Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

10 thành tựu tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2014

Đổi mới tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo, Nghiên cứu khoa học cơ bản gắn với chuyển giao, ứng dụng, Phát triển đội ngũ cán bộ theo tiếp cận quản trị nhân lực đại học tiên tiến, Hiện đại hóa công tác hành chính và quản trị, Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu đa nghành, đa lĩnh vực và mô hình định hướng nghiên cứu, Cơ sở vật chất được cải thiện đáng kể, Các chỉ số xếp hạng quốc tế tăng ...là những thành tựu trong số 10 thành tựu tiêu biểu năm 2014 của ĐHQGHN.

1. Đổi mới tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo  

- Đổi mới tuyển sinh theo huớng đánh giá năng lực của ĐHQGHN được triển khai nghiên cứu từ năm 2004 từ một đề tài cấp nhà nước. Đến nay, ĐHQGHN đã xây dựng được 4.500 câu hỏi nguồn, đào tạo được 50 cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao chuyên biên soạn câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực. Việc tổ chức thi và chấm thi đựợc thực hiện trực tiếp trên máy tính, bảo đảm tính khách quan, chính xác, công bằng. Năm 2014, có hơn 1.600 thí sinh của ĐHQGHN tham gia dự thi vào 4 hệ đào tạo: đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao và chuẩn quốc tế theo phương thức thi đánh giá năng lực. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra lỗi phần mềm. Qua phân tích kết quả đánh giá năng lực và so sánh với kết quả kì thi 3 chung của Bộ GD&ĐT cho thấy đề thi có chất lượng tốt.

- Ban hành quy hoạch 415 ngành, chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2014 - 2020 làm cơ sở để phân tầng chất lượng, định hướng  đầu tư, góp phần dự báo cung  cầu nhân lực của từng ngành, chuyên ngành đào tạo.

- Tỷ lệ sinh viên các hệ chất lượng cao, tài năng, tiến tiến, chuẩn quốc tế đạt 16%; 56% nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật - công nghệ tốt nghiệp có công bố trên các tạp chí ISI/Scopus. Nâng tỷ lệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp có việc làm và tiếp tục học tập, nghiên cứu ở trên thế giới hoặc các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp có uy tín trong nước đạt 15%.

- Học sinh trung học phổ thông chuyên đã giành được nhiều Huy chương Olympic quốc tế (1 Huy chương Vàng Toán học, 1 Huy chương Vàng Vật lý, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng Tin học), tiếp tục khẳng định truyền thống phát hiện và bồi dưỡng năng kiếu khoa học cơ bản của ĐHQGHN.

2. Nghiên cứu khoa học cơ bản gắn với chuyển giao, ứng dụng

- Nhiều công trình nghiên cứu cơ bản đạt trình độ quốc tế. Theo thông tin từ nguồn Web of Science: năm 2014 ĐHQGHN công bố 260 bài ISI với chỉ số trích dẫn trung bình của các bài báo ISI đạt 3,9; chỉ số h-index về tương quan giữa số lượng bài báo ISI và số lần trích dẫn là 24. Xuất bản 50 sách chuyên khảo chất lượng cao  (trong đó có 10 sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài).

- Nghiên cứu khoa học gắn với các vấn đề phát triển bền vững của đất nước, bao gồm các nhóm sản phẩm tiêu biểu như: 2082 nguồn gen đạt chuẩn quốc tế được đăng ký thành công vào cơ sở dữ liệu nguồn gen vi sinh vật toàn cầu làm nền tảng cho nghiên cứu phát triển công nghiệp sinh học hiện đại cho quốc gia; phát triển và ứng dụng công nghệ tin - sinh xây dựng hệ gen người Việt mở ra khả năng phân tích và chẩn đoán bệnh ở mức độ hệ gen, nâng cao chất lượng cuộc sống; khám phá đa dạng sinh học của Việt Nam với 57 loài côn trùng và giáp xác mới; phát hiện loại mang Roosevelt tại Việt Nam sau 85 năm loài mang tưởng chừng đã tuyệt chủng; tách thành công phytolith từ rơm rạ phục vụ ứng dụng trong lĩnh vực môi trường; công bố Bộ tư liệu lịch sử về chủ quyền biên giới lãnh thổ Việt Nam...

- Nghiên cứu gắn chuyển giao tri thức và công nghệ: 10 nhóm sản phẩm KH&CN đã được chuyển giao, điển hình là: ứng dụng sản phẩm dầu diesel sinh học chất lượng cao cho công ty vận chuyển khách Bài Thơ, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long; chế tạo hệ thống thiết bị và điều khiển trung tâm cho hệ thống chiếu sáng công cộng với công nghệ năng lượng mặt trời cho công ty cổ phần điện tử chuyên dụng Hanel; chuyển giao công nghệ bào chế thuốc viên nén bao phim Enereffect-Plus có độ ổn định cao cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Quảng Bình;; chuyển giao 11 chế phẩm vi sinh với Công ty TNHH dược phẩm Mê Linh; chuyển giao công nghệ sản xuất 3 loại bộ kít tinh sạch DNA/RNA bằng hạt nano từ bọc silica cho Công ty cổ phần ANABIO Research & Development; đưa vào sử dụng Bộ Công cụ đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt và phát triển hội nhập; chuyển giao kết quả nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên 2014 “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” cho Ban kinh tế trung ương và các bộ, ngành; chế tạo thành công Bộ sinh phẩm BRCA1-METHYL Test giúp hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú và Hệ điện di mao quản tự động phân tích đa chỉ tiêu trong môi trường...

- Theo thông tin từ nguồn của bảng xếp hạng Scimago, chỉ số đổi mới công nghệ của ĐHQGHN được xếp thứ 284 thế giới. Đồng thời, 35 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu (trong đó có 3 bằng sáng chế quốc tế) đã được công nhận hoặc/và chấp nhận đơn.

- Chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã triển khai bước đầu xây dựng được khung hệ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và đang nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các nhà khoa học và các địa phương.

3. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực và mô hình đại học định hướng nghiên cứu

- Hoàn thành giai đoạn 1 đề án Điều chỉnh, sắp xếp và phát triển tổ chức của ĐHQGHN. Trường Đại học Việt Nhật được thành lập, xây dựng các Đề án thành lập Viện Trần Nhân Tông và Viện nghiên cứu Tài nguyên môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, góp phần phát triển ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ có tiềm lực KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực có khả năng giải quyết các vấn đề trọng điểm của đất nước.

- Thành lập Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN, Trung tâm Hà Nội học; triển khai kế hoạch sắp xếp, phát triển tổ chức của các đơn vị thành viên, trực thuộc theo mô hình và cơ cấu tổ chức của đại học định hướng nghiên cứu.

- Xây dựng và phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm và nhóm nghiên cứu, trong đó có 16 nhóm nghiên cứu được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN làm cơ sở triển khai các nghiên cứu trọng điểm và hình thành các trường phái khoa học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.

4. Phát triển đội ngũ cán bộ theo tiếp cận quản trị nhân lực đại học tiên tiến

- Xây dựng và triển khai thực hiện một số nội dung của Đề án Phát triển đội ngũ nhà khoa học và cán bộ quản lý trình độ cao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đội ngũ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học của ĐHQGHN đạt tỉ lệ 47% tổng số cán bộ khoa học, riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế, tỷ lệ này đạt trên 65%. Tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ dưới 45 tuổi đạt 25%. Đội ngũ 48 giáo sư và 306 phó giáo sư chiếm 18,8% tổng số cán bộ khoa học, đảm bảo điều kiện triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao của ĐHQGHN và hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong cả nước.

- Nhằm mở rộng dân chủ và đổi mới công tác cán bộ, ĐHQGHN đã tổ chức thí điểm thành công thi tuyển một số vị trí lãnh đạo các Viện nghiên cứu khoa học thành viên.

- Tổ chức 5 khoá bồi dưỡng quản trị đại học cho cán bộ nguồn quy hoạch, các khoá bồi dưỡng tiếng Anh, các khóa bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh cho giảng viên góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

5. Hợp tác phát triển tăng cường vị thế và các nguồn lực

- Năm 2014 ĐHQGHN đã đón tiếp Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergey Yevgenyevich Naryshkin, Quốc vụ khanh Ai-len Kathleen Lynch; trao 05 bằng tiến sĩ danh dự cho các nhà khoa học quốc tế. Đồng thời, nhiều hợp tác với các trường đại học hàng đầu của LB Nga, Hoa kỳ và Nhật Bản được ký kết; các nhà khoa học của ĐHQHN được tặng bằng tiến sĩ danh dự và huân chương, bằng khen quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế.

- Hợp tác quốc tế góp phần phát triển yếu tố hội nhập của các phòng thí nghiệm, các nhóm nghiên cứu, gia tăng công bố quốc tế của CLB các nhà khoa học trẻ; tạo điều kiện tiếp nhận tri thức và công nghệ mới, triển khai các dự án quốc tế về mô hình tăng trưởng xanh tại Trường Đại học Kinh tế và Tỉnh Quảng Ninh; thu hút đầu tư cho Trường Đại học Việt Nhật; gia tăng giá trị các nguồn tài trợ quốc tế cho nghiên cứu, chuyển giao tri thức (đạt gần 50 tỷ đồng) và học bổng sinh viên (hơn 5 tỷ đồng). Diễn đàn Giám đốc các Đại học hàng đầu châu Á BESETOHA (Đại học Bắc Kinh, Đại học Seoul, Đại học Tokyo và ĐHQGHN) khẳng định quyết tâm và giải pháp phát huy vai trò của các đại học đối với tăng trưởng xanh của các quốc gia.

- Các chỉ số hội nhập và quốc tế hóa tiếp tục được gia tăng: 190 sinh viên ĐHQGHN được đi trao đổi quốc tế, 1004 sinh viên/nghiên cứu sinh/thực tập sinh quốc tế đến ĐHQGHN. Số lượng các nhà khoa học đi trao đổi học thuật, nghiên cứu và giảng dạy tại nước ngoài đạt 700 lượt. Số lượng các nhà khoa học quốc tế đến nghiên cứu, hợp tác trao đổi học thuật và giảng dạy ở ĐHQGHN là 403.

- Hợp tác phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ lãnh đạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp, địa phương. Hợp tác với các địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình Tây Bắc, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước.

6.  Cơ sở vật chất  được cải thiện đáng kể

Năm 2014, tổng diện tích sàn xây dựng của ĐHQGHN tăng hơn 25%, góp phần giảm bớt khó khăn về nhu cầu phục vụ  đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao, trong đó:

- Cơ sở vật chất tại khu vực nội thành Hà Nội được chỉnh trang, bổ sung khoảng 13.100 m2 cho các Công trình Khoa Y Dược, Trung tâm Văn hoá Sunwah - Trường Đại học Ngoại ngữ ở khu vực Cầu Giấy; Phòng khám đa khoa, Cải tạo nhà xe C2 ký túc xá Mễ trì, Cải tạo nâng tầng 10 nhà D2; Cải tạo phòng tự học nhà B2 thành phòng ở sinh viên KTX Mễ Trì, sân thể dục thể thao ở khu vực KTX Mễ Trì; khu vực 16 Hàng Chuối...

- Hai khu đơn nguyên nhà ở sinh viên Mỹ Đình đã được tiếp nhận với tổng diện tích gần 20.000 m2 sàn xây dựng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2300 sinh viên nội trú.

- Một số công trình nhà D2, D3, D4, D5 khu KTX số 4 và nhà công vụ số 1 với tổng diện tích sàn 29.657 m2 ở Hòa Lạc đã hoàn thành và được Bộ Xây dựng bàn giao cho ĐHQGHN đưa vào khai thác, sử dụng.

7. Hiện đại hoá rõ rệt công tác hành chính và quản lý

- Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, tốc độ đường truyền internet được nâng cấp lên 4 lần so với năm 2013. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNU E-office được vận hành đồng bộ trong toàn ĐHQGHN, góp phần kết nối thông tin quản lý, điều hành, báo cáo, thống kê nhanh chóng, kịp thời; đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết công việc.

- Phần mềm quản lý đào tạo đại học và sau đại học được tiếp tục hoàn thiện; quá trình đăng ký môn học của sinh viên đã được cải thiện; hỗ trợ công tác thống kê, quản lý và nâng cao kỷ cương đào tạo.

8. Có sự đột phá trong kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế

- Triển khai hoạt động của Trung tâm Kiểm định giáo dục, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho 200 người, trong đó có 70 người đã được cấp thẻ hành nghề đánh giá viên và kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN, nâng tổng số các chương trình đã được kiểm định AUN lên 11, khẳng định chất lượng đào tạo cao, hướng tới chuẩn quốc tế của ĐHQGHN.

9. Nhiều tập thể và cá nhân được vinh danh

- Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ KH&CN là giải thưởng hàng năm nhằm vinh danh các nhà khoa học có công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong lần đầu tiên tặng thưởng năm 2014, có 02 nhà khoa học của Việt Nam được trao giải, trong đó có GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

- Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu cao quý cho 19 nhà giáo tiêu biểu của ĐHQGHN gồm 5 Nhà giáo nhân dân và 14 Nhà giáo ưu tú. Nhiều đơn vị thuộc ĐHQGHN đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, đặc biệt Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Trường Đại học Ngoại ngữ nhận Quyết định tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất.

10. Các chỉ số xếp hạng quốc tế tăng

- ĐHQGHN thuộc nhóm 161-170 trong bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) Asia, tăng 40 bậc so với năm 2013, đứng đầu Việt Nam (tiếp theo là ĐHQG TpHCM thuộc nhóm 191-200, trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300); ba lĩnh vực của ĐHQGHN thuộc nhóm 100 châu Á (khoa học tự nhiên: 59, kỹ thuật - công nghệ: 59 và khoa học xã hội - quản lý: 87), khẳng định uy tín học thuật tầm châu lục.

ĐHQHN xếp thứ 899 thế giới, đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics (tiếp theo là Trường ĐH Cần thơ thứ 1850, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thứ 1935) và thuộc nhóm 3 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam (ĐHQG TpHCM, ĐHQGHN, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) trong bảng xếp hạng Scimago về thành tích nghiên cứu khoa học. 

Xem bài gốc >>


VNU Media

FullName Email
Address Security code IPWPSQ
Content