Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của CEPR 2009: Bình ổn vĩ mô

Với chính sách can thiệp, cần kích thích tổng cầu trong thời kỳ suy giảm và kiềm chế trong thời kỳ tăng trưởng quá nóng. Các chính sách kích cầu hiện nay, ví dụ như tăng trưởng cung tiền hoặc mở rộng tài khoá sẽ có hiệu quả thực lớn hơn trong những thời kỳ có lạm phát trung bình thấp và có tổng cầu ổn định. Do vậy, trong dài hạn, phải tạo ra được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với tỷ lệ lạm phát trung bình thấp.

>> Thâm hụt ngân sách và những chính sách ràng buộc lẫn nhau
>> Công nghiệp tụt hậu về công nghệ
>> Mặt phải và mặt trái của FDI
>> Kinh tế 2008 suy giảm: vì sao?
Nền kinh tế có thể đạt được tính ổn định nếu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có những chiến lược lâu dài và cam kết thực hiện nó. Những điều chỉnh mạnh các công cụ tiền tệ cũng như công cụ tài khoá là điều không có lợi đối với nền kinh tế, cần phải được thực hiện từng bước một.
Nhìn chung, khuynh hướng chủ đạo của cán cân thanh toán năm 2009 là lượng cung ngoại hối sẽ không đáp ứng đủ lượng cầu. Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt với quyết định can thiệp thông qua giảm dự trữ ngoại hối, nhưng vấn đề sẽ giảm đến mức nào. Sự giảm giá đồng tiền Việt có thể góp phần làm đình trệ sản xuất, thu hẹp tổng sản lượng thay vì mở rộng như một số lập luận gần đây liên quan đến kích cầu xuất khẩu.
Cùng với việc khó khăn gia tăng trong việc tiếp cận các khoản vay quốc tế, trong khi ngân sách có khuynh hướng thâm hụt mạnh, việc theo đuổi các gói kích cầu lớn có thể là tham vọng quá lớn của chính phủ. Việc mất cân đối đồng thời trong cán cân thanh toán và ngân sách chính phủ khiến chính sách tiền tệ trở nên bối rối và kém hiệu quả. Biểu hiện là lãi suất bị ràng buộc và khó có thể hạ thấp hơn mức hiện nay để kích thích sản xuất. Việc tăng vay nợ nước ngoài ở mức 1 – 2% GDP trong năm nay là có thể chấp nhận được về mặt tình thế, cùng với nó là sự chủ động giảm lượng dự trữ ngoại hối. Động thái tăng vay nợ đáng được xem xét nghiêm túc vì nó vừa hỗ trợ nguồn thu vừa hỗ trợ đồng nội tệ. Để những diễn biến này chỉ mang tính ngắn hạn, và sẽ được khắc phục hậu quả trong hai, ba năm kế tiếp, các biện pháp cải cách để tạo nền tảng tăng năng suất cho nền kinh tế, cũng như kỷ luật tài chính cho ngân sách trong các năm tiếp theo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nên được triển khai một cách chủ động.
Trong nhiều năm qua, kim ngạch nhập khẩu của chúng ta luôn chiếm một tỷ trọng rất cao so với, nên nếu chuyển đổi được một phần nhu cầu nhập khẩu này thành nhu cầu đối với hàng hoá trong nước thì quy mô của chính sách kích cầu sẽ giảm đi rất nhiều trong khi hiệu quả lại tăng.
Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Vấn đề mấu chốt hiện nay là thiếu một chiến lựợc cạnh tranh rõ ràng và nhất quán trong một thời gian dài, thể hiện ở việc không chú trọng đến những chính sách cơ bản (tạo môi trường sản xuất ổn định và cạnh tranh) và những chính sách hỗ trợ (phát triển nguồn lực con người, chính sách FDI và nhập khẩu công nghệ, chi đầu tư và phát triển, …).
Cùng với việc xây dựng chiến lược cạnh tranh dựa vào công nghệ, về lâu dài, Việt Nam cần có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để chủ động trong nguồn nguyên liệu và phụ liệu phục vụ sản xuất. Việc này nhất thiết phải hướng đến cả thị trường nước ngoài để khai thác tính lợi thế theo quy mô, từ đó giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của cả các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp thượng nguồn của Việt Nam.
Trong việc ngăn chặn hàng nước ngoài và bảo hộ hàng trong nước, nên hướng tới ưu tiên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hơn là thuế nhập khẩu vì đem lại nguồn thu dồi dào hơn cho ngân sách, trong khi đòi hỏi phí bảo hộ thấp hơn.
Theo dõi và định hướng dòng vốn nước ngoài
Dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nguy cơ suy giảm nguồn vốn từ bên ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) trở thành một vấn đề hiện hữu, và đối sách tương đối rõ ràng là cải thiện môi trường kinh doanh để tăng cường thu hút vốn, đồng thời khuyến khích đầu tư trong nước để tạo nguồn thay thế. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thích hợp để điều chỉnh chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng hướng tới kết nối hiệu quả hơn giữa khu vực kinh tế có vốn FDI và kinh tế nội địa. Các chính sách chi tiêu công cho mục tiêu này, trong ngắn hạn, có thể đóng vai trò cơ chế tự bình ổn tổng cầu, đồng thời, trong dài hạn, làm nền tảng cho những phát triển bền vững từ phía cung.
Giám sát thị trường tài chính
Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và tăng cường giám sát đối với hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Trong đó, cần nâng cao giám sát chất lượng công bố thông tin của các công ty đại chúng, bao gồm cả các công ty đã niêm yết và chưa niêm yết. Sự mở rộng quy mô và số lượng các công ty đại chúng là một khuynh hướng lớn của nền kinh tế, sẽ định hình không những môi trường kinh doanh, mà cả môi trường văn hoá của nền kinh tế. Do đó, cần có hệ thống chính sách thúc đẩy hệ thống doanh nghiệp tạo dựng một nền văn hoá công khai, minh bạch. Sự cải thiện môi trường thông tin trong kinh doanh giúp định hình những kỳ vọng gần thực tiễn của nền kinh tế hơn, do đó giúp làm giảm những dao động thái quá trên thị trường tài chính, và nhờ đó, tránh những tổn thương lâu dài cho bản thân thị trường.

Nhóm tác giả:

  • Tiến sĩ Phạm Thế Anh: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Anh, từng tham gia Nhóm tư vấn chính sách của bộ Tài chính, giảng viên đại học Kinh tế quốc dân, kiêm nghiên cứu viên cao cấp của CEPR, chuyên gia về kinh tế vĩ mô và dự báo.
  • Tiến sĩ Từ Thuý Anh: tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Mỹ, giảng viên đại học Ngoại thương Hà Nội, kiêm nghiên cứu viên cao cấp của CEPR, chuyên gia kinh tế quốc tế.
  • Tiến sĩ Phạm Văn Hà: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Úc, hiện đang làm việc trong một dự án của UNDP, cộng tác viên của CEPR, chuyên gia kinh tế vĩ mô và mô hình hoá (CGE).
  • Tiến sĩ Lê Hồng Giang: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Úc, nguyên giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright tại TP. HCM, giám đốc quỹ Ngoại hối của công ty đầu tư Tactical Global Management, Australia, chuyên gia kinh tế vĩ mô, tài chính quốc tế và mô hình hoá.
  • Thạc sĩ Jago Penrose: Tốt nghiệp ở Anh, nguyên là chuyên gia kinh tế của UNDP Việt Nam, chuyên gia về tổ chức doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.
  • Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (chủ biên): Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Nhật, từng tham gia Nhóm tư vấn chính sách của bộ Tài chính, giám đốc CEPR, giảng viên đại học Kinh tế – đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia về kinh tế vĩ mô.
  • Tiến sĩ Tô Trung Thành: Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Anh, giảng viên khoa kinh tế học – Đại học Kinh tế Quốc dân, cộng tác viên của CEPR, chuyên gia kinh tế vĩ mô và kinh tế lượng, các mô hình dự báo.

(Sài Gòn Tiếp Thị)

FullName Email
Address Security code XLTTDN
Content