Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Về Đề án giá điện theo cơ chế thị trường: Cần phải cải thiện từ phía cung chứ không phải từ phía cầu!

Nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã xác định kết quả từ ba kịch bản tăng giá điện. Kết quả nghiên cứu đã phần nào đánh giá được tác động của việc tăng giá điện đến đời sống và toàn bộ nền kinh tế. Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trưởng nhóm nghiên cứu xung quanh những tác động của việc tăng giá điện theo đề xuất của EVN.

* Thưa ông, được biết một nghiên cứu mới đây của nhóm đã đưa ra nhận định nếu thực hiện tăng giá điện sẽ khiến GDP giảm và CPI sẽ tăng. Ông có thể nói rõ hơn về kết quả nghiên cứu này?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Nghiên cứu của chúng tôi nằm trong khuôn khổ một loạt các nghiên cứu chính sách của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (CEPR). Những nghiên cứu này liên quan đến việc xác định ảnh hưởng của tăng giá điện đến khu vực hộ gia đình cũng như toàn bộ nền kinh tế. Trước đây chúng tôi đã công bố một nghiên cứu tương tự về ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra ba kịch bản. Thứ nhất, tăng giá điện đối với khu vực tiêu dùng 20% và giữ nguyên đối với khu vực sản xuất. Thứ hai là giá điện tăng cho khu vực tiêu dùng là 20% và khu vực sản xuất là 10%. Cuối cùng, tăng 20% cho cả hai khu vực sản xuất và tiêu dùng. Kết quả cho thấy, trong ngắn hạn, hậu quả đối với nền kinh tế đều có chiều hướng chung là GDP bị thu hẹp một chút và mức giá chung sẽ tăng. Tương ứng với kịch bản 1, GDP sẽ giảm 0,04%; CPI tăng 0,13%. Ứng với kịch bản 2, GDP sẽ giảm 0,159%; CPI tăng 0,73%. Ứng với kịch bản 3, GDP giảm 0,161%; CPI tăng 1,25%.
* Có ý kiến cho rằng với cơ chế như hiện nay sẽ khó để có thể giảm giá điện. Ông có cho rằng đây là cái giá của độc quyền? Ý kiến của ông xung quanh cơ chế độc quyền trong lĩnh vực điện như hiện nay?
Cốt lõi của việc giảm giá nằm trong năng suất của ngành. Năng suất của ngành tăng (nhanh hơn mức trượt giá chung), thì giá danh nghĩa (tính bằng VND) có thể giảm. Một ví dụ rất rõ là trong các ngành thuộc lĩnh vực điện tử và tin học, năng suất tăng rất nhanh nên các sản phẩm luôn có khuynh hướng hạ. Tuy nhiên, cấu trúc của ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng thì khác, năng suất của các ngành này không thể tăng nhanh như vậy. Theo tính toán của chúng tôi, từ năm 1994 tới hết năm nay, mức trượt giá chung là 250%. Cũng trong thời gian này, ngành điện đã tăng giá lên 170% (từ 504.34 VND/kWh lên 868.47 VND/kWh). Nếu trong giai đoạn này, mỗi năm ngành điện tăng năng suất 2%, thì thực tế mức giá hiện này là vừa phải. Nếu mức tăng năng suất bình quân chỉ là 0.5%/năm, thì họ cần tăng khoảng 23% để bù đắp lại phần trượt giá. Ý tôi muốn nói là, việc điều chỉnh giá không chỉ phụ thuộc vào mức tăng giá chung, mà còn phải trừ đi mức tăng năng suất trong ngành. Nếu chỉ lấy lý do là vì mức giá chung tăng mà đòi hỏi tăng giá đúng như vậy, thì vô hình trung doanh nghiệp đã giữ lại toàn bộ phần lợi nhuận có từ việc cải thiện năng suất cho riêng mình mà không san sẻ cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc tăng năng suất chỉ được phản ánh vào mức giá hạ trong môi trường có cạnh tranh.
Đối với lĩnh vực điện, do tính độc quyền cao, nên cơ chế điều chỉnh giá theo năng suất là hầu như không xuất hiện. Do có vị thế độc quyền, ngành điện có cơ sở để giữ hoặc tăng giá. Nếu ngành này được cải tổ theo hướng tăng tính cạnh tranh, giá sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Đó là quy luật của thị trường rồi.
* Có một số chuyên gia cho rằng, VN hiện nay không thiếu điện mà vấn đề là ở chỗ ta quản lý kém và sử dụng lãng phí. Ông có cho rằng, tăng giá là biện pháp tối ưu để hạn chế lãng phí không?
Về lý thuyết thì tăng giá điện sẽ làm giảm cầu. Các doanh nghiệp hay hộ gia đình được coi là sẽ tiết kiệm hơn, hoặc dịch chuyển theo hướng sử dụng các công nghệ tiết kiệm điện hơn. Tuy nhiên, thực tế thì đối với các hộ hay doanh nghiệp không được bao cấp, dù ở mức giá nào họ cũng luôn có tinh thần tiết kiệm rồi, vì họ bị sức ép của cạnh tranh, không tiết kiệm không tồn tại được. Việc tăng giá có thể gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, để phát triển bền vững không thể tiết chế cầu về điện. Hiện nay mức tiêu thụ điện bình quân trên đầu người ở ta chưa bằng 1/5 ở Thái Lan, do đó, khuynh hướng cầu về điện sẽ tăng nhanh trong thời gian tới là điều tất yếu.
Vì vậy, cần phải cải thiện mạnh mẽ từ phía cung, chứ không phải chỉ tiết chế cầu thông qua tăng giá. Thêm vào đó, lý do tăng giá thường rất dễ được đưa ra trong trường hợp nhà cung cấp là độc quyền. Nếu không có khả năng độc quyền, họ sẽ không tăng giá mà tăng sản lượng.
Để tăng sản lượng, vấn đề cốt lõi là tăng năng suất và mở rộng quy mô ngành. Muốn điều này diễn ra nhanh hơn, cần có động lực cho các nhà cung cấp điện. Khi các nhà cung cấp là độc quyền, thì động cơ thay đổi thường ít hơn khi các nhà cung cấp bị cạnh tranh. Do đó, để tăng động lực cung cấp điện, cần tạo ra môi trường cạnh tranh. Khi có cạnh tranh, các thói xấu như lãng phí, quản lý kém, o ép người tiêu dùng,... sẽ giảm đi, đồng thời, sản lượng điện sẽ tăng mà sức ép tăng giá có thể lại giảm bớt.
* Xin cám ơn ông!


Hương Thuỷ (Báo Đại đoàn kết) thực hiện

FullName Email
Address Security code TDBKPC
Content