New Trang tin
 
Chính sách an sinh cần làm nhanh, trước khi người lao động rơi vào bi kịch

Theo đánh giá của chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, lao động tự do hiện là đối tượng chịu tác động lớn nhất của đại dịch, họ bị tổn thương lớn và khó tiếp cận các gói hỗ trợ. 



TS Nguyễn Quốc Việt, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Hà Nội, Phó Viện trưởng VEPR, trong báo cáo "đại dịch Covid-19 thách thức sức bền của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam" đã khẳng định: Qua đại dịch và thực tiễn dân số già hóa, VIệt Nam cần gia cố hệ thống an sinh nhằm quản lý rủi ro cấp quốc gia và cấp hộ gia đình.

Ông Việt cho rằng, dịch bệnh và các biện pháp ứng phó của các quốc gia trong đó có Việt nam đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.

Chính sách an sinh cần làm nhanh, trước khi người lao động rơi vào bi kịch - 1
Những lao động tự do, khu vực phi chính thức đang là đối tượng chịu tác động nặng nhất của đại dịch và khó được nhận các khoản hỗ trợ (Ảnh minh họa: Tố Linh).

Thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Chính vì vậy, hệ thống an sinh xã hội với các chính sách bảo hiểm, trợ cấp xã hội được các chuyên gia nhận định sẽ vẫn là một trong những công cụ hữu ích để bình ổn xã hội, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

Theo Phó Viện trưởng Viện VEPR, dù đã có nhiều cố gắng để hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động bị mất việc làm, nhưng trên thực tế triển khai của năm 2020, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động vẫn còn một số bất cập.

Điển hình như, các gói hỗ trợ an sinh xã hội thời gian vừa qua đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo.

Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh covid 19 thời gian qua lại là người lao động tự do, lao động dễ bị tổn thương thuộc khối phi chính thức lại rất khó khăn trong việc tiếp cận được với gói hỗ trợ này.

Chính vì vậy, theo đánh giá nhóm các chuyên gia kinh tế của VEPR do TS Việt làm chủ biên, các chính sách hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và chú trọng đặc biệt cho nhóm yếu thế.

"Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có"- báo cáo của chuyên gia VEPR nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo đại diện Viện VEPR, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức, bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của DN. Việc khoanh, ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho DN như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai.

Nhìn rộng ra, ông Việt cho rằng: Hệ thống an sinh xã hội sẽ ngày càng cần phải là một hệ thống khuyến khích tiết kiệm quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng bao trùm, ứng phó với dân số già, thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả hơn, quản lý rủi ro cấp quốc gia và cấp hộ gia đình.

"Hệ thống an sinh xã hội cần tính bền vững để ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn của dịch bệnh, thiên tai và mức độ già hóa dân số. Đây cũng là nhiệm vụ song hành mà nhiều nền kinh tế lớn thế giới đã, đang làm để thực hiện phát triển hài hòa giữa phát triển và công bằng xã hội", nhóm chuyên gia VEPR đề xuất.

>> Xem bài gốc


Theo Báo điện tử Dân trí


Các tin khác