Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

“Phát triển các ngành của Việt Nam: Hướng tới tương lai trong bối cảnh Châu Á năng động”

GS. Trần Văn Thọ và ThS. Vũ Thanh Hương chủ trì phiên hội thảo giữa sinh viên hai trường
Đây là chủ đề của buổi hội thảo diễn ra sáng 24/9/2016 trong khuôn khổ chương trình giao lưu thường niên giữa đoàn sinh viên Trường Đại học Waseda (Nhật Bản) do GS. Trần Văn Thọ - giảng viên ĐH Waseda dẫn đầu và các sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Chương trình giao lưu thường niên là dịp để sinh viên hai trường tìm hiểu, giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề kinh tế mang tính thời sự.

Trong phạm vi buổi hội thảo mở màn vào sáng ngày 24/9, hai bên đã mang đến những đề tài nghiên cứu hấp dẫn xoay quanh chủ đề: “Phát triển các ngành của Việt Nam: Hướng tới tương lai trong bối cảnh Châu Á năng động” (Sectoral development of Vietnam: The way ahead in the Asian dynamic context).

Hội thảo có sự tham dự của GS. Trần Văn Thọ - Trường Đại học Waseda, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ThS. Vũ Thanh Hương - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế thế giới và Quan hệ Kinh tế quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên hai trường.

Mở đầu buổi hội thảo, các đại diện đoàn sinh viên Nhật Bản mang đến tham luận: “Financial System and Economic Development: Japanese Experience and Implications for Vietnam” (tạm dịch: Hệ thống tài chính và sự phát triển kinh tế: Kinh nghiệm Nhật Bản và liên hệ với Việt Nam). Tham luận mở ra cho sinh viên hai nước cái nhìn mới mẻ với kinh tế Việt Nam thông qua kinh nghiệm tích lũy của sự phát triển kinh tế Nhật Bản.

Phần trình bày của các sinh viên Đại học Waseda về kinh nghiệm phát triển kinh tế Nhật Bản

Trong tham luận thứ hai: “Vietnam’s Supporting Industries in the Asian Dynamic Perspective: How to increase the vertical linkages between FDI and local companies” (tạm dịch: Các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam dưới góc nhìn năng động châu Á: Làm thế nào để tăng liên kết dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước), nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Waseda cũng cung cấp thêm cách tiếp cận đầy mới mẻ với mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và nguồn vốn FDI.

Hai tham luận, hai vấn đề thiết thực trong nền kinh tế Việt Nam đã gợi ra nhiều tranh luận sôi nổi trong suốt thời gian trình bày của đoàn sinh viên ĐH Waseda.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, các sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế mang tới hai tham luận: “Impact of EVFTA and TPP on Vietnam’s Garment Industry”  (Tác động của EVFTA và TPP đến ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam) và “Analysis of the road freight transport costs and suggestions for Vietnam” (Phân tích chi phí đường vận tải và những đề xuất cho Việt Nam).

Các sinh viên Trường Đại học Kinh tế phân tích một số lĩnh vực của kinh tế Việt Nam hiện nay trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại quốc tế

Gây ấn tượng cho các bạn sinh viên Đại học Waseda bằng những chủ đề phân tích có chiều sâu, các sinh viên Đại học Kinh tế đã nêu rõ bối cảnh chung của nền công nghiệp dệt may Việt Nam đặt trong các mối quan hệ hợp tác của EVFTA và TPP, phân tích kết quả mang lại trong thực tế và đặt ra so sánh lợi ích.

Qua buổi trao đổi học thuật này, sinh viên hai trường đã trao đổi cách nhìn và tiếp cận mới mẻ về những vấn đề kinh tế rất mang tính thời sự. Các giảng viên hai trường cũng đã chia sẻ những nhận xét cũng như gợi ý hướng phát triển tiếp theo của các bài nghiên cứu.

Kết lại chương trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế đã có lời cảm ơn tới GS. Trần Văn Thọ cùng chương trình giao lưu thường niên bổ ích cho sinh viên hai trường

Trong buổi chiều cùng ngày, sinh viên hai trường cũng có buổi giao lưu văn hoá với chủ đề “Trang phục truyền thống”. Thông qua các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian, sinh viên hai trường có cơ hội để hiểu về văn hoá của nhau hơn. Ngoài ra, sinh viên hai trường cũng có chương trình tham gia làng tranh Đông Hồ - Bắc Ninh vào ngày 25/9.

Tin: Nguyễn Thị Thu Huyền (Sinh viên Khoa KT&KDQT) Ảnh: Đỗ Đỗ

FullName Email
Address Security code REOCVZ
Content