New Trang tin
 
Ngày làm việc đầu tiên của Cơ quan ĐHQGHN tại trụ sở mới Hòa Lạc

Ngày 19/05/2022, nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là dấu ấn đặc biệt của ĐHQGHN khi toàn bộ Cơ quan chuyển trụ sở chính tới Hòa Lạc.



Bước ngoặt mang tính lịch sử

Kế thừa truyền thống hiếu học của Đại học Đông Dương và Đại học Quốc gia Việt Nam, ĐHQGHN có đội ngũ cán bộ, nhà khoa học hùng hậu. Với bề dày lịch sử vẻ vang hơn 110 năm, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã từng học tập và rèn luyện tại đây. ĐHQGHN đã khẳng định vị thế quốc tế, xứng đáng với kỳ vọng và sự quan tâm của Đảng và Nhà nươc, được xã hội đánh giá cao.

Ngày 19/05/2022, lịch sử của ĐHQGHN sẽ có thêm một dấu mốc đặc biệt khi toàn bộ Cơ quan chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc theo thông báo số 1666 / TB-ĐHQGHN ban hành ngày 18/05/2022. Việc chuyển trụ sở Cơ quan ĐHQGHN tới Hòa Lạc là một bước tiền đề quan trọng để sẵn sàng đón sinh viên tới học tập và sinh hoạt tại đây vào tháng 9/2022 tới đây.

Từ đây, con người và ý chí của ĐHQGHN như được mở ra không gian để vươn mình lên cao và xa hơn nữa.

Ngày lịch sử đối với ĐHQGHN càng thêm ý nghĩa khi trùng với kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của ĐHQGHN đã thực hiện nghi thức chào cờ và thành kính dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị Cha già kính yêu của dân tộc. 

Kế thừa tinh thần Cách mạng của Người, ĐHQGHN sẽ tiếp tục vun tạo những ý tưởng khoa học và đào tạo mới trên miền đất xanh Hòa Lạc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Để có được mốc son trọng đại này, trong vòng 6 tháng qua, toàn thể ĐHQGHN đã chung sức, đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực về Hòa Lạc, để chứng kiến những sự thay đổi hết sức nhanh chóng và vượt xa kỳ vọng.

Cuối năm 2021, ĐHQGHN thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác triển khai nhiệm vụ đưa sinh viên của ĐHQGHN lên học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Trong Quý I và Quý II năm 2022, ĐHQGHN đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm,… tại hai tổ hợp HT1, HT2 và Khu Ký túc xá Zone 4, Thư viện và khu vực điều hành ĐHQGHN. Ban Giám đốc ĐHQGHN đã chuyển lên làm việc thường trực tại trụ sở Hòa Lạc từ tháng 3/ 2022. Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình tiện ích thiết yếu phục vụ hoạt động học tập và làm việc của sinh viên, giảng viên cũng như phục vụ cộng đồng trong thời gian sắp tới, ĐHQGHN và các đối tác đã tích cực trồng thêm cây xanh tại đây, nhằm thực hiện phủ xanh 165 hecta.

Đứng dưới Quốc kỳ trong không gian ngập tràn màu xanh hi vọng của Hòa Lạc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhiệt liệt chào đón toàn thể cán bộ đến tham dự Lễ Chào cờ và Lễ Dâng hương nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lễ Chào cờ đầu tiên của ĐHQGHN tại Khu Đô thị đại học Hòa Lạc.

Giám đốc ĐHQGHN cho biết, với tinh thần quyết tâm, sự tập trung, tích cực và khẩn trương của tất cả các đơn vị, Nhà điều hành ĐHQGHN cùng không gian khuôn viên xung quanh đã được hoàn thiện, góp phần định hình rõ nét hơn bức tranh tổng thể các công trình để đón các em sinh viên lên sống và học tập tại Hòa Lạc vào tháng 9 năm nay.

Giám đốc ĐHQGHN ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, tinh thần hợp tác của Văn phòng và các Ban chức năng, Khối Văn phòng đảng đoàn thể, các đơn vị thành viên và trực thuộc, đặc biệt là Văn phòng, Ban Xây dựng, Trung tâm Phát triển ĐHQGHN, Ban Quản lý Dự án Xây dựng; Ban Quản lý các dự án; Ban World Bank; Trung tâm Thư viện và Tri thức số; đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn tới sự đồng hành của các tổ chức và cá nhân tài trợ, sự đóng góp âm thầm của nhiều cán bộ, viên chức và người lao động để Cơ quan ĐHQGHN có khu làm việc đẹp, xanh và hiện đại ngày hôm nay.

Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về một đô thị đại học đẳng cấp thế giới

20 năm trước đây, cố Thủ tướng Vũ Văn Kiệt đã thể hiện tầm nhìn và tư tưởng lớn về việc thành lập và tập trung đầu tư cho hai đại học quốc gia để Việt Nam sớm có các đại học đẳng cấp thế giới.

Đích thân cố Thủ tướng đã chọn vị trí cuối Đại lộ Thăng Long ở Thạch Thất, Hà Nội, là nơi giao thoa, điểm nối trung tâm Thủ đô Hà Nội và Hòa Lạc làm địa điểm xây dựng ĐHQGHN.

Sau bao khó khăn, tư tưởng của cố Thủ tướng Vũ Văn Kiệt vẫn luôn được hun đúc. Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc được chính thức khởi công ngày 20/12/2003 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. 

Cơ sở ĐHQGHN được kỳ vọng trở thành khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á, “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với ĐHQGHN mà còn là diện mạo của cả nước” – như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại ĐHQGHN năm 2016 trên cương vị Thủ tướng.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ban lãnh đạo ĐHQGHN, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với tư duy, cách làm mới. Thủ tướng yêu cầu triển khai dự án theo hướng khu đô thị đại học quốc gia, việc xây dựng có thể phân kỳ nhưng quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn. Thủ tướng gợi ý mô hình “5 trong 1” trong khu đô thị đại học này: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, ĐHQGHN đã tập trung toàn lực vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa 15.000 sinh viên lên học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Điều này phù hợp với chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TP. HCM đang có trụ sở tại các quận trung tâm ra ngoại thành để giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trong Thủ đô Hà Nội và những ảnh hưởng của hệ thống trường tới sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Đề án xây dựng tổng thể ĐHQGHN tại Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 18/10/2013 bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 65.000 học sinh, sinh viên; diện tích sử dụng đất sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu các dự án thành phần Đại học Quốc gia Hà Nội là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha. Tổng mức đầu tư 25.000 tỷ đồng.

Tổ hợp tòa nhà HT1 cao 5 tầng với hơn 14 nghìn mét vuông sàn, với 3 giảng đường 120 chỗ, 18 phòng học chia đều các tầng từ 50 đến 80 chỗ, 10 phòng thí nghiệm, 90 phòng làm việc khác. Tổ hợp tòa nhà HT2 cao 6 tầng, hơn 20 nghìn mét vuông diện tích sàn với 2 giảng đường 120 chỗ, 4 giảng đường 80 chỗ, 22 phòng thí nghiệm, 11 phòng học, khoảng 100 phòng làm việc với công năng khác nhau. Cả 2 công trình HT1 và HT2 gần tương đương với diện tích của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hiện nay ở nội thành Hà Nội.

Khu vực Nhà điều hành ĐHQGHN nằm ở phía Đông Nam dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, thuận lợi về giao thông đến các cụm công trình phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, với diện tích hơn 700 m2. Cụm công trình này do Công ty cổ phẩn đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI tài trợ theo hình thức không hoàn lại và “chìa khóa trao tay”.


VNU Media