Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Đại sứ Ba Lan: Tôi rất vui vì kết nối được các trường đại học hàng đầu Ba Lan với UEB

Đây là buổi làm việc đầu tiên giữa Trường ĐHKT và Trường ĐH Kinh tế Warsaw, Ba Lan
Đây là chia sẻ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam sau khi đại sứ đã kết nối được nhiều trường đại học hàng đầu Ba Lan với Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Gần đây nhất là buổi làm việc trực tuyến giữa Trường ĐH Kinh tế Warsaw, Ba Lan (SGH) với Trường ĐH Kinh tế vào ngày 16/7.

Buổi làm việc có sự có mặt của Ngài Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam; Về phía Trường ĐH Kinh tế Warsaw  có GS. Jacek Prokop, Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế; Bà Katarzyna Kacperczyk, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế; Bà Małgorzata Chromy, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế.

Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; PGS.TS Lê Trung Thành - Trưởng phòng Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Quốc tế; ThS. Nguyễn Đức Lâm - Phó trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển.

Hợp tác giữa hai đại học hàng đầu hai nước

Mở đầu buổi làm việc, GS. Jacek Prokop đã giới thiệu tổng quan về Trường Đại học Kinh tế Warsaw (SGH) là trường đại học hàng đầu tại Ba Lan được thành lập năm 1906, Trường được biết đến ở khắp châu Âu và là trường đại học công lập lâu đời nhất ở Ba Lan. SGH đứng thứ 76 trong những trường đại học đào tạo kinh tế tốt nhất châu Âu do Thời báo Tài chính bầu chọn năm 2017. Chương trình đào tạo MBA của Trường Đại học Kinh tế Warsaw được đánh giá là tốt nhất trong khu vực Đông Âu theo đánh giá của Eduniversal năm học 2014 – 2015.

 Buổi làm việc trực tuyến giữa hai trường có sự tham dự của Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam

GS. Jacek Prokop cho biết, “Với sự giới thiệu của đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Ngài Wojciech Gerwel, chúng tôi tin tưởng hai trường sẽ có những hợp tác tốt đẹp và thành công. Tôi cũng được biết, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê từng có nhiều năm học tập và công tác tại Ba Lan nên chắc chắn sẽ rất hiểu giáo dục đại học tại Ba Lan. Vì vậy, chúng ta ngồi đây hôm nay sẽ xem xét, bàn bạc và thống nhất những nội dung có thể hợp tác”.

Giới thiệu về Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết, Trường là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, đại học đứng số 1 Việt Nam. Chủ trương của Trường là đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục và hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới trên cả lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Hiện nay, Trường có quan hệ hợp tác với hơn 40 trường đại học lớn trên thế giới, hàng năm có hàng chục lượt giảng viên tham gia Hội thảo, giảng dạy, trao đổi tại các trường đại học trên thế giới như Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, Trường Đại học Uppsala, Thụy Điển, ĐH Osaka, Nhật Bản, ĐH Cracow, Ba Lan… Qua đây, tôi cũng cảm ơn Ngài Đại sứ Wojciech Gerwel đã kết nối hai trường với nhau để có thể trao đổi hợp tác. Trước đó, Đại sứ cũng đã nhiều lần tới thăm Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, tham dự một số hội thảo quốc tế mà gần đây nhất là tham dự Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam tại khách sạn Sheraton do Trường tổ chức.

 Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam (hàng trên, bên phải), GS. Jacek Prokop (hàng trên, bên trái), PGS.TS Nguyễn Trúc Lê (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) trên màn hình máy chiếu trong buổi làm việc trực tuyến

Ngài Đại sứ Wojciech Gerwel bày tỏ sự vui mừng khi kết nối được hai trường nói riêng và nền giáo dục của hai đất nước nói chung lại với nhau. Đại sứ mong muốn rằng, buổi làm việc hôm nay sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác tốt đẹp giữa hai trường đại học hàng đầu hai nước, đồng thời sẽ là cầu nối để các trường phát triển quan hệ rộng với nhiều trường khác, đưa sự hợp tác giáo dục của Việt Nam và Ba Lan lên một nấc thang mới.

Hợp tác đa chiều, toàn diện

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai trường đã trao đổi và nhất trí đẩy mạnh trao đổi sinh viên quốc tế, theo đó sẽ trao đổi tín chỉ 1-2 học kỳ (được thực hiện song phương giữa hai bên) hoặc trong khuôn khổ tài trợ của dự án Erasmus, thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa châu Âu và châu Á. Hai bên thống nhất sẽ cùng đào tạo liên kết bậc cử nhân, thạc sĩ và đào tạo chuyển tiếp lấy bằng ĐH Kinh tế Warsaw (2+2 hoặc 3+1).

Về nghiên cứu khoa học, hai bên sẽ đồng tổ chức Hội nghị, hội thảo nhằm thúc đẩy sâu hơn mối quan hệ hợp tác giáo dục Ba Lan- Việt Nam cũng như hợp tác kinh tế, kinh doanh, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Ba Lan và Chính phủ Việt Nam, hai bên rất sẵn sàng trong việc phối hợp tổ chức hội thảo/diễn đàn quốc tế tại Ba Lan hoặc tại Việt Nam dự kiến được tổ chức năm 2021.

 PGS.TS Lê Trung Thành phát biểu tại buổi làm việc

Đồng thời với đó, hai bên sẽ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho sinh viên, học viên kết nối và hình thành khối cựu học viên Ba Lan và Việt Nam nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động hợp tác, giao lưu, văn hóa giáo dục giữa hai trường và hai nước.

Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo hai trường thống nhất các đầu mối triển khai nội dung và thời gian cụ thể, đồng thời hai bên sẽ sớm có ký kết MOU khung để có đầy đủ cơ sở triển khai hợp tác một cách toàn diện và sâu rộng nhất.


Văn Công - Bích Hà

FullName Email
Address Security code GHHCFO
Content