Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Dự án RCES SPREADOUT - Kho tài nguyên điện tử cho sinh viên bắt đầu tham gia NCKH

Từ trái qua: Bùi Nguyên Hạnh, Vũ Trung Kiên, Trần Quang Thắng
Dự án RCES SPREADOUT là dự án xây dựng kho tài nguyên điện tử gồm các bài viết truyền cảm hứng nghiên cứu, cung cấp kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm dành cho đối tượng sinh viên Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN mới bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH).

Dự án được thực hiện bởi nhóm sinh viên của Cộng đồng RCES, dưới sự cố vấn và bảo trợ từ Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển, Trường ĐHKT. Được triển khai từ 11/2015, cho đến nay dự án RCES SPEADOUT đã đi được hơn một nửa chặng đường và trở thành người bạn đồng hành của nhiều sinh viên ĐHKT quan tâm đến hoạt động NCKH.
Là một trong những dự án “online” đầu tiên do sinh viên ĐHKT thực hiện và có ảnh hưởng tích cực đối với các sinh viên của trường, vậy nhóm dự án đã triển khai dự án RCES SPREADOUT như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu điều đó qua cuộc phỏng vấn của chúng tôi với bạn Trần Quang Thắng, bạn Bùi Nguyên Hạnh và bạn Vũ Trung Kiên - các sinh viên trong nhóm thực hiện dự án này.

- Chào các bạn, được biết từ thời điểm thành lập đến nay, Cộng đồng RCES đã thực hiện được 3 dự án hỗ trợ cho các sinh viên ĐHKT đam mê nghiên cứu. Vậy điều gì đã đem lại nguồn cảm hứng để các bạn xây dựng và thực hiện RCES SPREADOUT?

Trần Quang Thắng: Dự án này đến với chúng mình sau khi hoàn thành dự án I RESEARCH mùa đầu tiên. Bên cạnh những thành công của I RESEARCH, chúng mình nhận thấy rằng trong mỗi chương trình đều có chênh lệch khá lớn giữa số lượng các bạn sinh viên đăng ký tham gia và số lượng tham gia thực tế. Do đặc thù của dự án, các bạn cần đến trực tiếp chương trình mới có thể lắng nghe những chia sẻ từ các khách mời. Trong khi đó, lịch học tập và làm việc của sinh viên lại rất dễ thay đổi so với kế hoạch.
Ý tưởng thực hiện RCES SPREADOUT nhằm giúp các bạn sinh viên có thể đọc và khai thác những chia sẻ hữu ích liên quan đến nghiên cứu khoa học từ xa được hình thành từ đó. Giờ đây, chỉ cần truy cập vào địa chỉ website
www.rces.info, các bạn đã có thể đọc tất cả các bài viết do nhóm dự án biên tập.

- Các bạn có thể giải thích rõ hơn về tên gọi của dự án RCES SPREADOUT?

Bùi Nguyên Hạnh: Dự án RCES SPEADOUT có nghĩa tiếng việt là RCES lan tỏa. Như chính tên gọi, đây là dự án mà cộng đồng RCES thực hiện với mong muốn lan tỏa những giá trị có thể đóng góp cho cộng đồng, với đối tượng chính của dự án là các bạn sinh viên quan tâm đến hoạt động nghiên cứu. Nhờ lợi thế của mạng Internet, tất cả các bài viết của RCES SPREADOUT không còn bị giới hạn về thời gian và địa lý, do đó, chúng mình chọn từ “lan tỏa” để đặt tên cho dự án này.

- Tại sao các bạn lại chọn đối tượng mục tiêu của dự án là các sinh viên mới bắt đầu tham gia hoạt động NCKH?

Vũ Trung Kiên: Từng làm nghiên cứu và thực hiện các chương trình hỗ trợ sinh viên NCKH, chúng mình nhận thấy rằng NCKH là một thứ gì đó khá không rõ ràng và chính điều này gây khó khăn cho những bạn mới bắt đầu làm nghiên cứu. Năm đầu tiên tham gia, mình cũng từng phải vừa làm và vừa học hỏi rất nhiều vì chưa có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm nghiên cứu. Do đó, chúng mình thực hiện dự án này với mong muốn cung cấp các kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm để các bạn sinh viên bắt đầu tham gia có thể đến với NCKH dễ dàng hơn.

- Vậy việc triển khai các bài viết trong dự án này được thực hiện như thế nào?

Vũ Trung Kiên: Theo kế hoạch, chúng mình sẽ biên tập khoảng 100 bài viết. Các bài viết này có thể được thực hiện dựa trên tài liệu tham khảo hoặc do tác giả tự biên tập hoàn toàn. Các bài viết về kỹ năng và kinh nghiệm nghiên cứu được biên tập tương ứng với những giai đoạn quan trọng mà các nhóm nghiên cứu sinh viên sẽ trải qua như: tìm đề tài, đọc tài liệu, xây dựng đề cương, thu thập dữ liệu, viết báo cáo công trình, bảo vệ công trình... Ngoài ra, còn có những bài viết khác được biên tập với nội dung truyền cảm hứng NCKH và giúp các bạn hiểu rõ hơn về hoạt động nghiên cứu.
Bên cạnh 3 thành viên thực hiện chính, các bài viết còn nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên khác của Cộng đồng RCES tham gia thực hiện. Cho tới nay, đã có hơn 60 bài viết được đăng tải trên trang dự án. Chúng mình sẽ tiếp tục đăng tải những bài viết còn lại cho tới hết tháng 5/2016.

- Đâu là những nội dung mà nhóm dự án đã chú ý trong quá trình viết bài để phù hợp với đối tượng của dự án?


Bùi Nguyên Hạnh: Với đối tượng người đọc là các sinh viên bắt đầu tham gia NCKH, nhóm dự án đã đưa ra một số yêu cầu như: bài viết phải rõ ràng, dễ hiểu ở mức tối đa; hạn chế viết tản mạn khó theo dõi; với các trường hợp khó diễn giải thì cần có ví dụ cụ thể; bài viết cần diễn đạt khách quan và có trích nguồn khoa học,… Không phải nội dung nào cũng dễ viết, tuy nhiên các tác giả đều cố gắng để truyền tải những nội dung khó hiểu hoặc hàn lâm sang cách dễ hiểu nhất để giúp người đọc dễ theo dõi và nắm bắt.




- Với những thông tin hữu ích như vậy, hẳn dự án của các bạn nhận được phản hồi rất tích cực?


Trần Quang Thắng: Chỉ số chính để chúng mình đánh giá dự án là số lượt đọc bài viết. Cho đến nay, qua kết quả thống kê từ Google Analytics, số lượt đọc trung bình mỗi bài viết là 140; trong đó, các bài viết nổi bật có số lượt đọc lên tới 500, 600 lượt. Chúng mình tin rằng, con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi các sinh viên NCKH trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục truy cập trang dự án và vị trí xuất hiện của các bài viết trên kết quả tìm kiếm Google được cải thiện tốt hơn.

- Thực hiện dự án với một số lượng bài viết lớn như vậy, các bạn có gặp phải khó khăn gì không?

Bùi Nguyên Hạnh: Dù việc viết bài không quá khó khăn, tuy nhiên chúng mình cũng có khá nhiều tranh luận về vấn đề chọn đề tài. Việc thống nhất để chọn những đề tài phù hợp và hữu ích nhất với đối tượng của dự án và trong khả năng chúng mình thực hiện được cũng khá khó khăn. Một số tranh luận diễn ra khá lâu, tuy nhiên điều này làm mình cảm thấy chúng mình đang làm việc thực sự nghiêm túc và mình học hỏi được nhiều điều từ những thành viên khi cùng làm việc, cũng như biết được thêm nhiều kiến thức mới thông qua thời gian làm việc cùng dự án này.
Trần Quang Thắng: Với vai trò là người đưa ra “format” và yêu cầu cho các bài viết, đồng thời là người duyệt bài trước khi đăng; thời gian đầu mình cũng gặp phải khó khăn về mặt thời gian. Thời điểm ấy mình phải làm việc với nhiều tác giả tham gia viết bài, trong khi lại rất bận với công việc cá nhân. Với những bài đầu tiên, có một số các yêu cầu bài viết chưa được đáp ứng nên mình phải trao đổi và cùng sửa bài với tác giả. Việc này tốn khá nhiều thời gian và làm mình thường xuyên trong tình trạng bận rộn. Tuy nhiên, sau một vài bài đầu tiên thì gần như mọi bài viết đều đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

- Điều mà các bạn tâm đắc nhất về dự án này là gì?

Vũ Trung Kiên: Điều mình thích nhất chính là tính bền vững của dự án. Khác với các dự án tổ chức chương trình trực tiếp tại giảng đường, tất cả các bài viết của dự án RCES SPREADOUT có thể được lưu lại mãi mãi trên website dự án. Do đó, các bạn sinh viên tham gia NCKH trong các năm sau vẫn có thể tiếp tục nhận được những giá trị từ các bài viết này. Ngoài ra, chúng mình cũng có thể sửa lại các bài viết để những nội dung đã thực hiện ngày càng hoàn thiện hơn.

Nhóm sinh viên ĐHKT tham gia dự án RCES SPREADOUT:
- Vũ Trung Kiên - Giải Nhất NCKHSV cấp trường ĐHKT năm 2015
- Bùi Nguyên Hạnh - Giải Nhì NCKHSV cấp Trường ĐHKT năm 2015
- Trần Quang Thắng - Giải Nhì NCKHSV cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015.
Các bài viết tiếp theo của dự án với chủ đề liên quan đến viết báo cáo nghiên cứu vào bảo vệ công trình sẽ tiếp tục được đăng tải trên trang dự án RCES SPREADOUT trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cơ hội được báo cáo và bảo vệ thử công trình trước Hội đồng phản biện tại Chung kết cuộc thi DEFENSE TRIAL 2016 do Cộng đồng RCES tổ chức đang dành cho tất cả các nhóm nghiên cứu sinh viên khối kinh tế trên địa bàn Hà Nội. Xem thêm thông tin chi tiết cuộc thi
tại đây. Hạn đăng ký: 10/3/2016.



- Đầu tư nhiều tâm huyết cho dự án như vậy, quá trình thực hiện chắc các bạn có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
Trần Quang Thắng: Một kỷ niệm mình rất nhớ là vào cuối tháng 1 vừa rồi, trong 2 ngày liên tiếp, số lượng email từ hệ thống thông báo trang dự án bị tấn công lên tới hơn 50 lượt. Tự xây dựng được website dự án có thể coi là một thành quả lớn đối với mình, vì vậy khoảng thời gian đó nhận được thư thông báo liên tục từ hệ thống làm mình khá lo lắng. Sau khi tăng cường bảo mật, hiện tại chúng mình đã có thể an tâm với các tài nguyên đã được đưa lên website.
Vũ Trung Kiên: Chúng mình chủ yếu sử dụng “Skype” để trao đổi với nhau, có 2 lần mic của mình gặp sự cố và không thể thu tiếng được. Khi ấy thì các bạn vẫn trao đổi bằng tiếng bình thường, còn mình thì phải nghe và gõ bàn phím để “gửi thông điệp” tới mọi người. Rất may vì chúng mình đã cùng làm việc trực tiếp và hiểu nhau nên sự cố này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng của những buổi họp đó.

- Mùa báo cáo NCKH của sinh viên ĐHKT năm nay đã sắp tới, nhóm dự án có muốn gửi lời chúc gì gửi tới các bạn sinh viên?

Bùi Nguyên Hạnh: Mình muốn chúc các bạn sinh viên NCKH năm nay sẽ hoàn thành công trình và bảo vệ thật xuất sắc trước Hội đồng phản biện. Đặc biệt, với các bạn có công trình nghiên cứu đầu tay, hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng và báo cáo thật tự tin. Chúc cho các bạn có dự định nghiên cứu trong năm tới sẽ định hướng được đề tài phù hợp và hoàn thành công trình với mục tiêu đặt ra.
Trần Quang Thắng: Mình chúc tất cả các bạn sinh viên tham gia NCKH năm nay sẽ có một sự bứt phá rất lớn ở thời điểm sau tết này, vì đây chính là khoảng thời gian các bạn dành toàn tâm toàn ý để hoàn thành tốt nhất công trình nghiên cứu của mình. Hãy cố gắng hết sức, dù kết quả có thế nào thì mình cũng tin rằng khi nhìn lại bạn sẽ thấy đây là quãng thời gian may mắn mà bạn đã có trong thời sinh viên.

- Cám ơn nhóm dự án RCES SPREADOUT đã tham gia cuộc phỏng vấn này. Chúc dự án của các bạn ngày càng thành công!

Thùy Dương - Hoàng Hằng (Cộng đồng RCES)

FullName Email
Address Security code PHMAIP
Content