Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Bước khởi đầu cho các hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc)

Ngày 26/8/2019, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) tổ chức thành công buổi tọa đàm với chủ đề “Tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu và mạng lưới nhân lực giữa Hàn Quốc và các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam: trọng tâm trong các ngành tài chính, IT và dịch vụ”. Đây là một hoạt động trong dự án nghiên cứu về chuỗi giá trị giữa Hàn Quốc với các nước CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam) do Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) tài trợ.

Đến tham dự tọa đàm có gần 30 học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý từ Hàn Quốc, Campuchi, Lào, Myanmar và Việt Nam. Về phía đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự hiện diện của PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo Viện Quản trị Kinh doanh: PGS. TS. Hoàng Văn Hải - Viện trưởng, PGS. TS. Nguyễn Đăng Minh - Phó Viện trưởng cùng nhiều cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh.  Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự hiện diện của chuyên gia tài chính Đinh Văn Chiến - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong.

Nội dung của buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị của các nước CLMV về chính sách phát triển công nghiệp và thương mại của mỗi quốc gia, sự phát triển của các ngành tài chính, IT và  dịch vụ, những quy định luật pháp ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, các cơ hội và thách thức khi Hàn Quốc và các nước CLMV tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành trên.

Học giả Soeng Reth đến từ Campuchia đã chia sẻ những điều kiện ưu đãi của quốc gia này trong thu hút đầu tư nước ngoài, tổng quan tình hình thu hút đầu tư từ nước ngoài, tình hình giao thương giữa Campuchia và các quốc gia LMV và Hàn Quốc. TS. Soeng Reth cũng trình bày về sự phát triển của ngành ICT tại quốc gia này trong những năm gần đây và đưa ra những nhận định liên quan đến khả năng hợp tác với Hàn Quốc và các quốc gia CLMV trong lĩnh vực ICT.

TS. Vanxay Sayavong đến từ Lào cũng đưa ra những thông tin hấp dẫn về tình hình phát triển các ngành dịch vụ gắn với tài chính và ICT. Theo TS. Vanxay Sayavong, ngành tài chính và bảo hiểm là ngành có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại Lào trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, du lịch cũng là ngành có tiềm năng phát triển nhanh với sự kết hợp của công nghệ IT và các ứng dụng liên quan đến tài chính.

Ngoài ra, học giả Ei Ei Phyoe đã phân tích kỹ lưỡng về sự phát triển của ngành tài chính và ICT tại Myanmar cùng các quy định chi tiết về các ngành này, từ đó mở ra cơ hội cho quốc gia này trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc. Sự tham gia vào chuỗi giá trị đã giúp Myanmar nâng cao vị thế của mình trong khu vực và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp nối những thảo luận về chuỗi giá trị của các nước CLMV, TS. Hồ Chí Dũng đã trình bày về chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và chỉ ra những ngành trọng điểm ưu tiên phát triển của quốc gia. Đồng thời, TS. Hồ Chí Dũng cũng trao đổi những thông tin liên quan đến sự phát triển của ngành tài chính, IT và dịch vụ. Sự bùng nổ của IT tại Việt Nam trong những năm gần đây đang tạo ra sự thay đổi trong nhiều ngành dịch vụ trong đó có tài chính và từ đó tạo ra nhiều thị trường ngách hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Về phía Hàn Quốc, TS. Hyeokki Min (KIET) đã trình bày nhiều thông tin hữu ích liên quan đến nền kinh tế các nước CLMV, mối quan hệ thương mại giữa Hàn Quốc và các nước CLMV, trong đó Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc vào 4 quốc gia CLMV đã tăng liên tục trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Hàn Quốc và các quốc gia CLMV sẽ cần tăng cường hơn nữa những hợp tác trong tương lai để cùng phát triển lên một tầm cao mới.

 

Các đại biểu tham dự đã sôi nổi thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa Hàn Quốc và các quốc gia CLMV. Mỗi quốc gia CLMV đều có những ngành hấp dẫn, tăng trưởng nhanh và đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Trong mối quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, các quốc gia CLMV có những lợi thế như lao động và nguồn lực dồi dào, nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, Hàn Quốc có lợi thế về kinh nghiệm tăng trưởng, công nghệ và vốn. Do vậy, khi mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia được tăng cường trong chuỗi giá trị, đặc biệt trong các ngành tiềm năng như tài chính, IT và dịch vụ, mỗi quốc gia đều sẽ có lợi ích lâu dài.

Buổi tọa đàm kết thúc vào lúc 18h00 cùng ngày, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trao đổi học thuật trong tương lai giữa trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) cũng như tạo tiền đề cho việc phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, chuỗi giá trị giữa Hàn Quốc và các nước CLMV.


Tin: Phương Mai (Viện QTKD) Ảnh: Văn Công

FullName Email
Address Security code WCQUAX
Content