Thông tin luận án tiến sĩ nghiên cứu sinh Hoàng Đàm Lương Thúy

 Tên đề tài luận án: Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng: Nghiên cứu điển hình ứng dụng kết nối vận tải tại thị trường Việt Nam



1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Hoàng Đàm Lương Thuý        2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 03/07/1994                                                        4. Nơi sinh: Thái Nguyên

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: số 3894/QĐ-ĐHKT ngày 15/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: 

7. Tên đề tài luận án: Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng: Nghiên cứu điển hình ứng dụng kết nối vận tải tại thị trường Việt Nam

8. Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh                                  9. Mã số: 9340101.01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Vũ Trí Dũng – PGS.TS Nguyễn Thu Hà

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

  • Những đóng góp về mặt học thuật, lý luận

(i) Nghiên cứu bổ sung đóng góp về mô hình nghiên cứu 

Các nghiên cứu về ý định chấp nhận công nghệ đang được đánh giá dưới nhiều nhân tố ảnh hưởng khác nhau; do vậy nghiên cứu này tiếp thu, kế thừa, điều chỉnh các lý thuyết về ý định người tiêu dùng nói chung và ý định chấp nhận công nghệ nói riêng, đồng thời bổ sung các nhân tố mới nhằm đề xuất khung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam trên 3 khía cạnh cá nhân – công nghệ - môi trường. Một số mô hình lý thuyết nền tảng được sử dụng như mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) (Davis, 1989), mô hình công nghệ-cá nhân-môi trường (TPE) (Jiang và cộng sự, 2010), học thuyết nhận thức xã hội (Bandura và Hall, 2018); bên cạnh đó, một số nhân tố mới được bổ sung vào mô hình nghiên cứu như Chánh niệm (Langer, 2020) và Sự sẵn sàng công nghệ (Parasuraman và Colby, 2015). Đây đều là các mô hình lý thuyết uy tín và những nhân tố phù hợp với sự phát triển của công nghệ và hành vi người tiêu dùng đối với sản phẩm công nghệ hiện nay.

(ii) Nghiên cứu bổ sung đóng góp về phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu kết hợp sử dụng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục khoa học (bibliometric analysis) và phân tích nội dung (content analysis) để tổng quan tình hình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Dữ liệu thứ cấp để tổng quan tình hình nghiên cứu được tham khảo từ các tài liệu khoa học, đặc biệt theo 2 danh mục uy tín trên thế giới: Scopus và Web of Science. Bên cạnh đó, thay vì kiểm chứng các mối quan hệ đơn lẻ, luận án kiểm định đồng thời mối tương quan giữa tất cả các nhân tố trong mô hình nghiên cứu đề xuất bằng phần mềm SmartPLS 4.0. 

(iii) Nghiên cứu bổ sung đóng góp về kết quả nghiên cứu 

Đối với thang đo lường các biến trong mô hình nghiên cứu, mặc dù vẫn kế thừa nội dung từ các nghiên cứu uy tín trước đó, tác giả đã có sự điều chỉnh cần thiết và bổ sung một số thang đo mới để phù hợp với bối cảnh nghiên cứu ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng đối với ứng dụng kết nối vận tải tại Việt Nam thông qua nghiên cứu định tính. 

Đối với kết quả phân tích dữ liệu, khác với các nghiên cứu trước về ý định chấp nhận công nghệ, nghiên cứu này kết hợp 03 khía cạnh quan trọng là cá nhân – môi trường – công nghệ trong việc phân tích thái độ và ý định của người tiêu dùng tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp các bằng chứng thực chứng về mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa các nhân tố độc lập với thái độ và ý định chấp nhận công nghệ, đồng thời so sánh sự khác biệt về ý định chấp nhận công nghệ giữa các nhóm người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh ứng dụng kết nối vận tải. 

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

Về mặt hàm ý, luận án đưa ra 3 hàm ý chính cho cả các nhà quản trị và các nhà nghiên cứu gồm (i) duy trì mức độ tốt của nhân tố chánh niệm trong tâm trí người tiêu dùng, nhân tố điều kiện thuận lợi từ môi trường xã hội, (ii) phát triển khía cạnh nhận thức hữu ích trong tâm trí người tiêu dùng và (iii) chỉ ra một số nhân tố chưa thật sự cần ưu tiên giải quyết, nhưng nên tiếp tục quan sát trong tương lai như sự sẵn sàng công nghệ, thói quen của người tiêu dùng. 

Về mặt giải pháp, luận án xây dựng giải pháp cho nhà quản trị doanh nghiệp trong kinh doanh ứng dụng kết nối vận tải và đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo cho các nhà nghiên cứu. Các giải pháp được đưa ra theo từng nhóm nhân tố trong mô hình nghiên cứu như nhân tố cá nhân, công nghệ, môi trường và giải pháp của từng nhóm nhân tố cũng được đưa ra theo mức độ quan trọng dựa vào hàm ý nghiên cứu.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: 

Thứ nhất, phạm vi không gian của nghiên cứu là tại Việt Nam với đối tượng khảo sát là 498 người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát cho thấy có 67.3% người tiêu dùng tham gia khảo sát đến từ một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…và chỉ có 32.7% người tiêu dùng từ các thành phố nhỏ khác. Vì vậy, đối tượng mẫu hiện nay có thể chưa đánh giá một cách toàn diện và tổng thể các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ứng dụng kết nối vận tải của người tiêu dùng trên phạm vi thị trường Việt Nam. Các nghiên cứu trong tương lai nên được thực hiện với số lượng mẫu lớn hơn với đối tượng đa dạng hơn là tập trung tại các thành phố lớn như hiện nay.

Thứ hai, mô hình nghiên cứu đã tìm hiểu các nhân tố trên đa khía cạnh như cá nhân, công nghệ, môi trường ảnh hưởng đến ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, chánh niệm là một nhân tố mới trong quản trị kinh doanh, nhưng lại được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tâm lý học. Vì vậy, các nhà khoa học cần đặc biệt quan tâm nhân tố chánh niệm khi tìm hiểu hành vi người tiêu dùng, đặc biệt hành vi chấp nhận công nghệ để đánh giá tổng quát nhất trạng thái của mỗi cá nhân trước một sản phẩm/dịch vụ công nghệ cụ thể. Một trong những nhân tố quan trọng thuộc nhóm công nghệ là nhận thức sự hữu ích với mức độ cảm nhận thấp nhưng mức độ ảnh hưởng lại cao. Điều này có nghĩa là nhận thức của các đáp viên về nhân tố nhận thức sự hữu ích của ứng dụng kết nối vận tải còn khá thấp so với mức trung bình của các nhân tố khác; trong khi đó đây được coi là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến thái độ và ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng. Các nhà nghiên cứu tiếp theo cần đánh giá kỹ hơn mức độ cảm nhận của người tiêu dùng với nhân tố nhận thức sự hữu ích trong các bối cảnh chấp nhận công nghệ khác nhau chứ không tập trung vào mỗi ứng dụng kết nối vận tải. 

Ngược lại, vẫn còn một số các yếu tố khác chưa được đề cập đến ví dụ như chất lượng dịch vụ (thuộc yếu tố công nghệ), nhận thức rủi ro về sản phẩm, nhận thức rủi ro về giao dịch trực tuyến (thuộc yếu tố cá nhân),… Ngoài ra, nghiên cứu hiện nay chỉ dừng ở ý định chấp nhận công nghệ, mà chưa đánh giá hành vi sử dụng sản phẩm công nghệ. Do vậy, các nghiên cứu trong tương lai nên mở rộng mô hình nghiên cứu để tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng sản phẩm công nghệ của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.

Thứ ba, bối cảnh nghiên cứu là ứng dụng kết nối vận tải hành khách nói chung. Đây là một lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng khá rộng và đa dạng với nhiều thương hiệu khác nhau, từ quốc tế đến nội địa như Grab, Be, Go-jek, các hãng taxi truyền thống ứng dụng công nghệ,...Các nghiên cứu trong tương lai nên nghiên cứu cụ thể tại từng thương hiệu, hoặc có sự đánh giá so sánh sự khác biệt về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng với từng thương hiệu riêng biệt. 

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

STT

Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án

1

Nguyen, H. K., & Hoang, T. D. L. (2022). Customer behavioral intentions in accepting technology-based ride-hailing service: Empirical study from Vietnam. Management & Marketing. Challenges for the Knowledge Society, 17(3), 272-291 (SCOPUS Q2)

2

Hoàng Đàm Lương Thuý & Nguyễn Thu Hà (2022). Tác động của chánh niệm đến ý định sử dụng dịch vụ kết nối vận tải của người tiêu dùng tại Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, 33 (12), 92-108

3

Hoàng Đàm Lương Thuý, Nguyễn Minh Hào, Tống Khánh Linh & Lê Thị Mai Hương (2023). Ý định sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ của người tiêu dùng Hà Nội trong đại dịch COVID-19. VNU Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh3(1), 49-58

4

Hoang, T. D. L; Nguyen, H. T; Vu, D. T & Le, A. T. T. (2023). The role of mindfulness in promoting purchase intention. Spanish Journal of Marketing   (Accepted Manuscript)  (SCOPUS Q2).

5

Hoàng Đàm Lương Thuý (2023). Ảnh hưởng của nhận thức đến ý định sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ của khách hàng cá nhân tại Hà Nội. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 21(7),  99-102.

Xem thêm thông tin luận án tại đây./.


Phòng Đào tạo