Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các giải pháp phát triển khởi nghiệp, kinh doanh bền vững cho sinh viên

Nằm trong khuôn khổ Dự án Quản trị khởi nghiệp, thúc đẩy sự đổi mới và tài năng (EM4FIT) do Liên minh Châu Âu EU tài trợ, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Toạ đàm "Các yếu tố thúc đẩy và cản trở đối với khởi nghiệp và kinh doanh bền vững" vào ngày 07/5/2024. Với sự tham gia chia sẻ của PGS.TS. Simon Jebsen và PGS.TS. Martin Senderovitz đến từ trường Đại học Nam Đan Mạch, buổi tọa đàm đã thu hút được sự tham gia đông đảo đến từ cán bộ giảng viên, học viên và sinh viên.



Tính bền vững trong khởi nghiệp và kinh doanh đang nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây. Thông qua các chương trình hành động quốc gia và quốc tế, việc khởi nghiệp và kinh doanh bền vững đang có được động lực phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đổi mới công nghệ, mô hình và quy trình kinh doanh để đạt được tính bền vững trong hoạt động kinh doanh của mình. Khởi nghiệp và kinh doanh bền vững vượt trội hơn các mô hình kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận thông thường bằng cách kết hợp trách nhiệm môi trường, lợi ích xã hội và hiệu quả kinh tế. Đặc trưng của mô hình này là sự đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề sinh thái và xã hội; nhấn mạnh ba điểm mấu chốt là con người, môi trường và lợi nhuận; tạo ra giá trị lâu dài đồng thời tôn trọng các giới hạn sinh thái. 

PGS.TS. Phan Chí Anh – Giảng viên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại tọa đàm
PGS.TS. Martin Senderovitz chia sẻ về mối liên kết giữa các doanh nghiệp và tính bền vững

Ở Việt Nam, khởi nghiệp và kinh doanh bền vững được thúc đẩy bởi các yếu tố như ảnh hưởng quốc tế, chính sách khuyến khích của chính phủ, nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường và xã hội. Tuy nhiên, những thách thức còn tồn tại đối với Việt Nam bao gồm sự hạn chế trong khả năng tiếp cận công nghệ bền vững, sự phức tạp trong việc tuân thủ các quy định, và nhu cầu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế nhanh chóng với lợi ích sinh thái lâu dài.

PGS.TS. Simon Jebsen chia sẻ về các yếu tố cấu thành và tác động tới tính bền vững trong phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế

Thông qua phương pháp tương tác tích cực, các chuyên gia đến từ trường Đại học Nam Đan Mạch đã trình bày các khía cạnh của khái niệm tính bền vững (sustainability) theo cách tiếp cận quốc tế. Với điểm nhìn tại một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, các sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng đã chia sẻ những ý kiến thú vị. Cụ thể, tính bền vững không chỉ là đạt được hiệu quả về kinh tế mà còn phải đảm bảo được sự phát triển lâu dài của môi trường, đi kèm với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. 

Sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh trao đổi ý kiến với các chuyên gia  đến từ trường Đại học Nam Đan Mạch

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng giới thiệu một số lý thuyết và mô hình thành công trong thực tiễn, từ đó rút ra kinh nghiệm về kinh doanh bền vững đối với cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, kinh doanh bền vững cần phải trở thành trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Kết thúc buổi tọa đàm, các chuyên gia đánh giá cao sự tham gia và ý kiến đóng góp đến từ giảng viên, học viên và sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. 

Hai diễn giả khách mời đánh giá cao tinh thần nghiên cứu và thái độ học tập tích cực của sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐQHGHN 

Buổi tọa đàm đã mang tới những trải nghiệm bổ ích cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế nói chung và Quản trị Kinh doanh nói riêng trong một môi trường giáo dục được quốc tế hóa mạnh mẽ. Các thông tin và nội dung trng tọa đàm đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kinh doanh bền vững đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời thông qua những tình huống thực tiễn sinh viên đã được rèn luyện tư duy phản biện và khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quản trị doanh nghiệp theo hướng tới phát triển bền vững. Không chỉ có vậy, những chia sẻ của các chuyên gia trong buổi tọa đàm còn truyền cảm hứng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp theo hướng bền vững của sinh viên. 

Các chuyên gia chia sẻ về niềm vui khi có cơ hội được ghé thăm Việt Nam và tham gia trao đổi cùng sinh viên, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN 

Tham gia tọa đàm là cơ hội tuyệt vời để sinh viên gặp gỡ, học hỏi và tiếp cận với những quan điểm mới nhất về kinh doanh bền vững đến từ những chuyên gia quốc tế. Với những lợi ích mang lại, hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với các chuyên gia trong khuôn khổ dự án EM4FIT sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới.


ThS. Hoàng Trọng Trường, Viện Quản trị kinh doanh và Thu Trang - UEB Media