Tên đề tài: Tác động của phân cấp tài khóa đến hiệu quả chi ngân sách địa phương ở Việt Nam
1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Hoàng Minh 2. Giới tính: Nam
3. Ngày sinh: 08/11/1992 4. Nơi sinh: Ninh Bình
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: Quyết định số 2417/QĐ-ĐHKT ngày 09/9/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có): Không
7. Tên đề tài luận án: Tác động của phân cấp tài khóa đến hiệu quả chi ngân sách địa phương ở Việt Nam
8. Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
9. Mã số: 9340201.01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, TS. Nguyễn Thị Nhung
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Mục tiêu nghiên cứu: Luận án có mục tiêu đánh giá tác động của phân cấp tài khoá đến hiệu quả chi ngân sách địa phương ở Việt Nam, từ đó rút ra hàm ý chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống phân cấp tài khóa ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là những vấn đề lý luận và thực tiễn về phân cấp tài khóa, hiệu quả chi ngân sách địa phương, và tác động của phân cấp tài khóa đến hiệu quả chi ngân sách địa phương (trong phạm vi cấp tỉnh/thành phố).
Phương pháp nghiên cứu: tác giả thực hiện tổng quan nghiên cứu để xem xét, phân tích các phương pháp phân tích dữ liệu mà các nghiên cứu trước đây đã sử dụng để xây dựng mô hình nghiên cứu cho luận án này. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng các phương pháp phân tích định tính và định lượng để đưa ra các đánh giá, giải thích về mức độ phân cấp tài khoá, hiệu quả chi ngân sách địa phương và tác động của phân cấp tài khoá tới hiệu quả chi ngân sách địa phương. Với việc xác định được tiêu chí đo lường các biến và mô hình nghiên cứu, tác giả thực hiện thu thập các dữ liệu thứ cấp về phân cấp tài khoá, chất lượng dịch vụ công, tăng trưởng của kinh tế cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương. Dữ liệu được thu thập từ quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính và Tổng cục thống kê Việt Nam.
Kết quả chính và kết luận: Phân cấp tài khóa dựa trên chi tiêu (FDEX) có tác động tích cực đến chỉ số hiệu quả chi ngân sách của các địa phương. Phát hiện này có nghĩa là chính quyền địa phương với mức độ phân cấp tài khóa dựa trên chi tiêu cao hơn sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để chi tiêu hiệu quả, ủng hộ lý thuyết về phân cấp tài khóa. Mặt khác, cơ chế tự chủ tài chính (FDFA) không tác động đến chỉ số hiệu quả chi ngân sách của các địa phương. Thực tế ở Việt Nam, mặc dù chính quyền địa phương được giao một số nguồn thu nhưng về cơ bản vẫn phụ thuộc vào ngân sách cấp trên. Bên cạnh đó, các nguồn thu được coi là thuộc NSĐP nhưng chính quyền địa phương chỉ có quyền quản lý chứ chưa thực sự có quyền quyết định. Ngoài ra, các biến kiểm soát có tác động đến chỉ số hiệu quả chi ngân sách địa phương. Nói một cách chính xác, dân số có tác động tiêu cực đến chỉ số hiệu quả chi ngân sách địa phương, trong khi tỷ lệ biết chữ và quy mô khu vực kinh tế tư nhân có tác động tích cực đến chỉ số hiệu quả chi ngân sách địa phương.
Luận án đã có những đóng góp cho lý thuyết và thực tiễn hoạch định chính sách phân cấp tài khóa ở Việt Nam. Về lý thuyết luận án hệ thống hóa cơ sở lý luận và mô hình lý thuyết về tác động phân cấp tài khóa đến hiệu quả chi ngân sách địa phương, xây dựng được thang đo đánh giá hiệu quả chi ngân sách địa phương ở Việt Nam, bao gồm các tiêu chí về chất lượng dịch vụ công, tăng trưởng kinh tế địa phương và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Luận án cũng nhận thấy kết quả phân cấp tài khóa đến hiệu quả chi ngân sách địa phương phụ thuộc vào sự phân cấp theo từng nhiệm vụ chi được giao cho từng cấp CQĐP, khả năng kiểm soát của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới và năng lực của chính quyền được phân cấp. Về thực tiễn luận án cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một bức tranh tổng quát về phân cấp tài khóa cùng với những khuyến nghị cho việc hoàn thiện phân cấp tài khóa trong thời gian tới
12. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
Trong thời gian tới, nghiên cứu có thể được mở rộng hơn với việc nghiên cứu và phân tích hiệu quả chi ngân sách địa phương ở các nước có cùng hệ thống phân cấp tài khóa như Việt Nam. Điều này có thể giúp xác định những điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới. Ngoài ra, chất lượng nghiên cứu sẽ được nâng cao hơn nếu các chỉ số đánh giá hiệu quả chi ngân sách địa phương được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau, đa dạng hơn. Đồng thời, chất lượng của mô hình phân tích tác động của việc phân cấp tài khóa đến hiệu quả chi ngân sách địa phương cũng có thể được cải thiện nếu nghiên cứu thêm các yếu tố khác liên quan đến đặc điểm hành chính của các cơ quan nhà nước. Những hạn chế này cũng có thể là những gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo về mối quan hệ giữa việc phân cấp tài khóa và hiệu quả chi ngân sách địa phương.
13. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
1. Trần Hoàng Minh (2023) Thực trạng phân cấp nhiệm vụ chi trong quản lý ngân sách nhà nước tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, tháng 5/2023.
2. Trần Hoàng Minh (2023) Hàm ý chính sách góp phần nâng cao hiệu quả phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, tháng 5/2023
3. Nguyen, T. T., Minh, T. H., Nhung, D. T. (2023) The impact of budget allocation on sustainable development towards poverty reduction: case of provinces in Vietnam,Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam – ISBN: 978-604-55-7850-6
4. Minh, T. H (2023) Impacts of fiscal decentralization on the performance of local government expenditure: evidence from Vietnam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: International Conference on Business and Finance 2023 - ISBN: 978-604-48-0514-6
>> Xem Thông tin luận án tại đây./.