Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Câu chuyện về những giá trị

Tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa KTCT, năm học 2010 – 2011
Đã ai đó từng nói với tôi rằng cuộc đời mỗi con người là một cuốn sách dày gồm nhiều phần, nhiều chương, nhiều tình tiết. Mỗi khi chúng ta ngồi đọc lại những dấu ấn ghi trong đó, sẽ gợi ta nhớ về những kỷ niệm, ký ức, để lại trong mỗi người những tâm trạng, những suy ngẫm, trải nghiệm đầy xúc cảm và thi vị. Tôi ngày càng nhận ra chân lý đó và trong chương đầu tiên của cuốn sách cuộc đời mình, tôi đã may mắn được học tập, được rèn luyện dưới mái nhà thứ hai của tôi - Trường ĐHKT.

Nếu bạn hỏi tôi: Bạn nhận được gì từ những tháng ngày sinh viên? Tôi thầm nghĩ, điều mà tôi nhận được đó là những giá trị và tôi muốn được viết ra câu chuyện về bản thân tôi và ngôi trường qua cảm nhận về những giá trị này.
Giá trị của tình yêu thương

Bùi Khắc Linh

Giảng đường không chỉ là một khu vườn kiến thức rộng lớn mà chúng tôi còn tìm được ở đó một thế giới muôn màu của tình yêu thương. Tôi còn nhớ rất rõ, ngày ấy, khi tôi học cùng các bạn ở giảng đường 401 nhà E4. Với chúng tôi đến lớp không chỉ là để nghe bài giảng của thầy cô mà đó còn là những câu chuyện vui buồn và lời nhắn nhủ, dặn dò ân cần. Vẫn còn đó lời thầy cô căn dặn gắng học tập, nghiên cứu và trau dồi ngoại ngữ để mai sau lập nghiệp. Thầy cô kể cho chúng tôi nghe những tấm gương thế hệ sinh viên của Trường đã không ngừng nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách trong cả kiến thức, ngoại ngữ và cuối cùng đã đạt được học bổng đi du học nước ngoài. Những câu chuyện ấy, dù chỉ là thoáng qua thôi, nhưng đối với tôi đó là cả một định hướng thôi thúc tôi nỗ lực hơn nữa. Tình yêu thương, sự động viên của thầy cô đã hun đúc trong thế hệ sinh viên chúng tôi những ý chí, nghị lực mãnh liệt.

Giá trị của nghiên cứu khoa học

Giá trị khoa học tôi thu nhận được không chỉ từ sách vở, mà đó còn từ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của thầy cô đã chia sẻ với chúng tôi. Các lý thuyết kinh tế chính trị tưởng như khô cứng, nhưng chính thầy cô đã thổi hồn vào đó, cho chúng tôi những bài giảng thật thú vị. Thầy cô hướng dẫn phương pháp viết một bài nghiên cứu như thế nào, cách đọc, cảm nhận rồi từ đó phân tích, tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm riêng cho mình. Không chỉ là kiến thức, thầy cô còn trang bị tỉ mỉ phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu..., nhờ đó chúng tôi có được những kiến thức vừa cơ bản, vừa tổng hợp để “giải phẫu” các vấn đề thực tiễn.

Tôi rất hào hứng với giờ lên lớp các môn học như Kinh tế học, nghiên cứu các học thuyết của Adam Smith, Ricardo, phân tích chính sách kinh tế, và đặc biệt là nghiên cứu bộ “Tư bản”. Những lý thuyết này, dần dần đã rèn giũa trong tôi cách lập luận, phân tích và viết một bài chuyên đề khoa học như thế nào. Những câu hỏi khó, những bài tập giải quyết tình huống của thầy cô giúp chúng tôi thêm hăng hái và quyết tâm sẽ đi tìm ra câu trả lời tốt nhất. Nhờ sự quyết tâm này khiến tôi bản lĩnh hơn trong nghiên cứu. Phần thưởng mà thầy cô tặng cho chúng tôi sau mỗi câu hỏi khó ấy đó là tập vở, chiếc bút đến tận bây giờ chúng tôi vẫn còn giữ mãi bên mình như những kỷ niệm không thể nào quên.

Năm 2011, tôi may mắn được thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển” dưới sự hướng dẫn của cô Mai Thị Thanh Xuân. Tôi không quên được những ngày tôi nộp bài khuya, cô thức trắng đêm chữa bài cho tôi để sáng mai tôi sửa lại cho kịp thời gian nộp bài. Tôi thầm cảm ơn những trang giấy mực đỏ cô chữa đã giúp tôi nhận ra những thiếu sót và phát triển tư duy logic, cách lập luận nghiên cứu chặt chẽ hơn cho công việc nghiên cứu sau này. Cô chỉ cho tôi thấy sáng tạo trong khoa học chỉ có thể có được khi bạn thực sự bắt tay vào làm việc một cách tâm huyết. Khi nghiên cứu đề tài của mình, tôi mới dần phát triển những ý tưởng mới mà trước khi làm đề tài mình chưa nghĩ ra.

Có thể thấy, kết quả nghiên cứu khoa học là nghiệm đúng khi đi giải bài toán phương trình: thành công trong nghiên cứu khoa học = đam mê cái mới + quyết tâm thực hiện + sự hướng dẫn của giảng viên + sự động viên, giúp đỡ của Khoa và Trường + yếu tố may mắn. Vì vậy, nếu thiếu đi một trong số các biến trong phương trình trên thì khó thu được kết quả thành công, hay có thể hiểu nếu bạn chỉ đơn thuần có sự đam mê cái mới và quyết tâm thực hiện thì đó chỉ là điều kiện cần thôi nhưng chưa thể là điều kiện đủ. Việc áp dụng tốt phương trình trên đã lần lượt đem đến cho tôi những giải thưởng. Đó là nguồn khích lệ lớn đối với tôi trên chặng đường nghiên cứu sau này và là minh chứng cho thấy Trường ĐHKT đã tạo những điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để chúng tôi có thể đi tìm được lời giải hợp lý nhất cho phương trình của thành công trong nghiên cứu khoa học trên.

“Khoa học, không phải là điều gì lớn lao, mà bắt nguồn từ chính lăng kính của cuộc sống”. Thầy cô vẫn thường nói với chúng tôi thế, và quả thực, sau này khi làm việc tôi càng thấy tính mới mẻ, đầy hứng khởi như chính trong cuộc sống của công việc nghiên cứu khoa học.

Năm 2007, tôi được học bổng đề cử của Trường sang học tập tại Đại học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan. Đây là một cơ hội vô cùng quý giá mà Trường đã tạo điều kiện, cơ hội cho tôi và các bạn được sang học tập, tiếp thu kiến thức trong một môi trường học tập mới. Tôi vô cùng tự tin khi nói rằng chính nhờ quá trình học tập tại Trường ĐHKT đã trang bị, trau dồi cho chúng tôi những kiến thức chắc chắn, tư duy khoa học và sự năng động. Vì lẽ đó, có thể thời gian đầu khi sang học tập ở nước ngoài tôi có gặp nhiều bỡ ngỡ, nhưng do đã quen dần với phương pháp giảng dạy nghiêm túc, ân cần của thầy cô trước đó nên về sau dễ dàng thích nghi với điều kiện học tập ở nước bạn. Nhiều dịp, tôi được giao lưu với các bạn sinh viên quốc tế qua các festival sinh viên thế giới, đến phần giới thiệu về quê hương mình, tôi không quên khi giới thiệu về mái trường tôi đã và đang học tập với niềm tự hào khi được trau dồi kiến thức, rèn luyện ở ngôi trường nghiên cứu ứng dụng dẫn đầu của cả nước.

Sau quá trình học tập trở về nước, tôi nhận thấy Trường ngày càng hiện đại hơn, phát triển theo định hướng mô hình đại học nghiên cứu. Trường đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống hỗ trợ sinh viên học tập và nghiên cứu tiên tiến như: hệ thống thông tin thư viện phong phú, Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách. Đặc biệt, Trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu nghiên cứu khoa học với các trường hàng đầu thế giới. Đây là điều kiện mà không phải lúc nào chúng tôi cũng có để được gặp những chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu có ảnh hưởng trên thế giới mà Nhà trường mời về qua các buổi hội thảo như: GS. Tom Cannon, GS.TS. Susan Schwab, GS. Trần Văn Thọ, GS. John Quelch…

Hiện tại, thế giới đang coi trọng và đánh giá rất cao mô hình đại học nghiên cứu. Đây là mô hình chủ đạo của đại học đẳng cấp quốc tế với những tiêu chí nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, tạo ra một bầu không khí học thuật sôi nổi, năng động và sáng tạo. Trường ĐHKT đang theo hướng tiếp cận ấy. Chúng tôi, những thế hệ sinh viên của Trường đã và đang được thừa hưởng những giá trị tích cực nhất trong hướng đi này. Tôi tin rằng trong tương lai, một mặt cùng với sự phát triển của Nhà trường và với điều kiện học tập tốt, thế hệ sinh viên mai sau sẽ đạt được thật nhiều thành tựu vẻ vang.

Giá trị của sự hòa nhập

Sự hài hòa trong tập thể là điểm tựa thăng hoa thành công cho mỗi cá nhân. Ở mái nhà thứ hai này, tôi cảm nhận được tình thầy trò, bè bạn, sự kết hợp hài hòa trong làm việc của nhóm học tập cũng như tham gia các hoạt động của Đoàn trường, các câu lạc bộ.

Để tăng tính sáng tạo, chủ động của mỗi thành viên trong lớp, thầy cô đã tổ chức cho chúng tôi những tiết thảo luận đầy lôi cuốn. Lôi cuốn, cũng bởi lẽ, những chủ đề thầy cô gợi ý cho chúng tôi chứa đựng nhiều mâu thuẫn cần phải giải quyết và nhiều vấn đề đang được đề cập trên các báo, diễn đàn. Mỗi bạn một ý, ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình đến cùng nhưng đó chính là sự hòa hợp, bởi chúng ta đang cùng nhau đi tìm lời giải cho một bài toán chung. Nếu giảng đường như một buổi hòa nhạc thì có lẽ thầy cô như những chỉ huy trưởng đầy tinh tế, mỗi sinh viên đều thể hiện những nốt nhạc trầm bổng riêng của mình để tạo thành một bản nhạc tuyệt mỹ. Giá trị hòa hợp đó sẽ kích thích sự sáng tạo của mỗi sinh viên.

Các cuộc thi Nhà trường tổ chức mà tôi có cơ hội được tham gia như: “Eco tests & games”, “Political Economy tests & games” hay cuộc thi “Trọng tài thương mại” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã tạo ra những sân chơi đầy hấp dẫn, nhiều thử thách để sinh viên có dịp được thử sức với khả năng sáng tạo, trí tuệ và khả năng giải quyết tình huống. Đặc biệt trong cuộc thi “Trọng tài thương mại” với các trường đại học khác trong cả nước, nhóm chúng tôi đại diện cho Trường ĐHKT đã xuất sắc giành giải nhất. Tâm trạng căng thăng, gay cấn khi nhận câu hỏi khó từ ban giám khảo, cảm giác hồi hộp khi biết kết quả và reo hò khi đội mình đã giành chiến thắng là những cảm xúc tôi và các bạn đã trải qua. Chúng tôi học hỏi lẫn nhau rất nhiều, về cả trí tuệ, bản lĩnh, sự quyết tâm và những bài học rút ra từ những thất bại.

Hoạt động Đoàn trường và Hội Sinh viên tạo cho chúng tôi không khí sôi nổi, náo nức, bừng cháy của dịp ra quân Mùa hè tình nguyện, Đội xung kích… Những ngày tháng tình nguyện tại xã Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình - xã kết nghĩa với Trường, đã in đậm những kỷ niệm khó quên. Nụ cười của người dân địa phương, đặc biệt là các em nhỏ, đã khiến chúng tôi quên đi mệt mỏi và hăng hái làm việc hơn nữa. Những đêm trăng hè lộng gió, nhóm chúng tôi thường ngồi bên nhau, kể cho nhau những câu chuyện, vui có, buồn có và cả những hoài bão trong tương lai. Ngày ấy Internet chưa được phổ biến như bây giờ, cũng có mặt tích cực, bởi vì thế chúng tôi được gần nhau và hiểu được nhau nhiều hơn. Ngày về, nhận được lời cảm ơn của người dân địa phương và những món quà giản dị như cân sắn, bài thơ…, chúng tôi vui và rất cảm động. Chúng tôi hiểu ra rất nhiều từ chính giá trị lao động, được chia sẻ tình cảm, suy nghĩ với nhau cũng như niềm hạnh phúc khi được đóng góp phần nào cho xã hội. Đoàn trường đã tạo cho chúng tôi những cơ hội cảm nhận quý giá như vâỵ.

Giá trị từ những tiếc nuối

Đến bây giờ, khi đi làm, chúng tôi có rất nhiều tiếc nuối. Mong muốn được quay về những ngày đầu tiên khi còn là sinh viên cùng nhiều kỷ niệm thân thương nhất, không còn bộn bề những lo toan của công việc, cuộc sống ... Những tình cảm hồn nhiên nhất ngày ấy vẫn còn đó trong tâm trí chúng tôi. Những chiều học nóng nực, cả lớp xoay vần cùng những lý thuyết kinh tế khó, những giọt mồ hôi của thầy trên bục giảng khiến chúng tôi bồi hồi, không còn cảm thấy sự oi ả của mùa hè nữa, mà càng cảm thấy quyết tâm hơn. Những ngày đầu xuân, khi cơn mưa mang đến tiết se lạnh, giục dã những mầm xanh đâm chồi, ngồi bên thầy cô cùng tách trà nóng, tôi thầm cảm ơn thầy cô một lần nữa vì thầy cô đã mang đến cho tôi những giá trị tuyệt vời nhất của cuộc sống này. Chắc hẳn bạn cũng tìm thấy rất nhiều những giá trị chung với tôi. Mái trường ĐHKT luôn là niềm tin, niềm tự hào để rồi cho dù mai sau được học tập ở nơi đâu, trong tôi luôn hướng về những tháng ngày sinh viên tuyệt vời nhất. Chuyến tàu tri thức đang thôi thúc, vẫy gọi chúng tôi phía chân trời kia để viết những chương tiếp theo của cuốn sách cuộc sống, tôi nguyện hứa sẽ cố gắng phát huy hơn nữa những giá trị đó trong những chương tiếp theo này…

>>> Xem
bản PDF tại đây.

Bùi Khắc Linh
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Khóa QH-2007-E


(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)

FullName Email
Address Security code EXOYKE
Content