Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link
Hội thảo “Nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ Việt Nam”:
Coi trọng công tác quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp

Sáng ngày 27/7/2012, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ Việt Nam”. Đây là trường đại học đầu tiên tại Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề về quản lý chất lượng.


Tham dự hội thảo có các chuyên gia về quản lý chất lượng đến từ các cơ quan Việt Nam và Nhật Bản như ông Akira Shimizu, ông Toyoaki Itsubo, ông Takayuki Hayashida… (đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản); TS. Vũ Văn Diện - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Trần Văn Học - Ủy viên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; bà Hồ Minh Hường - Trưởng phòng Chất lượng (Ngân hàng Quân đội); TS. Trần Ngọc Trung - Chuyên gia tư vấn quản lý (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài).
Về phía Trường Đại học Kinh tế có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, các Phó Hiệu trưởng - TS. Vũ Anh Dũng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh tham dự hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham dự của các giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên đến từ các trường đại học trong và ngoài Trường ĐHKT - ĐHQGHN và các cơ sở nghiên cứu tư vấn đào tạo Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: hoạt động năng suất và chất lượng ở Việt Nam trong thời gian qua đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hoạt động này ở Việt Nam phát triển chậm, chưa có hệ thống, mang tính tự phát, và thiếu định hướng lâu dài. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu các yếu tố cơ bản thúc đẩy phong trào phát triển, đặc biệt là sự thiếu vắng vai trò của các cơ quan nghiên cứu tư vấn năng suất và chất lượng.

Với mong muốn phát triển hoạt động nghiên cứu tư vấn, giảng dạy năng suất chất lượng trong các trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam, Trường
ĐHKT - ĐHQGHN phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo này với hy vọng thông qua hội thảo, các kiến thức và kinh nghiệm về quản lý chất lượng của Việt Nam và Nhật Bản sẽ được chia sẻ giữa các nhà chính sách, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, và các nhà sản xuất cũng như các doanh nhân.

Ông Akira Shimizu - Phó đại diện trưởng JICA phát biểu chào mừng hội thảo và hy vọng thông qua chương trình, JICA sẽ mang đến cho Việt Nam các thông tin hữu ích về quản lý chất lượng, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với Trường ĐHKT

Với mục đích đó, các báo cáo được trình bày tại hội thảo đều tập trung vào các nội dung chính như: (1) Quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa dịch vụ tại Việt Nam; (2) Kinh nghiệm về cải tiến liên tục tại Nhật Bản; (3) Kinh nghiệm về quản lý chất lượng tại doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Văn Học (trái) và TS. Vũ Văn Diện (phải)

Trong đó, hai báo cáo Hoạt động năng suất và chất lượng ở Việt Nam (TS. Vũ Văn Diện trình bày) và Quan điểm quản lý chất lượng trong bối cảnh mới (ông Trần Văn Học trình bày) đi sâu vào phân tích thực trạng hoạt động quản lý chất lượng ở Việt Nam dưới góc độ quản lý nhà nước. Nhìn chung, các báo cáo đều khẳng định rằng, khung khổ pháp lý và các dự án của Nhà nước cho công tác này đã khá hoàn chỉnh, tuy nhiên, việc áp dụng nó tại các doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế khác nhau dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trên cơ sở đó, các báo cáo đề xuất sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm phổ biến theo chiều sâu hoạt động chất lượng.



GS. Yoshiki Matsui (trái) và nhóm chuyên gia của JICA (phải)

Các báo cáo Quản lý chất lượng trong ngành sản xuất Nhật Bản (của GS. Yoshiki Matsui - Trường ĐH Tổng hợp quốc gia Yokohama, Nhật Bản) và Chương trình JICA về cải tiến chất lượng trong các doanh nghiệp Việt Nam (của nhóm chuyên gia hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ JICA) mang đến các kinh nghiệm của Nhật Bản về hoạt động chất lượng. Các chuyên gia nhấn mạnh đến kinh nghiệm về cải tiến liên tục (Kaizen) đã và đang được triển khai hiệu quả tại các doanh nghiệp Nhật Bản và ứng dụng tại một số doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, các yếu tố về đào tạo nguồn nhân lực, đề cao phản hồi của khách hàng, sự tham gia của mọi thành viên trong tổ chức, đặc biệt là hoạt động giám sát, quản lý chất lượng được các chuyên gia rất coi trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

TS. Trần Ngọc Trung (trái) và bà Hồ Minh Hường (phải)

Các chuyên gia của Việt Nam mang tới hội thảo những kinh nghiệm quản lý chất lượng tại doanh nghiệp trong nước thông qua hai báo cáo Quản lý chất lượng trong doanh nghiệp phục vụ tài chính (cụ thể trường hợp của Ngân hàng Quân đội - bà Hồ Minh Hường trình bày) và Một số bài học kinh nghiệm khi đào tạo kỹ năng quản lý chuyên nghiệp cho quản lý cấp trung (TS. Trần Ngọc Trung trình bày).

Thảo luận về báo cáo của các chuyên gia, các đại biểu đã trao đổi về thực tế quản lý chất lượng của các cơ quan Nhà nước đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; việc áp dụng các chuẩn đo lường chất lượng tại các doanh nghiệp, những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả chưa cao trong việc áp dụng các chuẩn đó và phương hướng để khắc phục những hạn chế. Một số ý kiến cũng trao đổi về kinh nghiệm quản lý chất lượng, đặc biệt là quản lý về mặt nhân lực của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trả lời báo chí về việc áp dụng chuẩn ISO 9000:2008 trong công tác quản lý hành chính tại ĐHKT, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: đối với trường đại học cũng như doanh nghiệp, việc áp dụng chuẩn ISO mang lại nhiều lợi ích trong đó đặc biệt là giúp các công việc được phối hợp một cách nhịp nhàng, hiệu quả, quản lý được chặt chẽ, đồng bộ các hoạt động của nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng chung của đơn vị. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng: những quy chuẩn đó cần phải được thực hiện một cách liên tục, nghiêm túc và có sự tâm huyết của mỗi cá nhân trong đơn vị.

Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc và tích cực, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích về nâng cao chất lượng hàng hóa và dich vụ ở Việt Nam và Nhật Bản.

Lãnh đạo Trường ĐHKT trao quà lưu niệm cho đại diện JICA và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đánh dấu bước quan hệ mới trong mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và các đơn vị

Phát biểu tổng kết hội thảo, thay mặt lãnh đạo nhà trường và Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn những tham luận cùng các ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các đại biểu về chủ đề rất thiết thực này. Ông mong rằng, hội thảo sẽ là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả hơn nữa giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN với JICA và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.


Đỗ Thị Chiêm

FullName Email
Address Security code WSJANB
Content