Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Sự kiện và thành tựu tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2019

Năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự chuyển mình quan trọng của ĐHQGHN với nhiều hoạt động đổi mới trên các lĩnh vực công tác. Cổng Thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu các sự kiện và thành tựu tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2019.

Năm 2019, lần đầu tiên ĐHQGHN được Times Higher Education xếp vào nhóm 1000 đại học hàng đầu thế giới và là đơn vị có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam (xem tin chi tiết tại đây). Bên cạnh đó, ĐHQGHN tiếp tục duy trì vị trí 1000 trường đại học hàng đầu thế giới tại Bảng xếp hạng QS (xem tin chi tiết tại đây). Cũng theo công bố kết quả xếp hạng các trường đại học thế giới theo lĩnh vực của Times Higher Education World, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của ĐHQGHN nằm trong nhóm 500 thế giới (xem tin chi tiết tại đây). Trước đó, theo công bố của QS, nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo của ĐHQGHN thuộc nhóm 500 thế giới; ngành Vật lý và Thiên văn học xếp trong nhóm 550 thế giới và đứng vị trí số 1 tại Việt Nam (xem tin chi tiết tại đây).

 
 

Tại Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu 2019 do Tạp chí US News & World Report bình chọn, ĐHQGHN đứng số 1 Việt Nam. Ngành Vật lý của ĐHQGHN xếp thứ 472 thế giới, tăng 30 bậc so với năm 2018. Kết quả xếp hạng Webometrics của Cybermetrics Lab năm 2019 ghi nhận ĐHQGHN tiếp tục là cơ sở giáo dục đại học đứng đầu Việt Nam. Năm nay cũng là lần đầu tiên chỉ số về lượng tài nguyên số hóa của ĐHQGHN đứng thứ 38 thế giới (xem tin chi tiết tại đây).

Đặc biệt, mới đây nhất, tạp chí khoa học Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của ĐHQGHN được đưa vào danh mục của Web of Science và trở thành tạp chí khoa học duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh mục này (xem tin chi tiết tại đây).

2.ĐHQGHN thực hiện lộ trình đổi mới phương pháp giảng dạy

Khai thác thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng xu thế tự chủ đại học, ĐHQGHN đã đề ra kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy giai đoạn 2019 – 2025, nhằm tạo đột phá trong nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế và thương hiệu của ĐHQGHN trong bối cảnh toàn cầu hóa. Để triển khai kế hoạch này, ĐHQGHN đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy nhằm mục đích nghiên cứu, tiếp cận, phổ biến những công nghệ và phương thức giáo dục mới, và truyền cảm hứng cho giảng viên trong toàn hệ thống ĐHQGHN (xem tin chi tiết tại đây).

 

Song song với đó, ĐHQGHN đã nghiên cứu, học hỏi phương pháp giảng dạy ở một số đại học tiên tiến trên thế giới nhằm tăng cường kỹ năng, thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo theo tinh thần khởi nghiệp, phát triển các phương pháp thực hành giảng dạy theo hình thức trải nghiệm mới.

3. Triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia và quốc tế

Năm 2019 đánh dấu mốc quan trọng khi Thủ tướng Chính phủ giao cho ĐHQGHN chủ trì triển khai Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông. Dự án này hướng tới mục tiêu dịch thuật và hệ thống giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị tư tưởng, văn hóa của nhân loại, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện. ( xem tin chi tiết tại đây)

 

Cùng với việc chủ trì đề án Địa chí Quốc gia Việt Nam, ĐHQGH là đơn vị chủ trì 2 trong số 5 đề án khoa học lớn của đất nước thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và liên ngành. Bên cạnh đó, các nhà khoa học của ĐHQGHN tham gia khoảng 60% khối lượng công việc ở Đề án Quốc sử và là thành viên chủ chốt của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. (xem tin chi tiết tại đây)

 
 

Với việc phát triển nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam – VMAP với hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã giúp cung cấp cho người dùng thông tin về bản đồ, tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường và ứng dụng vào công tác quản lý, kinh doanh. (xem tin chi tiết tại đây)

 

Năm 2019, ĐHQGHN triển khai Dự án Phát triển Trung tâm tư liệu Việt Nam học tại ĐHQGHN nhằm xây dựng một Trung tâm tư liệu quy mô lớn theo hướng tích hợp, liên ngành, hiện đại trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin thông minh phục vụ chia sẻ thông tin và tri thức về Việt Nam học. Trung tâm sẽ được kết nối với các trung tâm lưu trữ trên toàn trên thế giới nhằm đáp ứng tốt yêu cầu khai thác tư liệu về Việt Nam học góp phần phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới (xem tin chi tiết tại đây). Đây cũng là năm ĐHQGHN phối hợp cùng Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam và Viện khảo cứu cao cấp thuộc Cộng hòa Pháp khởi động Dự án Vietnamica Đây là dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, thuộc Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm và trên phạm vi địa bàn rộng lớn gồm: Việt Nam, Pháp và một số quốc gia châu Âu. (xem tin chi tiết tại đây)

4. Thành lập Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ và Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Với việc thành lập Trường THCS Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ trở thành đơn vị đào tạo thành viên đầu tiên của ĐHQGHN hoàn thiện mô hình đào tạo từ giáo dục trung học cơ sở tới trung học phổ thông. Trường THCS Ngoại ngữ sẽ là cơ sở thực hành cho sinh viên ngành sư phạm về ngoại ngữ và là nơi trang bị cho các em học sinh trung học cơ sở một hành trang tri thức; nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp để các em có thể vươn xa, vươn cao trong cuộc sống. ( xem tin chi tiết tại đây)

 

Được thành lập năm 2019, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành đơn vị đào tạo bậc THPT thứ tư thuộc ĐHQGHN bên cạnh các trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường THPT Khoa học Giáo dục. Song hành với việc đào tạo các môn văn hóa bậc phổ thông chất lượng cao, Nhà trường sẽ chú trọng giáo dục lòng nhân ái trong cuộc sống và là nơi tạo nguồn nhân tài khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước. (xem tin chi tiết tại đây)

5. ĐHQGHN mở nhiều ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội

Năm 2019, ĐHQGHN tiếp tục phát triển ngành, chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Năm nay có 13 chương trình đào tạo được mở mới và tuyển sinh, tiêu biểu là các ngành Quản trị chất lượng giáo dục, Nhật Bản học, Công nghệ nông nghiệp, Quản trị doanh nghiệp và công nghệ, Kỹ thuật xét nghiệm y học… Bên cạnh đó, trên đà phát triển thành Trường đại học Y Dược, Khoa Y – Dược công bố thành lập thêm 8 bộ môn, với sự tham gia của các chuyên gia y khoa đầu ngành của các bệnh viện tuyến trung ương.

Cũng trong năm 2019, tầm nhìn và bản lĩnh của ĐHQGHN trong việc hiện thực hóa triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện tiếp tục được thể hiện khi ĐHQGHN triển khai chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học đầu tiên tại Việt Nam nhằm phát huy giá trị tinh hoa của Phật giáo với xã hội đương đại. (xem chi tiết tại đây)

6. ĐHQGHN tổ chức nhiều diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế quan trọng trong năm 2019.

Trong năm qua, ĐHQGHN đã phối hợp tổ chức, chủ trì nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học tầm vóc quốc gia và quốc tế, tạo ấn tượng tích cực với các đối tác trong nước và quốc tế, tiêu biểu như:

Phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo bàn về giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội thảo giúp cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho định hướng và chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam và góp phần phục vụ soạn thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp tới.

Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học về kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc tư vấn tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Trung ương. (xem tin chi tiết tại đây)

Các đơn vị thành viên cũng tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị quốc tế, thể hiện năng lực hội nhập học thuật toàn cầu. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng ĐHQG Lomonoxop (Liên bang Nga) và ĐH Columbia (Hoa Kỳ) tổ chức 02 Hội thảo quốc tế nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầm quốc tế.

Trường ĐH Kinh tế năm vừa qua đã tổ chức thành công hai chương trình tầm vóc quốc tế là Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 (xem tin chi tiết tại đây) và Diễn đàn Sinh viên châu Á 2019 ( xem tin chi tiết tại đây) thu hút hơn 500 sinh viên, nhà khoa học quốc tế và Việt Nam để giao lưu và thảo luận, đề xuất chiến lược phát triển cũng như chính sách kinh tế cho các nền kinh tế số tại châu Á

Những nỗ lực đổi mới trong kiểm tra đánh giá ngôn ngữ ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay đã được thảo luận và chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Khảo thí lần thứ 6 với chủ đề “Đánh giá ngôn ngữ: Lý luận, chính sách và thực tiễn” do trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức.(xem tin chi tiết tại đây)

7. Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc có nhiều khởi sắc

Năm 2019, Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ đã phê duyệt các chủ trương liên quan nguồn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc như: vốn đầu tư từ nguồn dự phòng là 1000 tỉ đồng; vốn vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư cho một số công trình thiết yếu, cấp bách. Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương Quy chế tài chính đặc thù và vốn vay ODA của Nhật Bản trị giá gần 200 triệu USD cho Trường ĐH Việt Nhật.

Bộ Xây dựng đã thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu Dự án ĐHQGHN tỉ lệ 1/2000 tại Hòa Lạc bổ sung Viện Trần Nhân Tông và phê duyệt chủ trương quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 các dự án thành phần: Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Quốc tế. (xem tin chi tiết tại đây)

Ngày 11/3/2019, công trình tòa nhà HT1, thuộc Zone 4, công trình đầu tiên của Dự án Đầu tư xây dựng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tại Hòa Lạc đã tổ chức lễ cất nóc. Đây là công trình phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, có quy mô 5 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 14.330m2, bao gồm các giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng làm việc, phòng hội thảo, thư viện, phòng tự học…(xem tin chi tiết tại đây)

8. Nhiều cá nhân và tập thể của ĐHQGHN được vinh danh trong nước và quốc tế

Năm 2019 tiếp tục ghi nhận nhiều giải thưởng khoa học danh giá dành tặng các nhà khoa học, học sinh – sinh viên của ĐHQGHN. Ba nhà khoa học của ĐHQGHN là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Lê Hoàng Sơn có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới có trích dẫn khoa học nhiều nhất, do Tạp chí PLoS Biology công bố. Giải thưởng Kovalevskaia tôn vinh tập thể nữ cán bộ thuộc Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. (xem tin chi tiết tại đây)

GS.TS Lê Ngọc Thành – Chủ nhiệm Khoa và GS.TS Trần Bình Giang – Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược đã vinh dự đón nhận 02 Giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 lĩnh vực Y Dược. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc là 1 trong 10 cá nhân nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019 nhờ những đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. (xem tin chi tiết tại đây)

Năm 2019 cũng là năm bội thu huy chương quốc tế của học sinh Trường THPT chuyên trong ĐHQGHN: 02 huy chương Vàng, 06 huy chương Bạc và 03 huy chương Đồng ở các kỳ thi Olympic quốc tế; 15 Huy chương vàng các cuộc thi khu vực Châu á và khu vực. (xem tin chi tiết tại đây)

9. ĐHQGHN tích cực tham gia hợp tác quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Bên cạnh các dự án hợp tác quốc tế đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực và các nguồn lực cho sự phát triển của ĐHQGHN và các đơn vị, tính quốc tế hóa ở ĐHQGHN còn được đẩy mạnh thông qua chuỗi hội nghị chuyên đề với sự chia sẻ của các chuyên gia quốc tế đến từ các Đại học danh tiếng thế giới.

Năm 2019, ĐHQGHN tham dự Hội nghị bàn tròn Giám đốc các Đại học Châu Á – Thái Bình Dương để tìm hiểu cơ hội và ký kết hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga, góp phần làm phong phú thêm mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga.(xem tin chi tiết tại đây)

Cũng trong năm 2019, ĐHQGHN đã tiếp tục khẳng định vai trò chủ chốt trong các tổ chức quốc tế mà ĐHQGHN là thành viên như Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Mạng lưới các Đại học ASEAN , Tổ chức Đại học Pháp ngữ thông qua việc tích cực và chủ động tham dự các hoạt động thường niên, các cuộc họp, hội nghị/hội thảo, diễn đàn chính sách, kế hoạch hoạt động, chương trình hợp tác, các diễn đàn và chương trình giao lưu sinh viên quốc tế.

10. Các đơn vị của ĐHQGHN kỷ niệm ngày truyền thống

Năm 2019 là cột mốc đánh dấu những chặng đường phát triển của nhiều đơn vị trong ĐHQGHN. Đó là chặng đường 30 năm truyền thống và 15 năm thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển. 15 năm cũng là khoảng thời gian xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh từ những ngày đầu cho đến khi lớn mạnh thành một mắt xích quan trọng trong mặt trận quốc phòng toàn dân của đất nước.

Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao, ĐHQGHN cũng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trong năm nay, đánh dấu sự trưởng thành của một đơn vị đầu ngành về lĩnh vực giáo dục thể chất trong các trường ĐH của cả nước. (xem tin chi tiết tại đây)

Với 20 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Giáo dục trở thành tên tuổi uy tín trong lĩnh vực Khoa học Giáo dục và Khoa học Sư phạm, góp tiếng nói chung của các Nhà giáo dục vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.(xem tin chi tiết tại đây)

Năm 2019, Trường ĐH Kinh tế ôn lại những chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành của đơn vị mình nhân ngày Gặp mặt kỷ niệm 45 truyền thống và ra mắt Hội Cựu sinh viên. Trường ĐH Công nghệ cũng trang trọng kỷ niệm 15 năm thành lập và 20 năm truyền thống để cùng nhìn lại chặng đường phát triển, kiến tạo và khởi nghiệp.

Được biết đến là “ngôi trường của các thủ khoa”, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ đã tổ chức Lễ kỉ niệm 50 năm thực hiện công tác ươm tạo nguồn nhân tài ngoại ngữ cho đất nước. (xem tin chi tiết tại đây)

 


VNU Media

FullName Email
Address Security code HDBXMM
Content