Cử nhân ngành Kinh tế phát triển



 Ngành Kinh tế phát triển là xu hướng nổi bật của tương lai, vì sao lại như vậy?

Kinh tế phát triển là ngành khoa học kinh tế nghiên cứu về quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Mục tiêu là hướng tới sự phát triển bền vững trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa và biến đổi toàn cầu.

Kinh tế phát triển sử dụng chiến lược quản trị tri thức, hệ thống lý thuyết kinh tế, các phương pháp phân tích kinh tế và hoạch định chính sách, các mô hình toán học để giải quyết các vấn đề phát triển của doanh nghiệp, cộng đồng, vùng, quốc gia và quốc tế.

Đào tạo kinh tế phát triển là xu hướng nổi bật khi kiến thức của ngành này đáp ứng được yêu cầu rất cao hiện nay trong hoạt động kinh doanh quốc tế, phân tích dữ liệu, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cấp độ quốc tế, quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.

Học ngành này, sinh viên sẽ đạt được các kỹ năng thiết yếu bao gồm: khả năng ngoại ngữ và khả năng lãnh đạo; kỹ năng khai phá dữ liệu; thái độ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp; năng động, giao tiếp tốt, có khả năng đàm phán, thuyết phục; khả năng thích ứng, lập kế hoạch hoạt động và quản lý thời gian hiệu quả.

Trở thành sinh viên ngành Kinh tế phát triển tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mang đến những lợi ích gì?

Môi trường học tập hàng đầu

Sinh viên ngành Kinh tế phát triển được học tập trong môi trường học tập hiện đại, năng động và quốc tế hóa của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với hệ thống cơ sở vật chất, phòng học cùng trang thiết bị hiện đại.

Với ngành Kinh tế phát triển, 90% giảng viên đào tạo ngành này tốt nghiệp tại các trường hàng đầu của thế giới tại Anh, Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong đó trên 70% giảng viên có trình độ GS, PGS, tiến sĩ. Hàng năm có các giáo sư nước ngoài nổi tiếng thế giới sang Trường nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên ngành Kinh tế phát triển
 

PGS.TS Nguyễn An Thịnh – Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

 Chương trình học định hướng chuyên sâu và quốc tế hóa

Sinh viên được học tập và nghiên cứu các lĩnh vực hiện đại nhất về kinh tế hiện nay, gồm kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kinh tế hành vi, kinh tế công cộng, chính sách công và chính sách phát triển, kinh tế tài nguyên và môi trường, kinh tế học phát triển bền vững.

Thứ nhất, Sinh viên có 3 đợt thực tập chuyên ngành, trong đó sinh viên năm thứ ba có thể thực tập ở nước ngoài, ưu tiên các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và các nước phát triển trên thế giới.

Thứ hai, đến năm cuối, sinh viên sẽ lựa chọn một trong bốn chuyên sâu sau đây để học tập, thực tập và làm khóa luận tốt nghiệp: Kinh tế học, Phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách phát triển, Chính sách công và phát triển, Kinh tế môi trường và phát triển bền vững

Sinh viên ngành Kinh tế phát triển thảo luận trong giờ học

Thứ ba, chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển chú trọng đào tạo sinh viên có khả năng phân tích dữ liệu chuyên nghiệp. Thực tế nhu cầu thế giới về những người có đủ kỹ năng để tạo ra tri thức từ dữ liệu lớn (big data) sẽ vượt 50% so với nguồn cung. Do có sự thiếu hụt lớn nhân lực trong lĩnh vực này mà thu nhập của các chuyên gia phân tích dữ liệu kinh tế thuộc loại cao nhất trong khối ngành kinh tế, cũng có thời gian tìm được việc làm phù hợp rất ngắn. Trong chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển, có tới 11 môn học (học phần) đào tạo bài bản về phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách phát triển, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể phân tích dữ liệu chuyên nghiệp.

Thứ tư, chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển hướng tới đào tạo công dân toàn cầu, những con người có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo, tư duy rộng mở, có những sáng tạo đột phá trong giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay là phát triển quốc tế, kinh tế tài nguyên và môi trường, kinh tế học phát triển bền vững. Sinh viên ngành Kinh tế phát triển năm thứ tư có thể tiếp tục đăng ký học chuyển tiếp và nhận bằng đại học tại một số trường đại học ở các nước phát triển. Thực tế nhiều cử nhân ngành Kinh tế phát triển được học bổng du học của các Trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Lương Thị Tuyến, cựu sinh viên Kinh tế phát triển khóa K55, nhận học bổng Tiến sĩ tại Đại học Newcastle, Australia
Nguyễn Thị Hiền, cựu sinh viên ngành Kinh tế phát triển khóa K53 nhận học bổng thạc sĩ Phát triển nông thôn và vùng tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT, Thái Lan 2015), học bổng thạc sĩ Quản lý tại Đại học Waikato (New Zealand 2016).

Khoa Kinh tế phát triển, nơi hỗ trợ và chắp cánh cho những ước mơ

Bên cạnh học tập, Khoa Kinh tế phát triển trang bị cho sinh viên những nền tảng nghiên cứu căn bản. Khoa luôn tạo cơ hội và hỗ trợ, hướng dẫn cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Sinh viên có thể tham gia thực hiện các nghiên cứu cá nhân; tham gia vào các đề tài/dự án của giảng viên. Ngoài ra, sinh viên cử nhân KTPT có cơ hội nhận học bổng nghiên cứu khoa học, học bổng thực tập nước ngoài do chính giảng viên Khoa Kinh tế phát triển thu hút. Trong năm học 2020-2021, ba trường đại học của Canada và Đài Loan cam kết cấp học bổng cho riêng sinh viên ngành Kinh tế phát triển thực hiện nghiên cứu khoa học, thực hiện khóa luận tốt nghiệp và thực tập hè tại nước ngoài.

Sinh viên ngành Kinh tế phát triển tham gia tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và bền vững (EDESUS 2019)

Bên cạnh những hoạt động ngoại khóa chung của trường, khoa cũng tổ chức thường xuyên các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn cho sinh viên

Chương trình tập huấn cán bộ Đoàn hội của sinh viên ngành Kinh tế Phát triển

Với sự năng động, trẻ trung, sinh viên theo học ngành Kinh tế phát triển sẽ được tiếp cận với cách tư duy mới, hiện đại để có thể nâng cao những kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, sinh viên phát triển nhiều kỹ năng cá nhân và tư duy khoa học.

Tham khảo thông tin chương trình đào tạo tại đây.


Phòng Tuyển sinh