lo và sự bồn chồn muốn bắt đầu ngay vào cuộc sống khi không còn là sinh viên.
Tôi nhận ra rằng, dù bản thân vẫn vô tư, hồn nhiên như thời học sinh nhưng thời gian vẫn vô tình khiến chúng ta trưởng thành theo một cách nào đó. Thay vì buồn do không được nhận nhiều lì xì, thay vì chỉ mong nghỉ Tết thật lâu để không phải lo bài vở đi học, thay vì tâm lý Tết là phải ăn chơi xả láng, tôi, giờ có những nỗi lo người lớn hơn.
Tôi cũng chợt hiểu rằng, mình đang kết thúc quãng đời đẹp nhất - thời sinh viên. Rồi những ngày tới đây tôi sẽ nhớ lớp học, bạn bè, thèm cái cảm giác được đạp xe đến trường và cả những đêm thức trắng ôn thi nữa. Có một điều tôi chắc chắn, Tết 2014 này, chính là lúc tôi chọn cho mình con đường đi, là lúc tôi phải quyết định và hết mình với quyết định đấy. Tôi đã biết mình phải bắt đầu từ đâu.

Nguyễn Thị Ngọc Anh (QH-2010-E QTKD)

FullName Email
Address Security code YVUBMZ
Content