Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Giảng viên ĐHKT chia sẻ kinh nghiệm về viết và đăng bài trên các tạp chí quốc tế

Trường ĐHKT luôn tạo điều kiện để cán bộ nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua các khóa bồi dưỡng, các chuyến giao lưu trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế...
Phát triển với mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, việc ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa họcluôn được Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN quan tâm. Và một trong những biện pháp khởi đầu mà trường đang thực hiện đó là gia tăng các công bố quốc tế, đặc biệt trên những tạp chí uy tín trong danh mục ISI, SCOPUS.

Để cùng chia sẻ kinh nghiệm có được các bài báo quốc tế trên tạp chí uy tín, chúng tôi đã có những cuộc trao đổi nhỏ với 2 giảng viên Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) là TS. Phan Chí Anh và TS. Trần Quang Tuyến về vấn đề này.

TS. Trần Quang Tuyến: Nên tìm tạp chí phù hợp với nội dung và vừa sức với chất lượng bài viết

Theo cá nhân tôi, việc đăng bài trên các tạp chí thuộc ISI và Scopus là tương đối khó, và đặc biệt là các tạp chí thuộc ISI khó hơn nhiều so với các tạp chí Scopus. Để bài viết được đăng thì trước hết nội dung phải có tính mới, phương pháp nghiên cứu rõ ràng và phù hợp, và cách trình bày bài viết mang tính chuyên nghiệp theo chuẩn mực khoa học.


TS. Trần Quang Tuyến - giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, đã có 2 bài Scopus năm 2013, có 3 bài ISI và 1 bài Scopus đã được duyệt để đăng năm 2014


Nói về kinh nghiệm viết và gửi bài, thú thực kinh nghiệm tôi chưa có nhiều lắm so với các đồng nghiệp trong trường. Theo tôi, về lĩnh vực kinh tế nói riêng, khoa học xã hội nói chung, các bài báo dưới dạng phát hiện thực nghiệm, có sử dụng dữ liệu và mô hình khi phân tích sẽ có khả năng cao được các tạp chí chấp nhận. Tôi nghĩ rằng các bài viết dưới dạng phát hiện mới về mặt lý thuyết sẽ khó khăn hơn cho các nhà nghiên cứu non trẻ và do vậy có thể có ít khả năng công bố quốc tế hơn.

Về đề tài, các vấn đề mới, mang tính thời sự liên quan tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng rất phù hợp với các tạp chí về kinh tế hay khoa học xã hội nói chung. Về vấn đề chuyên môn, các bài viết cần phải có nguồn dữ liệu tốt, mô hình và khung phân tích phù hợp.
Các phát hiện mới, bao gồm phát hiện về mặt phương pháp và các phát hiện thực nghiệm sẽ là những yếu tố quan trọng đảm bảo thành công cho bài viết có thể được chấp nhận đang ở các tạp chí tốt. Tuy nhiên, tôi có kinh nghiệm riêng có thể chia sẻ là trước hết cần tìm tạp chí phù hợp với nội dung bài viết và vừa sức với chất lượng bài viết.
Theo tôi, trường ta có một đội ngũ giảng viên với trình độ cao, ngoại ngữ tốt và mọi người đều có thể có bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Để gia tăng số lượng các bài báo quốc tế, trường nên tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảng viên, bên cạnh đó nên tổ chức thường xuyên các buổi seminar để các giảng viên trong và ngoài trường cùng chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu; đồng thời, trường cũng nên khuyến khích hình thành các nhóm nghiên cứu với sự tham gia tự nguyện của các giảng viên trong và ngoài trường có cùng xu hướng chuyên môn.

TS. Phan Chí Anh: Gia tăng công bố quốc tế cần những đầu tư mang tính chuyên môn, chiến lược

Có thể nói, công bố quốc tế phản ánh chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học thực tế của tác giả. Chính vì vậy, trước hết để có công bố quốc tế thì tác giả cần thực hiện nghiên cứu của mình một cách chuẩn mc và có kết quả nghiên cứu đáng chú ý. Để có thể có công bố quốc tế, các tác giả cần có chuẩn bị ngay từ những khâu đầu tiên khi bắt đầu nghiên cứu đối với việc chọn đề tài và phương pháp nghiên cứu. Theo tôi, những đề tài mang tính toàn cầu sẽ được các tạp chí nước ngoài quan tâm hơn; bên cạnh đó phương pháp nghiên cứu của tác giả cần có tính mới và hiện đại; việc chọn mẫu cũng cần đủ lớn để có thể kết luận về tính đại diện của kết quả nghiên cứu.



TS. Phan Chí Anh (ngoài cùng bên trái) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Phó Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, tác giả của 11 bài báo quốc tế, trong đó có 3 bài của các tạp chí thuộc danh mục ISI, 5 bài SCOPUS.


Ngôn ngữ và cách trình bày cũng rất quan trọng quyết định bài báo có được đăng hay không. Bên cạnh các yếu tố như kết quả mang tính mới, tác giả cần nêu bật được ý nghĩa kết quả nghiên cứu của mình đối với lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Ngôn ngữ thể hiện bài viết cũng là một “bài toán”đối với các tác giả, đặc biệt đối với những bài báo gửi cho các tạp chí thuộc ISI. Đối tượng bạn đọc của các tạp chí kinh tế phong phú (nhà nghiên cứu, nhà kinh tế, quản trị…) nên ngôn ngữ sử dụng trong bài báo ISI đòi hỏi rất cao về sự chính xác, hay và hấp dẫn. Đây cũng chính là một trong những thách thức đối với các tác giả Việt Nam khi viết bài gửi đăng các tạp chí quốc tế.

Sau khi hoàn tất bài báo khoa học, vấn đề đối với tác giả chính là chọn tạp chí để gửi bài. Ngoài sự phù hợp với đề tài, tính chất của tạp chí cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, các tạp chí xuất bản theo quý hay dài hơn cơ hội sẽ khó được nhận hơn vì giới hạn số lượng bài kèm theo yêu cầu chuyên môn khắt khe.
Các tạp chí xuất bản thường xuyên như các nguyệt san nên là lựa chọn của tác giả mới.

Quá trình đợi phản hồi và sửa bài diễn ra khá lâu và đòi hỏi tác giả sự kiên nhẫn và kiên trì. Khoảng thời gian để bài báo của bạn được đăng là từ 8 tháng đến hơn 1 năm. Trong thời gian đó, một trong những thử thách nhất đối với các tác giả chính là việc đọc, phân tích và xử lý các bình duyệt khi nhận được phản hồi. Đôi khi việc giải trình và sửa bài đáp ứng theo yêu cầu của các nhà bình duyệt, cũng như “gu” của tạp chí đó khiến tác giả mất nhiều công sức hơn là việc viết được bản đầu tiên bài báo. Tôi còn nhớ công trình đầu tiên của mình gửi đăng tạp chí thuộc ISI năm 2008. Bài báo đã mất 1 năm rưỡi để được đăng với nhiều lần sửa và diễn giải.

Một kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ chính là việc quốc tế hóa các bài viết thông qua kết hợp với những tác giả quốc tế, đây cũng là một cách làm tăng chất lượng cũng như xác xuất được đăng bài báo ở các tạp chí quốc tế. Vấn đề này tất nhiên còn phụ thuộc vào những mối quan hệ của tác giả, tuy nhiên, về phía trường có thể tăng cường điều này thông qua mở rộng hợp tác quốc tế, tạo nhiều cơ hội để các giảng viên có thể tham gia vào các diễn đàn nghiên cứu quốc tế và hợp tác thực hiện các nghiên cứu.

Nhìn một cách tổng thể hơn, trong thời gian tới, để gia tăng các công bố quốc tế trên tạp chí khoa học uy tín, không chỉ Trường ĐHKT mà các trường đại học nói chung, các cơ quan nghiên cứu cần có những đầu tư chuyên môn, mang tính chiến lược, mũi nhọn và có thể coi như một kế hoạch nhiệm vụ đối với các nhóm nghiên cứu mạnh. Những nhóm nghiên cứu mạnh được phân công cần được đầu tư về mặt thời gian, kinh phí tham gia nghiên cứu và thực hiện bài báo. Đây là bài học đã rất thành công của các nước như Trung Quốc, Singapore… Việc đầu tư này sẽ càng cần đẩy mạnh hơn nếu như đơn vị muốn có những bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc “top” đầu.

Đỗ Chiêm (ghi)

FullName Email
Address Security code ITUFHW
Content