New Trang tin
 
Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức Tọa đàm Trí tuệ nhân tạo AI trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang ngày càng trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc quản trị đại học thông minh, giúp các trường đại học có thể tạo ra một “cuộc cách mạng” biến đổi trải nghiệm học tập, cải thiện quản lý và tối ưu hóa nguồn lực. Nắm bắt xu thế phát triển đó, ngày 21/4 vừa qua, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) phối hợp với Khoa Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN (IFI), Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN (UET) tổ chức tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh".



Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức hybrid, trực tiếp tại Hội trường 801 E4 – Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và trực tuyến qua nền tảng Zoom kết hợp livestream Facebook đã thu hút hơn 200 người tham dự, là các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia, người học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cho biết “trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, phát triển nhanh chóng và có tiềm năng để thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp và đời sống của con người. Trong khi đó, giáo dục đại học cũng đang phải đối mặt với các thách thức và cơ hội mới khi AI ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự trang bị đầy đủ về những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết mới liên quan tới AI.” Mặt khác, “Ngành Kinh tế số (Digital economy) là ngành đào tạo nhân lực có kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế trong thời đại số; có khả năng vận dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (Internet of Things), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data)…”

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng kỳ vọng các bài tham luận của các diễn giả trong tọa đàm sẽ cung cấp thông tin, kiến thức và chia sẻ các kinh nghiệm bước đầu về sử dụng AI trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, đồng thời đi thẳng vào những vấn đề nổi cộm mà công nghệ AI đặt ra đối với nền kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục đại học nói riêng. Từ đó đề xuất, gợi mở những hàm ý chính sách kịp thời cho đất nước cũng như thúc đẩy, tạo tiền đề cho các giảng viên, nhà khoa học tích cực sáng tạo, vận dụng những phương pháp dạy học hiện đại vào thực tiễn để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu các tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.

Chương trình là nơi cung cấp thông tin, kiến thức và chia sẻ các kinh nghiệm bước đầu về sử dụng AI trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học

Trong bài tham luận đầu tiên với đề tài “Phát triển ứng dụng dựa vào mô hình ngôn ngữ lớn”, TS. Nguyễn Văn Vinh – Chuyên gia về Dịch máy Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã mang tới thông tin về cách mà thế giới đã tiếp cận, phát triển công nghệ AI và ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống như thế nào. Thông qua ví dụ điển hình về mô hình Chat GPT, TS. Nguyễn Văn Vinh đưa ra phân tích về những mặt tích cực, đồng thời chỉ ra những mặt trái của công nghệ này đem lại. 
Giải đáp các thắc mắc của khán giả tham dự, diễn giả cũng nhấn mạnh, các khóa học, chương trình đào tạo tại bậc đại học cần khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng của AI, cũng như cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học mới để bắt kịp với những xu hướng thay đổi nhanh chóng, bước tiến vượt bậc trong thị trường việc làm và hoạt động nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo trên thế giới.

TS. Nguyễn Văn Vinh (Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) chia sẻ bài tham luận “Phát triển ứng dụng dựa vào mô hình ngôn ngữ lớn”
PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng và PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN lắng nghe phần trình bày của các diễn giả
Khán giả đặt câu hỏi cho diễn giả tại chương trình

“Ứng dụng AI trong nghiên cứu và đào tạo kinh tế” là nội dung bài tham luận số 2 do ThS. Nguyễn Tiến Chương, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trình bày. Diễn giả chỉ ra rằng, trong nghiên cứu, giáo dục đào tạo nói chung và lĩnh vực kinh tế nói riêng, các lợi ích mà AI mang lại có thể bao gồm trải nghiệm học tập được cá nhân hóa và hiệu quả hơn cũng như tăng khả năng tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, các thách thức có thể tập trung vào các mối quan tâm về quyền riêng tư, cân nhắc về đạo đức và khả năng hệ thống AI có thể phân tích những thông tin mang tính thời sự. Công nghệ AI giống như con dao hai lưỡi, nếu vận dụng hiệu quả, AI sẽ là vũ khí sắc bén để giải quyết nhiều vướng mắc nhưng đồng thời cũng có thể là mối nguy nếu ứng dụng không đúng cách.

ThS. Nguyễn Tiến Chương (UEB) trình bày tham luận với nội dung “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và đào tạo kinh tế”

Bài tham luận cuối cùng với chủ đề “AI, Machine Learning, dữ liệu phi cấu trúc và ứng dụng trong nghiên cứu lịch sử và lịch sử kinh tế” do ThS. Hồ Bảo Lâm, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN giới thiệu. Diễn giả cho biết, “một cách truyền thống, data trong lịch sử kinh tế thường được rút trích từ các bộ dữ liệu hành chính còn sót lại (thuế, các ghi nhận sinh tử, nhân khẩu, thương mại...). Tuy nhiên, các dữ liệu này thường không đầy đủ và thường chỉ tồn tại ở một số thể loại nhất định. Trong khi đó, một lượng lớn các dữ liệu định tính và phi cấu trúc (unstructured), nếu có thể được chuyển sang dữ liệu tính toán được, sẽ mang lại một cuộc cách mạng cho phân tích kinh tế học và lịch sử kinh tế.” 
Sau khi phân tích các nghiên cứu, diễn giả cho rằng, AI là một công cụ hữu ích để thu thập các bộ dữ liệu lớn có tính hệ thống và có khả năng cách mạng hoá các phân tích kinh tế, lịch sử, lịch sử kinh tế, trả lời các câu hỏi quan trọng và có nhiều tiềm năng ứng dụng vào nghiên cứu liên ngành trong ĐHQGHN.

Đề tài “AI, Machine Learning, dữ liệu phi cấu trúc và ứng dụng trong nghiên cứu lịch sử và lịch sử kinh tế” do ThS. Hồ Bảo Lâm (UEB) giới thiệu trong tọa đàm
Khán giả là các giảng viên, chuyên gia có mặt tại Hội trường 801 để tham gia trực tiếp, lắng nghe các bài tham luận

Dưới sự chủ trì của PGS.TS Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị (UEB), tọa đàm kết thúc với phiên thảo luận bàn tròn giữa các chuyên gia, nhà khoa học bao gồm: TS. Hồ Tường Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (IFI); TS. Nguyễn Văn Vinh, Chuyên gia Dịch máy (UET); PGS.TS Hoàng Văn Xiêm, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Robot (UET) và TS. Vũ Quốc Hiển, Khoa Tài chính Ngân hàng (UEB).

Các diễn giả trao đổi trong phiên thảo luận bàn tròn

Các diễn giả khẳng định, sự kết hợp giữa công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính sẽ tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, học viên có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo và hợp tác học thuật, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới. Đồng thời, ứng dụng AI có thể giúp các nhà quản lý giáo dục phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định thông minh, hiệu quả hơn trong việc quản lý các hoạt động giáo dục. Đối với các cơ sở đào tạo cũng có thể ứng dụng công nghệ AI để dự đoán nhu cầu tuyển sinh trong tương lai và đưa ra các kế hoạch phát triển giáo dục.

PGS.TS Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị (UEB)
TS. Hồ Tường Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (IFI)
TS. Nguyễn Văn Vinh, Chuyên gia Dịch máy (UET)
PGS.TS Hoàng Văn Xiêm, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Robot (UET)
TS. Vũ Quốc Hiển, Khoa Tài chính Ngân hàng (UEB)

Phát biểu bế mạc tọa đàm, TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN cho biết, những mô hình liên kết giữa các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ giúp phát huy hơn thế mạnh về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, tạo bước đà cho sinh viên để tiếp cận với công nghệ tương lai.

TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN phát biểu bế mạc chương trình

Từ thành công của buổi tọa đàm mở ra định hướng ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo, cải thiện chất lượng giáo dục và tăng tốc độ đổi mới công nghệ, hướng tới các giải pháp thông minh và hiệu quả hơn trong đào tạo. Trên cơ sở đó, các chương trình đào tạo của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tận dụng tối đa những lợi thế mà AI đem lại, mang đến cho sinh viên, học viên một môi trường học tập số hóa, hiện đại với những kiến thức phù hợp xu thế thời cuộc.


Thu Uyên, Quang Trung - UEB Media