Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Tọa đàm trực tuyến công bố Báo cáo kinh tế thường niên quý 1/2020

Sáng ngày 13/4/2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2020". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).

Buổi công bố có sự tham gia trực tiếp của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng; TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES).

Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức quốc tế và trong nước hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực phát triển, các nhà làm luật, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà nghiên cứu, tổ chức tư vấn… và các hàng thông tấn báo chí.
Trên môi trường mạng, Tọa đàm đã thu hút 29.868 lượt tiếp cận, 661 người đã xem trực tuyến, 1.657 lượt tương tác, 172 lượt chia sẻ (trong đó có 168 lượt chia sẻ trực tiếp), 432 bình luận (trong đó có 336 bình luận trực tiếp) và nhận được hơn 50 câu hỏi thông qua các mẫu đăng ký và trên bài đăng.
 
Buổi tọa đàm được diễn ra trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho biết cho dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn làm việc rất miệt mài để hoàn thành các tham luận. Tọa đàm hôm nay sẽ cung cấp thông tin khoa học cho cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế về tình hình kinh tế trong thời dịch bệnh và các đề xuất phục hồi nền kinh tế sau dịch.

 
 
 
 Ông Peter Girke, Đại diện Viện Konrad - Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam cũng đã có bài phát biểu chào mừng khán giả theo dõi sự kiện trực tuyến
 
PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày nội dung báo cáo. Ông cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 đạt mức 3,82% so với cùng kỳ năm trước, suy yếu ở cả 3 khu vực kinh tế (khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%).
VEPR dự báo, tổng thu NSNN năm nay có thể không đạt kế hoạch do nhiều nguyên nhân: Kết quả kinh doanh sụt giảm của các doanh nghiệp; sự sụt giảm thu nhập của người lao động; sự thắt chặt đầu tư và tiêu dùng. Trong khi đó, tổng chi có thể tăng vượt dự toán để giảm thiểu tác động của bệnh dịch. Dự kiến, thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng, thâm hụt ngân sách của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 1,5-1,6% lên 5%-5,1% GDP.
Bàn về triển vọng kinh tế năm 2020, VEPR đưa ra ba kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên ba kịch bản về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, với giả định dịch Covid-19 không bùng phát mạnh ở Việt Nam như ở Vũ Hán, trong trường hợp kịch bản xấu nhất, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng âm.
VEPR khuyến nghị Chính phủ cần đưa ra các chính sách đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Chính sách giảm giá điện hay tiền thuê đất được đánh giá là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ cũng cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”).
 
Phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Thế Anh tại Tọa đàm
Sau khi PGS.TS Phạm Thế Anh trình bày nội dung báo cáo, tọa đàm bước sang phiên thảo luận. TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng nhận định trong bối cảnh lạc quan, Việt Nam và thế giới kiểm soát bệnh dịch được vào cuối tháng 6, nền kinh tế bắt đầu tiến trình đi vào hồi phục từ đầu quý III. Tuy nhiên giai đoạn hồi phục rất lâu, ít nhất 6 tháng cho đến 1 năm. Có thể nền kinh tế Việt Nam chỉ trở lại bình thường, ổn định vào trong hai quý sau của 2021.Kịch bản khác, đến cuối tháng 6, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được thì kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ đi vào một cuộc khủng hoảng.
Ông cũng nhấn mạnh, chúng ta đang chứng kiến một đại dịch đặc biệt trong lịch sử xã hội hiện tại và rõ ràng không thể dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa để giải quyết khủng hoảng mà quan trọng hơn cả là phải tìm cách để duy trì nguồn lực con người cũng như nhanh chóng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường để nhanh chóng phục hồi trở lại sau dịch bệnh.
 
 
Trong khuôn khổ Tọa đàm, TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc VCES tỏ ra thận trọng khi đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Theo TS Thành, hiện tại, các giải pháp hỗ trợ bước đầu mới chỉ là chính sách ứng phó dịch bệnh mà chưa tính đến các phương án hỗ trợ sau dịch bệnh. Hơn nữa, chúng ta đang quá tập trung vào chống dịch hơn là tính đến các biện pháp phục hồi, giúp hỗ trợ DN thoát khỏi khủng hoảng, nguồn lực hỗ trợ còn thấp và thiếu, các biện pháp thoạt nhìn toàn diện nhưng chưa thấy trọng tâm và cơ bản chưa triển khai trong thực tế.
Theo TS. Phạm Sỹ Thành, các chương trình của Chính phủ được thực hiện quá chậm chạp. Tính đến thời điểm này, đại dịch đã bước sang tháng thứ 3. Trong chính sách tiền tệ, tất cả những gì Ngân hàng Nhà nước và 23 ngân hàng thương mại đã làm là lên phương án hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhưng đến nay chưa có gói nào giải ngân. Chính sách tài khóa, bảo hiểm xã hội cũng vậy. Tất cả những gì chúng ta biết là Bộ Tài chính và các địa phương đang lên dự thảo, tức mới chỉ trên giấy. Ở thời điểm nào thì liều thuốc kích thích thực sự được bơm vào nền kinh tế? Tôi nghĩ về quy mô, tốc độ và đích ngắm, Chính phủ đều thiếu. Đó là điều phải khắc phục nhanh nếu không muốn các doanh nghiệp và người dân đối diện với khó khăn hơn nữa, nhất là khi dịch vẫn chưa biết còn kéo dài đến bao giờ.
 
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Nguyên Viện trưởng VEPR cho rằng, điều hành chính sách và kinh tế Việt Nam đang được biểu hiện rõ trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và cũng chứng minh cho tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành và quản lý. Đây chính là thời cơ tốt để nhân rộng hơn nền tảng số, không gian số, chuyển đối số. Hơn nữa, cũng cần chú ý tới nhóm đích yếu thế cần hỗ trợ mà theo tôi hiện nay không ai khác chính là nhóm dân nghèo thành thị, dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh và cũng là nguồn cơn có thể gây mất an ninh trật tự xã hội khi lâm vào bần cùng hóa sau tác động của dịch bệnh.
Về việc cơ quan chức năng (bao gồm Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cho doanh nghiệp mở tờ khai làm thủ tục hải quan hạn ngạch (quota) xuất khẩu 400.000 tấn gạo vào lúc 0 giờ ngày 12/4, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định việc này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đột ngột bị đóng cửa thị trường đã khiến họ khó khăn, nay được mở tờ khai xuất khẩu 400.000 quota tấn gạo tháng 4 cũng mở đột xuất, vào nửa đêm khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. ”Trong bối cảnh này, tôi khuyến nghị nên sử dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo thay vì chính sách quota. Nếu sử dụng thuế có sự can thiệp nhưng không quá đột ngột với thị trường, ít nhất điều này tạo ra vùng đệm làm cho giá gạo trong nước luôn thấp hơn thế giới, giảm được lo lắng giá gạo trong nước tăng lên quá cao", TS. Thành khuyến nghị.

Kể từ năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã bắt đầu công bố rộng rãi, định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô hàng Quý nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam. Các buổi tọa đàm này được đóng góp ý kiến, chia sẻ từ rất nhiều chuyên gia.
Ngoài việc cập nhật thông tin tình hình kinh tế trong quý do các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và hiểu biết thực hiện, Báo cáo quý do VEPR thực hiện cung cấp những phân tích, đánh giá, nhận định độc lập khách quan - điều mà công chúng chờ đợi. Đồng thời, cũng luôn đưa ra được những kịch bản mang tính dự báo đáng tin cậy và các khuyến nghị chính sách có giá trị thực tiễn. Do đó, Báo cáo quý cung cấp nguồn thông tin đầu vào quan trọng đối với quá trình điều hành, ra quyết định của các tổ chức, doanh nghiệp, và cá nhân. Đây cũng là diễn đàn tạo điều kiên cho người quan tâm và chuyên gia gặp nhau, thảo luận, hỏi đáp, đưa ra các kiến giải về những vấn đề mà dư luận quan tâm.
Báo cáo quý đã khẳng định được vai trò leading trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn chính sách; khẳng định được chất lượng nghiên cứu, chất lượng đội ngũ chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức công bố online nên còn gặp một số trục trặc về kỹ thuật. Qua lần này, cả Ban Tổ chức lẫn các diễn giả và đội kỹ thuật sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để triển khai cho những lần sau tốt hơn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ tích cực của ĐHKT dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Hiệu trưởng Nguyễn Anh Thu, sự cộng tác trong khâu chuẩn bị của các diễn giả và sự đồng hành của nhà tài trợ đã giúp báo cáo đạt được thành công ngoài mong đợi. Kinh nghiệm sẵn có của các chuyên gia và đội ngũ nhân viên VEPR qua các kỳ công bố cũng là những lợi thế tạo nên thuận lợi.Tuy nhiên, với thành công của lần công bố báo cáo online này, việc quảng bá qua livestream tương tự chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ, trong trường hợp dịch bệnh tiếp diễn.
___________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
- Tài liệu của tọa đàm xem tại đây
- Báo Dân trí: Mở cửa đăng ký xuất gạo lúc nửa đêm: Có điều gì khuất tất không?
- Báo bảo hiểm xã hội: Ba kịch bản kinh tế Việt Nam hậu Covid-19
- Báo Đại đoàn kết: 3 kịch bản kinh tế năm 2020
- Báo Điện tử Đảng CSVN: Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 theo diễn biến dịch bệnh COVID-19
- Báo bất động sản VN: Giải cứu DN do Covid-19: "Các chính sách giống như bắn tên mà không có đích"
- Tạp chí Công thương: Đưa ra 3 kịch bản kinh tế, VEPR lạc quan tăng trưởng cả năm 2020 đạt 4,2%
- Tạp chí Tài chính: Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam mất bao lâu để hồi phục?
- Thời báo Tài chính Việt Nam: VEPR: Tăng trưởng cả năm đạt 4,2% là kịch bản lạc quan nhất
- Báo Đại biểu nhân dân: Kinh tế có thể tăng trưởng âm nếu dịch kéo dài
- Báo An ninh Thủ đô: Ba kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong dịch bệnh
- Báo Diễn đàn Doanh nghiệp: TS Nguyễn Đức Thành: Đề xuất áp dụng thuế xuất khẩu gạo thay vì hạn ngạch
- Báo Diễn đàn Doanh nghiệp: Thấy gì trong ba kịch bản kinh tế cho Việt Nam năm 2020 của VEPR?
- CafeBiz: VEPR: Cần phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ đúng trọng tâm và tránh dàn trải, "ngăn sông cấm chợ" cực đoan sẽ gây hậu quả nặng nề
- Cafef.vn: Tại sao kinh tế Việt Nam tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng khả năng phục hồi lại lớn?
- Thời báo Kinh doanh: VERP: Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý IV, GDP tăng trưởng âm
- Thời báo Ngân hàng:  VEPR: Triển vọng tăng trưởng khó khăn hơn và những ưu tiên chính sách
- Báo Vietnamfinance: TS Phạm Sỹ Thành: 'Ở thời điểm bất thường, những chính sách phi truyền thống nên được tính đến'
- Báo Vietnamnet: Sau dịch bệnh, có thể mất 1 năm kinh tế mới hồi phục
- Báo Vietnamnet: Hạn ngạch 400 ngàn tấn gạo hết vèo, hụt hẫng chờ quyết định mới
- Vietnamnews:  VEPR examines scenarios for economic growth during COVID-19 outbreak
- Vnexpress: VEPR: Kinh tế năm nay sẽ tăng trưởng theo hình chữ U
- VNN Today: Chính sách hỗ trợ dịch Covid-19: Cần nhắm vào đối tượng 'tổn thương” lớn nhất
- VOV:  Hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19: Đúng trọng tâm, tránh dàn trải
- Sài gòn Giải phóng: 3 kịch bản kinh tế năm 2020 do VEPR xây dựng
- Báo Tiền phong: Ba kịch bản tăng trưởng và đề xuất hỗ trợ nền kinh tế

Vũ Hằng - Nguyễn Công

FullName Email
Address Security code XOXKOK
Content