Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Hội thảo quốc tế: Tái cấu trúc Hệ thống ngân hàng - Kinh nghiệm quốc tế và Hàm ý cho Việt Nam

Ngày 21/12/2011, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong - Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã phối hợp đồng tổ chức thành công Hội thảo trên.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời có: PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Giám đốc ĐHQGHN; ông Nguyễn Hữu Từ - Phó Chánh Văn phòng TW Đảng; ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội; bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới; ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; các chuyên gia kinh tế cao cấp, các đồng chí nguyên là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, các chuyên viên cao cấp trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đại diện các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, lãnh đạo các ban thuộc ĐHQGHN, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức tài chính quốc tế và tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam.

Về phía Ban tổ chức có: TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Bùi Khắc Sơn - Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT cùng lãnh đạo và cán bộ của 3 đơn vị.


TS. Vũ Viết Ngoạn phát biểu đề dẫn tại hội thảo


Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới phát biểu tại hội thảo.

Trên 250 đại biểu và hơn 40 hãng thông tấn báo chí đã tham dự hội thảo


Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nước và quốc tế, trong đó 5 tham luận đã được trình bày tại hội thảo, gồm:

1. Báo cáo "Tái cấu trúc Ngân hàng - Bài học rút ra từ kinh nghiệm quốc tế" do ông Sameer Goyal, Điều phối viên quốc gia, Phát triển khu vực tài chính và tư nhân, Vùng Đông Nam Châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới trình bày;

2. Báo cáo "Định dạng hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam" do TS Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban GSTCQG trình bày;

3. Báo cáo "Kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc ngân hàng - hàm ý cho Việt Nam" do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày;

4. Báo cáo "Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong xử lý đổ vỡ - Hướng dẫn quốc tế và kinh nghiệm của Đài Loan" của bà Yvonne Fan, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu hướng dẫn - Hiệp hội BHTG quốc tế; Trưởng phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế Tổng Công ty BHTG Đài Loan;

5. Báo cáo "Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng của các nước Đông Nam Á", do TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng, Giám đốc Sở Giao dịch 3 - BIDV trình bày.

Các thảo luận và ý kiến thảo luận tại hội thảo tập trung vào các chủ đề chính, như Kinh nghiệm quốc tế về: Lý do của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; Cách thức tổ chức/ mô hình thực hiện tái cấu trúc ngân hàng; Các biện pháp tái cấu trúc; Khó khăn và rủi ro trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng; Cách thức đánh giá hiệu quả của tái cấu trúc ngân hàng; Các điều kiện để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam; Và định dạng hệ thống ngân hàng Việt Nam sau tái cấu trúc.


Ông Sameer Goyal

Ông Sameer Goyal, chuyên gia Phát triển khu vực tài chính và tư nhân của Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng trên thế giới, và nhấn mạnh rằng tái cấu trúc NH cần chia làm 2 giai đoạn mục tiêu: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Trong đó, mục tiêu ngắn hạn nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng; đảm bảo khả năng chi trả, thanh khoảng và các trun gian tài chính không bị đình trệ, giải quyết các vấn đề một cách kịp thời nhằm ngăn ngừa sự lây lan hoặc các vấn đề hệ thống, khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, xây dựng mạng an toàn hoạt động, tối thiểu hóa chi phí tái cấu trúc với ngân hàng trung ương, BHTG và/hoặc chính phủ. Trong khi đó, mục tiêu dài hạn nhằm vào: xây dựng một khuôn khổ quản trị mới, xây dựng tính cạnh tranh và khả năng chống chịu và tăng cường cơ sở hạ tầng tổng thể của hệ thống tài chính.


TS. Hà Huy Tuấn

Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban GSTCQG, trải qua các giai đoạn bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng khu vực và thế giới cho thấy, các chuẩn mực, thông lệ tốt về giám sát an toàn vĩ mô, giám sát dựa trên rủi ro đã bị coi nhẹ trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Sở dĩ có điều này một phần là do giám sát rủi ro chéo giữa hệ thống NH với các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp, liên thông giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các cơ quan giám sát hoạt động một cách độc lập theo chuyên ngành hay theo định chế. Đặc biệt, vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền và năng lực để cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính. Bối cảnh này không chỉ đặt ra cho Việt Nam vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế mà còn có yêu cầu cấp thiết là tái cấu trúc một cách toàn diện và đồng bộ hệ thống NH như một yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững.

TS. Bùi Khắc Sơn

Tuy nhiên, tái cấu trúc hệ thống NH là một vấn đề mới, phức tạp - rất "nóng" không chỉ đối với ngành NH mà còn đối với cả nền kinh tế mà theo TS. Bùi Khắc Sơn, Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thì hệ thống NH của Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, gây bất an cho xã hội và người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng. Chính vì thế, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, từ đó, tìm ra những thông lệ tốt nhất về vai trò của BHTG và cách thức bảo vệ người gửi tiền trong quá trình tái cấu trúc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đề xuất các gợi ý chính sách cho quá trình tái cấu trúc hệ thống NH Việt nam hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng: tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước đây là quá trình thành công khi các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu thông qua một quy chuẩn, quy chế giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta không duy trì được nên sau một thời gian lại phát sinh những rủi ro. Vì thế, ngoài đề án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng có một đề án độc lập gửi Thủ tướng để giám sát việc thực hiện này.


PGS.TSKH Võ Đại Lược

PGS.TSKH Võ Đại Lược, Chủ nhiệm Văn phòng chương trình KX01, nguyên Viện trưởng Viện KT&CT Thế giới cho rằng: Hiện nay, trên thế giới, hệ thống NH tốt nhất là Canada chứ không phải là các nước Đông Á. Riêng Việt Nam, tái cấu trúc hệ thống NH thì phải tái cấu trúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước tiên, NHNN phải độc lập mới phù hợp với nền kinh tế thị trường. Do đó, cần có đề án tái cơ cấu NHNN về chức năng nhiệm vụ v.v.

Nhiều ý kiến khác đã nêu bật được những khó khăn, thách thức trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các bài học kinh nghiệm rút ra từ các nước trong khu vực và trên thế giới để thực hiện tái cấu trúc ngân hàng. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã nhấn mạnh

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn

những rủi ro sẽ phải đối mặt trong quá trình tái cấu trúc từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bao gồm: Rủi ro kéo dài, không dứt điểm do thiếu cơ sở luật pháp, khoa học; Rủi ro mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng do những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước có thể có cơ chế bảo lãnh ngầm đối với người gửi tiền; Khó khăn do những mâu thuẫn về lợi ích phát sinh trong quá trình tái cấu trúc, những mâu thuẫn có liên quan đến lợi ích của người gửi tiền, lợi ích của nhóm cổ đông khác nhau; Khó khăn do những chi phí phát sinh trong quá trình tái cấu trúc và khả năng chịu đựng của kinh tế; Rủi ro “Quá lớn để không thể sụp đổ” do một số ngân hàng sẽ trở nên “quá lớn” hay “quá quan trọng” sau tái cấu trúc v.v.

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo cũng đã xoáy vào việc lựa chọn mô hình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, cách tiếp cận trong quá trình tái cấu trúc chủ động hay bị động, định dạng hệ thống ngân hàng sau tái cấu trúc, mối quan hệ giữa tái cấu trúc hệ thống NHTM với tái cấu trúc Ngân hàng Trung ương từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.


Yvonne Fan phát biểu tại hội thảo

Bà Yvonne Fan đã chia sẻ những kinh nghiệm rất quí báu về vai trò của bảo hiểm tiền gửi Đài Loan trong xử lý đổ vỡ các ngân hàng và kết luận: một hệ thống BHTG hiệu quả là một mắt xích quan trọng của việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong quá trình xử lý ngân hàng, xử lý/ chi trả chính xác và nhanh chóng là chìa khóa cho sự thành công của hệ thống BHTG và khuyến nghị các tổ chức thành viên của CDIC nên tham chiếu bộ “Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả” để xây dựng khung pháp lý phù hợp, nhằm khẳng định vai trò của BHTG trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng.


Sau hơn 3 tiếng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội thảo đã nghe những trình bày, thảo luận có giá trị khoa học, thực tiễn của các diễn giả, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Hội thảo khép lại nhưng sẽ mở ra một diễn đàn khoa học mới, tiếp tục thúc đẩy những thảo luận, nghiên cứu đầy đủ toàn diện, khoa học về tái cấu trúc hệ thống NH Việt Nam, bổ sung những đóng góp trên giác độ khung khổ lý thuyết, đồng thời, đề xuất các gợi ý chính sách, nhằm thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc thành công hệ thống ngân hàng Việt Nam.

___________________
THAM KHẢO CÁC THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO:

  • Tái cấu trúc Ngân hàng - Bài học rút ra từ kinh nghiệm quốc tế. (bản tiếng Việt, bản tiếng Anh

    ). Tác giả: Sameer Goyal, Điều phối viên quốc gia, Phát triển khu vực tài chính và tư nhân, Vùng Đông Nam Châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới.

  • Định dạng hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam  (bản tiếng Việt, bản tiếng Anh). Tác giả: TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban GSTCQG.

  • Kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc ngân hàng - hàm ý cho Việt Nam (bản tiếng Việt, bản tiếng Anh).  Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

  • Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong xử lý đổ vỡ - Hướng dẫn quốc tế và kinh nghiệm của Đài Loan  (bản tiếng Việt, bản tiếng Anh). Tác giả: Yvonne Fan, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu hướng dẫn - Hiệp hội BHTG quốc tế; Trưởng phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế Tổng Công ty BHTG Đài Loan.

  • Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng của các nước Đông Nam Á  (bản tiếng Việt, bản tiếng Anh). Tác giả: TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng, Giám đốc Sở Giao dịch 3 - BIDV.


Lưu Mai Anh - Trần Thanh Tú Ảnh: Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code GTYRAW
Content