Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Hội thảo Quản trị đại học tinh gọn tại Việt Nam

Ngày 9/11/2018, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Quản trị đại học tinh gọn tại Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tham dự hội thảo có các học giả, các nhà nghiên cứu, giảng viên, đại diện các trường đại học tại Việt Nam và Nhật Bản.

Tiếp nối thành công của hội thảo Quản trị tinh gọn Made in Vietnam lần thứ nhất và lần thứ hai, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và nhóm nghiên cứu Quản trị tinh gọn tiềm năng cấp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia Quản trị tinh gọn Made in Vietnam lần thứ ba. Mục tiêu của hội thảo là bàn giải pháp để từng bước áp dụng Quản trị đại học tinh gọn vào các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tự chủ đại học tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo có GS. Masaharu OTA đến từ Trường ĐH Osaka City, Nhật Bản; PGS.TS. Phạm Văn Thuần - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN; GS.TS Nguyễn Đức Chính Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN. Về phía ĐHKT có PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh cùng nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường.

 
 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh, “Mô hình quản trị đại học nào là phù hợp giúp các trường đại học của Việt Nam cân bằng giữa việc tăng quy mô đào tạo đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội?” luôn là một câu hỏi hóc búa đối với các nhà quản trị, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về giáo dục. Đặc biệt, là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, khi mà yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực sau khi ra trường đã có sự thay đổi rõ rệt so với kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ ba, sức ép phải đổi mới mô hình quản trị đại học để nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng trở nên rõ rệt và cấp bách đối với các trường đại học tại Việt Nam. Hội thảo Quản trị tinh gọn lần thứ 3 được tổ chức với chủ đề “Quản trị đại học tinh gọn tại Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội quý báu để nhóm nghiên cứu đưa Quản trị tinh gọn tiếp cận đến các trường đại học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Đồng thời, hội thảo mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa nhóm nghiên cứu/ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để cùng nhau tìm ra các giải pháp thiết thực đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học của nước nhà.

 

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu phát biểu tại Hội thảo
Nội dung chính của hội thảo tập trung vào 2 phần. Trong phần thứ nhất, các học giả trong và ngoài nước phát biểu tham luận về quản trị tinh gọn trong quản trị đại học. Phần thứ hai, các diễn giả, đại biểu tham dự sẽ cùng trao đổi và thảo luận các giải pháp cụ thể hoàn thiện và ứng dụng mô hình quản trị đại học tinh gọn tại Việt Nam trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.
 

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe GS.TS Nguyễn Đức Chính (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN) trình bày tham luận về Quản trị chất lượng giáo dục đại học. Bài trình bày tập trung vào Quản trị chất lượng đại học và cách thức thực hành xây dựng hệ thống quản trị chất lượng tại các trường đại học Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Đức Chính trình bày nghiên cứu về Quản trị chất lượng Giáo dục đại học 
 

Tiếp đó là tham luận của GS. Masaharu OTA (Trường ĐH Osaka City, Nhật Bản) về Thực tiễn quản trị tại các trường đại học ở Nhật Bản và hàm ý cho các trường đại học tại các nước đang phát triển (Present State of University Education in Japan and Our Desires for University in Developing Countries). Tham luận tập trung vào 3 nội dung chính: Thực tiễn quản trị các đại học quốc lập tại Nhật Bản, hàm ý cho các trường đại học của Việt Nam và đề xuất một số giải pháp để các trường đại học tại Việt Nam quản trị hiệu quả hơn.

 
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh 

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Đăng Minh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) về Mô hình quản trị đại học tinh gọn tại Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đăng Minh đi sâu vào sứ mệnh của trường đại học trong thời kỳ CMCN lần thứ tư là sáng tạo tri thức và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kì CMCN lần thứ tư cũng như hiện trạng nguồn nhân lực được cung cấp từ các trường đại học dưới góc nhìn của doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt, nghiên cứu đưa ra mô hình Quản trị đại học tinh gọn tại Việt Nam trong thời kỳ CMCN lần thứ tư. Đây là mô hình kiến tạo đặc biệt nhấn mạnh giảng viên là những người quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục đại học (giảng viên tinh hoa để tạo ra các sản phẩm tinh hoa). Đồng thời, trong mô hình đề xuất, ban lãnh đạo tại các trường đại học cần đóng vai trò bệ đỡ phát triển nên đội ngũ giảng viên tinh hoa thông qua hệ thống đào tạo nội bộ và các chính sách nhân sự phù hợp.

 

Trong phần thảo luận, các đại biểu và học giả tham dự hội thảo đánh giá cao những nghiên cứu tâm huyết của các diễn giả, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến thảo luận xung quanh việc áp dụng quản trị tinh gọn vào quản trị đại học tại Việt Nam.

 

Qua Hội thảo này, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và nhóm nghiên cứu mong muốn được giới thiệu  hình ảnh của mình đến các quan khách, các vị đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời nêu bật vai trò và tầm quan trọng của Trường cũng như của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc phát triển công tác nghiên cứu khoa học nói riêng và công tác đào tạo nói chung, đóng góp vào sự phát triển của nền giáo dục nói riêng và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.

 
 ________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN

Thanh Tú

FullName Email
Address Security code JAVUNM
Content