Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Tọa đàm về giới và quản lý tài nguyên môi trường

Tọa đàm là hoạt động chuyên môn của Khoa Kinh tế Phát triển
Là chủ đề tọa đàm khoa học do Khoa Kinh tế phát triển - Trường Đại học Kinh tế (KTPT - ĐHKT) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tổ chức.

Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và phát triển bền vững.

Tại tọa đàm, khách mời tham dự đã lần lượt nghe hai bài trình bày: Vấn đề giới trong quản lý tài nguyên môi trường (TS. Trần Nhật Lam Duyên - Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI) và Chi trả dịch vụ môi trường rừng và vai trò của giới trong quản lý rừng ngập mặn tại Việt Nam ( TS. Phạm Thu Thủy - Trưởng đại diện CIFOR tại Việt Nam).
 
TS. Nguyễn Quốc Việt phát biểu tại tọa đàm

Với cách tiếp cận về mặt lý thuyết, bài trình bày của TS. Duyên cung cấp các kiến thức chung như: các thuật ngữ chính nhất về giới, các bước, các mục tiêu lồng ghép giới vào thực tiễn, đặc biệt là sự cần thiết của việc lồng ghép giới vào nghiên cứu và giảng dạy. Để minh họa, TS. Duyên cũng đưa ra một ví dụ nghiên cứu về việc lồng ghép giới trong sản xuất lúa và việc chấp nhận các kỹ thuật nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại ba tỉnh Bạc Liêu, Hà Tĩnh và Thái Bình.Với cách tiếp cận theo hướng thực tiễn, hướng tới đối tượng nhóm người sử dụng, TS. Phạm Thu Thủy cho biết CIFOR tiếp cận về giới thông qua các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, cụ thể là “ xem xét các yếu tố kinh tế, chính trị văn hóa ảnh hưởng tới góc nhìn và quá trình ra quyết định của nam giới và nữ giới”, theo đó vai trò và trách nhiệm của giới cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Ngoài việc phân tích sự tiếp cận về giới của ngành lâm nghiệp, TS. Thủy cũng nhấn mạnh vai trò và mối quan hệ của giới liên quan đến các kết quả về môi trường, kinh tế và thể chế. TS. Thủy cũng nhận định hiện nay đang có sự thiếu hụt rất lớn về nhân sự được đào tạo bài bản về giới.

TS. Phạm Thu Thủy phát biểu tại tọa đàm
 

Các bài trình bày nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía người tham dự. Các khách mời đều cho rằng Giới là vấn đề mang tính khoa học, liên ngành nhưng còn rất mới mẻ và có ít các tài liệu liên quan. Vấn đề giới không chỉ gắn với yêu cầu của các chương trình dự án mà còn gắn liền với an sinh xã hội. Đây thực sự đã trở thành một vấn đề cần được chú trọng trong nghiên cứu và giảng dạy. Từ đó có thể thấy, về mặt xã hội, cần tăng cường nhận thức cho giảng viên - sinh viên về giới; về mặt quản lý nhà nước, cần nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý môi trường ở cấp cộng đồng.

Các khách mời cũng đã có những thảo luận để làm rõ hơn một số vấn đề như (1) những vấn đề cốt lõi để khẳng định sự khác biệt, vai trò của nữ giới trong việc phân bổ các nguồn lực; gắn nữ giới với các nhóm đối tượng bị tổn thương (2) Định hướng giảng dạy về giới như thế nào? Lồng ghép vào chương trình giảng dạy ra sao?

Thực tế tại Khoa Kinh tế Phát triển, nội dung liên quan về giới có trong học phần Kinh tế phát triển 1, tuy nhiên nội dung này chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Còn lại trong các học phần khác về mảng tài nguyên môi trường thì chưa đề cập đến vấn đề này (ThS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà - Khoa KTPT).

Gợi ý một số giải pháp lồng ghép giới vào nghiên cứu và giảng dạy, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Tài nguyên Môi trường) phát biểu: có thể tạo lập quỹ học bổng cho sinh viên để nghiên cứu về vấn đề này; Tổ chức đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ cho người học; việc lồng ghép giới vào giảng dạy ở các cấp học với mức độ khác nhau do đó cần linh hoạt giữa việc đưa vào thảo luận trong các tiết học, thảo luận trong các bài tập lớn, các mục tiêu khoa học, luận văn.

 
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển cho biết, tọa đàm đã cung cấp các nội dung thực sự hữu ích trong việc tích hợp vấn đề về giới vào trong nghiên cứu và giảng dạy. Tọa đàm khoa học này cũng có thể coi như là bước khởi đầu cho quá trình truyền thông và thay đổi nhận thức về giới. Thông qua tọa đàm, có thể tạo dựng một diễn đàn chung, nơi các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học có thể cùng nhau chia sẻ và nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu. Đặc biệt giữa các trường đại học và cơ quan/dự án nghiên cứu có thể có thêm những cơ hội hợp tác; chia sẻ các nguồn lực học viên, nghiên cứu viên; hỗ trợ các hoạt động thực tập, tốt nghiệp; hỗ trợ tài chính thông qua các hoạt động cấp học bổng cho sinh viên, học viên. TS. Việt cũng hy vọng, trong tương lai có thể tổ chức định kỳ các sự kiện chia sẻ kiến thức về giới và vấn đề quản lý tài nguyên môi trường với các bên liên quan.
 
Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), hiện có trụ sở chính tại Bogor, Indonesia, là một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Nhóm tư vấn nông nghiệp quốc tế được thành lập năm 1993 nhằm nghiên cứu các hậu quả về xã hội, môi trường và kinh tế do mất rừng và suy thoái rừng gây ra. Các nghiên cứu của CIFOR mang lại kiến thức và phương pháp nhằm nâng cao đời sống của những cộng đồng dân sống dựa vào rừng và giúp các nước nhiệt đới quản lý rừng tốt hơn để có thể đạt được những lợi ích bền vững. Những nghiên cứu này đã được tiến hành tại hơn 20 nước với các đối tác khác nhau. Từ khi được thành lập, CIFOR đã đóng vai trò chủ đạo trong việc gây ảnh hưởng đến các chính sách lâm nghiệp trên toàn cầu cũng như tại các nước thực hiện nghiên cứu.
 

Hoa Hạnh

FullName Email
Address Security code AOETLH
Content