Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Đào tạo đại học gắn với nhu cầu người sử dụng lao động

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh phát biểu khai mạc chương trình
Ngày 20/6/2012, Chuyên gia tư vấn của Dự án - PGS.TS. Lê Đức Ngọc (Dự án Giáo dục đại học II) đã có buổi làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tư vấn cho nhà trường về các vấn đề liên quan đến hoạt động đảm bảo chất lượng trong trường đại học.

Tham gia buổi tư vấn có PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tự đánh giá của Trường; lãnh đạo các phòng ban chức năng, các khoa đào tạo, thành viên Hội đồng Tự đánh giá của Trường.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định việc đánh giá, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo là rất quan trọng và cần thiết trong việc nâng cao hình ảnh, thương hiệu của nhà trường. Đặc biệt, khi Trường ĐHKT đang phát triển với tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á. Chính vì vậy, ông hy vọng sẽ nhận được những tư vấn thiết thực của PGS.TS. Lê Đức Ngọc đối với Trường ĐHKT về chủ đề này.
Trong buổi làm việc, PGS.TS Lê Đức Ngọc đã trao đổi, chia sẻ với cán bộ chủ chốt Trường ĐHKT về một số vấn đề cần thực hiện để hoàn thiện báo cáo tự đánh giá của Trường; đặc biệt đi sâu tư vấn cho nhà trường về hai nội dung: (1) Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; (2) Đào tạo gắn với nhu cầu người sử dụng lao động.
Tư vấn về các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong, PGS.TS Lê Đức Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng bộ công cụ tự đánh giá chất lượng, việc phổ biến, quán triệt bộ công cụ tới từng thành viên trong nhà trường, từ đó hình thành văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, để tạo dựng văn hóa chất lượng cũng đòi hỏi vai trò nòng cốt của đơn vị đảm bảo chất lượng của trường trong việc tư vấn cho Ban Giám hiệu, triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng và giám sát đảm bảo chất lượng các hoạt động trong trường. Trên cơ sở đó, ông đưa ra một khung nội hàm văn hóa chất lượng với những gợi ý cụ thể để tùy theo đặc điểm và nguồn lực của cơ sở đào tạo mà có thể vận dụng và từng bước triển khai.

PGS.TS Lê Đức Ngọc (phải) tại buổi tư vấn
Bàn về đào tạo gắn với nhu cầu người sử dụng lao động, PGS.TS Lê Đức Ngọc cho rằng đây là một xu hướng đào tạo đã và đang được các trường đại học triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, các đơn vị đào tạo cần chú ý một số điểm liên quan đến quy mô đào tạo, các ngành nghề đào tạo và việc xây dựng chuẩn đầu ra theo hướng coi trọng chất lượng người học.
Ngay trong quá trình đào tạo, cơ sở đào tạo cần chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên; đào tạo theo học chế tín chỉ để nâng cao tính chủ động của người học; đặc biệt là tổ chức đào tạo theo năng lực. Việc này cần được thực hiện ngay từ khâu tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, đến lựa chọn phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo năng lực để có thể mang lại hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động một cách cao nhất.
Cũng trong buổi làm việc, các cán bộ chủ chốt Trường ĐHKT đã trao đổi với PGS.TS Lê Đức Ngọc về một số vấn đề liên quan như: Trường ĐHKT nên xây dựng chuẩn đầu ra hay áp dụng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo trên thế giới; phân biệt vai trò của đơn vị chuyên trách ĐBCL và Ban Thanh tra trong một cơ sở giáo dục đại học...
Kết thúc chương trình, thay mặt các cán bộ tham dự Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh cảm ơn PGS.TS Lê Đức Ngọc về buổi tư vấn, trao đổi hết sức thiết thực đối với Trường ĐHKT trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung hướng tới đạt chuẩn kiểm định AUN-QA. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn nhận được sự tư vấn, hỗ trợ hơn nữa của PGS.TS Lê Đức Ngọc trong các hoạt động đảm bảo chất lượng của nhà trường.

Đỗ Đỗ

FullName Email
Address Security code XAIQTZ
Content