New Trang tin
 
Khoa học Kinh tế chính trị: Những vấn đề đương đại

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc về kinh tế, xã hội và chính trị, việc nghiên cứu và thảo luận các vấn đề đương đại về Khoa học Kinh tế Chính trị trở nên cấp thiết. Sự chuyển mình của các nền kinh tế, sự gia tăng của các lực lượng xã hội và sự ảnh hưởng của công nghệ mới đã tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho các quốc gia.



Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại”. Hội thảo do khoa Kinh tế chính trị chịu trách nhiệm về chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam-Viện hàn lâm KHXN Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu mang tính đề dẫn, chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS. Đào Thanh Trường, PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Trong thế giới ngày nay, những thay đổi về chính trị, kinh tế và công nghệ đang diễn ra với tốc độ chưa từng có. Các vấn đề như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và môi trường đòi hỏi những giải pháp không chỉ mang tính toàn cầu mà còn phải gắn liền với những đặc thù của từng quốc gia. Kinh tế chính trị, với tư cách là một ngành khoa học, đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền tảng lý thuyết và công cụ phân tích để chúng ta hiểu và giải quyết các vấn đề này.

PGS.TS. Đào Thanh Trường, PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo cũng khẳng định: Kinh tế chính trị với tư cách là một môn khoa học được nghiên cứu và giảng dạy trên thế giới trong nhiều năm qua, đã có nhiều bước phát triển quan trọng và ngày càng được chú ý, ngày càng có tính chất liên ngành và đa ngành. Thực tiễn chính trị, kinh tế và xã hội không ngừng biến đổi đòi hỏi phải tiếp thu, cập nhật những nội dung tiến bộ, phù hợp với xu thế vận động, phát triển của thế giới để đổi mới lý luận về kinh tế chính trị.

PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên nhằm chia sẻ và thảo luận những nội dung quan trọng như mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, cũng như các chính sách kinh tế xã hội trong thời kỳ hội nhập. Hội thảo không chỉ mang lại cái nhìn sâu sắc về những vấn đề nóng bỏng hiện nay mà còn mở ra hướng đi mới cho nghiên cứu và tư vấn chính sách trong lĩnh vực Kinh tế Chính trị.

            Tại hội thảo, các học giả đã phân tích và nhấn mạnh các biến đổi chính trị trên thế giới và những vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật tại Việt Nam, từ đó thảo luận những cơ hội và thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động cả về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ.

            PGS.TS. Phạm Văn Dũng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mở đầu Hội thảo với tham luận “Suy nghĩ về một số vấn đề kinh tế chính trị cấp bách ở Việt Nam hiện nay”. PGS khẳng định nhiệm vụ quan trọng của Đảng và toàn dân trong việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và nhấn mạnh 10 mối quan hệ lớn cần giải quyết, từ phát triển kinh tế đến bảo vệ môi trường, với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội. Những quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dài hạn mà còn liên hệ chặt chẽ với những vấn đề mà các tham luận tiếp theo sẽ thảo luận.

     PGS.TS. Phạm Văn Dũng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày tham luận tại Hội thảo

     Liên quan trực tiếp đến các thay đổi trong lực lượng sản xuất, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trình bày tham luận “Làn sóng công nghệ mới và sự thay đổi của lực lượng sản xuất” nhấn mạnh vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông phân tích AI không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng mà còn đặt ra những thách thức lớn cho người lao động và cấu trúc xã hội, yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính sách và nguồn nhân lực.

            Tiếp tục luận điểm về vai trò của nhà nước trong bối cảnh công nghệ số, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã nhấn mạnh trong tham luận “Vai trò của Nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay” rằng chính phủ cần đóng vai trò điều phối, giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường và an ninh mạng, thông qua việc hợp tác quốc tế để tối ưu hóa các giải pháp cho phát triển bền vững.

            Nhìn nhận sâu hơn vào khía cạnh phát triển bền vững của chuyển đổi số, PGS.TS. Phan Thế Công, Trường Đại học Thương Mại trong bài “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng và phát triển bền vững” đã đề cập đến những tác động của chuyển đổi số đến kinh tế Việt Nam, từ việc nâng cao năng suất đến các thách thức quản lý. Ông đưa ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ các ngành nghề chủ chốt trong quá trình chuyển đổi số và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ xu hướng này.

PGS.TS. Phan Thế Công, Trường Đại học Thương Mại  trình bày tham luận tại HT

Khép lại chuỗi tham luận, TS. Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày “Sự biến đổi và thách thức trong các chính sách giảm nghèo của Việt Nam từ 1990 đến nay” tập trung vào hiệu quả của các chính sách giảm nghèo qua các thời kỳ và yêu cầu đổi mới chính sách phù hợp với tình hình hiện tại. Ông nhấn mạnh rằng cách tiếp cận mới trong chính sách giảm nghèo cần được kết hợp với chuyển đổi số và các mô hình phát triển bền vững để đảm bảo công bằng xã hội và hỗ trợ hiệu quả cho người dân.

Sau chuỗi tham luận được trình bày bởi các nhà nghiên cứu là phiên thảo luận mang tính đối thoại cao, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu, giảng viên và học viên.

Có mặt tại Hội thảo, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng những vấn đề được trình bày trong buổi Hội thảo hôm nay mang tính thực tiễn cao và ý nghĩa mang tính phát triển quốc gia và nên duy trì các hoạt động thường xuyên. Theo PGS khái niệm cơ bản của KTCT mang tính giai đoạn, thời đại, xuyên suốt quá trình phát triển loài người. Tại Việt Nam, cách đặt vấn đề KTCT cần tập trung hơn vào thực tiễn, cấu trúc mới, theo đúng hướng phát triển thời đại như phát triển kinh tế, giáo dục, công nghệ. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển đồng thời nhiều thách thức. Để đạt được sự tăng trưởng Chính phủ cần nhìn nhận lại cấu trúc tư liệu sản xuất; tình thế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để có các định hướng, chính sách đúng đắn.

            Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Trần Đình Thiên, TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế Chính trị Thế giới cho rằng: Trước tác động của 4 cuộc cách mạng công nghệ, DN cần thay đổi thách thức quản lý khi lao động giá rẻ không còn là điểm mạnh nữa, dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ thay thế người lao động. Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy sản xuất thông minh sẽ do khu vực tư nhân làm chủ đạo, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò đứng sau hỗ trợ.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận

            Bàn sâu hơn về vấn đề sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, ĐH Kinh tế Quốc dân đặt vấn đề trong dài hạn, bản chất sở hữu toàn dân cũng đang hướng đến gần hơn nền tảng công nghệ; và các quy luật kinh tế đang có sự thay đổi cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về vấn đề sở hữu, đặc biệt là sở hữu trí tuệ. Cùng thảo luận về vấn đề này PGS. TS. Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ ngày nay, chính phủ Việt Nam cần có giải pháp gì để đưa nhiều dữ liệu sạch hơn, tốt hơn để AI phát triển; và làm thế nào để có các thể chế cho các nhân tố mới này nhằm sử dụng hiệu quả AI.

 PGS. TS. Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại HT

         TS Nguyễn Cảnh Cường, Nguyên tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Anh bổ sung thêm các vấn đề về môi trường. Theo Ông, Môi trường là vấn đề cấp bách trong bối cảnh KTCT ngày nay. Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ môi trường. Từ đó, ông gợi ý rằng khoa học KTCT cần nghiên cứu sâu hơn vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, tư duy lại công nghiệp hóa hiện đại hóa. 

Cùng những trăn trở về khoa học KTCT, PGS. TS. Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện chính trị Quốc gia HCM nhận định: Khoa học KTCT đã cung cấp nền tảng quan trọng trong xây dựng đường lối phát triển đất nước và luận giải các vấn đề căn cốt nhất để phát triển đất nước. Trong thời gian tới, ông cho rằng các nhà nghiên cứu lĩnh vực KTCT cần phác thảo lý luận nền tảng cho sự phát triển KTCT quốc gia trong giai đoạn dài hơn, xa hơn, cần có tầm nhìn chiến lược hơn. 

            Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Đặng Phương Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiến nghị cần xem xét phát triển kinh tế bền vững phải nhấn mạnh yếu tố văn hoá, theo đó, nên xác định 4 trụ cột của phát triển, đó là: Kinh tế-Xã hội-Môi trường-Văn hoá.

Kết thúc phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu, các học giả đều thống nhất: khuyến nghị việc xây dựng các chính sách linh hoạt, kết hợp các yếu tố kinh tế và môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Hội thảo cũng đề xuất những hướng nghiên cứu mới về vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy một nền kinh tế xanh, minh bạch, cùng với sự hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức toàn cầu hiện nay.

             Tại Hội thảo, cuốn Kỷ yếu “Khoa học Kinh tế chính trị: Những vấn đề đương đại” trình bày những nghiên cứu sâu sắc về các vấn đề kinh tế chính trị hiện nay, bao gồm cả trên thế giới và tại Việt Nam cũng được BTC Hội thảo giới thiệu. Với tổng số 656 trang, cuốn kỷ yếu này được chia thành hai phần. Phần 1gồm 3 chương chính, tập trung vào phân tích những nội dung kinh tế chính trị được đại của thế giới. Phần 2 gồm 4 chương - là bức tranh của Kinh tế chính trị đương đại của Việt Nam. Mỗi chương tập trung vào những khía cạnh khác nhau của kinh tế chính trị trong bối cảnh hiện đại. Kỷ yếu tập trung nhiều bài nghiên cứu có chất lượng của các tác giả từ các viện nghiên cứu, giảng viên Kinh tế chính trị các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu các đề tài Tư vấn chính sách của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng góp phần làm phong phú hơn các góc độ tiếp cận Kinh tế chính trị hiện đại đối với các vấn đề có tính toàn cầu và những vấn đề của Việt Nam hiện nay. Đề tài KT.23.39 (PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp chủ trì) mang đến cách tiếp cận mới về chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong bối cảnh thế kỷ XXI. Đề tài KT23.16 (ThS Đỗ Hoàng Phương chủ trì) góp một ý kiến phân tích thực trạng an ninh Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động Kinh tế chính trị quốc tế; 

Những vấn đề trao đổi, gợi mở tại Hội thảo sẽ được tập hợp vào Báo cáo tư vấn chính sách của trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN gửi tới các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, góp thêm tiếng nói từ các nhà khoa học vào tiến trình phát triển chung của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo:


ThS. Dương Thị Trà My, Khoa Kinh tế chính trị


Các tin khác