Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

THEO CHÂN SINH VIÊN LỚP QH-2018-E KTQT CLC 5 ĐI THỰC TẾ TẠI HẢI PHÒNG

Ngày 16 và 17 tháng 10 năm 2020, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đã tổ chức thành công chương trình đi thực tế cho lớp QH-2018-E KTQT CLC 5 tại Hải Phòng.

Với mục tiêu đào tạo “học đi đôi với hành”, nhằm trang bị cho sinh viên không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn, mà còn hiểu rõ về thực tiễn công việc trong tương lai, ngày 16 và 17 tháng 10 vừa qua, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đã phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức buổi tham quan thực tế cho các bạn sinh viên lớp QH-2018-E KTQT CLC 5.

Cùng tham gia với các bạn sinh viên trong chuyến đi lần này, có TS. Phạm Thu Phương – giảng viên, cố vấn học tập của lớp và các thầy cô giảng viên của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế. Hành trình của các bạn sinh viên kéo dài 2 ngày 1 đêm, với những điểm đến chính: Nhà máy nhôm DST Hải Phòng, Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ An Đồng, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, tham quan thực tế Chi nhánh Cảng Tân Vũ và giao lưu với Lữ đoàn 131 Quân chủng Hải quân.

Trải qua nhiều ngày mưa lớn, sáng 16/10/2020, Hải Phòng đón đoàn chúng tôi bằng tiết trời khô ráo và hửng nắng. Đoàn giảng viên và sinh viên Khoa đã khởi hành từ Đại học Quốc gia Hà Nội để đến với địa điểm đầu tiên: Nhà máy nhôm DST Hải Phòng tại khu công nghiệp Tam Quán. Tại đây, dưới sự giới thiệu của anh Lê Chiến Thắng - giám đốc Công ty Cổ phần DST Hà Nội và anh Đỗ Ngọc Tuấn- cán bộ phụ trách mảng xuất nhập khẩu của công ty, các bạn sinh viên đã được tham quan quy trình sản xuất sản phẩm từ công đoạn nấu đúc Aluminium ingot tạo ra Billet với những thành phần hợp kim theo các mác nhôm tiêu chuẩn và sản phẩm đa dạng theo yêu cầu khách hàng. Sinh viên được tham quan phân xưởng khuôn với công nghệ đùn ép công suất từ 690T đến 2750T, công đoạn oxy hóa mạ màu xử lý bề mặt sản phẩm trên dây chuyền anode hiện đại. Các sản phẩm sơn tĩnh điện được phủ phim, vân gỗ với nhiều màu sắc, kích cỡ. Các bạn sinh viên đã được tận mắt nhìn thấy dây chuyền biến một thanh phôi nhôm nặng tới 237 kg thành những sản phẩm đa dạng … Qua chia sẻ của doanh nghiệp, các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về một số loại chi phí và quy mô, công suất 11.000 tấn sản phẩm/năm của một nhà máy sản xuất công nghiệp trong nước.

Cô giáo cùng các bạn sinh viên đang lắng nghe anh Tuấn giới thiệu về quá trình sản xuất tại xưởng nhôm
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng được tham quan Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ An Đồng chuyên về lĩnh vực đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy, gia công kết cấu, chế tạo cơ khí chính xác. Sinh viên được hướng dẫn đi thăm quan xưởng sửa chữa và đóng mới tàu, được đứng trên một chiếc tàu thuỷ 3000 tấn đang được hoàn thiện tại đây.

Các bạn sinh viên rất hào hứng đặt ra những câu hỏi cho doanh nghiệp, để rồi từ đó, câu chuyện ảnh hưởng của Việt Nam trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay tác động của COVID-19 tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sản xuất nhôm và đóng tàu không chỉ còn là câu chuyện trên những trang báo được đọc, mà là chuyện thật, việc thật được nhìn thấy và cảm nhận.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà máy nhôm DST

Cùng ngày, Đoàn đã có chuyến trải nghiệm, học tập tại Lữ đoàn 131 Quân chủng Hải quân. Lần đầu đến với Thành phố Cảng, được trải nghiệm trong môi trường lính biển nên mỗi chúng tôi mang trong mình nhiều cảm xúc khác nhau xen lẫn cả háo hức và hồi hộp. Sau khi ổn định nơi ăn, nghỉ Đoàn được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp đón rất nồng nhiệt. Chúng tôi được tìm hiểu về truyền thống của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, về hoạt động của Lữ đoàn 131 HQ. Tại buổi nói chuyện, Đoàn được Thượng tá Vũ Quang Khoát – Phó Chính uỷ Lữ đoàn trao đổi về vấn đề phát triển kinh tế gắn liền với an ninh biển, các bạn sinh viên đã được làm quen, giao lưu với các chiến sĩ Hải quân tại Lữ đoàn, tìm hiểu ý nghĩa sắc trắng của trời và màu xanh của biển qua bộ quân phục - biểu tượng của người chiến sĩ Hải quân. Những câu chuyện về cuộc sống của các anh khi thực hiện nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ. Đặc biệt là Trường Sa - nơi luôn phải đối mặt với biết bao sóng gió hiểm nguy để cùng đồng đội giữ gìn và bảo vệ từng tấc đảo, sải biển của Tổ quốc khiến cho mỗi bạn trẻ chúng tôi thêm yêu quê hương, yêu đất nước mình.

Một đêm giao lưu văn nghệ nhiều cảm xúc với các anh chiến sĩ hải quân

Tối cùng ngày, chương trình giao lưu văn nghệ và thể dục thể thao “Thắm tình quân dân” giữa giảng viên, sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế với cán bộ, chiến sĩ tại Lữ đoàn 131 Quân chủng Hải quân đã đọng lại nhiều cảm xúc trong chúng tôi. Nhân dịp này, thủ trưởng Lữ đoàn 131 và đại diện cấp uỷ, chi bộ Khoa KT và KDQT đã trao tặng cho nhau những món quà kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa.

Đại diện đoàn gửi tặng các cán bộ chiến sĩ tại Lữ đoàn chậu hoa lan hồ điệp tím – loài hoa của sự tôn trọng và ngưỡng mộ.

 

  Đảng uỷ, chỉ huy lữ đoàn 131 tặng Đoàn bức ảnh hoa bàng vuông Trường Sa

Hoạt động cuối cùng trong chuyến trải nghiệm tại Lữ đoàn là được theo chân các chiến sĩ công binh thăm quan phòng truyền thống của Lữ đoàn, các bạn sinh viên đã được tìm hiểu, tận mắt chứng kiến những hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử và những công trình trên đảo dưới bàn tay, công sức của những người lính công binh. Những ký ức hào hùng của một thời vác đá xây Trường Sa, của những ngày “lưng trần cõng nắng” bằng ý chí, nghị lực và biết bao mồ hôi, thậm chí phải đánh đổi cả máu và tính mạng của những đồng đội nằm lại đảo đã được tái hiện trước mắt chúng tôi thông qua những lời kể của của những người lính công binh. Thông qua những trải trải nghiệm tại Lữ đoàn 131 Quân chủng Hải quân, giảng viên, sinh viên chúng tôi đã được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp thêm sức mạnh, lòng nhiệt huyết để cháy sáng hơn ngọn lửa tình yêu với người lính biển và trách nhiệm của thế hệ trẻ với Tổ quốc thân yêu.

Rời Lữ đoàn công binh 131, cũng trong buổi sáng ngày 17/10, các bạn sinh viên được đến nghe báo cáo tại Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, tham quan thực tế tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ. Các bạn sinh viên được anh Lê Minh Hải, Trưởng phòng kinh doanh - cựu sinh viên của Khoa giới thiệu về hệ thống Cảng Hải phòng. Đây là hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông quan lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam, có hệ thống thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp với phương thức vận tải, thương mại quốc tế.

Các bạn sinh viên được dẫn đi tham quan thực tế một vòng cảng Tân Vũ với diện tích 550.000m2 với kho CFS và bãi container. Tại đây, các bạn sinh viên được trực tiếp quan sát quy trình làm việc tại cảng, bốc và dỡ hàng ở các cầu tàu, hệ thống cần trục giàn, cần trục chân đế, cần trục di động bánh lốp, xe nâng hàng container, xe vận chuyển, container lạnh,… Anh Lê Minh Hải cũng đã chia sẻ những lời khuyên rất chân thành về những cơ hội việc làm trong tương lai, và về những kỹ năng các bạn cần chuẩn bị trong 4 năm học đại học để có thể nắm bắt được những cơ hội đó: kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, ngoại ngữ,…

 


Một chuyến hành trình dài mở đầu năm thứ 3 – năm các bạn sinh viên được tiếp cận nhiều hơn với các môn chuyên ngành. Hy vọng rằng, chuyến đi thực tế lần này sẽ là một “sàng khôn” giúp các bạn sinh viên lớp QH-2018-E KTQT CLC 5 định hướng rõ hơn về con đường phía trước của mình!
Thu Trang

Thu Trang

FullName Email
Address Security code VEVYSI
Content