Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đồng tổ chức thành công Hội thảo hợp tác và hội nhập Kinh tế quốc tế lần thứ 12(CIECI 2024)

Chuỗi hội thảo thường niên về Hợp tác và Hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ 12 (CIECI 2024) với chủ đề: "Chính sách và Thực hành xanh: Chất xúc tác hay sức ép cho thương mại và đầu tưvừa diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cùng chung một nhận định rằng tiến trình toàn cầu hóa đã diễn ra sâu rộng với việc các quốc gia tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư khiến dòng thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế gia tăng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua.



Toàn cảnh Hội thảo CIECI 2024
Hội thảo được tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF), Confab 360 Degree (Ấn Độ), Trường Đại học Ngoại thương (Việt Nam), Trường Đại học Adelaide (Úc), Trường Đại học Kinh tế - Luật (Việt Nam), Trường Đại học Rangsit (Thái Lan) và Trường Đại học Sofia (Bulgaria).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, PGS.TS Lê Trung Thành cho biết: “Thương mại và đầu tư toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, như ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Báo cáo của WTO cho thấy các hoạt động thương mại chiếm từ 20% - 30% lượng phát thải carbon toàn cầu, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Trong khi các quốc gia phát triển đã thực hiện nhiều biện pháp giảm phát thải, các quốc gia đang phát triển thường gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực và quy định còn yếu kém. Hội thảo CIECI 2024 là diễn đàn khoa học tầm quốc tế, quy tụ nhiều chuyên gia nhằm thảo luận về tác động kinh tế của các chính sách xanh, chuyển đổi số và chiến lược phát triển bền vững.” 

PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Bà Vanessa Kristina Steinmetz, Giám đốc quốc gia, Viện Friedrich Naumann for Freedom, Việt Nam - đại diện đơn vị đồng tổ chức phát biểu khai mạc qua Zoom

Hội thảo đã tập trung phân tích những nghiên cứu xoay quanh các chủ đề quan trọng như tương lai của thương mại xanh trong một thế giới phân hóa và vai trò của nó trong phục hồi kinh tế toàn cầu; phân tích về các thực hành xanh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, tài chính, du lịch và logistics, cùng với các giải pháp tài chính và kỹ thuật số sáng tạo, sẽ mang đến lộ trình giải quyết các thách thức toàn cầu.

Tại phiên khai mạc nhiều chuyên gia đến từ các đại học, học viện uy tín trên thế giới đã chia sẻ về tiến trình toàn cầu hóa đã diễn ra sâu rộng với việc các quốc gia tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư khiến dòng thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế gia tăng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Tăng trưởng thương mại và đầu tư trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế song cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái môi trường ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước, mất đa dạng sinh học.


 

GS. Peter Draper - Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Adelaide, Úc chia sẻ về bài toán triển vọng xanh hóa thương mại trong một thế giới chia rẽ giá trị
Bài tham luận "Can rational climate policy reintegrate the world", trình bày bởi GS. Andreas Freytag, Giám đốc Viện Tutwa Europe, Đại học Friedrich-Schiller Jena, Đức
GS. Yovogan Marcellin, Trường Đại học Sofia, Bulgaria lý giải việc triển khai các yêu cầu về tài chính xanh và ESG có thể nâng cao hiệu quả tài chính của các công ty công nghệ tài chính bằng cách thu hút các nhà đầu tư có ý thức xã hội và mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội tài trợ xanh. Ông cũng lưu ý chi phí tuân thủ liên quan và nhu cầu tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động ban đầu có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ tài chính có quy mô nhỏ.
Giáo sư Andreas Hauskrecht, Kelley Business School, Indiana University, USA
 

Sau các bài phát biểu nghiên cứu chuyên sâu, Hội thảo đã diễn ra các phiên thảo luận bàn tròn, dưới sự tham dự của các giáo sư, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các bộ ban ngành cùng tham gia thảo luận xoay quanh chủ đề của Hội thảo. 
 

Các phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo đã được các chuyên gia đưa ra những góc nhìn nhận đa chiều về các chủ đề của Hội thảo

Theo các chuyên gia kinh tế, khi biến đổi khí hậu và tính bền vững của môi trường trở thành trọng tâm trong cả chương trình nghị sự công và tư, các quốc gia và công ty ngày càng áp dụng các chính sách xanh nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy năng lượng tái tạo và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Các thỏa thuận quốc tế, quy định xanh hóa trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có vai trò định hình chính sách xanh của các quốc gia. Hướng đến đầu tư và thương mại xanh, các quốc gia sẽ mở rộng cơ hội thương mại quốc tế, dòng vốn FDI sẽ tập trung hơn đến phát triển ngành công nghiệp bền vững. Song các quốc gia sẽ gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt là về chi phí và mức độ rủi ro cao.

Do đó, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những hàm ý chính sách nhằm giúp các chính phủ và doanh nghiệp vượt qua những thách thức nảy sinh trong quá trình hướng đến xanh hóa hoạt động thương mại và đầu tư.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng như các nước cần tăng cường các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong việc chuyển đổi bền vững; Xây dựng khung pháp lý rõ ràng về tiêu chuẩn môi trường và yêu cầu tài chính xanh (ESG), giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và hội nhập thị trường quốc tế; Phát triển các hiệp định thương mại xanh, tích hợp yêu cầu về bền vững trong các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương; Nâng cao năng lực về thương mại và đầu tư xanh thông qua việc hợp tác quốc tế trong đào tạo, chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ; Thúc đẩy vai trò của SMEs trong thương mại và đầu tư xanh, xem đây là động lực cho sự chuyển đổi bền vững của nền kinh tế.

Các nhà khoa học tham gia Hội thảo chụp hình lưu niệm cùng Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Ban tổ chức hội thảo CIECI 2024 tin tưởng rằng, sau 2 ngày diễn ra, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước, nhà khoa học và quản trị doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Thông qua việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Hội thảo là cơ hội quý giá để các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ tri thức, xây dựng các mối  quan hệ hợp tác quốc tế và củng cố sự hợp tác của Trường Đại học Kinh tế trong nghiên cứu và xuất bản với đối tác hợp tác. CIECI 2024 sẽ góp phần đưa gia giải pháp và xác định các định hướng chiến lược để Việt Nam thúc đẩy thương mại, đầu tư xanh phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


 


Báo chí đưa tin về Hội thảo:

 Đài TH Nhân dân: https://nhandantv.vn/chuong-trinh-thoi-su-sang-ngay-23-11-2024-d262904.htm

Đài Phát thanh & TH Hà Nội: https://m.youtube.com/watch?v=_u7c01g8xmk

 Báo Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-xanh-dang-tac-dong-den-dong-chay-thuong-mai-va-dau-tu-360335.html

Báo Chính phủ: https://baochinhphu.vn/chinh-sach-xanh-tac-dong-manh-me-den-xu-huong-thu-hut-dau-tu-102241122184418949.htm

Trang thông tin ĐHQGHN: https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N35972/(CIECI-2024)-Thuc-day-cac-chinh-sach-thuc-hanh-xanh-va-thuong-mai-dau-tu-xanh.htm

Báo Đầu tư: http://vir.com.vn/green-policies-and-practices-catalyst-or-challenge-115615.html


Thanh Mai, Văn Huynh - UEB Media