Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

TS. Hoàng Khắc Lịch: Khóa 2 phải hay hơn khóa 1 thì mới là đổi mới sáng tạo

Sau thành công của khóa 1, khóa thứ 2 sẽ khai mạc ngày 11/8 tới.
Khóa tập huấn thứ nhất về đổi mới sáng tạo trong giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã khép lại và thu được nhiều phản hồi tích cực. Tuy vậy, đã là tập huấn đổi mới sáng tạo thì kể cả khóa tập huấn thứ 2 chuẩn bị diễn ra cũng phải đổi mới từ nội dung, sáng tạo đến hình thức để làm “gương đổi mới sáng tạo” cho toàn thể giảng viên trước khi bước vào năm học mới.

Thu được nhiều kết quả tốt nhưng hạn chế vẫn còn

Để có cái nhìn tổng quan về khóa tập huấn thứ nhất và rút kinh nghiệm cho khóa tập huấn thứ 2, buổi tổng kết là sự làm việc nghiêm túc của Ban tổ chức và đội ngũ diễn giả diễn ra ngày 3/8.

TS. Hoàng Khắc Lịch - Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự thẳng thắn cho biết: Phần lớn phiếu khảo sát trả về đều đánh giá tích cực và khẳng định ý nghĩa của khóa tập huấn. Tuy vậy, vẫn có một số đơn khảo sát cho rằng các phần trình bày của diễn giả chưa liên kết tốt với nhau. Việc chia đội theo Khoa làm cho học viên chưa kết nối đều với nhau, một số đơn khảo sát cho rằng diễn giả phụ thuộc nhiều vào slide… vậy nên, đây sẽ là đề bài để các diễn giả hóa giải trong đợt tập huấn thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày 11/8 tới.

 

 Trưởng Phòng Tổ chức Nhân sự Trường ĐHKT TS. Hoàng Khắc Lịch mong rằng khóa tập huấn thứ 2 về đổi mới sáng tạo sẽ thật nhiều sáng tạo hơn nữa

 
ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, một trong diễn giả khóa tập huấn thứ nhất chia sẻ, tư duy đổi mới sáng tạo của nhóm (gồm TS. Trịnh Thị Phan Lan, TS. Hoàng Thị Bảo Thảo) được phát triển qua Dự án “Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của ĐHQGHN theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” đào tạo chuyên sâu tại Ireland. Tuy vậy, hầu hết giảng viên Trường Đại học Kinh tế đều từng tốt nghiệp ở nước ngoài, có nền tảng tốt và đã làm quen với tư duy đổi mới sáng tạo ở các góc độ khác nhau, sự kỳ vọng vào khóa tập huấn là rất cao nên khóa tập huấn thứ nhất còn có một số tranh luận, thắc mắc chưa được giải đáp.

Trong khóa tập huấn tiếp theo, dựa trên phiếu khảo sát, nhóm sẽ thiết kế lại chương trình, thay đổi các hoạt động và làm rõ hơn phương pháp tiếp cận trong giảng dạy để đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo cao của giảng viên.

Tiếp lửa truyền thống, tỏa sáng tương lai

Bên cạnh những phương pháp mới, nhóm cũng đề xuất với Ban tổ chức mời các giảng viên cao niên đến tham dự nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, chắt lọc tinh hoa của phương pháp giảng dạy truyền thống. Đồng thời, tiếp thu, bổ sung các phương pháp giảng dạy mới xuất phát từ các Khoa/Viện như phương pháp giảng dạy tích cực của Viện Quản trị Kinh doanh, phương pháp tăng cường thực tập thực tế của Khoa Tài chính Ngân hàng hay phương pháp học và chơi, kết hợp du lịch trải nghiệm của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế.

 PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa TCNH đóng góp ý kiến để khóa tập huấn thứ 2 gặt hái nhiều thành công

TS. Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán, người chủ trì chuyên đề Lớp học đảo ngược thông tin, “sẽ có nhiều thay đổi trong cách trình bày về lớp học đảo ngược ở khóa tập huấn tới, tin chắc rằng, các thầy cô sẽ hứng thú và áp dụng mô hình này trong phương pháp giảng dạy của mình”.

Theo đó, Lớp học đảo ngược là một phương pháp sư phạm trong đó hướng dẫn trực tiếp chuyển từ không gian học tập nhóm sang không gian học tập cá nhân, không gian nhóm được chuyển thành môi trường học tập tương tác tích cực khi giáo viên hướng dẫn sinh viên áp dụng các khái niệm và tham gia sáng tạo vấn đề (Flipped Learning Network).

Theo mô hình lớp học đảo ngược, sinh viên xem các bài giảng trực tuyến trước khi đến lớp. Giờ học trên lớp sẽ dành cho các hoạt động học tập giúp sinh viên làm chủ các kỹ năng thông qua bài tập thực hành và thảo luận cộng tác. Lớp học đảo ngược cho phép giáo viên dành thời gian nhiều hơn với từng cá nhân học sinh chưa hiểu kỹ bài giảng. Điều này giúp người học tự tin hơn và học tập hiệu quả hơn. Theo Hamdan và McKnight (2013), để lớp học đảo ngược diễn ra cần có 4 điều kiện FLIP như sau: (i) Môi trường giảng dạy linh hoạt (Flexible environments); (ii) Văn hóa học tập (Learning culture); (iii) Nội dung học tập có chủ ý (Intentional content) và (iv) Nhà giáo dục chuyên nghiệp (Professional educators).

TS. Nguyễn Tiến Minh - Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, học viên khóa tập huấn thứ nhất chia sẻ: Khóa tập huấn đã đem lại góc nhìn mới về phương pháp giảng dạy cho tôi. Giảng dạy giờ không còn là giảng viên nói, sinh viên chép mà phải là sinh viên hỏi, đố, vặn để giảng viên trả lời. Câu nói “Học thầy không tầy học bạn” trước nay chưa bao giờ sai, phải làm sao để bạn bè trong lớp tự hỏi nhau để học, nhìn nhau mà học, thậm chí vì nhau mà học, tạo ra động lực để sinh viên tự học mới là một giảng viên thời hiện đại.

 

 TS. Nguyễn Tiến Minh cùng nhóm giảng viên trẻ tham gia khóa tập huấn 1

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Khóa tập huấn đổi mới sáng tạo trong giảng dạy sẽ khia mạc khóa thứ 2 vào ngày 11/8, đối tượng tập huấn không hạn chế, địa điểm tổ chức Phòng 801, Nhà E4 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Văn Công

FullName Email
Address Security code GZGGLU
Content