Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Nguyễn Đức Phong, chàng trai bằng kép sở hữu thành tích “khủng” trong học tập và NCKH

Nguyễn Đức Phong (thứ 2 từ trái sang) nhận học bổng Posco
“Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQGHN” là một danh hiệu cao quý mà bất cứ sinh viên nào cũng mong muốn đạt được. Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với Nguyễn Đức Phong (QH-2016-E Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) - một trong số những Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQGHN năm 2018.

Nguyễn Đức Phong là một trong những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc ở cả 2 đơn vị đào tạo: Đại học Kinh tế và Khoa Luật. Không những thế, trong năm học vừa qua Phong đã đạt được nhiều thành tích đáng kể như giải nhất nghiên cứu khoa học cấp Khoa Kế toán - Kiểm toán, giải ba nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Kinh tế. Một dấu mốc quan trọng trong thành tích NCKH của Phong, đó là Phong đã có bài báo được trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Kế toán và Tài chính (ICOAF 2018) cùng TS. Nguyễn Thị Hương Liên với chủ đề “Corporate disclosures and financial performance of listed companies on the Vienamese stock market”. Ngoài ra, Phong còn gặt hái được nhiều học bổng có giá trị như học bổng khuyến khích học tập loại xuất sắc học kì I - học kì II năm học 2017 - 2018, học bổng của Tập đoàn Lotte học kì I năm học 2018 - 2019 và học bổng Posco năm học 2018 - 2019. Sau đây, chúng ta sẽ cùng trao đổi để tìm hiểu về bạn ấy sâu hơn nữa nhé.
Là một sinh viên khóa QH2016 ngành Kế toán, Phong liên tục thử thách bản thân mình bằng việc lần lượt trở thành thành viên Cộng đồng nghiên cứu khoa học (RCES) năm thứ nhất, rồi nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ hai và song song cùng với việc học bằng kép Khoa Luật. Hiện tại, sở hữu số điểm tích lũy tại Đại học kinh tế là 3.61, tại Khoa Luật là 3.59 và một công trình nghiên cứu khoa học có giải, Phong mang ý tưởng thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học với tham vọng lớn hơn, vậy làm thế nào để bạn vừa duy trì một chương trình học khá nặng ở cả hai trường với số điểm cao và vừa nuôi ý tưởng nghiên cứu như vậy?
Chào Phong! Được biết hiện Phong sở hữu 3.45 số điểm tích lũy tại Đại học Kinh tế và 3.59 tại Khoa Luật và một công trình nghiên cứu khoa học đạt giải ngay từ năm thứ hai, làm thế nào để bạn vừa duy trì một chương trình học khá nặng ở cả hai trường với số điểm cao và vừa nuôi ý tưởng nghiên cứu như vậy?
Đối với mình, quá trình học tập các môn học ở trên lớp của Trường Đại học Kinh tế và Khoa Luật đã là một quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, ngay từ năm nhất mình đã tham gia Cộng đồng nghiên cứu khoa học (RCES), qua đó, mình được trang bị các kiến thức cơ bản về các công cụ được sử dụng trong mô hình định lượng, cách trích dẫn tài liệu tham khảo… Tiếp đó, đến năm thứ hai, mình đã được sự hướng dẫn của cô Hương Liên về đề tài nghiên cứu của mình. Phải nói rằng, có một giảng viên hướng dẫn phù hợp và tận tâm là một điều vô cùng tuyệt vời. Những ngày đầu nghiên cứu còn bỡ ngỡ, nhưng mình đã được cô định hướng các bước đi cụ thể xuyên suốt toàn quá trình. Không những thế, cô còn đưa ra các lời khuyên, đánh giá nghiêm khắc để mình hoàn thiện bài nghiên cứu tốt hơn. Từ các yếu tố đó cộng hưởng lại nên mình mới có thể có được động lực hoàn thành tốt nhất bài nghiên cứu của mình.
Khi bạn chọn nghiên cứu khoa học, bạn có cảm thấy lựa chọn của mình là mạo hiểm không? Bạn đã rút ra được bài học gì trong quá trình NCKH?
Ngay từ năm hai bắt đầu làm nghiên cứu, đối với cá nhân mình thì đó là một điều khá mạo hiểm do còn hạn chế về các kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, mình đã lựa chọn con đường mạo hiểm đó với mục tiêu làm tiền đề cho các năm sau nghiên cứu tốt hơn. Trong quá trình làm, mình cũng thấy được sự thiếu hụt về kiến thức, tuy nhiên chính vì sự thiếu hụt này khiến mình càng quyết tâm phải tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề đó. Cuối cùng, mình rút ra được một bài học cho bản thân, nghiên cứu không phải là việc sẽ đi theo kiến thức sẵn có mà là quá trình tìm ra nút thắt của vấn đề và giải quyết chúng.
Bạn và các thành viên trong team NCKH đã phối hợp với nhau như thế nào trong quá trình NCKH?
Nhóm mình có 3 thành viên, do có nhiều thành viên nên việc tổng hợp ý kiến của từng người để được kết quả cuối cùng cũng là một trong những thách thức của nhóm. Tuy nhiên, nhóm mình đã vượt qua trở ngại đó bằng cách: nếu ai có ý tưởng thì phải chứng minh tính khả thi của ý tưởng và kết quả đạt được từ ý tưởng đó. Cuối cùng, bọn mình sẽ lựa chọn ý tưởng phù hợp nhất với đề tài nghiên cứu của nhóm. Ý tưởng hợp lý nhất chưa chắc là ý tưởng hay nhất mà đó là ý tưởng phù hợp với tiềm lực của nhóm và cũng là ý tưởng có ý nghĩa cho việc cung cấp các bằng chứng thực nghiệm cho các bài nghiên cứu sau này.
Theo bạn, để có được một công trình nghiên cứu khoa học thành công thì nên hình thành nhóm NCKH như thế nào?
Theo quan điểm cá nhân mình thì mỗi nhóm nên có tối đa 3 thành viên. Mình sẽ phân tích lợi thế và hạn chế của việc nhóm có 1, 2 hoặc 3 thành viên nhé. Nếu nhóm có 1 thành viên thì sẽ không phải trải qua giai đoạn khó khăn cho việc thống nhất ý kiến, tuy nhiên, bạn sẽ phải làm một mình, trong quá trình nghiên cứu sẽ có rất nhiều lúc bạn nản và muốn bỏ cuộc. Nếu bạn không có đồng đội để cùng cố gắng đạt được mục tiêu thì có thể bạn sẽ bỏ cuộc hay bạn sẽ không còn tâm huyết như ban đầu về bài nghiên cứu của mình nữa. Giai đoạn bạn nên chọn hình thức làm một mình là khoảng năm 4 khi bạn đã có nền tảng vững chắc về kiến thức chuyên ngành. Nếu bạn làm nhóm nhiều hơn 1 người bạn sẽ có những khó khăn trong việc thống nhất đề tài, vì góc nhìn của mỗi người là không giống nhau nên trong quá trình thảo luận sẽ không tránh khỏi xung đột ý kiến. Việc cần làm lúc đó là phải có một cơ chế thống nhất nếu xảy ra xung đột để đảm bảo mọi người đồng tình thực hiện đề tài đến cuối cùng. Tuy nhiên, trong quá trình làm thì bài nghiên cứu của bạn sẽ được cộng hưởng bởi nhiều luồng tư duy khác nhau. Điều này sẽ làm bài nghiên cứu của bạn đa chiều hơn và có thể tiết kiệm sức lực hơn nếu làm một mình. Trên đây chỉ là chia sẻ của mình thôi, vì đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, mình tin các bạn sẽ có những lựa chọn sáng suốt.
Bạn có thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm viết bài như cách chọn và khai thác đề tài, cách thu thập tài liệu và cách trình bày bài viết được không?
Để lựa chọn đề tài thì trước mắt bạn phải có ý tưởng nghiên cứu, bạn có thể tham khảo ý kiến của giảng viên hoặc chủ động tìm ở nhiều nguồn khác như hội thảo hoặc tạp chí chuyên ngành. Sau đó, bạn phân tích sơ bộ và dự định phương pháp nghiên cứu để lựa chọn đề tài phù hợp. Đến giai đoạn khai thác đề tài thì bạn tự nghiên cứu kết hợp với ý kiến tư vấn của giảng viên để xây dựng được một đề cương nghiên cứu chi tiết. Về cách thu thập tài liệu, bạn có thể tìm kiếm các tài liệu đạt chuẩn trên google scholar hoặc cơ sở dữ liệu sciencedirect,... Bạn cũng có thể đi phỏng vấn, khảo sát thực tế để thu thập dữ liệu sơ cấp. Cuối cùng về cách trình bày bài viết, các bạn nên tìm hiểu quy định trình bày một công trình nghiên cứu để tuân thủ về bố cục nội dung và hình thức, biểu đồ hình vẽ và trích dẫn tài liệu tham khảo.
Trong quá trình nghiên cứu, bạn có vấp phải những khó khăn nào và đã từng muốn từ bỏ chưa? Làm cách nào để bạn đi tiếp đến cuối con đường?
Chắc chắn rồi, gần như ai cũng sẽ cảm thấy rất bỡ ngỡ khi thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình nghiên cứu. Các khó khăn thường gặp trong quá trình tìm kiếm ý tưởng, thu thập tài liệu viết tổng quan hay quá trình lựa chọn mô hình nghiên cứu định lượng,… Và mình cũng đã từng có ý định bỏ cuộc, không phải vì chương trình bằng kép nặng hay do mình không còn đam mê nghiên cứu. Lý do là mình xử lý mô hình định lượng ra kết quả không mong muốn. Tuy nhiên với sự tư vấn và động viên của giảng viên hướng dẫn, nhóm mình đã nỗ lực kiểm tra lại toàn bộ bài nghiên cứu và cuối cùng cũng đã phát hiện ra điểm chưa được hợp lý của thang đo các biến độc lập. Khi sửa lại thì đạt được kết quả rất sát với dự đoán ban đầu và ngay lúc đó mình đã lấy lại được tinh thần chiến đấu. Sau quá trình nghiên cứu, mình đã rút ra một kinh nghiệm của bản thân: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn hành động vì điều tốt đẹp sẽ đợi bạn ở cuối con đường”.
Qua đó, bạn có lời khuyên gì đến những sinh viên đã và đang có dự định nghiên cứu khoa học?
Lời khuyên của mình đối với các bạn sinh viên đã và đang có ý định nghiên cứu khoa học, trước hết phải xác định được động lực để làm nghiên cứu khoa học của mình. Động lực nghiên cứu sẽ là một kim chỉ nam cho bạn thực hiện quyết tâm đến khi ra được sản phẩm nghiên cứu. Thứ hai, bạn phải xác định rõ mình nên nghiên cứu theo chuyên ngành nào. Đối với các bạn sinh viên khoa kế toán như mình, có hai chuyên ngành có thể lựa chọn là kế toán và kiểm toán. Việc xác định được hướng nghiên cứu theo chuyên ngành sẽ giúp các bạn lựa chọn được giảng viên hướng dẫn phù hợp. Thứ ba, các bạn nên tích cực tham dự các hội thảo, các buổi nói chuyện, chia sẻ, tọa đàm về nghiên cứu khoa học để hình thành ý tưởng nghiên cứu và có cái nhìn tổng quan về những công việc bạn sẽ phải làm. Thứ tư, ngoài việc đã có giảng viên hướng dẫn, bạn có thể đăng kí làm thành viên của RCES trong dự án RCES companion để có các buddy có kinh nghiệm nghiên cứu chia sẻ các kinh nghiệm và hỗ trợ các bạn cho đến khi hoàn thành sản phẩm nghiên cứu. Cuối cùng, các bạn hãy chuẩn bị tâm thế tự tin nhất để trình bày sản phẩm của mình ở Hội nghị NCKH SV cấp Khoa và cấp Trường nhé!
Con đường nào cũng có thách thức và chông gai, vậy nên khi đến với nghiên cứu khoa học, hãy đảm bảo bản thân mình đủ tham vọng, kiên trì, đủ nghiêm túc và đừng bao giờ nản lòng nhé. Qua lời chia sẻ của Nguyễn Đức Phong, hy vọng những sinh viên đã và đang nuôi ý tưởng nghiên cứu khoa học sẽ xác định cho mình những hướng đi đúng đắn để đạt được những thành công lớn hơn nữa trong tương lai.
 Lý lịch trích ngang Nguyễn Đức Phong, Sinh viên K61 - Lớp QH2016E Kế toán 1. GPA Đại học kinh tế năm học 2017 - 2018: 3.61
2. GPA Khoa luật (Chương trình đào tạo thứ 2): 3.59
3. Học bổng khuyến khích học tập loại xuất sắc kì I năm học 2017 - 2018
4. Học bổng khuyến khích học tập loại xuất sắc kì II năm học 2017 - 2018
5. Học bổng Lotte học kì I năm học 2018 - 2019
6. Học bổng Posco năm học 2018 - 2019
7. Bài báo quốc tế đăng trên ICOAF 2018 cùng TS Nguyễn Thị Hương Liên với chủ đề “Corporate disclosures and financial performance of listed companies on the Vienamese stock market”
8. Danh hiệu gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc Gia Hà Nội năm học 2018 - 2019

Vũ Dung

FullName Email
Address Security code GSGWYW
Content