Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Những điều kiện hình thành và phát triển các khu kinh tế qua biên giới của Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Anh Thu làm chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội thảo
Ngày 21/12/2018, tại phòng Hội thảo quốc tế 801, nhà E4, Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức thành công hội thảo “Điều kiện hình thành và phát triển các khu kinh tế qua biên giới của Việt Nam” với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Đây là Hội thảo trong khuôn khổ đề tài "Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các Khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam”, mã số KX 01.09/16-20 do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển xã hội”.

 

Hiện nay, xu thế toàn cầu hoá, hợp tác, mở cửa và hội nhập khu vực đang trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Mối quan hệ bang giao, hợp tác được phát triển dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, phát triển cùng có lợi, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường bền vững. Đồng thời, hợp tác kinh tế giữa các quốc gia láng giềng là một xu thế đang ngày càng tỏ rõ hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia. Thực tế đã có nhiều mô hình hợp tác qua biên giới (CBEZ) được hình thành và phát triển, có vai trò đáng kể trong việc khai thác lợi thế, bổ sung cho nhau của các quốc gia láng giềng. Điều đó đặt ra nhu cầu và đòi hỏi các quốc gia cần có chiến lược phát triển kinh tế vùng biên, đặc biệt là phát triển CBEZ mà tâm điểm là đầu mối giao lưu cửa khẩu biên giới đất liền thông thoáng với hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng thuận lợi, trên cơ sở pháp lý cùng những chính sách phát triển phù hợp.

 

Với mục tiêu là xác lập luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế qua biên giới ở Việt Nam, từ đó đề xuất mô hình và lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và các nước láng giềng, Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành một loạt các loại hoạt động để thu thập dữ liệu thứ cấp và sơ cấp trong suốt giai đoạn từ tháng 01/2017 – 10/2018. Các hoạt động chính gồm tổ chức các toạ đàm chuyên môn, 03 hội thảo tại Hà Nội, Cao Bằng với sự tham gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), phỏng vấn sâu lãnh đạo nhà nước cấp trung ương và địa phương, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, thực hiện điều tra khảo sát doanh nghiệp tại 06 tỉnh biên giới về nhu cầu và thực trạng các nhóm yếu tố cụ thể của mô hình CBEZ mà nhóm đề xuất. Đây chính là Hội thảo thứ 4 mà Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức với mục tiêu trình bày lại kết quả phân tích sơ bộ những dữ liệu mà nhóm đã thu thập được.

 
 
 
 
Các đại biểu trình bày tại Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có Đại diện Bộ Công thương, Bộ Ngoại Giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội Logistics Việt Nam, Học viện chính trị - Bộ Quốc phòng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cùng các nghiên cứu viên và giảng viên quan tâm đến vấn đề này.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu gửi lời cảm ơn đại diện các cơ quan nhà nước và các học giả đã dành thời gian tham dự Hội thảo, đặc biệt là những chuyên gia đã tích cực tham gia và tâm huyết đóng góp cho Ban chủ nhiệm đề tài trong suốt quá trình thực hiện.

Tiếp theo, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày “Kết quả đánh giá nhu cầu và thực trạng các điều kiện hình thành khu kinh tế qua biên giới (CBEZ) tại một số tỉnh Việt Nam”. Trong bài trình bày, chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu với hội thảo về mô hình CBEZ mà nhóm đề xuất, phương pháp nghiên cứu mà nhóm sử dụng để xác lập luận cứu khoa học cho sự hình thành CBEZ, và kết quả đánh giá sơ bộ về nhu cầu và điều kiện hình thành CBEZ tại 4 tỉnh biên giới của Việt Nam gồm có Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh, từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách. Nhìn chung, doanh nghiệp tại 04 tỉnh được điều tra đều đánh giá cao và kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực mà CBEZ có thể mang lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Tuy nhiên, nhu cầu phát triển của họ đối với mỗi nhóm yếu tố cụ thể trong mô hình mà nhóm đề xuất lại khác nhau. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng cách khác nhau giữa nhu cầu và thực trạng của các yếu tố cụ thể này. Những kết quả nghiên cứu này chính là cơ sở để nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị ban đầu đề điều kiện hành thành và phát triển CBEZ tại Việt Nam.

 
 

Cũng trong chương trình, Hội thảo cũng được nghe quan điểm của nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân đến từ Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng về “Thực trạng và giải pháp tăng cường an ninh biên giới Việt – Trung”. Đây cũng là khía cạnh mà nhiều cán bộ quản lý nhà nước và chuyên gia quan tâm nếu CBEZ được hình thành. Trong bài trình bày, PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân đã khái quát về tuyến biên giới Việt Trung và thực trạng an ninh tuyến biên giới Việt Trung, vấn đề hợp tác quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc, đánh giá những tác động của hợp tác kinh tế biên giới đến an ninh tuyến biên giới Việt – Trung, từ đó đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm giữ vững và tăng tường an ninh tuyến biên giới Việt Trung.

Hội thảo đã nhận được sự đóng góp rất quý báu từ đại diện các cơ quan nhà nước và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong việc thu thập các dữ liệu và minh chứng cần thiết để làm bằng chứng cho những đề xuất của mình. Đồng thời, các chuyên gia cũng gợi ý và đóng góp cho nhóm nghiên cứu để làm rõ hơn các điều kiện hình thành, tích hợp các vấn đề an ninh, chính trị, luật pháp và cơ chế hợp tác của CBEZ, tính đặc thù của mô hình ở mỗi tỉnh, cũng như các vấn đề cụ thể khác (cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, du lịch, di chuyển lao động …).

Kết thúc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu tổng kết lại nội dung hội thảo và trân trọng cảm ơn các diễn giả đã dành thời gian quý báu đóng góp cho các bài tham luận, làm phong phú thêm nội dung cho đề tài. Đây chính là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm với chất lượng tốt, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.


Tin Thanh Mai; ảnh Văn Công

FullName Email
Address Security code SSMMWL
Content