New Trang tin
 
Hợp tác triển khai các dự án quốc tế: UEB biến cơ hội thành sức mạnh để các giảng viên đi tắt đón đầu

Quốc tế hóa giáo dục là mục tiêu chiến lược của Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Trong thời gian vừa qua, vượt qua những rào cản của dịch COVID 19, UEB đã tổ chức thành công nhiều chương trình trao đổi nghiên cứu và đào tạo quốc tế, các hội thảo, diễn đàn khoa học có quy mô lớn, thu hút các nhà khoa học, các giảng viên đến từ các trường ĐH uy tín trên thế giới tham gia, trong đó nổi bật là dự án EM4FIT.



Trường ĐH Kinh tế là trường đại học duy nhất tại Việt Nam tham gia dự án EM4FIT

Trong khuôn khổ Dự án Quản trị khởi nghiệp để thúc đẩy sự đổi mới và tài năng (Entrepreneurial Management for Fostering Innovation and Talents - EM4FIT) do Liên minh Châu Âu EU tài trợ, UEB đã chào đón các giảng viên, nhà khoa học Trường Đại học Salento, Ý tới giảng dạy và hợp tác nghiên cứu. 

Dự án kéo dài trong 4 năm, do Đại học Nam Đan Mạch (University of Southern Denmark SDU) - Đan Mạch làm chủ nhiệm đề tài, gồm 16 đơn vị thành viên là các trường Đại học ở Châu Âu (Ý, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp…) và Châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam).

Trường ĐHKT - ĐHQGHN là đại diện duy nhất tại Việt Nam tham gia dự án này, mang lại nhiều cơ hội để giảng viên của UEB học tập và trao đổi giảng dạy và tham gia viết các bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế.

Theo PGS.TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, dự án EM4FIT nhằm nghiên cứu xu hướng, hành vi khởi nghiệp và quản trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh quốc tế hóa và phát triển bền vững. Dự án không chỉ giúp nâng cao năng lực cho giảng viên, nhà nghiên cứu mà còn thực sự mang đến nhiều kết quả nghiên cứu giá trị về các vấn đề có ý nghĩa toàn cầu.

Thu hút các nhà khoa học uy tín của thế giới đến giảng dạy, lan tỏa nghiên cứu tại UEB

Tháng 11/2022 vừa qua, hai giảng viên đến từ Trường Đại học Salento, Ý là Tiến sỹ Claudio Petti và Tiến sỹ Marco Di Cintio đã tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

Theo đó, giảng viên và sinh viên UEB đã có nhiều buổi làm việc, trao đổi trực tiếp với 2 giảng viên về các vấn đề kinh tế đang được quan tâm. Tiến sỹ Claudio Petti và Tiến sỹ Marco Di Cintio đã thực hiện 4 buổi chia sẻ về chiến lược phát triển và bắt kịp của doanh nghiệp Việt Nam, các hành vi của người tiêu dùng hiện đại cũng như các vấn đề nghiên cứu của Dự án EM4FIT. Hai chuyên gia cũng đã có thời gian phối hợp làm việc trực tiếp tại Viện Quản trị và Kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế, cùng giao lưu và khám phá văn hóa Việt Nam tại các địa danh nổi tiếng tại Ninh Bình và Hà Nội. 

Dự kiến trong năm 2023, một số nhà khoa học thành viên của dự án sẽ tiếp tục có những hoạt động giảng dạy và trao đổi khoa học tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

Tiến sỹ Claudio Petti và Tiến sỹ Marco Di Cintio đến từ Trường Đại học Salento, Ý chia sẻ cùng giảng viên và sinh viên UEB về các chủ đề nghiên cứu của dự án EM4FIT
Hai tiến sỹ cùng tham gia giảng dạy trực tiếp cùng các giảng viên UEB
Hai chuyên gia nước ngoài đã có chuyến tham quan các danh lam thắng cảnh tại Việt Nam cùng gia đình và các giảng viên của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN

Đánh giá cao về chất lượng đào tạo và giảng dạy của giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cũng như rất ấn tượng về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của UEB, Tiến sỹ Claudio Petti chia sẻ: “Tôi rất vinh dự được trao đổi với giảng viên, sinh viên, giảng viên UEB và mong muốn tiếp tục có cơ hội được hợp tác với các bạn. Chắc chắn tôi sẽ mời thêm các nhà khoa học khác tại Đại học Salento, Ý tới trao đổi khoa học tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN”.

Với Đinh Long Nhật (sinh viên năm 3 Viện Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN) sinh viên UEB được nhà trường tạo nhiều điều kiện để có nhiều cơ hội được học tập với các giảng viên, chuyên gia quốc tế. Em cho biết: “Buổi trao đổi của các chuyên gia đến từ dự án EM4FIT đã mang đến góc tiếp cận mới về các vấn đề quản trị và kinh doanh hiện đại. Với các sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh đã được học môn học về Khởi nghiệp và quản trị khởi nghiệp thì những tri thức mới, cập nhật của các chuyên gia đến từ châu Âu càng có giá trị thực tiễn cao. Những buổi học với các giảng viên nước ngoài giúp chúng em có thêm động lực và sự tự tin, chủ động khi học tập và làm việc với các chuyên gia và bạn bè quốc tế.”

Kết nối giảng viên UEB với mạng lưới các nhà khoa học châu Âu và thế giới

Theo, PGS.TS Phan Chí Anh, có 8 giảng viên, nghiên cứu viên của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tham gia vào các hoạt động nghiên cứu của dự án, trong đó có các giảng viên giàu kinh nghiệm và các giảng viên trẻ được dự án tài trợ đi trao đổi tại một số nước châu Âu. Trong các chuyến đi này, giảng viên đã được tiếp cận với phương pháp hiện đại trong việc nhận dạng và phân tích các vấn đề kinh tế quốc tế cũng như có những hoạt động tích cực để phát triển chuyên môn và mở rộng kết nối giữa UEB với các trường đại học quốc tế.

“Các giảng viên UEB tham gia dự án đã tạo ra được các sản phẩm chung cùng các nhà khoa học nước ngoài, như các bài báo, các chuyên đề, các buổi chia sẻ kinh nghiệm, và nhất là việc kết nối với 70 nhà khoa học tại 16 trường ĐH trong dự án. Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã biến cơ hội hợp tác quốc tế thành sức mạnh để hỗ trợ các giảng viên trẻ đi tắt đón đầu” - PGS.TS. Phan Chí Anh chia sẻ.

Tháng 6/2022 vừa qua, trong chuyến đi trao đổi khoa học tại Đại học Salento, Ý, PGS.TS Phan Chí Anh đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu với các thành viên của dự án về các vấn đề kinh tế của Việt Nam và quốc tế đang được quan tâm hiện nay, như tổng quan nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ tới năng suất tại doanh nghiệp các nước đang phát triển; phân tích dữ liệu tác động của chuyển giao công nghệ tới kết quả hoạt động Việt Nam trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam; nghiên cứu một số kinh nghiệm của Ý trong phát triển công nghệ doanh nghiệp SME. Chuyến đi cũng mang lại cho nhà khoa học của UEB những cơ hội làm việc và trao đổi khoa học tại các buổi seminar với giảng viên và sinh viên quốc tế tại châu Âu.

Hoạt động trao đổi giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên tại các trường đại học uy tín trên thế giới được Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chú trọng thúc đẩy, bởi đây không chỉ là cơ hội để mỗi giảng viên trau dồi, phát huy năng lực chuyên môn mà còn là bước đệm, là cầu nối để tạo dựng mối quan hệ lâu dài trong kết nối, hợp tác giữa UEB với các đối tác này.

UEB đang dần trở thành điểm đến tin cậy, hiệu quả của nhiều giảng viên, nhà khoa học quốc tế tới giảng dạy, hợp tác nghiên cứu; đưa thương hiệu Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN gần hơn với cộng đồng học thuật và đào tạo quốc tế, khẳng định vị thế vững chắc ở các vị trí xếp hạng trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, khoa học quản lý của các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới.


Thùy Dung – UEB Media