Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016

Sáng ngày 10/5/2016, tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội , Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016.

Tham dự hội thảo có bà Claire Ireland - Tham tán phụ trách Kinh tế và Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia; ông Philip Graovac - Phó đại diện Quỹ Asia Foundation; ông Fujita Yasuo - Trưởng đại diện JICA Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và nhiều lãnh đạo, đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế; lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu; đại diện của các sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm đặc thù thuộc Chương trình Kinh tế vĩ mô và hội nhập kinh tế quốc tế do Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN chủ trì dưới sự bảo trợ của Đại học Quốc gia Hà Nội, và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc ĐHKT là cơ quan thực hiện.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại lễ công bố, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Đặc thù của Báo cáo là nghiên cứu mang tính khách quan, độc lập; nghiên cứu dựa trên bằng chứng (evident based); nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc tương đối thống nhất bao gồm: tổng quan các vấn đề về kinh tế thế giới và kinh tế vĩ mô hàng năm; một số vấn đề chuyên sâu khác biệt nhau theo từng năm; dự báo các kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm tiếp theo và các hàm ý chính sách”.


Bà Claire Ireland, Tham tán phụ trách Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết: “Australia rất hân hạnh hỗ trợ việc xuất bản chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng các báo cáo này sẽ đóng góp tích cực cho quá trình hoạch định chính sách và giúp khuyến khích việc tranh luận về các vấn đề phát triển trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt” 


Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và đang bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế mới. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy giảm năng suất liên tục trong 5 năm trước đó.  Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách phải thiết lập những nền tảng mới, thực sự hữu hiệu, cho tăng trưởng trong trung và dài hạn. Vì thế, Báo cáo năm 2016 tập trung xem xét các vấn đề liên quan đến động lực tăng trưởng trong trung hạn cho nền kinh tế.

Ngoài các phần về tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam, các kịch bản kinh tế vĩ mô và hàm ý chính sách, một số vấn đề được lựa chọn để phân tích sâu bao gồm: dự báo kinh tế trung hạn (2016-2020); dịch chuyển tăng trưởng từ lượng sang chất; sáng kiến một vành đai, một con đường của Trung Quốc và tác động tới Việt Nam; cải cách thị trường dịch vụ công cộng ở Việt Nam trong trung hạn: Trường hợp thị trường quản lý chất thải rắn….

Thay cho lời kết, Chương 7 của Báo cáo về “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2016 và khuyến nghị chính sách” cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2016 và một số thảo luận chi tiết về các chính sách ngắn hạn đang được áp dụng hiện nay. Kết quả dự báo cho thấy lạm phát của năm 2016 có thể lên tới 4%, trong khi tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tại lễ công bố, Báo cáo nhận được nhiều ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia như ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TS. Đặng Ngọc Tú - Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hay GS.TSKH. Nguyễn Mại, TS. Lưu Bích Hồ, TS. Võ Đại Lược, TS. Nguyễn Minh Phong, TS. Cấn Văn Lực, TS. Lê Đăng Doanh…

Đông đảo quan khách trong nước và quốc tế tới tham dự hội thảo


Phần phản biện củ
a ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright


Trong đó, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao chủ đề của báo cáo năm nay và cho rằng tiêu đề “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” mang một tham vọng lớn. Các chuyên gia đều nhận định năm 2016 là một năm khó khăn của kinh tế Việt Nam, chính vì vậy, các chuyên gia gợi ý, để đạt được kỳ vọng thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng như báo cáo mong muốn, nhóm tác giả cần làm rõ thêm một số vấn đề khác như: nợ xấu, nợ công, môi trường và phát triển bền vững, du lịch… Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi sôi nổi về những nội dung được báo cáo phân tích.


Báo cáo nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học như TS. Lê Đăng Doanh...


...hay GS.TSKH Nguyễn Mại


Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn sự tham dự và đóng góp ý kiến quý báu của các phản biện, các nhà khoa học, giúp nhóm tác giả có thể hoàn chỉnh hơn báo cáo trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh: “Việc duy trì liên tục sản phẩm nghiên cứu Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, luôn hoàn thành và công bố kịp thời, cố gắng nắm bắt những xu thế lớn của nền kinh tế trong suốt 8 năm qua phản ánh nỗ lực khoa học bền bỉ và nghiêm túc của nhóm chuyên gia trong mạng lưới nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR),Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đồng thời, điều này phản ánh sự thành công của hướng nghiên cứu chiến lược về Kinh tế vĩ mô do Đại học Quốc gia Hà Nội đã lựa chọn và quyết định đầu tư phát triển.”



PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn và nhóm tác giả thực hiện Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục. Kết cấu cụ thể:

- Chương 1: “Tổng quan tình hình kinh tế thế giới 2015”.
- Chương 2: “Tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam 2015”.
- Chương 3: “Đòi hỏi những nền tảng mới cho tăng trưởng: Nhận định từ dự báo kinh tế trung hạn (2016-2020)”.
- Chương 4: “Dịch chuyển tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng: Những tiền đề về thiết kế và thực thi chính sách”.
- Chương 5: “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc và tác động đa chiều đối với Việt Nam”.
- Chương 6: “Cải cách thị trường dịch vụ công ở Việt Nam trong trung hạn: Trường hợp thị trường quản lý chất thải rắn đô thị”.
- Chương 7: “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2016 và khuyến nghị chính sách”.

Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2015, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý 1 năm 2016. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ sẽ được dự kiến xuất bản vào đầu tháng 7 năm 2016. Báo cáo tiếng Anh dự kiến sẽ được xuất bản và phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế vào cuối tháng 9/2016.

Để biết thêm thông tin về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam hoặc các sự kiện có liên quan, vui lòng truy cập website của VEPR tại địa chỉ www.vepr.org.vn


Một số hình ảnh khác về hội thảo sẽ được chúng tôi tiếp tục cập nhật tại trang Thư viện ảnh của website này.



____________________
Thông tin liên quan trên báo chí:

- Vtv.vn: Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016

- Baochinhphu.vn: Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế

- Dangcongsan.vn: Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016

- Vietnamplus.vn: VEPR: Mục tiêu năm 2016 tăng trưởng kinh tế 6,7% là ít khả thi

- Nld.com.vn: Lạm phát 4%, có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng

- An ninh tiền tệ và Truyền thông: VEPR: Mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%/ năm là quá tham vọng

- Báo Thanh tra: Kịch bản tăng trưởng kinh tế 6,7% khó đạt

- VOV.vn: VEPR: Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7%/năm 5 năm tới

- Bizlive.vn: “Không nhập cuộc với Trung Quốc, Việt Nam chỉ có thể thành vệ tinh xung quanh”

- Tienphong.vn: Đằng sau hàng tỷ USD ngân hàng gửi ra nước ngoài

 - Báo Công thương: Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2016: “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng”


Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code ZUKEFP
Content