Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Không tạo rào cản cho chính mình

TS. Nguyễn Đức Thành
Vừa là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đồng thời cũng đảm nhận vai trò giảng viên trong những Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, TS. Nguyễn Đức Thành tạo ấn tượng mạnh với SVVN về một người trẻ thẳng thắn, dám nghĩ dám làm…

ĐÃ LÀM, PHẢI LÀM ĐẾN CÙNG

Là một học sinh giỏi quốc gia về Vật lý (*), nhưng cơn gió nào đưa anh trở thành một người chuyên nghiên cứu kinh tế?

Thực ra, mục tiêu của tôi lúc ấy là được đi du học ở nước ngoài nhưng tôi đã không làm được. Sau “thất bại” này, nghĩ rằng mình “hết duyên” với Vật lý, tôi thi đại học ở Việt Nam với mục tiêu là đỗ thủ khoa, cũng để đi nước ngoài nhưng lại không thành công lần nữa. Tôi “đành” vào học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Tài chính Ngân hàng. Nhưng chính tôi cũng không ngờ rằng khoảng thời gian 4 năm học đại học tại trường lại đem lại cho tôi nhiều kiến thức và sự say mê đến thế. Tôi nhận ra đây chính là con đường nghề nghiệp của mình. Nếu phải đưa ra một lý do, tôi nghĩ chính bởi kinh tế như một chiến lũy mênh mông với nhiều thành trì to lớn. Kinh tế bao quát và chi phối các hoạt động khác của xã hội. Được ở trong thế giới ấy, tôi có cơ hội để khẳng định niềm tin và trí tuệ của mình.

Và trong “chiến lũy kinh tế” ấy, anh “mê” nhất khi nghiên cứu về lĩnh vực nào? 

 Đó là nền kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh, chống lại độc quyền. Và điều quan trọng nhất, kinh tế thị trường giúp mỗi cá nhân khẳng định và phát triển bản thân mình mà không có bất cứ rào cản nào. Người ta vẫn nói đến mặt trái của kinh tế thị trường là bởi vì thị trường ấy chưa được bảo vệ đúng cách. Đôi khi mặt trái còn xuất hiện chính trong lực lượng bao cấp kiểu cũ, những người không thích ứng kịp khi kinh tế của đất nước chuyển sang một giai đoạn mới. Công việc của chúng tôi cũng chính là nghiên cứu, phân tích và đưa ra ý kiến tư vấn cho những nhà hoạch định chính sách để bảo vệ một nền kinh tế lành mạnh, bền vững. Đây có thể coi là lý tưởng chung của tôi và đồng nghiệp tại VEPR.

Anh đã làm gì để theo đuổi lý tưởng của mình?

Theo đuổi lý tưởng về một nền kinh tế cạnh tranh là cái “nghiệp” cả đời tôi nên khó có thể nói hết ngay. Từ nhỏ, tôi đã có một thói quen là muốn tìm hiểu về điều gì thì tôi sẽ tập hợp tất cả sách vở về vấn đề đó để đọc. Ví dụ, thời nhỏ tôi thích truyện khoa học viễn tưởng, tôi đã ra hiệu sách và mua tất cả loại truyện này.

Khi lên đại học, muốn đi sâu vào lĩnh vực kinh tế, tôi đã dự đoán một cuộc “gặp gỡ” trong tương lai giữa những tư tưởng cũ và mới về kinh tế. Vì thế, tôi nghiên cứu rất kỹ, rất sâu về chủ nghĩa Mác-xít và những lý thuyết hình thành nên chủ nghĩa này cũng như những lý thuyết chống lại nó. Trong khi đọc, tôi thấy Mác có nhắc tới nhiều học thuyết mà kho tàng sách của Việt Nam chưa có thì tôi học tiếng Anh để đọc và dịch. Khi đã lĩnh hội đủ sâu kiến thức cần có, tôi đưa ra các nhận định và tiến hành nghiên cứu.

Từ khi thành lập VEPR, việc nghiên cứu diễn ra thuận lợi hơn bởi sự góp sức của các đồng nghiệp cũng rất tài giỏi của trung tâm. Nói chung, nguyên tắc trong cuộc sống của tôi là đã làm phải làm đến cùng và luôn tin vào sức mạnh trí tuệ của bản thân sẽ thực hiện được điều đó. Cuộc sống, theo tôi, là rất ngắn ngủi nên tôi tâm niệm làm hết khả năng có thể khi mình còn trẻ. Các bạn trẻ cũng nên có một lý tưởng của mình để mỗi ngày trôi qua sẽ không phải là một ngày vô nghĩa.

CÓ TRI THỨC LÀ CÓ HẠNH PHÚC
Lượng sách kinh tế mà anh đọc hẳn là một con số khổng lồ?

Là con số không nhỏ, lên đến đơn vị hàng nghìn nhưng tôi không cho đấy là con số khổng lồ so với kho tri thức nhân loại mà tôi cần tiếp tục học hỏi. Tôi không chỉ đọc sách về kinh tế mà còn nhiều tri thức khác như văn học, nghệ thuật,…

Nghĩa là với anh không hề có một giới hạn nào cho việc đọc? 

 Đúng vậy, giới hạn chỉ là ranh giới vô hình do chính bạn tự tưởng tượng ra. Một sinh viên bách khoa chỉ đọc sách về kỹ thuật là do bạn tưởng rằng mình không biết về hội họa thì tìm hiểu về hội họa để làm gì? Đó là rào cản mà ngày nay nhiều bạn trẻ tự tạo ra cho chính mình. Là một nhà nghiên cứu kinh tế, tôi cần hiểu sâu về lĩnh vực của mình nhưng tôi cũng không ngăn mình yêu âm nhạc, hội họa, Phật giáo.. Không có một tri thức nào là thừa, nhất là với một người trẻ.

Vậy anh nghĩ sao về văn hóa đọc của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên?

Tôi nghĩ tri thức là nhu cầu không thể thiếu của con người, dù già trẻ hay làm ở bất cứ lĩnh vực nào chăng nữa. Nhưng như tôi vừa nói, nhiều bạn trẻ tự giới hạn, tạo rào cản cho mình trong việc đọc và học hỏi kiến thức… nên có nhiều trường hợp chưa tìm đến sách hoặc tìm sai sách, nghĩa là những cuốn sách dễ dãi về tư tưởng quá. Đó cũng là một khía cạnh của văn hóa đọc, vì nó không có nghĩa là bạn đọc tràn lan để rồi hoang mang, mà đọc một cách “duy lý” để nhận ra đâu là nơi để mình có thể đặt niềm tin.

Và kinh nghiệm “đọc một cách duy lý” của anh là...? 

 Việc đọc sách nên chia làm hai tuyến là chuyên môn và đời sống. Những sách về chuyên môn là những quyển mà bạn phải đọc để phục vụ yêu cầu công việc và giúp ta không tụt hậu. Phần thứ hai còn rộng lớn hơn nhiều, là nơi bạn có thể tìm hiểu mọi điều mình yêu thích, không phải để làm giàu, cũng không phải để khẳng định tài năng mà để yêu và hưởng thụ cuộc sống.

Với anh, điều gì làm nên hạnh phúc?

…Với tôi, đó là tri thức. Tri thức được tôi bổ sung hằng ngày vào não bộ của mình không chỉ qua việc đọc mà còn qua sự trải nghiệm của việc đi. Người xưa vẫn nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là thế. Suốt thời gian làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, tôi đã tiêu hết số tiền học bổng để thỏa mãn niềm đam mê đi và khám phá. Học bổng của Chính phủ Nhật thường khá cao và những du học sinh thường tiết kiệm số tiền này để mang về nhà. Tôi luôn khuyên các bạn trẻ có cơ hội du học và sinh viên của mình làm điều ngược lại, nghĩa là hãy tiêu hết tiền để có được thứ quý giá hơn tiền, đó tri thức.

Vì một lý do nào đó buộc anh phải tạm dừng công việc nghiên cứu khoa học, anh sẽ làm gì?

 Đến nay tôi chưa có bất kỳ lý do nào để dừng công việc hiện tại. Nhưng cuộc sống nhiều bất ngờ, nếu có một ngày như thế tôi sẽ sang Myanmar để tìm hiểu, nghiên cứu (lại nghiên cứu!) về Phật giáo. Đây là lĩnh vực tôi rất yêu thích. Tôi cũng đọc nhiều và đi nhiều đến những vùng đất Phật giáo ngự trị trong nhiều năm qua. Myanmar là đích ngắm mới của tôi vì tôi chưa có dịp được đi sâu và tìm hiểu về vùng đất này.

Việc một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế lại yêu nghệ thuật và thích bàn đến những vấn đề tâm linh như Phật giáo có làm công việc chuyên môn của anh bị ảnh hưởng và nghiêng về cảm tính?

 Hoàn toàn không. Trong công việc chuyên môn là nghiên cứu về kinh tế và chính sách, tôi luôn có một nguyên tắc làm việc “không khoan nhượng” nghĩa là mọi vấn đề đều phải xét trên bình diện rộng và khách quan. Những hiểu biết của tôi trong các vấn đề khác chỉ giúp tôi suy xét thêm về ảnh hưởng của nó đối với việc hình thành các quan niệm kinh tế trong xã hội Việt Nam. Ví dụ như nền kinh tế tiểu nông của người Việt Nam dẫn đến tâm lý ngại, sợ và chống lại nền kinh tế mới, sòng phẳng hơn - kinh tế thị trường…

Cảm ơn anh!

________________
(*) TS. Nguyễn Đức Thành từng đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm 1994.

 TS. Nguyễn Đức Thành:
 - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
- Giảng viên môn Lý thuyết Kinh tế và Kinh tế Vĩ mô tại trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) và ĐH Kinh tế Quốc dân.
- Thành viên Hiệp hội Kinh tế Đông Á (EAEA).
1999: Tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng.
2001: Hoàn thành chương trình Cao học Kinh tế Phát triển liên kết giữa Việt Nam và Hà Lan. Trong thời gian này, Nguyễn Đức Thành tham gia sáng lập Hội bút Kinh tế trẻ tại báo SVVN.
2007: Nghiên cứu viên cao cấp của Nhóm Tư vấn Chính sách - Bộ Tài chính.
2008: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Phát triển tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS). Các lĩnh vực nghiên cứu: Lý thuyết Kinh tế Vĩ mô, Kinh tế Phát triển, Kinh tế học về chảy máu chất xám và dịch chuyển lao động, Mô hình cân bằng tổng thể.


Lê Ngọc Sơn- Ngọc Dung (thực hiện) [SVVN - 26/5/2010]

FullName Email
Address Security code LCVYUS
Content