Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Chọn chứng khoán thời khủng hoảng

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ nhiều phía, nhưng NĐT vẫn có thể chọn cho mình một số mã cổ phiếu tốt trên thị trường hiện nay.

Từ nhận định đầy cẩn trọng trước diễn biến phức tạp của thị trường tài chính toàn cầu, mà nguyên nhân chính vẫn còn phải mổ xẻ nhiều như thừa nhận của các giáo sư kinh tế Mỹ, TS. Nguyễn Đức Thành (Đại học quốc gia Hà Nội) phân tích các yếu tố cơ sở để nhà đầu tư có quyết định đầu tư thích hợp.
Thị trường Việt Nam đã liên thông với thế giới
Kể từ khi đi vào hoạt động tới nay, có lẽ đây là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng từ nhiều phía, theo nhiều làn sóng và dưới nhiều lớp sự kiện nhất: những vấn đề kinh tế vĩ mô trong nước, nhiều chính sách điều tiết mới và khó dự đoán, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế ngấm ngọt và sâu, thời tiết tài chính toàn cầu phức tạp, viễn cảnh kinh tế thế giới mù mịt, v.v.
Sau một thời gian khá dài tăng giảm như thể ở giữa đảo hoang bởi sự khuynh đảo của các lực lượng chủ yếu trong nước, những ngày gần đây chỉ số VN index đã biến động theo rất sát các chỉ số cơ bản của thị trường tài chính Mỹ như Dow Jones, S&P... vì những mối lo ngại toàn cầu đã trở nên sát sườn.
Trong vài ngày qua, tình hình dường như vừa khó khăn hơn lại vừa dễ dàng hơn. Khó hơn vì thị trường chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố rộng lớn hơn; nhưng cũng dễ hơn, đặc biệt trong biến động hàng ngày, vì quy luật tâm lý những ngày này gần như có thể hiểu được, khi toàn thị trường bám sát theo sự thăng giáng của thị trường Mỹ, nơi giao dịch diễn đi trước nửa ngày.
Trong bối cảnh phức tạp như vậy, chỉ số VN Index luôn phập phồng dưới mức 500 điểm là điều khá dễ hiểu. Với nhiều doanh nghiệp có giá thị trường thấp hơn giá sổ sách, hay chỉ số P/E chỉ ở mức 5, nhiều người tự hỏi đây có phải là thời cơ để mua vào hay không, trong khi nhiều người dùng dằng muốn rút khỏi thị trường để đỡ đau tim.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là một thời điểm rất khó khăn và nhiều bất trắc. Rất ít nhà kinh tế có thể nói chắc thế giới đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn ra sao.
Nếu kịch bản của một cuộc suy thoái trầm trọng kiểu 1929-33 lặp lại, thì toàn thế giới sẽ mất khá nhiều năm để phục hồi. Nhớ lại rằng, khi những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên bùng phát vào năm 1929, ông vua dầu mỏ và là nhà tài phiệt lão luyện bậc thầy Rockefeller, vẫn chỉ coi đó là một cuộc suy thoái thường như những gì ông đã chứng kiến trong 90 năm cuộc đời đầy bươn chải.
Thế nhưng cuộc khủng hoảng cứ ngày càng sâu và cuốn trôi đi nhiều núi tài sản. Nếu kịch bản này lặp lại sau một thế kỷ, thì phương thuốc cứu chữa cho một thị trường nhỏ như của Việt Nam quả là khó tìm.
Nhưng đối với những người lạc quan hơn, có một niềm hy vọng rằng thế giới sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này, vẫn có thể chọn cho mình một số mã cổ phiếu tốt trên thị trường hiện nay.
Những tiêu chí cần thiết để chọn cổ phiếu
Để lựa chọn, có lẽ cần phân loại các cổ phiếu theo ngành, và tiếp đó là các đặc tính tài chính và tình hình kinh doanh của từng công ty. Theo tôi, có một số tiêu chí đáng lưu ý để chọn lọc:
Thứ nhất, tiêu chí liên quan đến khủng hoảng tài chính. Theo tiêu chí này, có hai loại cổ phiếu: loại lệ thuộc nhiều vào khủng hoảng tài chính, và loại chống cự được với khủng hoảng tài chính.
Loại lệ thuộc nhiều tất nhiên liên quan đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh ngân hàng hay tiền tệ. Cũng cần phải công bằng với các cổ phiếu này, là không nhất định cứ các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính là tệ hại khi có khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, cái bi kịch nằm ở chỗ, cổ phiếu bị từ bỏ khi người ta nghĩ là sẽ có nhiều người từ bỏ nó. Hơn nữa, nếu có sự đổ vỡ một khâu trong toàn chuỗi quan hệ của nền kinh tế, phản ứng dây chuyền sẽ lan thông qua các kênh tài chính (các khoản nợ xấu dẫn dắt nhau).
Thứ hai, ở một viễn cảnh xa hơn, Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế quốc tế ngày càng sâu. Đây có thể coi như một cuộc cách mạng trong im lặng. Nhiều bản hùng ca bi tráng không được hát, nhưng nhiều doanh nghiệp từng một thời rực rỡ sẽ ra đi.
Do đó, tiêu chí thứ hai, theo tôi, liên quan đến các cổ phiếu có thể chống cự với toàn cầu hoá hay không. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp đã thực sự cảm thấy bị cạnh tranh trên sân nhà và thị phần đang dần mất đi.
Trong giải trình về sự suy giảm lợi nhuận của báo cáo quý 2, một doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ điện dân dụng đã đưa vào một gạch đầu dòng thừa nhận thị trường đang bị mất đi ngay trước mắt.
Kết quả là cổ phiếu này đã chỉ dao động hay có khuynh hướng giảm. Rất may là quý 3 này doanh nghiệp đã khôi phục mức lợi nhuận nhảy vọt, khiến niềm tin được vực dậy và giá có khuynh hướng được cải thiện. Một công ty khác cùng ngành, trước những khó khăn trên sân nhà, đã quyết định vươn tới những thị trường xa lạ để cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, các thị trường mới phù hợp với sản phẩm của công ty lại thường là những thị trường đang phát triển, nơi hệ thống pháp luật và kinh doanh còn nhiều điều cần hoàn thiện, đã gặp phải một loạt khó khăn trong khâu thanh toán. Kết quả là cổ phiếu này đã không gượng lên được trong nhiều tuần qua.
Thứ ba, sau khi đã sử dụng hai tiêu chí trên để loại đi những cổ phiếu nhiều rủi ro, chúng ta có thể quan tâm đến các cố phiếu có P/E thấp. Mức thấp đủ để an toàn hiện nay có lẽ là khoảng 5-6. Với mức này, nếu doanh nghiệp vẫn duy trì đuợc lợi nhuận như cũ, chỉ riêng khoản lợi từ cổ tức cũng có thể so sánh được với lãi suất ngân hàng.
Chưa kể những lợi ích nếu có sự tăng giá trong tương lai. Tuy nhiên, P/E thấp không phải lúc nào cũng tốt, vì cần phải sáng suốt khi nhìn vào khuynh hướng lợi nhuận.
Nếu khuynh hướng lợi nhuận giảm (mà điều này có thể chỉ được người trong cuộc hoặc những người sành sỏi biết được), thì P/E sẽ tự động giảm để cân đối với kết quả của tương lai (vì P/E được công bố chỉ tính lợi nhuận hiện tại hoặc quá khứ).
Thứ tư, trong môi trường lạm phát và chính sách khắc khổ về tiền tệ được áp dụng (lãi suất cao, tiền mặt khan hiếm, hoạt động kinh doanh bị thu hẹp), các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn thường bị ảnh hưởng nhiều hơn cả do giá vốn tăng.
Do đó, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống lạm phát còn có khuynh hướng trường kỳ, các công ty có đòn bẩy thấp dường như là một lựa chọn an toàn. Trên thị trường hiện nay, có khá nhiều công ty với mức đòn bẩy dưới 1,5, thậm chí 1,2.
Một tiêu chí nhiều người hay quan tâm, cùng với chỉ số P/E, là ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hay chính là phần vốn cổ phần). ROE cao rõ ràng là điều đáng mong muốn đối với chủ sở hữu, hay là những người định mua cổ phiếu đó.
Nhưng cần phải lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp sản sinh lợi nhuận trên cơ sở mở rộng tài sản cho quá trình kinh doanh, do đó, ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) là một tiêu chí tốt để đo lường hiệu quả thực sự của việc kinh doanh. Vì ROE bằng tích của ROA nhân với đòn bẩy, nên nhiều doanh nghiệp thúc đẩy ROE bằng cách tăng cường đòn bẩy.
Như phân tích ở trên, tăng đòn bẩy là một biện pháp kinh doanh sáng suốt trong thời kỳ giá vốn thấp, chẳng hạn như trong thời kỳ mở rộng tiền tệ và kinh tế phồn vinh. Nhưng trong lúc gạo châu củi quế, một đòn bẩy lớn lại trở thành con dao rất sắc, tiềm chứa một rủi ro cao như đã phân tích trong tiêu chí thứ tư.
Chính vì vậy, đây là lúc các nhà đầu tư không chuyên có thể xem xét để đến gần hay tránh xa thị trường. Nhưng với những ai muốn dấn thân trong cơn mưa gió, rất cần có những tiêu chí để tránh sa vào những con mương đang nằm chìm trong nước.


TS. Nguyễn Đức Thành (Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách, ĐHKT - ĐHQGHN)

FullName Email
Address Security code JYGQFM
Content